CHẢ CÁM DỖ NÀO CÓ THỂ CHẠM TỚI
Có
lẽ sống trên đời này không gì khiến người ta khó chịu cho bằng chiến đấu chống
lại những cơn cám dỗ. Có thể nói, cám dỗ là tiếng nói sâu thẳm bên trong khát vọng
của con người, họ tham muốn những điều trái nghịch với điều luật của Thiên Chúa
cho nên trận chiến đó luôn luôn tồn tại, dai dẳng và kéo dài, bao lâu con người
còn sống thì chúng còn hiện hữu. Tự nhiên, con người đã có xu hướng nuông chiều
về tham vọng, vì đó chính là bản ngã của họ, cùng với bản năng sinh tồn, cái
tham muốn đó lại càng thôi thúc hơn.
Thật
ra, làm người ai cũng cần phải có nhu cầu ăn mặc. Thế nhưng chúng ta cần phải
xác định rõ, đó chỉ là những phương tiện giúp ta tồn tại cách văn minh, lành mạnh
hơn, chứ nó không là cứu cánh, là mục đích. Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng
phát triển, người ta lại quá coi trọng thứ của cải vật chất, địa vị, chức tước…
Thế nên, họ loại trừ lẫn nhau, họ đi sai mục đích, cứu cánh của con người. Nhân
loại coi vật chất là tất cả, trong khi giá trị con người mới là đỉnh cao tuyệt
phẩm công trình của Thiên Chúa. Bởi đó chính là hình ảnh của Thiên Chúa, là
chính con cái của Ngài.
Ma
quỉ, thế gian, sự dữ… đại diện cho những ham muốn thái quá, lệch lạc của con
người. Chúng đã cám dỗ Đức Giêsu với mục đích lừa dối Ngài để đánh đổi giá trị
Thiên Chúa bằng giá trị bạc tiền… Chúng đã lầm và thất bại ngay từ mục đích ban
đầu. Vì Thiên Chúa, Ngài là Chủ của thế giới này, chính Ngài tạo dựng nên nó,
thì cần chi phải xin xỏ ai. Quả nực cười là như vậy. Chúng đã cám dỗ Ngài, thử
thách Ngài về của ăn : “Nếu ông là Con
Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi.” (Lc 4, 3), trong khi
chúng không biết rằng: “Người ta sống
không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4, 4). Chúng còn cám dỗ về địa vị, quyền bính:
“Nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc
về ông.” (Lc 4, 7) trong khi chính Ngài mới là Chủ: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng
một mình Ngài mà thôi.” (Lc 4, 8) Chúng còn cám dỗ Ngài về niềm tin vào
Thiên Chúa Cha: “Nếu ông là Con Thiên
Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi.” (Lc 4, 9) trong khi chúng không
hề biết quyền năng của Thiên Chúa: “Ngươi
chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Lc 4, 12)
Cuộc
đời là một cuộc chiến đấu liên lỉ và ai kiên cường đến cùng người ấy sẽ chiến
thắng. Cám dỗ tự nó đã tồn tại cùng thế giới, có những cơn cám dỗ đến từ bên
ngoài nhưng cũng có những cơn cám dỗ phát xuất từ bên trong. Cho dù là loại cám
dỗ nào đi nữa cũng là vì ích kỉ của con người. Con người tham vọng muốn thỏa
mãn ham muốn của bản thân nên không lướt thắng được những cơn cám dỗ đó. Cám dỗ
nào cũng ngọt ngào và khiến người ta sảng khoái, thế nhưng hậu quả của chúng lại
khiến nhân loại vô cùng đau khổ vì đánh mất đi ân nghĩa cùng Thiên Chúa, đánh mất
tha nhân cũng như chính bản thân mình.
Bí
quyết khiến con người có thể lướt thắng khỏi cám dỗ đó chính là niềm tin vào
tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu tôn kính dành cho Ngài. Trước nhất ta cần
phải tin Thiên Chúa hằng yêu thương và chăm sóc ta, có tình yêu Ngài là có tất
cả khiến chúng ta không còn tham vọng vào mớ vật chất mau qua chóng tàn ấy.
Chúng cần thật nhưng cuối cùng cũng chỉ là phương tiện giúp ta có một cuộc sống
đầy đủ. Còn tình yêu Thiên Chúa mới là mục đích, là cứu cánh cho ta một cuộc sống
viên mãn, đích thực và trường tồn.
Không
hiểu tại sao con người lại luôn luôn thích đánh đổi thứ vật chất rẻ mạt với giá
trị ngàn đời ngày sau như vậy.
Lạy Chúa, xin giúp con
thoát khỏi những cơn cám dỗ trong sáng suốt và tỉnh táo. Muốn được vậy con cần
phải yêu và tin Ngài đến chừng nào. Ngày nào con còn niềm tin vào Thiên Chúa,
ngày nào con còn phó thác trông cậy vào Ngài thì khi đó chả cơn cám dỗ nào có
thể đụng đến con.
M. Hoàng Thị Thùy Trang.