Thứ bảy tuần 34 thường niên
Phải tỉnh thức và cầu
nguyện
(Lc 21,34-36)
1. Sau khi đã trình bầy và xác quyết về việc Chúa đến, hôm
nay Đức Giêsu trình bầy cho chúng ta thái độ phải có để chờ đợi Chúa đến : đó
là tỉnh thức và cầu nguyện. Chúng ta còn phải hiểu rộng ra việc Chúa đến : đó
là Chúa đến trong hiện tại bằng ơn thánh, trong giờ chết của mỗi người và trong
ngày cánh chung của toàn thể nhân loại. Trong ngày đó , người khôn ngoan đích
thực sẽ cho là một ngày an vui hạnh phúc. Còn người khờ dại thì coi ngày đó là
ngày báo oán. Chúng ta khôn hay dại ? Hãy dùng quyền tự do mà định đoạt ngay từ
bây giờ.
2. Đức Giêsu báo trước một điều bất ngờ : Ngày Con Người
quang lâm và mỗi người sẽ ra trình diện với Người. Ngày đó là ngày nào ? Không
ai biết được vì chỉ có Chúa Cha mới biết. Để chuẩn bị cẩn thận cho ngày phán
xét, Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn : phải thường
xuyên canh phòng tâm hồn mình cho khỏi mọi
chước cám dỗ; phải liên lỉ cầu xin Chúa giúp sức cho mình được trung thành bền
đỗ làm tôi Chúa, sống đẹp lòng Chúa đến giây phút cuối cùng. Vì ai bền đỗ đến
cùng sẽ được cứu thoát.
3. Vì lý do Chúa đến cách bất ngờ và việc phán xét có tính
cách nghiêm minh, không ai có thể thoát được như chiếc lưới bất ngờ chụp xuống, nên Chúa
truyền lệnh phải đề phòng bằng cách tiêu cực và tích cự : tỉnh thức và cầu nguyện.
* Cách tích cực : Phải sống thanh
thoát :”Các con phải đề phòng, chớ để
lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần
chụp xuống đầu các con”(Lc 21,34). Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ
điệp và giá trị Tin Mừng, không để lòng mình bị mê hoặc chạy theo các chủ
trương duy vật, hưởng thụ, quá lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho
cuộc sống mà quên lãng những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc
sống.
* Cách tích cực : “Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện, để có
đủ sức thoát khỏi những điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người”(Lc
21,36).
- Phải tỉnh thức
: là ở trong tư thế tỉnh táo, cẩn thận để có thể đối phó kịp thời với mọi cảnh
ngộ và sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào.
- Phải cầu nguyện
: vì sức con người yếu đuối, và tự mình không làm được gì, nên cần phải cầu
nguyện để cho được sức chống trả những cám dỗ, những thử thách, và bách hại để
dễ dàng xứng đáng đón nhận Chúa :”Xin chớ
để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
4. Chúa bảo chúng ta phải đề phòng vì cái chết luôn luôn đến
bất ngờ :”Chúng con hãy tỉnh thức vì
chúng con không biết ngày nào giờ nào”.
Đúng như vậy, tuy bất ngờ nhưng không hoàn toàn bất ngờ vì Chúa thương
chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng
ta kịp thời chuẩn bị.
Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu;
mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; mỗi chiếc
răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện... tất
cả đều là những tín hiệu.
Và quan trong hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gửi trước
cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng giả mù giả điếc trước
những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của
chúng và chuẩn bị sẵn sàng.
5. Chúa đang đến trong từng biến cố cuộc sống, chứ không chỉ
đến trong uy nghi của giáo đường; Ngài đến trong từng sinh hoạt hằng ngày của
chúng ta, chứ không chỉ đến trong những phút cầu kinh, nguyện ngắm; Ngài nói
qua những biến cố cuộc sống, Ngài hành động ngay cả khi chúng ta không tưởng nhớ đến Ngài. Ngài yêu thương dù
chúng ta phản bội Ngài, Ngài tha thứ dù chúng ta quay mặt làm ngơ với Ngài.
Ngài luôn có đó trong từng hơi thở của chúng ta. Xin Ngài cho chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra Ngài (Mỗi ngày một
tin vui).
6. Truyện :
Hãy nghĩ về sự chết.
Một vị đan sĩ tên là Mésique bất trung với ơn gọi, ông đang
sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng,
Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh
dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một
tiếng đồng hồ ấy. Ông xin người ta cho ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở
trong đó suốt 12 năm trời. Hằng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho
ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông
đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng
:”Anh em thân mến của tôi, người nào luôn
khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết,
người đó sẽ không bao giờ dám phạm tội”.
Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho mọi người một ấn tượng
sâu đậm (Góp nhặt).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt