Thứ ba tuần 34 thường niên

Sự sụp đổ của thành Giêrusalem

(Lc 21,5-11)

 

          1. Sau khi chỉ trích các luật sĩ và đề cao cử chỉ quảng đại của bà góa, Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi Đền thờ về phía núi Cây Dầu. Từ nơi này nhìn thấy Đền thờ Giêrusalem đồ sộ nguy nga và kiên cố, các môn đệ tấm tắc khen ngợi và có cảm nghĩ Đền thờ bền vững đến muôn đời, nhưng Đức Giêsu lại báo trước sự sụp đổ của thành Giêrusalem, viễn cảnh của ngày tận thế. Dân Israel không tin và không chấp nhận Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Họ dễ dàng nghe theo những lời giáo huấn của những kẻ giả hình, những kẻ mạo danh Ngài. Đức Giêsu dạy phải tỉnh thức chờ đợi Ngài. Đồng thời cũng báo trước sẽ có những biến cố lớn lao xẩy ra trước ngày tận thế.

 

          2. Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là Đức Giêsu loan báo việc Đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá và liên kết với việc tàn phá Đền thờ, Đức Giêsu nói về ngày tận thế. Trong khi chờ đợi “Ngày của Chúa” tức là Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời đại bị bách hại. Nhưng đừng sợ, hãy kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ làm cho các tín hữu chiến thắng trong thời kỳ sau cùng với điều kiện họ phải luôn bền đỗ.

 

          3. Hình ành Đến thờ Giêrusalem được Hêrôđê Cả cho tái thiết lại trang hoàng lộng lẫy và lóng lánh ngọc thạch. Mọi người tự hào và trầm trồ khen ngợi. Nhưng đúng  như những gì Tin Mừng loan báo, thành Giêrusalem đã bị tướng Titus của Rôma phóng hỏa và bình địa xóa sổ vào năm 70 và dân Do thái tản mác khắp nơi trên địa cầu.  Với cách diễn tả của các tác giả Tin Mừng, các ngài thường liên tưởng đến biến cố Giêrusalem và biến cố cánh chung. Và rồi, bao nhiêu công trình mà con người tự hào và khen ngợi, từ công trình khoa học kỹ thuật đến các công trình kiến trúc... rồi sẽ trở thành tro bụi khi ngày tận thế đến (Mỗi ngày một tin vui).

 

          4. Tin Mừng hôm nay thuật lại Đức Giêsu báo trước sự kiện Giêrusalem sẽ bị tàn phá; đồng thời cũng tiên báo về ngày cánh chung, về tận củng cũa vũ trụ này. Theo lẽ thường cái gì đã có thủy (điểm khởi đầu), thì cũng sẽ có chung (điểm cuối), “hữu hình hữu hoại”: cái gì xuất hiện hữu hình thì cũng có lúc hình thể đó bị hư hoại đi. Đó là một chân lý, một quy luật chứng nghiệm trong thực tế  chứ không phải một cái nhìn bi quan. Nhận định ấy giúp ta tiếp cận thế giới vật chất này cách khôn ngoan, chừng mực hơn, không quá bám víu vào nó, vì mọi vật có ngày rồi sẽ tiêu tan, nay còn mai mất. Khi cảm nghiệm được sự bất tất, mau qua của vạn vật, ta mới thấy được cái giá trị của vĩnh cửu, là thực tại Thiên Chúa đã từng hé lộ cho ta khi Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa :”Trời đất sẽ qua đi nhưng lời Ta sẽ tồn tại mãi”(x.Mt 5,18)(5 phút Lời Chúa).

 

          5. Nói đến ngầy tận thế, xem ra là vấn đề mơ hồ và xa xôi, đưa đến bi quan, nhưng lại là điều có thật. Tuy nhiên, khi nói đến ngày kết thúc cuộc đời mình thì đó là điều chắc chắn và thiết thân. Mỗi người phải lo cho số phận mình, không ai có thể thay thế được. Một lúc nào đó, ngay cả con người chúng ta dù muốn hay không, cái chết cũng đến với chúng ta. Chúng ta sẽ ra đi  như chúng ta đã vào đời. Từ trong bóng tối đi ra, chúng ta cũng trở về với bóng tối. Đã một thời không có chúng ta, và cũng sẽ đến thời không ai còn nhắc đến chúng ta nữa. Mỗi ngày có trên 200.000 người chết, mỗi giờ có 10.000 người chết. Hôm nay, ngày mai hay bất cứ lúc nào, tôi cũng sẽ được đếm trong số những người phải ra đi ấy .

 

          6. Nhưng có nhiều người cứ sống như không bao giờ chết, họ sống không mục đích, họ sống cho qua ngày như trên tấm mộ bia của anh chàng Bopp có viết câu :”Đây là nơi yên nghỉ  của một người không biết tại sao mình sống”.  Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong truyện dưới đây : Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sự đến trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa :”Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình nói :”Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy” ? Người đánh ngựa đáp :”Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực” (Clifton Gadiman).

 

          7.  Truyện : Sắm sẵn hành trang chưa ?

          Một quan lớn kia có nuôi một tên hề để hầu hạ. Quan trao cho nó một cây gậy, bảo nó cứ giữ cho đến khi có ai điên rồ hơn nó thì hãy cho.

          Cách vài hôm sau, quan thọ bệnh nguy kịch. Hề ta vào thăm, hỏi rằng :

          - Khi qua đời rồi, quan sẽ đi đâu ?

          - Ta đi xa lắm.

          - Vậy bao giờ quan về ? Một tháng nữa chăng ?

          - Không.

          - Một năm à ?

          - Cũng không.

          - Vậy thì bao giờ quan mới về ?

          - Chẳng bao giờ về được.

          - Thế thì trong cuộc man du đó quan đã sắm sẵn hành trang gì chưa ?

          - Chưa sắm gì hết.

          - Đi xa mà chẳng có hành trang gì, quan thật điên hơn tôi. Vậy xin nhận lấy cây gậy này.

                   (Ms Lê Văn Thái, Những tia sáng 2, tr 159).

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt