Thứ sáu tuần 31 thường niên
Phải lo tìm hạnh
phúc đời sau
(Lc 16,1-13)
1. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại dụ ngôn người quản lý bất lương để trình bầy bài học
phải biết khôn ngoan sử dụng tiền của đời này để mưu ích cho phần rỗi đời đời. Thật thế, con người ngày nay rất khôn khéo
khi tính toán để tìm hạnh phúc đời này. Nhưng sự khôn ngoan đích thực thì ít có
ai tìm được, hay cố gắng đi tìm. Cũng
như người quản lý trong Tin Mừng hôm nay,
ông đã dùng sự khôn khéo gian manh để tìm hạnh phúc cho đời sống của
ông. Qua đó, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta phải biết dùng sự khôn ngoan của mình
để sử dụng gia tài Chúa ban : sức khỏe, thời gian, tiền của... mà tìm lấy cho
mình hạnh phúc vĩnh cửu.
2. Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý : Đức Giêsu
không khen việc lỗi đức công bằng này, vì việc làm này là gian lận của chủ, đây
là cái lỗi. Tuy nhiên, Chúa khen anh vì biết tận dụng tất cả những khả năng và
điều kiện, địa vị sẵn có, để có lợi cho về sau của mình. Anh khôn khéo vì biết
tận dụng những ngày cuối cùng còn lại trong nhiệm vụ, để lấy lòng người khác, để
tạo một ảnh hưởng và chỗ dựa sau này, biết tận dụng thời gian và những điều kiện
có sẵn để lo cho số phận tương lai của mình. Dụ
ngôn chỉ dừng lại với ý nghĩa là, tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban và
là của Chúa, điều quan trọng là chúng ta
biết dùng những ân huệ Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, và chính điều này
sinh lợi cho chúng ta khi chúng ta không còn được quản lý thân xác và những ân
huệ đó nữa.
3. Mặc dầu người quản lý trong dụ ngôn này không tốt lắm,
nhưng Đức Giêsu đã rất khéo lấy hình ảnh
người quản lý đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, còn chính
Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải sử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ
chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những
tiền bạc trong túi mình nên họ đã sử dụng chúng không theo ý của Chúa. Hãy biết
noi gương người quản lý này về việc sử dụng tiền của một cách khôn khéo, bằng
cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai.
4. Mọi sự trần thế không theo chúng ta về đời sau ! Chính
vì thế, Đức Giêsu dạy chúng ta một điều vô cùng khôn ngoan, là hãy “dùng tiền bạc và những giá trị trần thế để
mua lấy bạn hữu để sau này họ sẽ đưa chúng ta về nơi an nghỉ đời đời”.
Kho Tàng Nước Trời của mỗi người chúng ta tùy thuộc việc
chúng ta sử dụng kho tàng trần thế của mỗi người chúng ta như thế nào. Khi
chúng ta tiêu xài cho riêng mình thì Kho Tàng Nước Trời của chúng ta trống rỗng
! Trái lại, khi chúng ta cho đi, cho
những người bất hạnh, tàn tật, khổ đau
là Kho Tàng Nước Trời của chúng ta tăng gấp bội ! Tất cả mọi người đều là những người thủ quỹ của
Thiên Chúa ! Mọi khả năng, sức khỏe, thời giờ, địa vị... tất cả đều của Chúa
trao ban, chúng ta hãy trở thành người quản lý tốt, để đời sống chúng ta đem lại
vinh quang.
5. Qua câu chuyện trên đây, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta
rằng nếu người đời có sự khôn ngoan và mánh khóe, thì các môn đệ cũng phải có sự
khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích họ
theo đuổi trong cuộc sống. Đâu là mục đích và lẽ sống của người Kitô hữu ? Nếu
mục đích của cuộc sống chỉ là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú và những
gì sẽ qua đi, thì điều đó có đáng cho con người đầu tư cả cuộc đời không ?
Với người môn đệ Chúa Kitô, sự khôn ngoan ấy cũng được tỏ lộ
qua thái độ của họ đối với của cải trần thế. Họ là những người khôn ngoan thực
sự, khi họ luôn ý thức rằng của cải trần thế này không phải là cứu cánh, mà chỉ
là phương tiện để đạt tới cùng đích. Sống như thế nào để của cải trần thế không
trở thành một chủ nhân sai khiến và biến mình thành nô lệ. Sống như thế nào để
xuyên qua mọi thực tại chóng qua của đời này biết tìm kiếm và xây dựng những
giá trị vĩnh cửu, sống như thế mới thực sự là sống khôn ngoan (Mỗi ngày một tin
vui).
6. Truyện :
Ông Mạnh Thường Quân.
Mạnh Thường Quân nhà giầu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai
Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi :
- Ngài có định mua gì về không ?
- Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân đến bảo rằng
:”Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi,
đem đống văn tự ra đốt sạch.
Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng :
- Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa.
Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.
Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở
đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng
Nguyên :
- Đó hẳn là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt