Thứ hai tuần 32 thường niên
Tránh cớ vấp phạm và
hãy tha thứ
(LC 17,1-6)
1. Hôm nay Đức Giêsu dạy các tông đồ những đức tính phải có
trong đời sống cộng đoàn : chúng ta không được làm gương xấu, xúi giục hay nên
cớ cho người khác phạm tội bằng bất cứ hình thức nào vì đời sống của chúng
ta ảnh hưởng đến anh chị em chung
quanh. Chúng ta phải biết góp sức xây dựng
cho nhau trong yêu thương, quảng đại và tha thứ. Khi chúng ta đối diện với cuộc
sống, điều quan trọng là phải có đức tin vững mạnh để chiến đấu với thử thách
cam go. Đức tin càng lớn mạnh, con người càng làm được những điều phi thường.
2. Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói đến hai bổn phận của
con người đối với người đồng loại : một là phải sống thế nào để không thành cớ
vấp phạm cho người khác; hai là phải tha
thứ cho nhau. Ngay từ những trang đầu tiên, khi mạc khải về con người, Kinh
thánh đã nói đến tính liên đới. Bị
Thiên Chúa tra vấn sau khi phạm tội, Adong đã đổ lỗi cho Evà; đây quả là khuynh
hướng chạy tội và chối bỏ trách
nhiệm đối với người khác; cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa, con người cũng muốn
chối bỏ tương quan với tha nhân. Sự chối bỏ này lại càng rõ nét trong thái độ của
Cain sau khi đã giết em mình là Abel :”Tôi
có phải là người giữ em tôi đâu”.
3. Đừng nên cớ vấp ngã. Chúng ta có thể hiểu “Cớ vấp ngã”có thể là một
câu nói, một thái độ hay một hành động nào đó, tự bản chết có lẽ không xấu,
nhưng do ở trong một hoàn cảnh nào đó không thích hợp nên nó gây ảnh hưởng tai
hại. Ví dụ như một tảng đá, tự nó không có gì xấu, nhưng nếu nó nằm giữa đường
thì nó sẽ thành cớ khiến nhiều người vấp vào mà bị ngã. Sống trong một tập thể
có nhiều người, tất nhiên không thể không có cớ vấp ngã, nhưng mỗi người hãy “đề phòng” đừng trở thành cớ vấp ngã, nhất
là đừng bao giờ làm gương mù gương xấu cho người khác. Đức Giêsu phán
xét rất ngặt đối với chúng ta về vấn đề này.
4. Tha thứ không giới hạn. Chúng ta thường
nói “quá tam ba bận”, như thế đã là
hiểu, ấy thế mà trong Tin Mừng Chúa dạy phải tha thứ tới bảy lần. Hơn nữa, theo
ngôn ngữ Do thái, con số 7 là con số đủ, tha đến 7 lần có nghĩa là không đưa ra
một hạn định nào cho sự tha thứ. Đức Giêsu trên Thập giá đã “kêu xin Chúa Cha” tha thứ cho người đóng
đinh mình; thánh Têphanô khi bị ném đá cũng “cầu xin Chúa” tha thứ cho
những kẻ bách hại... Đến lượt chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta giống Chúa
và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
5. “Quá tam ba bận”
đã là quá nhiều để có thể thông cảm cho người lầm lỡ. Ấy vậy mà Đức Giêsu dạy
ta tha thứ không chỉ có thế. Thử tưởng tượng, một người làm việc một ngày tám tiếng
mà lỗi phạm đến bảy lần, mà cứ mỗi lần như thế ta lại phải tha thứ !!!
Hành động tha thứ chỉ phát xuất được từ chính “tâm nhân hậu”. Tâm nhân
hậu không chỉ là yêu thương thế nào cũng được, mà là yêu bằng một trái tim thật
lớn, đến độ không sự xúc phạm nào có thể làm quị ngã; và là yêu bằng một tình yêu sung mãn đến độ tha thứ luôn mãi mà
không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ bị nghèo đi. Tâm nhân hậu như thế chỉ
có nơi Đức Giêsu. Nhưng ta có thể xin Ngài cho ta được điều đó (5 phút Lời
Chúa).
6. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng
ta đối với đời sống đức tin của người
anh em chúng ta. Sống đức tin là trở thành người trách nhiệm đối với tha nhân. Sống đức tin thiết yếu là
là ràng buộc vào số phận của người anh em mình. Không có cuộc sống đức tin nào,
dù âm thầm đến đâu mà không tạo nên một ảnh hưởng nơi người khác. Không có một
biểu lộ đức tin nào mà không là một củng
cố và nâng đỡ cho người khác. Đức tin của người Kitô hữu chính là ngọn đuốc soi
sáng và sưởi ấm lòng người, do đó, khi đức tin ấy trở thành nguội lạnh thì chắc
chắn sẽ có biết bao người chìm trong tăm
tối lầm lạc (R.Veritas).
7. Truyện :
Tuyên xưng đức tin trong cuộc sống.
Thời đó, Arthur Jones được gọi nhập ngũ phục vụ trong không
lực hoàng gia và sống trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu
tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định quan trọng; trước đây anh vẫn luôn
luôn quỳ gối đọc kinh, liệu bây giờ vào quân ngũ rồi có nên tiếp tục quỳ gối
không ?
Lúc đầu anh cảm thấy ngượng ngượng nhưng rồi anh tự nhủ :”Tại
sao chỉ vỉ sợ những kẻ khác dòm ngó mà mình lại thay đổi cách sống? Bộ mình vừa
khởi đầu cuộc sống xa nhà là đã để cho thiên hạ sai bảo phải nên làm và không
nên làm điều này điều nọ sao”?
Nghĩ thế, anh liền quyết định cứ tiếp tục thói quen quỳ gối xuống đọc kinh. Khi vừa đọc kinh
xong, lập tức anh nhận ra mọi người đang
để ý anh, và khi làm dấu Thánh giá, anh chợt nhận ra lúc ấy họ mới biết anh là một người Công giáo. Và xẩy ra là trong
toàn trại lính chỉ có một mình anh là
người Công giáo. Tuy nhiên, hằng đêm, anh vẫn quỳ gối cầu nguyện. Anh nói rằng,
mười phút cầu nguyện ấy thường dẫn đến
những cuộc tranh cãi kéo dài hàng giờ.
Vào ngày cuối cùng của khóa huấn luyện, có người đến nói với
anh :
- Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.
Anh liền đáp lại :
- Có thể tôi là người Kitô hữu dám công khai biểu lộ đức
tin của mình, nhưng tôi nghĩ, tôi không phải
là người Kitô hữu tốt nhất đâu. Dầu sao tôi cũng xin cám ơn bạn về điều bạn vừa
nói.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt