Thứ sáu tuần 33 thường niên
Đức Giêsu thanh tẩy
Đền thờ
(Lc 19,45-48)
1. Đức Giêsu được sai đến để chu toàn sứ mạng : phụng sự
Thiên Chúa Cha và dạy cho người ta cũng tôn thờ Thiên Chúa cách xứng đáng. Việc
đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ cho thấy Chúa muốn người ta phải
thay đổi thái độ thờ phượng và phải tôn trọng Đền thờ. Hành động của Đức Giêsu
gồm có hai khía cạnh :
a) Loại khỏi Đền thờ những gì đi lệch khỏi mục đích của nó. Việc buôn bán trong Đền
thờ đã biến “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện”
trở thành ‘ sào huyệt của bọn cướp”
cho nên Đức Giêsu đã đánh đuổi những người buon bán trong đó.
b) Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó “Hằng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ”.
2. Đền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm
của lịch sử dân Do thái. Ngay lúc được vua Salômôn xây cất khoảng năm 950 (trước
Công nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan
trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc
gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến
vào Giêrusalem, Đức Giêsu vào Đền thờ, xua đổi những người lạm dụng Đền thờ, rồi
bắt đầu giảng dạy ở đó.
3. Hôm nay Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu nổi nóng và đánh đuổi
con buôn ra khỏi Đền thờ, vì họ đã sử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì
thế. Đức Giêsu nói :”Nhà Ta là nhà cầu
nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp”. Khi
đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu đã thánh hiến Đền thờ và trả lại
cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là chốn
trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn
bán...
4. Lời khiển trách của Đức Giêsu nhấn mạnh đến tính cách
thiêng liêng của Đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện nơi Chúa thực
sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng
yêu mến con cái Người vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện
hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng
dạy trong Đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người với trái tim
rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và
ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người (Mỗi ngày một tin vui).
5. Hitler được kể tên trong số những nhà hùng biện hàng đầu
của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền bí có sức thu hút quần chúng
tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng năng lực đó để xô đẩy cả thế
giới vào một cuộc chiến tranh hủy diệt tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử
loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giêsu; Ngài giảng dạy như một Đấng có
uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng dự thù hận giết chóc; sứ điệp của Ngài là
tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, khơi dậy hy vọng cho
người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người
mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết
trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”(Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc, đánh động tâm
hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn
dây say mê nghe lời Người” (5 phút Lời Chúa).
6. Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách
đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu
nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. Đức
Giêsu đã từng nói: ”Cứ phá hủy đền thờ
này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Nghĩa là Ngài muốn ám chỉ về thân
xác của Ngài bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh. Và cũng từ những chứng
từ này, thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Côrintô đã nói :”Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ
của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vậy ai phá hủy Đên
thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền thờ Thiên Chúa là nơi
thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em”. Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của
Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm dấu Thánh giá, chúng ta vẫn tuyên
xưng điều đó (Hiên Lâm).
7. Truyện :
Nhà thờ để làm gì ?
Hay tin một Linh mục mới vừa được đổi đến để thay cho cha xứ
cũ về hưu, lại được biết Linh mục mới này giảng rất hay, người ta đến nhà thờ dự
lễ rất đông. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trước giáo dân trong xứ, vị Linh mục
mới cố tình ra mắt họ với bộ mặt rất xấu
xí. Bởi đó, khi vừa thấy mặt cha, một số người đã thất vọng lui ra cửa. Vị Linh
mục bình thản giơ tay làm dấu bảo im lặng, rồi tuyên bố :”Hôm nay ai đến đây để
nhìn mặt Cha xứ mới và để nghe cha xứ mới giảng thì có thể về nhà; còn ai đến
đây để thờ phượng Chúa thì hãy ở lại” (Chritian Beacon).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt