Thứ bảy tuần 31 thường niên
Dùng tiền của mua Nước
Trời
(Lc 16,9-15)
1. Đức Giêsu tiếp tục mời gọi mọi người phải biết lo cho
tương lai vĩnh cửu, khi biết dùng những của cải đời này sao cho ích lợi cho kho
tàng mai sau trong nơi vĩnh cửu, để không bị nô lệ cho những của cải thế gian,
nhưng biết chọn Chúa là chủ của đời
mình. Vì thế Chúa bảo chúng ta phải biết lựa chọn : chọn Chúa hay của cải, bởi
vì Chúa đã nói :”Anh em không thể vừa làm
tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”(Lc 16, 13).
2. Vào lúc khởi nguyên thế giới, Thiên Chúa đã thấy rằng tất
cả những gì Ngài làm để phục vụ con người đều tốt cả. Vậy Đức Giêsu không lên án những của cải vật chất nhưng chỉ lên án việc con người sử dụng của cải cách bất chính
thôi. Vì vậy, Ngài nói đến “Tiền của bất
chính” như một sức mạnh nô lệ hóa con người khi khiến họ trở thành bất
lương trong việc chiếm đoạt và sử dụng nó, và đặt con người dưới quyền thống trị
của nó. Nhưng người ta cũng có thể dùng tiền bạc mà làm giầu cho Thiên Chúa.
Thánh Phaolô viết cho Timôthêô nên khuyên người giầu có đời này “làm giầu về việc lành, ban phát rộng rãi và
nghĩ đến kẻ khác, để thu góp một kho tàng sẽ làm vốn cho tương lai và để đạt được
sự sống thật”.
3. Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đưa ra đòi hỏi :”Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của”,
bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều
xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó
như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm,
sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi
con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh
em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng
thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy , chối bỏ cùng đích của cuộc sống (Mỗi ngày
một tin vui).
4. Vì thế, Tin Mừng hôm nay trước hết mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm về thái độ của chúng ta đối với của cải trần thế mà Thiên Chúa đã tạo
dựng và ban phát cho chúng ta để chúng ta hưởng dùng và phụng sự Ngài. Bao lâu
của cải trần thế là phương tiện giúp con người đạt tới cùng đích, thì bấy lâu
chúng ta còn là người quản lý trung tín của Thiên Chúa. Trái lại, khi tiền của
đã trở thành cùng đích của cuộc sống, thì dĩ nhiên con người hiến tế cho nó
không chỉ mạng sống của mình , mà còn hy sinh những gì quí giá và cao cả nhất
trong trong cuộc sống, như nhân nghĩa, tình người, công bình, cũng như bác ái
yêu thương.
5. Con người ai mà không thích tiền, ai mà không ham có nhiều
tiền để tiêu dùng. Chúa dạy cho các môn đệ bài học về việc sử dụng tiền của. Tiền
bạc là “đầy tớ tốt”, nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách hữu hiệu cho mình và
cho người khác; nhưng nó lại là “ông chủ xấu”, nếu ta để tiền bạc lôi cuốn
chúng ta vào chuyện bất chính, khi bất chấp mọi thủ đoạn để kiếm tiền hoặc khi
sử dụng đồng tiền cho mục đích xấu. Người môn đệ Chúa hãy sử dụng tiền của cách khôn ngoan, dùng tiền
để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi linh hồn của mình và tha nhân (5
phút Lời Chúa).
6. Gần đây ở nước Anh, bác sĩ Roger Henerson đã đặt ra cụm
từ “Hội chứng ám ảnh về tiền bạc” để nói đến những triệu chứng tâm sinh lý của
người quá ham mê tiền của. Ông nhận xét :”Lo lắng thái quá về tiền bạc là một
trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm trạng căng thẳng”.
Hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ về cám dỗ của đồng
tiền. Việc đi theo Chúa đòi hỏi ta phải
chọn lựa giữa Thiên Chúa hay tiền của, chúng ta không thể làm tôi hai chủ. Qua
đó, Chúa muốn dạy chúng ta phải biết sử
dụng tiền bạc như phương thế để mưu ích cho chính mình trên hành trình tìm kiếm
Nước Trời.
7. Truyện : Đồng
tiền trên trời.
Một người kia suốt đời
chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giầu. Khi chết, ông còn mang túi vàng theo
mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi, ông thấy đói. Bỗng ông thấy một
quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán :
- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?
- Chỉ một đồng thôi.
- Còn tô lớn kia ?
- Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo
:
- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi
thôi. Ông có không ?
Người hà tiện chỉ vào túi tiền của mình. Nhưng chủ quán nói
:
- Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.
- Thế tiền-cho-đi là
tiền gì ?
- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông
được bán lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.
Ông nhà
giầu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi
cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Bao nhiêu đồng tiền
cho đi là
bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt