Thứ tư tuần 31 thường niên
Điều kiện để theo
Chúa
(Lc 14,25-33)
1. Lúc này Đức Giêsu không còn ở nhà ông biệt phái nữa,
nhưng trên đường đi Giêrusalem, có dân chúng theo Người rất đông. Nhưng có lẽ họ
cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để
xóa tan hiểu lầm này, Đức Giêsu nói với họ : Ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải yêu mến Ngài hơn tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng
hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa. Như vậy, để trở nên môn đệ của Đức Giêsu,
chúng ta cũng phải cùng đi con đường của Ngài và đường của Ngài là từ bỏ, là đón
nhận Thập giá.
2. Trên đường đi Giêrusalem, có rất đông người cùng đi, có
người đi cho vui, có người có thiện cảm với Chúa muốn là môn đệ của Ngài, nên Đức
Giêsu đã quay lại cho họ biết những điều kiện để làm môn đệ của Ngài :”Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ
con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta. Và
ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được” (Lc
14,26-27). Như vậy, Đức Giêsu kêu gọi
những ai muốn theo Ngài hãy suy nghĩ cẩn thận để quyết định : nếu yêu chính bản
thân mình, hay yêu bất kỳ ai khác, hoặc tiền tài danh lợi hơn Chúa thì không xứng
đáng làm môn đệ Ngài.
3. Thực ra, việc từ bỏ, vác thập giá, đau khổ và cả cái chết
nữa không phải là những giá trị riêng rẽ từ nơi chúng, mà là những phương thế để
đạt tới mục đích để giúp ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Đức Giêsu có
quyền đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi chúng ta
yêu mến Ngài với hết mọi sự và với sức lực của mình trên cả tình thân gia đình. Và chỉ khi nào
chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài đến hết mọi sự để được đồng hóa
với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng
ta mới biết đặt những sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và
yêu thương những sự vật và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh
thiện của Chúa (R.Veritas).
4. Theo những điều kiện Đức Giêsu nói, chúng ta có thể hiểu
theo nghĩa đen hoặc theo nghĩ bóng. Có nhiều người đã hiểu theo nghĩ đen nên đã
bán hết gia tài bố thí cho người nghèo, có những vị đã bỏ hết danh vọng, chức
quyền để theo Chúa. Có những vị khác đã bước qua con cái hay sẵn sàng chấp nhận
cha mẹ từ bỏ mình để ra đi dâng mình cho Chúa; cũng có những vị tự cắt tóc, rạch
mặt, để khỏi trở thành dịp tội cho kẻ khác. Đó là những cử chỉ anh hùng, nhưng
không phải là luật chung cho mọi người. Nhưng những người đi tu, chúng ta thấy
cũng hiểu được theo nghĩa đen lời Chúa trên đây : bỏ cha mẹ, gia đình, anh chị
em để nhận cộng đoàn mình sống làm gia đình, và nhận những người cùng chí hướng
làm anh chị em, hoàn toàn sống theo tinh thần từ bỏ bằng ba lời khấn : vâng lời,
khó nghèo và trong sạch (Theo Phạm Văn Phượng).
5. Trong xu thế của thời đại hưởng thụ và tích lũy này, nói
đến “từ bỏ hết những gì mình có” xem
ra là một thứ “cung đàn lạc điệu”. Tuy nhiên, đối với những người con cái
Chúa”, đó là hai điều kiện tất yếu và tiên quyết, vì không từ bỏ cũng đồng nghĩa
là không thể trở nên môn đệ của Chúa Kitô được. Ơn gọi làm “con cái Chúa” là chấp
nhận sự điên rồ của Thập giá, cớ vấp phạm cho người đời. Có “từ bỏ hết những gì mình có”, là biết
“nói không” với thế gian, ma quỷ và xác thịt mới có thể là “sen” mọc “giữa bùn
mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, là đèn để “gần mực” mà chẳng “đen” nhưng chiếu sáng
cho cả nhà. Vì thế, đòi hỏi trước tiên đối với người môn đệ của thời đại hôm
nay là từ bỏ lối sống hưởng thụ tích lũy, điều mà người thời đại hôm nay đang
theo đuổi (5 phút Lời Chúa).
6. Sống trọn những cam kết của bí tích Thánh Tẩy, sống trọn
danh Kitô hữu, điều đó đôi khi đòi hỏi
nhiều hy sinh. Thế nhưng chỉ thái độ dứt khoát chọn lựa và quyết tâm theo đuổi
đến cùng mới thực sự làm chúng ta xứng danh Kitô. Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta nhìn lại lối sống đạo xem chúng
ta có đặt Chúa và giá trị Tin Mừng vào địa vị ưu tiên trong cuộc sống hay chưa.
7. Truyện : Giới
Tử Thôi và công tử Trùng Nhĩ.
Trong “Đông châu liệt quốc” có ông Giới Tử Thôi, người nước
Tấn, đời Xuân Thu, là một bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi ấy,
vua nước Tấn là Tấn Huệ Công sợ công tử Trùng Nhĩ cướp ngôi nên sai người đi ám
sát. Được mật báo, Trùng Nhĩ cùng với một số bầy tôi đi lánh nạn. Trên đường chạy
trốn từ nước Địch sang nước Tề phải đi qua nước Vệ, đoàn lánh nạn bị vua nước Vệ
chận lại toan bắt nên chạy càng trối chết. Chẳng may lạc đường lại hết lương thực,
công tử Trùng Nhĩ không ăn được rau cỏ dại nên sinh kiệt sức sắp chết. Thấy vậy,
Giới Tử Thôi liền cắt thịt ở đùi mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn mới lại sức đi
đến nước Tề an toàn. Đến lúc Trùng Nhĩ khôi phục lại được nghiệp lớn là làm vua
nước Tấn thì Giới Tử Thôi lặng lẽ về quê ở ẩn không màng lãnh công. Cả khi vua
Tấn nhớ ơn người bầy tôi trung thành, muốn đền đáp công lao thì Giới Tử Thôi
cõng mẹ vào rừng sống ẩn dật, nhất quyết không nhận (Võ Ngọc Thành, Nhân vật
Đông châu, 1968, tr 324)
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt