Thứ ba tuần 33 thường niên
Đức Giêsu gặp ông
Giakêu
(Lc 19,1-10)
1. Ông Giakêu là một người tội lỗi và đứng đầu những người
thu thuế. Ông đã tìm đến Chúa và đã được hoán cải. Việc Đức Giêsu hoán cải người
thu thuế làm nổi bật vai trò của Ngài :”Con
Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”. Chính Đức Giêsu đã đi bước trước,
chúng ta chỉ cần mở lòng đón nhận Người.
Ban đầu ông Giakêu đã tìm mọi cách chỉ để
cho biết Chúa là ai. Nhưng sau khi Đức Giêsu trao ánh mắt thân thương, được đối
thoại và được Đức Giêsu thăm viếng, ông đã biến đổi hoàn toàn. Ông sẵn sàng đền
bù những của cải ông cưỡng đoạt của người
khác và thực thi bác ái đối với người nghèo.
2. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại cho
chúng câu chuyện của ông Giakêu trở lại như thế nào. Vào thời ấy, những người
thu thuế bị xếp chung với hạng người trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa,
vì họ làm việc cho người Rôma, nên người ta cho họ là những kẻ phản bội và ruồng bỏ họ. Trái lại, Đức
Giêsu lại có lối hành xử khác. Ngài kêu gọi ông, lại còn đến ăn uống và trọ
trong nhà ông nữa. Việc này làm cho người Do thái rất tức giận. Ngài xử sự như
thế để tỏ rõ sứ mạng của Ngài là “đến tìm
và cứu chữa những gì hư mất”. Cảm động bởi lòng nhân hậu của Đức Giêsu,
Giakêu đã nhận thấy những sai lầm của mình và quyết tâm sửa đổi.
3. Đới với Đức Giêsu, Ngài vốn đến là để cứu chữa những gì
đã hư mất, thì ông Giakêu lại là nơi để thể hiện tình thương nhân từ của Ngài.
Nơi con người tội lỗi Giakêu, còn có một khát vọng hướng về Chúa. Ông chỉ mong
ước được nhìn xem Chúa đi qua. Đây là yếu tố căn bản mà Chúa thi ân cho con người.
Từ khao khát được gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại, không có khoảng cách không vượt qua được. Đức
Giêsu có thể vượt qua được bằng cách này, một khi con người đã có sẵn thái độ mong chờ Ngài đến. Thái độ
của ông Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trên con đường trở về với Chúa. Ông
Giakêu đã thể hiện sự trở lại của mình bằng hành động cụ thể, phân phối một nửa
của cải cho anh chị em để thể hiện tình liên đới bác ái và đền bù gấp bốn những
thiệt hại đã gây ra. Liệu chúng ta có can đảm như vậy không (R.Veritas) ?
4. Có vẻ không phải như Đức Giêsu có ý “tìm” Giakêu cho bằng ông này tìm mọi cách để nhìn thấy Chúa. Ông
là một người thấp bé bị coi là tội lỗi do ông là người “đứng đầu những người thu thuế”. Ông là người bị coi là “hư mất” trong xã hội Do thái. Cách ông
tìm đến với Chúa cho thấy quả thật ông
là người bị loại trừ : Ông bươn bả “chạy
tới phía trước. Trèo lên một cây sung” để chờ Đức Giêsu đi qua. Thế nhưng
không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên
mà Đức Giêsu nói Ngài đến để “tìm
và cứu” Giakêu. Đi giữa đám đông hỗn độn, nhưng rõ ràng Ngài có ý tìm kiếm và tìm kiếm đích danh một
người, một người bị loại trừ. Đi ngang qua cây sung, Ngài nhìn lên, Ngài đã thấy
và gọi ông :”Giakêu xuống mau đi, vì hôm
nay Ta đến trọ nhà ông”. Lời kêu gọi ấy
đã cứu không chỉ một người hư mất mà cả gia đình ông Giakêu :”Hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này” (5
phút Lời Chúa).
5. Người ta muốn đánh giá Giakêu thế nào cũng được, nhưng Đức
Giêsu có cái nhìn thấu suốt, không nhìn cái vẻ bề ngoài mà Ngài nhìn rõ cả bên
trong, cho nên Đức Giêsu đã khen cho ông Giakêu một câu chắc như đinh đóng cột
:
“Xù
xì da cóc trong bọc trứng tiên” (câu đố dân gian).
Nếu chúng ta có gặp được ông Giakêu sau khi nhờ ơn Chúa trở
lại rồi thì ông sẽ tâm sự cho chúng ta nghe. Ông cho biết nhờ ơn Chúa ông đã thực
sự thay đổi con người của mình. Đời ông không còn như xưa nữa, nay đã trở nên
con người mới hoàn toàn. Có thể bề ngoài không giống nhau, nhưng thực sự bề
trong đã được đổi mới hoàn toàn :
Thân em như quả ấu gai,
Ruột
trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
Ai
ơi nếm thử mà xem,
Nếm
ra mới biết rằng em ngọt bùi.
6. Truyện : Gương
của cha Charles de Foucauld.
Chiều hôm ấy trong bầu không khí ấm cúng của gia đình và bạn
bè thân thích, viên sĩ quan trẻ tuổi tài ba người Pháp Charles de Foucauld đang
thao thao những điều mắt thấy tai nghe
và những chiến công của mình trong cuộc
viễn chinh tại Marốc, Bắc Phi.
Đang lúc Charles say sưa kể như thế, thì một đứa cháu gái
nhỏ lân la đến bên. Cô bé đặt tay lên gối
của ông cậu hào hoa phong nhã, rất thông minh, rồi hỏi :
- Cậu ơi, cậu đã làm được biết bao nhiêu là chuyện như thế
cho đất nước, thế nhưng cậu đã làm được việc gì cho Chúa chưa ?
Câu hỏi của đứa cháu gái đã làm cho Charles suy nghĩ cả một
buổi chiều và một đêm. Sáng hôm sau, Charles đến gặp một người bạn học cùng lớp
là cha Huvelin, chàng xin xưng tội. Với ơn soi sáng, Charles đã quyết định thay
đổi cuộc đời. Chàng nhất định bỏ binh nghiệp, dù chàng thấy rõ một tương lai rạng
ngời ở trước mặt, để dấn bước theo Chúa Giêsu và noi gương Ngài sống cuộc đời
khó nghèo.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt