HÃY LẮNG NGHE, NGHE
THÀNH PHỐ THỞ
Từ rất lâu, tôi đã rất
yêu mảnh đất Sài Thành này mà không hiểu vì sao. Có lẽ nơi ấy có người tôi yêu
tôi thương, có bạn bè tôi, có dòng họ tôi, có anh em tôi, có học trò tôi… Nhưng
không, dường như lớn hơn thế nữa, là mảnh đất thuộc quê hương tôi, đã cùng tôi
lớn lên theo năm tháng.
Nói đến Sài Thành, có lẽ
có rất nhiều người có kinh nghiệm về mảnh đất ấy. Thế nhưng, những cái nhìn
kiên định về một nơi xô bồ, náo nhiệt và đầy dẫy cạm bẫy là không thiếu. Riêng
với bản thân tôi, là nơi vừa khiến tôi lo sợ vừa khiến tôi yêu thương. Tuy
nhiên, cho đến bây giờ thì tôi lại càng yêu mảnh đất ấy hơn. Nhất là trong những
ngày này, cứ bình tĩnh mà rảo bộ trên những con đường vắng lặng vì dịch bệnh
thì người ta mới thấy yêu hơn tên gọi Sài Thành này. Mảnh đất ấy vốn dĩ rất hiền
hòa, bình dị, nằm lặng lẽ trên những con phố vắng lặng phủ đầy bóng mát. Như thế
phải chăng chính con người, chính những con người nơi đây đã khoác lên cho Sài
Gòn mảnh áo phản chiếu cuộc sống của chính họ. Chứ mảnh đất với tên gọi Sài
Thành này nào có tội tình gì. Đất hiền hòa, đất vẫn lặng lẽ nằm phơi mình trong
sương gió để đưa đón dòng người tấp nập ngày ngày trôi qua.
Tôi khám phá ra cái hồn
của Sài Thành nhất là trong những lúc bình lặng nhất, trong cái bình lặng của
cuộc sống người ta mới dễ dàng nhận ra bản chất thật của sự việc. Người ta cứ
khoác cho Sài Thành chiếc áo định kiến của một cuộc sống xô bồ náo nhiệt, chứ mảnh
đất ấy vốn dĩ đáng yêu lắm, hiền hòa, bình dị lắm lắm cơ. Không tin, cứ chiều
chiều bạn tản bộ trên những con đường bình lặng bước tới giáo đường, bỏ bên tai
tiếng ồn ào của dòng xe cộ đông đúc, bạn lắng nghe tiếng chuông giáo đường, tiếng
cầu kinh thầm thĩ… bạn mới thấy được cái hồn của thành phố này đẹp đến nhường
nào! Thật đấy, chính tôi đã trải nghiệm.
Hôm nay, đất tại Sài
Thành lại nằm yên nghe thành phố thoi thóp thở bởi cơn đại dịch covid ùa về. Có
quá thiên vị hay không mà gần đây trên mạng xã hội người ta không ngừng sáng
tác những vần thơ, những áng văn chương thương khóc cho mảnh đất với tên gọi
hùng hồn này. Có lẽ thiên vị cũng chỉ là một phần nhưng các văn sĩ thương riêng
Sài Thành là có thật, một thành phố đầy văn minh, hiện đại với nhiều tiện nghi
hấp dẫn. Người ta thương cái hùng tráng của mảnh đất ấy hôm nay ốm liệt vì covid.
Có lẽ chỉ có sức mạnh đáng sợ của sự chết chóc mới có thể làm cho nhịp sống của
Sài Thành chậm lại mà không một văn minh tiến bộ, hay giàu có, kỹ thuật nào có
thể chặn đứng được.
Thành phố có ngủ yên như
hôm nay để đâu đó sáng lên những hình ảnh đẹp, những việc làm đẹp, những con
người đẹp khiến cho người ta càng thêm yêu thành phố hơn. Đó là hình ảnh của sự
sẻ chia, sự khóc thương, sự hiệp nhất, sự cầu nguyện để cùng chung tay trả lại
nhịp sống vốn có của mảnh đất phồn vinh ấy.
Một chút tản mạn về
thành phố buồn để thấy được rằng không có gì có thể tồn tại vĩnh cửu trong cuộc
sống này. Vạn vật vẫn còn đó, nhưng con người thì không phải vậy. Con người còn
mỏng manh và bất toàn hơn đến vạn lần. Bệnh tật, chết chóc có thể cướp đi của
người ta tất cả. Tin mừng hôm nay nói đến phép lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện
trên hai con người. Một người đến cầu khẩn cho con cái mình, một người âm thầm
cầu xin cho bản thân họ. Cả hai mẫu người ấy đều được đáp trả chỉ vì lòng tin của
họ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa
con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5, 34), “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” (Mc 5, 36)
Có lẽ chúng ta đã học rất
nhiều bài học qua phép lạ hôm nay chúa Giêsu thực hiện. Bài học của sự cầu xin
cho người khác như người trưởng hội đường hôm nay. Với lòng tin của mình, chúng
ta có thể cầu xin phép lạ của Thiên Chúa cho tha nhân của mình. Hay nói khác
hơn, tha nhân sẽ được hưởng nhờ ơn phép lạ của Thiên Chúa qua lời cầu khấn của
ta, để thấy rằng lời cầu nguyện trong Hội Thánh cùng thông công là rất quan trọng.
Lời cầu khấn mà chúng ta dâng lên mỗi ngày cho Giáo hội, cho thế giới luôn luôn
rất cần thiết và quan trọng. Chúng ta đôi khi đã quên đi lời cầu nguyện của
mình trước trách nhiệm với tha nhân, với thế giới. Đôi khi chúng ta bỏ quên tha
nhân, bỏ quên Thiên Chúa ngay trong cuộc sống thờ ơ của chính mình.
Bài học kiên trì trong lời
cầu nguyện nhỏ bé âm thầm của người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm hôm
nay chính là ánh sáng đức tin cho tất cả những ai đang rơi vào thảm trạng của bất
hạnh, nghèo đói, bệnh tật và tuyệt vọng. Lời cầu xin âm thầm, nhỏ bé của người
hèn mọn mà vẫn được Chúa đoái nhận. Đã nói rồi mà, Thiên Chúa của chúng ta là
Thiên Chúa giàu lòng thương xót và vô cùng nhân ái. Ngài không phải Thiên Chúa ở
trên cao, nhưng là Thiên Chúa đến bên con người, sống với con người. Ngài đang ở
cạnh chúng ta, cùng thấu hiểu nỗi đau thương mất mát mà chúng ta đang hứng chịu
trước thảm kịch kinh hoàng mà virus corona để lại.
Hai lời cầu xin đại diện
cho hai túp người hôm nay đều được Thiên chúa đón nhận. Đôi khi trong cuộc sống
lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp ứng có lẽ chúng ta sẽ tuyệt vọng và
hoài nghi. Thế nhưng, đó chính là lúc chúng ta đánh mất niềm tin vào quyền năng
và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó cũng chính là lúc chúng ta quên rằng điều
kiện để phép lạ xảy ra không chỉ hệ tại ở Thiên Chúa nhưng còn tùy thuộc vào
chính lòng tin của ta. Nói như vậy thì cũng chính là khi ta thực sự có niềm tin
vào Thiên chúa thì việc ta có được chữa lành hay không được chữa lành, khi người
thân của ta được cứu hay chưa được cứu không quan trọng cho bằng niềm tin ta đặt
trọn vẹn vào quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa.
Làm sao để có được niềm
tin trọn vẹn mà ta đặt vào Chúa như người viết đang viết đây. Thực sự rất khó.
Tin trong lúc chẳng còn niềm tin ư? Sao có thể? Tin trong lúc lời cầu xin không
được đáp trả ư? Sao có thể? Chỉ khi nào ta thấu hiểu được lời cầu xin như chính
Đức Giêsu trong vườn Giêtsimani thì khi ấy ta mới thấu hiểu được mầu nhiệm của
sự vâng phục, mầu nhiệm của đau khổ. Xin mà không dám xin, chỉ vì điều mình xin
ấy không đẹp ý Chúa, là lời cầu xin đẹp nhất: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa con, nhưng xin đừng
theo ý con, một theo ý Cha.” (Mc 14, 36)
Cũng vì covi, tôi bận bịu
gác bút, nay cũng vì covi tôi vội vàng cầm bút viết lên những dòng chữ khóc
thương cho thành phố thân thương của tôi, nơi từng có một thời tôi lớn lên, yêu
thương và sinh sống, một phần trong trái
tim tôi đã dành riêng cho mảnh đất này. Tôi thương cả những con người nơi đây,
đặc biệt những người nghèo, người bệnh tật và người thất nghiệp… Hơn bao giờ hết,
tôi cảm nhận lúc này hình ảnh Thiên Chúa phải được tái hiện nơi những con người
phục vụ. Ngày nay mặc dù khoa học tiến bộ thật, văn minh thật nhưng điều khiến
người ta khâm phục nhất vẫn là những hình ảnh đẹp của những con người dám xả
thân phục vụ, dám yêu thương, dám xả thân, dám hy sinh, dám cầu nguyện. Thiên
Chúa của thời đại mới là đây, Thiên Chúa của lòng thương xót, Thiên Chúa của
người nghèo, Thiên Chúa của phục vụ chứ
không phải Thiên Chúa trên bàn phím nữa.
Lạy Chúa, xin Ngài thương cứu chúng con. Thế giới chúng con đang
tràn ngập trong sự dữ, chết chóc và dịch bệnh đe dọa, xin Ngài thương đến đặt
tay lên chúng con và cứu chữa chúng con. Con cảm tạ ơn Ngài.
M. Hoàng Thị Thùy Trang.