Thứ ba tuần 30 thường niên
Dụ ngôn hạt cải và nắm
men
(Lc 13,18-21)
1. Để dân chúng hiểu cách tổ chức và sinh hoạt trong Nước
Trời, Đức Giêsu thường dùng những dụ ngôn mà người ta quen gọi là “Dụ ngôn Nước
Trời”. Sự phát triển của Nước Trời được ví như hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng được nảy
mầm và lớn lên phi thường. Cũng vậy, như nắm
men vùi vào ba đấu bột, nắm men có sức mạnh
làm dậy tất cả đấu bột. Hạt cải và nắm men tuy nhỏ bé, nhưng đưa đến kết
quả ngoài sức tưởng tượng. Nước Trời cũng có sức mạnh để phát triển, làm sung
mãn và biến đổi được tất cả như vậy.
2. Sự tăng trưởng cùa
Nước Trời.
Chúa ví Nước Trời như hạt cải. Cải là một thứ rau bên Thánh
địa có nhiều. Hạt cải rất nhỏ. Để nói về sự bé nhỏ của vật gì, người ta thường
ví : nó to bằng hạt cải ! nghĩa là vật ấy nhỏ lắm. Đức Giêsu cũng có lần nói đến sự bé nhỏ của hạt cải :”Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải...”. Nhỏ bé thế mà gieo vào đất
tốt, cây cải mọc cao lớn, cành lá xum xuê, chim trời đấn đậu và có thể làm tổ
được.
Hạt cải nhỏ bé thật nhưng có sức sống mãnh liệt bên trong,
nhờ có sức sống bên trong, nó có thể mọc lên thành cây lớn. Hình ảnh cây cải ở
Palestina chắc chắn khác cây rau cải ở Việt nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ
khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến
nương náu dưới tán của nó được.
Đức Giêsu có ý nói : Nước Trời ban đầu thật nhỏ bé trên dưới
vài chục người với Đức Giêsu và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestina nhỏ
bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội thánh có trên một tỷ người
có mặt khắp nơi trên thế giới. Chức năng của Nước Trời, của Hội thánh, của Dân
Chúa là phải lớn lên và trở thanh bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa
bão táp mưa sa của cuộc đời.
3. Sự thấm nhập của nắm
men.
Dụ ngôn “Men trong bột” nói lên sức men thấm nhập toàn
thúng bột, làm cho bột dậy men. Chúa không chú trọng đến số men dùng, mà chú trọng
đến sức mạnh dậy men. Cũng như men pha vào bột làm cho nó dậy men có hương vị
thì giáo lý Nước Trời cũng sẽ thâm nhập
vào thế giới làm cho nó sẽ trở nên tốt hơn và làm cho mọi người có khả
năng nhận biết Tin Mừng.
Tinh thần Bác ái Công giáo dạy chúng ta không nên khơi dậy
sự tiêu diệt, sự trả thù mà hãy nghĩ đến việc hoán cải như thứ men nhỏ bỏ vào
hũ bột. Tất cả bột sẽ dậy men. Như vậy, bổn phận người Kitô hữu là đem Tin Mừng
vào mọi cơ cấu gia đình và xã hội của mình, phải vận động để ảnh hưởng Tin Mừng
được thể hiện trong luật pháp, đoàn thể cũng như quốc gia và mọi sinh hoạt của
xã hội.
4. Với dụ ngôn hạt cải và nắm men, Đức Giêsu muốn mời gọi
chúng ta đi vào cái nhìn của Thiên Chúa. Một hạt cải nhỏ bé trở thành một cây lớn
đến độ chim trời có thể nương náu được, một ít men có thể làm dậy cả khối bột.
Sức mạnh của cái nhỏ bé, sức tỏa lan của cái âm thanh, đó là sức mạnh của chính
Giáo hội Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến
khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có
trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng, nhưng Chúa muốn các ông đặt
tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Các Tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn
tay trắng, nhưng đó đã là sức mạnh nhào nặn Giáo hội từ 2000 năm qua (Mỗi ngày
một tin vui).
5. Cả hai dụ ngôn hạt cải và nắm men đều nhấn mạnh đến sức
mạnh nội tại của Nước Chúa. Một sức mạnh
mà chúng ta nhìn thấy nhờ đức tin
mà thôi. Không có đức tin chúng ta sẽ không vượt qua được những thử thách xem ra như đang cản trở sự phát triển của Nước
Chúa trên trần gian này. Chúng ta cũng lưu ý thêm là khi kể hai dụ ngôn này Đức
Giêsu không nhằm đến diễn tiến đang xẩy ra của Nước Chúa như thế nào trong lịch
sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng
hoàn tất chung cuộc vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử
thách, những ngăn trở Nước Chúa dù được
bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn, cuối
cùng.
6. Truyện : Thế
giới chưa hoàn chỉnh.
Có một phiên bản của câu chuyện sáng thế như sau : Khi
Thiên Chúa dựng nên thế giới, Ngài dựng nên từ
từ. Ngài tạo ra cây cối, cỏ hoa, sinh vật, chim cá... Khi Ngài làm ra những vật
ấy, các thiên thần liền hỏi :”Thưa Chúa, vậy thế giới xong chưa” ? Thiên Chúa
đáp lại với một từ “chưa” đơn giản.
Sau cùng Thiên Chúa đã tạo ra con người và nói với họ :”Ta
mệt rồi, Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý làm thế, Ta sẽ
cộng tác với các con”. Họ đồng ý. Sau đó, bất cứ lúc nào các thiên thần hỏi Thiên Chúa thế giới đã
hoàn thành chưa, câu trả lời vẫn là :”Ta không biết. Các ngươi phải hỏi những
người cộng tác của Ta”.
Có những điều mà chúng ta có thể làm và phải làm, Thiên
Chúa không làm điều đó thay chúng ta. Không phải vì Ngài không thể làm chỉ vì
muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta phải gieo hạt giống, đó là phần việc
của chúng ta. Nhưng khi làm điều ấy, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không thể
làm mọi việc. Chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Đó là phần việc của
Thiên Chúa. Và Thiên Chúa làm phần việc của Ngài. Không một chủ nông trại hoặc
người làm vườn nào sẽ nói với bạn điều ấy.
Chúng ta có nhiệm vụ truyền bá Nước Thiên Chúa cho người ta
trong hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện, cho những người muốn nghe
cũng như cho những người không muốn nghe. Phần chúng ta cứ việc gieo Lời Chúa
và để cho Lời Chúa âm thầm mọc lên.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt