Thứ ba tuần 31 thường niên
Dự bàn tiệc Nước Trời
(Lc 14,15-24)
1. Thiên Chúa yêu
thương con người, Ngài mở rộng cửa để đón tiếp mọi người vào dự bàn tiệc Nước
Trời. Lời mời gọi có tính cách rộng rãi, Ngài mời
gọi mọi người không trừ ai, dù tốt dù xấu, miễn là phòng tiệc phải đầy người.
Tuy thế, lời mời gọi đó còn chờ sự đáp ứng của từng người, mỗi người có quyền tự
do, họ có thể chấp nhận hay từ chối. Trong thực tế nhiều người đã từ chối lời mời
gọi thật tình đó với đủ mọi lý do. Hôm nay, Đức Giêsu muốn nói đến lòng thương
xót của Chúa Cha đối với mọi người, đặc biệt những người Do thái. Nhưng họ đã
không đón nhận và đánh mất tình thương ấy, vì thế, ân lộc bị cất đi khỏi họ.
2. Hình ảnh đặc biệt
của đoạn Tin Mừng hôm nay là một “bữa tiệc”. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc
thường qui hướng về hạnh phúc do Thiên Chúa ban cho (Is 25,6).
Tin Mừng hôm nay thuật lại : Hôm ấy, Đức Giêsu đang ngồi ăn
chung với nhiều người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh biệt phái khoản
đãi. Bữa tiệc này làm cho một trong những thực khách được mời liên tưởng đến bữa
tiệc thiên quốc, nên đã buột miệng nói ra “Phúc
cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”(Lc 14,15).
Nghe thấy vậy, Đức Giêsu dùng ngay một dụ ngôn để trả lời
cho người ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó cho rằng, được hưởng hạnh
phúc trong Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc thật lớn. Nhưng rồi Ngài đặt vấn đề.
Vấn đề là người ta có sẵn sàng nhận lời mời vào Nước ấy hay không ?
3.Tại Palestina, mỗi khi có tổ chức một bữa tiệc lớn, thì
khách luôn luôn được mời trước, và người chủ tiệc cũng nhận được câu trả lời của
khách trước. Khi tiệc rượu đã sẵn, ông chủ sai các đầy tớ đi báo cho người được
mời để họ đến dự. Bởi thế, một lời từ chối vào phút cuối quả là một tổn thương
lớn cho người chủ tiệc.
Thiên Chúa là ông chủ của bữa tiệc Nước Trời cũng đã chuẩn
bị một bữa tiệc lớn cho Israel. Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được
mời cũng sống trong tâm tình chờ đợi. Nếu có sách các Tiên tri để loan báo về bữa
tiệc thì cũng có các Thánh vịnh nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên
Chúa. Thế nhưng, khi giờ đến, lúc tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì khách được
mời lại từ chối.
4. “Omnia parata sunt” : mọi sự đã sẵn sàng . Hạnh phúc Nước
Trời luôn được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ bàn được ông
chủ trong dụ ngôn chuẩn bị chu đáo (giáo huấn Tin Mừng, Giáo hội, bí tích, ơn Chúa...).
Thế nhưng, tại sao lại có nhiều người không đến dự tiệc ? Thưa, vì họ không muốn
từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ : một thửa đất mới, năm cặp bò mới tậu, một
người vợ mới cưới. Những người đó đã không sai khi coi trọng những thứ vừa kể,
nhưng họ sai vì coi chúng trọng hơn Nước Trời. Đức Giêsu đã dạy :”Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức
công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33)(Mỗi
ngày một tin vui).
5. Chúng ta tự hỏi tại sao trước lời mời gọi đầy vinh dự của ông
chủ giầu có mà khách mời lại có quá nhiều
lý do để từ chối ! Mà lại là từ chối vụng về bằng những lý do nhỏ nhặt không xứng
tầm với “bữa tiệc lớn”. Ấy là chưa
nói địa vị, vai vế của người chủ tiệc hẳn cũng đáng cho họ nể trọng. Chẳng lẽ họ
ghen với ông vì ông giầu có; hay tại họ mặc cảm vì mình nghèo. Kể dụ ngôn này,
hiển nhiên Đức Giêsu muốn nói tới “bữa tiệc
trong Nước Thiên Chúa” mà Cha Ngài chính là chủ tiệc. Quả thật đây là một
nan đề cho thái độ lựa chọn của con người : mọi lý do để từ chối đều trở nên bất
xứng ttrước lời mời như thế của Thiên Chúa. Từ chối là dấu chẳng còn tình nghĩa
gì với Ngài. Bởi vì nếu yêu thì đã chấp nhận lời mời (5 phút Lời Chúa).
6. Truyện : Hai bữa tiệc.
Có người đã tưởng tượng ra thiên đàng và hỏa ngục như hai
bàn tiệc thịnh soạn được bầy ra.
Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cỗ đầy, thế nhưng khách dự
tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người cầm một đôi đũa dài đến độ gắp
được thức ăn nhưng không thể đưa thức ăn ấy vào miệng của mình được.
Bàn tiệc trên thiên đàng thì cũng y hệt như vậy, nhưng khác
một điều thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, thì người ta lại gắp thức ăn
đưa vào miệng cho người đối diện. Thế là vui vẻ cả nhà vì ai cũng được ăn no
nê.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt