TRÁI TIM NGƯỜI CHA

Hằng năm, cứ đến mùa chay, chúng ta lại thêm một lần lật lại trang Tin mừng về Người Cha nhân hậu và hai đứa con hoang đàng. Câu chuyện tưởng cũ nhưng luôn mới cho mỗi người. Có thể năm nay, tôi là người con thứ, nhưng lần khác tôi lại là con trưởng, và có thể tôi lại là một người cha nhân hậu hoặc trong tôi hội tụ cả ba nhân vật trên.

Nói đến người Cha, thật vô cùng quảng đại, đó là hình ảnh Thiên Chúa. Ngài luôn luôn yêu thương, kiễn nhẫn và chờ đợi. Ngài tha thứ tất cả, bao dung tất cả, hy sinh tất cả cho con cái của mình. Lòng cha yêu thương là vô hạn, trong khi tình thương con cái dành cho ông lại có hạn. Những người con thật ra chả có ai yêu cha đúng nghĩa, mà yêu chính bản thân họ thì hơn. Người anh cả lúc nào cũng so đo tính toán hơn thiệt với em, vâng phục cha nhưng không phải vì lòng mến mà là vì bổn phận. Làm việc cho cha nhưng không vì yêu cha mà chỉ vì trách nhiệm. Thế nên, ở bên cha nhưng anh không có được tình yêu thương với cha và với em. Anh đã không hiểu tình yêu cha dành cho mình và dành cho em. Anh không hiểu nỗi lòng của cha dành cho hai anh em mà anh chỉ tính toán hơn thiệt. Thực ra nỗi lòng của anh cũng chính đáng nhưng nếu như ở bên cạnh người cha nhân hậu, yêu thương mình như vậy đáng lí ra anh phải hiểu cha hơn, phải yêu em hơn. Trước sự ngang ngược của em, đúng ra anh phải hiểu cái đau nỗi đau của cha khi mất con, khi người em út từ bỏ gia đình mà ra đi ăn chơi trác táng. Chính vì sự lầm lỗi của em không khiến cho anh đau buồn, chính vì không thương em, không đau đớn trước sự ra đi của em nên anh mới không quí trọng sự trở về của em mình. Và vì không quí trọng nên anh đã không cảm thấy vui mừng khi em trở về. Nếu như ngày nào anh cũng như cha mong mỏi em mình trở về, thì có lẽ ngày về của em, anh đã không tức giận như vậy. Cho nên, anh đã không yêu em, yêu cha ngay cả khi cha và em đang ở bên mình, thì lấy đâu ngày trở về anh lại vui mừng được: “Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng.” (Lc 15, 29-30)

Khép lại câu chuyện của anh, mở ra câu chuyện người em. Người em cũng chả hơn gì. Ngoài việc chả thương gì cha và anh, ham ăn mà lười làm, không những không lao động phục vụ bản thân và phục vụ cha đã yêu thương, chăm sóc và nuôi dạy mình khôn lớn, thì anh lại đòi hỏi tài sản, cái gọi là gia tài. Thật ra, gia tài chỉ có thể đến với những ai khi cha mẹ không còn sống. Cha mẹ trao quyền thừa kế lại cho mình, chứ đâu mẹ cha còn sống sờ sờ mà lại đòi phân với chả chia. Biết con hư đốn, đòi hỏi quá đáng nhưng người cha vẫn chiều lòng. Có phải ở đây người cha quá nhu nhược hay vì quá thương con. Biết con sai nhưng mà vẫn chiều. Thế nhưng, nếu như cha không thực hiện theo ước nguyện của con thì lại mang tiếng keo kiệt, hà khắc. Thôi thì cái gì của con, trước sau cũng là của con, cho dù con nghèo hay giàu, cho dù con khôn hay dại, những gì ông đã muốn trao cho con, dù trước hay sau cũng vậy, cho nên khi con cần, thì ông cũng sằn sàng trao lại cho con. Bởi con đã đủ trưởng thành để tự quyết định lấy cuộc đời mình. Ông đã tôn trọng quyết định của con. Thiên Chúa, Ngài cũng đã tôn trọng quyết định của con người, Ngài ban cho họ sự tự do để họ có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình trong sự khôn ngoan và lương tâm mà Ngài đã ban phát: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia gia tài cho hai con.” (Lc 15, 12)

Tin mừng đã nói rất rõ, tuy rằng người anh không xin nhưng cha đã không chia cho chỉ mình em, mà còn chia cho cả hai anh em. Như vậy, dù không đòi hỏi nhưng anh vẫn đã được phần của mình không thua kém gì em. Người cha ở đây rất công bằng đấy chứ. Vậy mà người anh còn quá đáng oán trách cha những điều mà theo anh trái với lẽ thường nhưng đối với tình phụ tử thì đó là một điều rất thiêng liêng. Thế nên, mỗi khi đứng trước ân sủng của người khác. Ta thường hay ghen tức vì sao Thiên Chúa thiên vị người này mà khắt khe với người khác. Tại sao kẻ ác vẫn sống no đủ, sung sướng, còn người thiện thì vẫn nghèo, vẫn gặp nhiều gian nan. Lúc này ta hay oán trách Thiên Chúa mà quên đi trái tim làm Cha của Ngài.

Người em cũng chả hơn gì anh, quyết định quay trở lại với cha là chỉ vì cái bụng của mình, vì lợi ích bản thân chứ chả phải yêu thương nhớ nhung gì cha hay hối hận vì lỗi lầm của mình: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin cha coi con như một người làm công cho cha vậy.” (Lc 15, 17-19)

Điểm đáng khen ở đây là anh đã biết lỗi lầm của mình, biết tội mình không còn xứng đáng được làm con của cha như trước, anh chỉ xin được làm người làm con dưới vòng tay cha, bởi anh biết cha anh là một ông chủ nhân hậu. Anh nghĩ đến cái tội lớn của mình mà quên đi tình thương lớn của Cha. Tội anh lớn thật nhưng tình cha yêu anh lại còn lớn hơn gấp trăm vạn lần. Làm sao cha có thể coi anh như người làm công được cơ chứ, trong khi ngày đêm cha thương nhớ anh và hằng mong anh trở về.

Đúng như tấm lòng của ông, khi vừa thấy con từ đằng xa, ông đã chạy ào ra đón như những gì mà ông đã hằng mong mỏi. Khác với những gì anh tưởng tượng, cha đã trao lại cho anh quyền làm con mà anh không dám ao ước: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15, 22-24). Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta cũng vậy. Khi con người phạm tội, chúng ta không dám nghĩ mình xứng đáng với ân huệ Ngài ban, nhưng sự tha thứ, quảng đại của Thiên Chúa lớn lao hơn chúng ta gấp vạn lần. Chính Ngài sẽ phục hồi lại phẩm giá làm con Thiên Chúa mà chúng ta đánh mất vì tội.

Lạy Chúa, con là ai trong số những người con hoàng đàng. Có một chút của anh, một chút của em, một chút của cha. Xin tha thứ cho con vì tội lỗi lớn hơn tình yêu dành cho Ngài. Có lẽ như người em, chỉ mong mỏi vào lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài, chí ít cũng biết quay trở về đế đón nhận yêu thương, rồi mọi lỗi lầm sẽ được xóa sạch, chính Ngài rồi sẽ phục hồi phẩm giá mà con đã đánh mất. Con biết, bởi đó chính là trái tim nhân hậu rất giàu lòng thương xót của Cha.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.