TÂM THƯ DÂNG CHÚA
Mùa chay 2020 đã về,
Giáo hội mời gọi con cái của người phải biết sám hối, canh tân, bác ái và tin
vào Tin mừng, tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa. Mùa chay thánh là mùa để con
người có cơ hội, có thời gian nhìn lại bản thân, nhìn vào sự thật con người
mình để mà nhận ra những thiếu sót, lỡ lầm đã xúc phạm đến tình thương yêu của
Thiên Chúa, hầu biết sám hối quay về làm hòa cùng Ngài và tha nhân.
Hơn bao giờ hết, mùa
chay 2020 năm nay là một mùa chay hết sức đặc biệt với biến cố đại dịch đang
hoành hành thế giới. Trận đại dịch này ít nhiều cũng khiến cho người người ý thức
hơn về sự sống và cái chết. Quả thật, không có gì vụn vắn, dễ vỡ hơn sự sống
này. Một sự sống mà không có gì làm nền tảng vững chắc cho sự trường tồn của
nó. Phải chăng đây là giới hạn duy nhất của con người mà không một ai có khả
năng tháo cởi.
Trước biến cố đại dịch,
thế giới mới hiểu rằng tất cả những gì con người thủ đắc không gì quan trọng
hơn sự sống. Sự sống đời này quan trọng như vậy, sự sống đời sau còn quan trọng
hơn gấp vạn lần. Vì khi chấm dứt cuộc sống trần thế, con người phải đối diện với
một sự sống khác, một là sống hạnh phúc vĩnh cửu, hai là đau khổ đời đời. Sự sống
trần gian dù có đau khổ hay hạnh phúc thì cũng chỉ là thời gian, là tạm bợ còn
hạnh phúc ngày sau thì mãi mãi và đau khổ cũng là ngàn đời. Nếu vậy, đời này
hay đời sau quan trọng hơn?
Tin mừng hôm nay thuật lại
việc ma quỉ đưa ra những thử thách để cám dỗ Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chiến thắng
trước mọi mưu chước của chúng. Con người chúng ta làm thế nào để vượt thắng khỏi
cám dỗ của bản thân, của thế gian và của thế lực sự dữ là cả một vấn nạn. Không
còn cách nào khác hơn ngoài việc tín thác vào quyền năng, sức mạnh, lòng thương
xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tự sức mình, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại.
Hơn bao giờ hết, đây có
lẽ là thời khắc mà chúng ta cần phải bám víu vào sức mạnh của Lời Chúa. Chính Lời
Ngài là lương thực nuôi sống niềm tin của chúng ta trong cơn quẫn bách: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng
còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4, 4) Lời Chúa lúc này là
lương thực nuôi sống niềm tin của ta, niềm tin yếu đuối trước cơn khủng hoảng đại
dịch của thế giới.
Lạy Chúa, con biết rằng
sự sống, cái chết đều thuộc về Chúa, nhưng Ngài thấy đấy cái chết giữa cơn đại
dịch hôm nay là một thảm họa vô cùng tàn khốc. Những cái chết không có người
thân bên cạnh, những cái chết cô đơn đến cùng cực, cái chết của không một lời
kinh cộng đồng, không một thánh lễ. Con biết rằng dù ở nơi nào, Chúa cũng vẫn
có thể phục sinh con, nhưng mà Chúa ơi, xin Ngài thương đến thế giới. Xin Ngài
đoái thương đến những tiếng khóc tuyệt vọng đau đớn của những người con mất
cha, những người con mất mẹ, những người mẹ mất con, những trẻ thơ khát sữa dại
khờ, giật mình tỉnh giấc hoảng hồn trước sự trống trọi đơn độc của cuộc sống.
Con biết những giọt lệ đau thương ấy đã chạm đến trái tim giàu lòng nhân hậu và
xót thương của Ngài, nhưng con vẫn dám nài van, xin Chúa thương cứu chữa thế giới.
Xin Ngài rộng tay nâng đỡ và an ủi chúng con trong cơn đại nạn. Con tin rằng biến
cố lớn lao này đã thay đổi được nhiều tâm hồn quay về với Chúa, từ bỏ quá khứ tội
lỗi và sống giây phút hiện tại chân thực hơn, yêu thương hơn. Con là kẻ tội lỗi
bất xứng không đủ tư cách để nài xin Ngài, nhưng giờ đây con đã buông bỏ được tất
cả, những kẻ làm tổn thương con, những kẻ mắc nợ con, nợ tình yêu, nợ cuộc sống...
Con thống thiết nài van, xin Chúa ban bình an cho thế giới. Xin Ngài ghé mắt
thương xem những hy sinh thầm lặng, những lời kinh bé nhỏ của chúng con, những
con người thành tâm đang ngày đêm dâng lời khẩn cầu lên Chúa. Những lời nguyện
cầu đơn sơ, tha thiết của trẻ thơ, thật là đáng thương, thật là tội nghiệp. Lạy
Cha, con tín thác vào lòng thương xót nhân hậu của Cha, xin Cha thương ban thêm
niềm tin và sức mạnh cho chúng con, giúp chúng con đủ can đảm, đủ mạnh mẽ để sẵn
sàng đón nhận thánh ý Cha trong mọi biến cố cuộc đời. Chúng con quyết tâm quay
về làm lại từ đầu, hơn bao giờ hết luôn muốn mình trở thành con ngoan của Chúa
để được Ngài ấp ủ, thương yêu, chăm sóc và bảo vệ.
M. Hoàng Thị Thùy Trang.