Thứ sáu tuần 30 thường niên

Chúa chữa người bị bệnh phù thũng

(Lc 14,1-6)

 

          1. Giữa Đức Giêsu và người luật sĩ cũng như biệt phái luôn có sự căng thẳng khẩn trương, họ chỉ tìm cách soi mói, bắt bẻ  để kết án Ngài. Đức Giêsu đã chữa bệnh trong ngày Sabat. Họ không biết cảm thông với người xấu số. Họ dựa vào luật Thiên Chúa để lên án trách móc người khác. Nhưng Đức Giêsu cho họ thấy rằng : luật lệ được đặt ra là để phục vụ lợi ích của con người.  Khi Đức Giêsu hỏi họ ngày Sabat có được  phép chữa bệnh không thì họ không trả lời được.

 

          2. Tin Mừng cho biết, có 7 lần Đức Giêsu chữa bệnh ngày Sabat, riêng Luca kể lại 4 lần và bị các người biệt phái kết án. Hôm nay Đức Giêsu chữa cho người bị bệnh phù thũng, và Ngài khởi đầu bằng câu hỏi :”Trong ngày Sabat, có được phép chữa bệnh không”? tiếp theo sau đó, Ngài lại đặt ra một tình huống và yêu cầu họ trả lời :”Trong ngày Sabat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao”? Tuy nhiên, họ đã cứng họng và không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào của Đức Giêsu. Lý do những luật sĩ không thể trả lời được các câu hỏi của Đức Giêsu chỉ vì họ sống vụ luật, hình thức, giả tạo. Nên gặp phải Đấng là nguồn gốc của chân lý, tình thương thì đương nhiên họ phải câm miệng, bởi vì họ thuộc hạng người : luôn chất những gánh nặng không thể vác nổi lên vai người ta , còn họ, họ không đụng  một ngón tay mà lay thử.

 

          3. Một lần nữa, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp cử chỉ quen thuộc của Đức Giêsu. Ngài vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống để tìm đến với những người tàn tật và bất cứ ai đang gặp đau khổ trong thể xác hay tâm hồn. Những người biệt phái và luật sĩ đưa ra không biết bao nhiêu là hàng rào để đẩy con người khốn khổ ra bên lề xã hội. Đức Giêsu đến qui tụ  mọi người không trừ một ai. Ngài đạp đổ mọi thứ rào cản của cuộc sống. Có mặt trong những bữa tiệc linh đình của những người biệt phái giầu sang, Ngài cũng không ngần ngại ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những người bị xã hội gán cho nhãn hiệu là hạng người bất chính, ngay cả những cô gái điếm (Mỗi ngày một tin vui).

 

          4. Các luật sĩ và biệt phái là những người có thể hiểu được hành động của Chúa, nhưng vì nô lệ cho những luật lệ do chính họ đặt ra, nên họ không thể trả lời câu hỏi của Chúa:”Có được phép chữa bệnh trong ngày Hưu lễ hay không”? Trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu đã quả quyết giáo lý của Ngài:”Con người được phép làm điều thiện trong ngày Hưu lễ, đó là định luật của yêu thương. Thực hiện tình yêu thương, phục vụ tha nhân không bao giờ là điều nghịch lại luật Chúa. Các luật sĩ và biệt phái đã bận tâm lo lắng đến lề luật được tuân giữ, nhưng họ lại quên tinh thần của lề luật là tình yêu thương.

 

          5. Hai chú gấu con thấy một miếng pho mát lớn, nhưng không biết cách chia thành hai phần đều nhau. Một con cáo già đi tới và tự nguyện làm trong tài để chia. Nó có ý bẻ miếng phó mát thành hai phần không đều nhau, rồi cắn miếng to một cái, miếng to thành miếng nhỏ. Nó liên cắn miếng kia một cái, miếng nhỏ lại thành miếng to. Hai miếng pho mát vẫn không bằng nhau. Cứ thế, nó hết cắn miếng này rồi miếng kia  cho tới lúc hai miếng phó mát chỉ còn là hai mẩu bé xíu. Lúc ấy, nó mới chia thành hai phần bằng nhau và đưa cho hai chú gấu.

          Con cáo già đã ngụy trang hành động xấu xa cùa mình bằng một nghĩa cử cao đẹp. Nhóm biệt phái cũng vậy. Họ có lối sống thiếu bác ái và giả hình, nhưng lại che đậy bằng việc giữ luật ngày Sabat hết sức nghiêm ngặt.

          Theo luật ngày Sabat, Đức Giêsu không được chữa bệnh trong ngày đó. Thế nhưng, vì tình thương, Ngài đã chữa lành bệnh cho một người mắc bệnh phù thũng. Qua đó, Ngài muốn dạy những kẻ giữ luật hình thức rằng : Nếu không có bác ái, thì mọi việc làm, kể cả việc tuân giữ lề luật, sẽ trở thành sự giả hình và gian dối (Học viện Đa Minh).

          6. Chúng ta cần có một trái tim biết yêu thương, để biết rung động trước khổ đau của người khác. Khi chúng ta không có một trái tim, thì chúng ta sẽ mù quáng : mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, mà nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác.

 

          7. Truyện :  Một cái nhìn khô cứng.

          Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ một cử chỉ hối hận nào, mà hắn còn tuyên bố :

          - Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel.

          Chính thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định : Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho con người hiện nay.

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt