NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY
Có
lẽ chưa một buổi chiều thánh lễ tiệc ly nào lại có thể buồn như thánh lễ tiệc
ly năm nay. Việt Nam không khí ảm đạm, mây đen kéo xám xịt trên bầu trời báo hiệu
những cơn mưa đầu mùa đến muộn. Giữa không khí oi bức, ảm đạm đầy u buồn đó,
Giáo hội long trọng cử hành thánh lễ tiệc ly. Và đây là một thánh lễ tiệc ly buồn
hơn bao giờ hết. Nhà thờ đóng cửa, không có thánh lễ, không một giáo dân tham dự.
Bầu không khí chia ly đau buồn tang tóc như bao trùm cả không gian.
Đây
là lúc không biết nhân loại đang khóc cho mình, khóc thương mình hay khóc
thương Thiên Chúa. Đây là cuộc chia ly của Con Thiên Chúa với nhân loại hay cuộc
chia ly của con người với nhau khi mà con số người tử nạn vì virus vẫn ngày
ngày không ngừng gia tăng. Thật là thảm khốc. Nhân loại dường như không còn
khóc được nữa, người ta không còn khóc ra nước mắt nữa mà tim cứ quặn đau, nghẹn
ứ. Miệng không thốt ra được thành lời mà nước mắt cứ trào dâng. Khi còn khóc được
là nỗi đau còn ngôi ngoai được, nhưng khi người ta không khóc thành tiếng, nước
mắt không chảy, mà máu trong tim rỉ rơi, đó mới là nỗi đau bất tận.
Phải
chăng tuần thánh năm nay, Đức Giêsu đã sống cùng với nỗi đau của nhân loại, khi
Ngài cũng là một trong những người sắp phải tử nạn, tử nạn vì chính con virus tội
lỗi của con người. Chính tội lỗi, tham vọng của con người đã giết chết Chúa.
Người dân thì nổi loạn, thượng tế thì phỉ báng, quân lính thì sỉ nhục, người
lãnh đạo thì tham quyền, nhu nhược. Con Thiên Chúa đã tự nguyện chịu chết, như
một kẻ tội lỗi trong khi Ngài vô tội để cứu con người khỏi chết muôn đời. Ngài
đến chính vì điều này, Ngài đến để thiết lập một vương quốc tình yêu trong tâm
hồn của con người. Những ai thuộc về Chúa, bắt buộc phải có trái tim như Ngài,
trái tim yêu thương và tha thứ.
Tình
yêu thương đã khiến cho Ngài sáng kiến rửa chân cho các môn đệ dạy ta bài học
phục vụ. Yêu thương chính là phục vụ: “Nếu
Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa
chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm
cho anh em.” (Ga 13, 14-15)
Không
còn gì phải bàn cãi, chính Đức Giêsu muốn chúng ta phải biết yêu thương và phục
vụ như chính Ngài đã hiến cả mạng sống mình cho nhân loại được ơn cứu độ. Trong
bối cảnh dịch bệnh hôm nay, chúng ta cần phải suy nghĩ lại mục đích cuộc đời của
mình. Chúng ta đang sống cho ai, vì ai? Chúng ta đã phục vụ những ai và yêu
thương ai. Mỗi người trong gia đình đã hết mình yêu thương và phục vụ từng
thành viên trong gia đình mình chưa? Chúng ta đã phục vụ hết mình nơi công sở,
nơi những tha nhân mà ta gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày hay chưa? Nếu như ai cũng biết
yêu thương và phục vụ tha nhân thì hỏi thử thế giới hôm nay làm gì mà khốn đốn
như thế. Rõ ràng đau khổ của con người đều cho chính nhân loại tạo ra. Chính
con người làm khổ lẫn nhau để rồi bất hạnh mãi kéo dài trong bất hạnh.
Ước
mong tuần thánh năm nay cũng là tuần thánh cuối cùng con người phải khóc. Ước
mong sau dịch bệnh này nhân loại biết sống yêu thương và phục vụ nhau như chính
Chúa đã sống, đã nêu gương và dạy bảo chúng ta. Ước gì qua cơn đại dịch này
lòng người biết mở ra, mắt người biết sáng để nhìn thấu đâu là điều cần phải sống,
đâu là điều cần phải thay đổi, cần phải sám hối, cần phải bắt đầu lại, nếu như
còn tiếp tục được kéo dài sự sống. Nếu như, nếu như mỗi người và từng người biết
sống yêu thương, phục vụ thì thế giới này chắc chắn sẽ hạnh phúc lắm, đáng sống
lắm, vui sướng lắm.
Nhưng,
thế nhưng vànhưng mà chẳng biết đến bao giờ con người mới dừng lại để người người
biết yêu thương và lo lắng cho nhau. Không biết đến bao giờ con người mới thôi
ích kỉ. Chúa đã chết để hiến mình cho ta nhưng dường như chưa đủ, chưa đủ để thức
tỉnh nhân loại. Bao nhiêu vạn ngàn con người đã ra đi nhưng vẫn chưa đủ bài học
cho những người còn đang sống. chẳng lẽ máu Chúa đã đổ ra nhưng chưa gội sạch
được tội lỗi của nhân loại nên họ chưa cần sám
hối, chưa cần phải đổi thay? Ôi lạy Chúa, xin Ngài tha thứ và cứu vớt
chúng con.
Chiều
tiệc ly buồn đến da diết, mưa vẫn rơi và nước mắt vẫn tuôn, Thiên Chúa ra đi
nhưng vẫn còn ở lại với chúng ta khi Ngài hiến tế chính Mình Máu Thánh Ngài làm
của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Như vậy như chưa hề có cuộc chia ly nào khi
ngày ngày Ngài vẫn hiến tế trên bàn thánh vì ta, bổn phận của ta là cũng biết
hiến tế mình cho Chúa và tha nhân để biến mọi cuộc chia ly trần thế trong đau đớn
và nước mắt thành cuộc hiến tế cho Thiên chúa và tha nhân.
M. Hoàng Thị Thùy Trang.