Thứ hai tuần 33 thường niên

Chúa chữa người mù tại Giêricô

(Lc 18,35-43)

 

          1. Từ Pêrê đi Giêrusalem, Đức Giêsu phải đi qua Giêricô,  một người mù từ mới sinh xin Chúa chữa lành. Ngài đã làm cho anh được sáng mắt. Việc Đức Giêsu làm phép lạ mở mắt người mù này sẽ giúp các môn đệ nhìn thấy rõ và chấp nhận kế hoạch cứu độ của Ngài. Ngoài ra,  việc chữa lành người mù này không chỉ là mù lòa thể xác, mà còn có ý nói đến tội lỗi, tối tăm trong tâm hồn. Sứ mệnh của Đức Giêsu đến trần gian là giải thoát con người khỏi khổ đau, khỏi nô lệ, tội lỗi.  Ngài luôn sẵn sàng chữa lành cho chúng ta, nhưng chúng ta chỉ được lành khi chúng ta tin vào Ngài. Như vậy, niềm tin chính là điều kiện để Chúa tha thứ và ban ơn cho chúng ta.

 

          2. Ý thức thân phận của mình, anh mù đã khiêm tốn cầu xin :”Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. Sư mù lòa thể xác và nghèo nàn vật chất không phải là một ngăn trở con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của Ngài. Từ ơn lành cho thể xác mù lòa :”Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được”, anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng, như tác giả Luca ghi lại :”Tức khắc anh thấy được và theo Chúa, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa. Thậy vậy, toàn dân đều ca ngợi Thiên Chúa”.  Anh mù đã sống trọn ơn gọi Kitô của mình; anh đã thực hiện lời Đức Giêsu căn dặn các môn đệ Ngài :”Ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc lành các con làm,  mà tôn vinh Cha các con Đấng ngự trên trời”(Mỗi ngày một tin vui).

 

          3.  Hình ảnh người mù trong bài Tin Mừng hôm nay đã phản chiếu trung thực thân phận con người trong cuộc lữ hành đức tin. Con người không thể tự cứu mình và cũng không một người nào có thể cứu giúp con người, ngoài Đức Kitô. Đấng Cứu độ duy nhất có thể giải phóng loài người khỏi bóng tối tội lỗi sự chết, và đem con người vào miền ánh sáng của ân sủng và sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta luôn đặt niềm tin tưởng vào Người, và trung  thành bước theo Người trong cuộc hành trình đức tin của mình (Trần Hữu Thành).

 

          4. Đây đó trên đường, người ta gặp những người mù với một cây gậy chuyên dụng như một giác quan kỳ lạ giúp họ đi đến nơi họ muốn. Thật đáng thán phục ! Có thể nói, cây gậy trợ lực  giúp họ dò con đường họ thấy bằng trí nhớ. Cũng vậy, dù không thấy được bằng giác quan, con mắt đức tin giúp Kitô hữu nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện giữa cuộc đời. Trong khi dưới con mắt của đám đông, Đức Giêsu chỉ là một người làng Nazareth, thì người mù thành Giêricô nhận ra chính là con vua Đavít, là Đấng Messia.  Bằng “con mắt đức tin”, anh đã thấy điều mà người khác không thấy : thấy Ngài có quyền năng tái tạo những gì đã hư mất; thấy Ngài là Đấng chia sẻ được nỗi thống khổ anh đang chịu, là chỗ dựa cho anh trong lúc mọi người bỏ rơi. Giữa đám đông anh có thể bị lẻ loi vì đức tin của anh nhưng anh không cô độc, bởi Đấng cứu chữa anh từ nay đồng hành với anh trên mọi nẻo đường, còn anh quyết theo đường Ngài, dù  là đường lên Giêrusalem để chịu thương khó (5 phút Lời Chúa).

 

          5. Nhân ngày Giới trẻ thế giới lần thứ ba mươi, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói :”Mọi người chúng ta đều là tội nhân, cần được Chúa thanh luyện. Chúng ta đến với Chúa Giêsu để nhận ra rằng Người luôn dang rộng vòng tay đợi chờ; đến với Người để gặp gỡ lòng thương xót của Người”.

          Trong câu chuyện Tin Mừng, anh mù bên vệ đường đã nhận ra sự khốn khổ của mình, và chạy đến cầu cứu Đức Giêsu. Anh đã kêu đến Người, cho dù nhiều người quát mắng, bảo phải im tiếng. Anh tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương của Chúa, anh tin Người sẽ cứu chữa anh. Thế nên, anh được Đức Giêsu dủ lòng thương, cho anh nhìn thấy.

          Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta bị mù vì thiếu cái nhìn thiện cảm đối với tha nhân, và cũng có những lúc  chúng ta bị mù vì không đủ lòng tin vào tình thương và sự quan phòng của Chúa. Như anh mù năm xưa, ta hãy chạy đến với Đức Giêsu, để được Người chữa lành.

          6. Truyện : Đứa con mù từ 20 tháng.

          Một bà mẹ kể lại cái kinh nghiệm bà đã học được từ đứa con mù lòa của mình như sau :

          Tôi có đứa con trai bị mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên, tôi đưa cháu đến một siêu thị gần nhà. Với những bước đi chập chững, nó không ngừng bám vào gấu áo của tôi, và cứ vài ba bước nó lại ngừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh.

          Sáng hôm đó, tôi đã học được nhiều điều. Thật thế, tôi bỗng nhiên nhận ra rằng từ tiếng chân người đi bộ đến tiếng xe, tất cả các tiếng ồn ào đều khác nhau. Cách 100 thước chúng tôi đã nghe mùi thơm của một tiệm bánh kẹo. Vừa vào tiệm, đứa con đã dừng lại mỉm cười. Tôi mua cho cháu một thanh sôcôla rồi tiếp tục đi  đến một cửa hàng khác. Một con chim từ đâu bay đến gần bên chúng tôi. Con tôi dừng lại, như đương thưởng thức tiếng chim hót.  Một lúc sau tôi thấy cháu lè lưỡi  ra  và hút thở làn gió mát từ phương Bắc thổi tới, cho tới giờ phút này tôi vẫn chưa biết gió từ đâu.

          Chúng tôi đi tiếp. Vào cửa tiệm bán cá, con tôi liền ném mẩu sôcôla và đưa tay sờ vào các loại cá.

          Trên đường về, con tôi cười vui rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng hôm ấy là một buổi sáng tuyệt vời của nó vì nó khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu. Riêng tôi, tôi đã tự hỏi : Tôi với con tôi, ai mới thực sự là kẻ mù lòa.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt