Thứ bảy tuần 30 thường niên
Hãy ở khiêm nhường
(Lc 14,1.7-11)
1. Đức Giêsu được mời đến dự tiệc tại nhà một thủ lành biệt
phái. Trong bữa tiệc thường có những câu chuyện vui trao đổi giữa các thực
khách để cho bữa tiệc càng thêm ngon miệng. Nhân dịp này, Đức Giêsu không nói
chuyện vui, nhưng lại đưa ra những lời giáo huấn mạnh mẽ làm cho những khách mời
cảm thấy khó chịu, vì những lời ấy đánh trúng tim đen của họ. Ngài khuyên họ
hãy ở khiêm nhường, đừng tranh nhau chỗ nhất, chỗ danh dự trong đám tiệc. Đừng
tự đánh giá mình, hãy để cho người ta đánh giá và định đoạt... Và giáo huấn của
Ngài được kết tụ trong câu :”Ai hạ mình
xuống sẽ được nâng lên, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống” (Lc 14,11).
2. Hôm ấy, Đức Giêsu được một thủ lãnh biệt phái mời đến dùng
bữa. Ngài vẫn ngồi dùng bữa với những người biệt phái và những nhà thông luật,
họ đã dò xét Ngài, trong lúc Ngài chữa lành người mắc bệnh phù thũng, và xét
đoán Ngài trong lòng họ. Còn về phía Đức Giêsu, Ngài nhận thấy khách dự tiệc cứ
tranh nhau chọn chỗ trên mà ngồi. Thời Đức Giêsu , dường như người ta chưa có
thói quen sắp xếp chỗ trước, ai muốn chọn chỗ nào thì chọn. Quả thật, đây là thói quen của những khách được
mời, họ tự chọn lấy chỗ ngồi theo thứ tự ưu tiên. Những người tự xem mình là xứng
đáng nhất, xô đẩy nhau để chiếm những chỗ cao nhất, vì thứ tự các chỗ ngồi
không tương ứng với tuổi tác, nhưng với vinh dự của kẻ được mời.
3. Lúc đó, Đức Giêsu nhắc nhở những người được mời bằng những
lời khôn ngoan thường tình. Người ta thường dạy rằng , tốt hơn là chọn một chỗ ở
cuối bàn. Lúc đó, người khách sẽ được vinh dự trước mặt mọi người, khi chủ nhà
đến yêu cầu lên chỗ cao hơn. Trái lại, thật là sỉ nhục khi điều ngược lại xẩy
ra, vì khách được mời nằm trên những chiếc ghế trường kỷ mà ăn, nên khó dậy mà
đổi chỗ một cách trang nghiêm, nếu mình phải nhường chỗ cho một người khác. Kẻ
hạ mình xuống sẽ không có nguy cơ bị hạ nhục trước mặt kẻ khác (R.C).
4. Nhưng trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều cảnh “tranh
giành ngôi thứ”, đòi “ăn trên ngồi trốc”, nhưng trong cách tranh giành người ta
đã tự “hạ mình xuống” với hậu ý là để được cất nhắc lên. Người ta tự xưng là kẻ
hèn hạ, là người không ra gì, không có gì, thậm chí là người tội lỗi nữa, với dụng
ý là để người ta khen ngợi, ca tụng họ là khiêm tốn, nhu mì, thánh thiện. Đó là
một tiểu xảo.
Ở đây Đức Giêsu không có ý dạy chúng ta như thế, mà là chân
thành nhìn nhận giá trị thực sự của mình. Nói rõ hơn, hạ mình xuống là khiêm
nhường, mà khiêm nhường thực sự là biết mình, biết sự thật về ưu đểm cũng như
khuuyết điểm của mình. Vì thế, “hạ mình xuống” là sửa lại những phóng đại lệch
lạc cho đúng sự thật, đúng với chân giá trị của mình cũng như của người khác.
5. Từ câu chuyện bữa ăn ấy, Đức Giêsu đưa ra bài học nhằm
vào những người biệt phái vốn là những người ưa cậy dựa vào nhân đức của mình để
huênh hoang, tự đắc và khinh bỉ người khác. Ngài nói với họ:”Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ
mình xuống sẽ được nâng lên”. Với câu châm ngôn ấy, Đức Giêsu muốn nói lên
giá trị đích thực của con người trước mặt Thiên Chúa. Càng nhận ra thân phận thụ
tạo bất toàn và giới hạn của mình trước
mặt Thiên Chúa, con người càng nên cao trọng, càng dốc cạn những hào nhoáng bên ngoài và những vướng bận
trong tâm hồn, con người càng được tự do.
6. Truyện ngụ ngôn Esope kể rằng : có một con bò đi xuống đầm
để uống nước. Khi đưa chân xuống đầm, nó đạp phải một con ếch. Con ếch bực
mình, muốn mình to lên, để uy hiếp con bò. Nó cố sức phồng bụng lên. Cuối cùng,
bụng nó như một chiếc bong bóng.
Sống ở đời, người tín hữu luôn bị giằng co giữa hai lối sống
: lối sống thế gian và lối sống của người môn đệ Đức Giêsu. Lối sống thế
gian tìm kiếm danh dự và tự đề cao mình;
còn lối sống người môn đệ Đức Giêsu đòi hỏi phải khiêm nhường, yêu thương và hy
sinh.
Thật vậy, Đức Giêsu luôn đề cao sự khiêm nhường. Khiêm nhường
là biết mình, là hạ mình và phục vụ người khác. Ai sống khiêm nhường thì được
Thiên Chúa cất nhắc. Trái với khiêm nhường là kiêu ngạo, tự tôn, là thái độ khiến
cho nguyên tổ loài người mất tình nghĩa với Thiên Chúa và bị đuổi ra khỏi vườn
Địa Đàng.
7. Truyện vui
: Phải biết nhìn xuống.
Có một hoàng tử nọ tên là Mukasaki, có một thái độ tự cao tự
đại đến độ cả khi đi, ông cũng không bao giờ nhìn xuống đường. Ông bước đi
trong tư thế làm oai, ngực đứng thẳng, mắt ngước lên, mọi người trong vùng đặt cho hoàng tử một tên riêng là “Người
không bao giờ nhìn xuống” và hoàng tử Mukasaki xem ra cũng rất thích biệt hiệu này, ông tuyên bố :”Những bậc vĩ
nhân không bao giờ nhìn xuống, họ chỉ biết nhìn lên trời mà thôi”.
Một ngày nọ, hoàng tử được mời đến dự đại tiệc tại cung
đình. Để khoe cho mọi người nhìn thấy bộ áo cẩn ngọc quí giá có một không hai của
mình, hoàng tử quyết định không ngồi xe ngựa nhưng hiên ngang đi bộ từ nhà đến
cung đình, dĩ nhiên là với thái độ kiêu hãnh không bao giờ nhìn xuống. Dân
chúng tuốn ra hai bên đường trầm trồ khen áo đẹp và quí, điều này lại làm cho
hoàng tử thêm kiêu hãnh. Hoàng tử đến cung đình sau hết mọi người, và hiên
ngang bước vào. Mọi người cười rộ lên, hoàng tử kiêu hãnh nói :
- Tại sao mọi người cười tôi như vậy ?
Một trong những người khách mới trả lời :
- Xin hoàng tử nhìn xuống đôi chân mình sẽ biết lý do tại
sao !
Hoàng tử nhìn xuống, mặt bỗng đỏ bừng vì hổ thẹn. Cả hai đế
giầy của hoàng tử đều dính đầy phân ngựa, vì không bao giờ nhìn xuống, hoàng tự
giẵm lên không biết bao nhiêu đống phân ngựa từ nhà đến cung đình để dự tiệc.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt