KẺ ĐIÊN

Bài Tin mừng hôm nay có thể nói rất phù hợp với tâm trạng của nhân loại trong mọi thời đại, khi mà con người luôn khao khát đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về cơm ăn, áo mặc. Và khi đối diện với thiếu thốn, đói nghèo… họ đã van nài, kêu cầu Đấng mà họ tin rằng Ngài sẽ chăm lo cho họ. Tuy nhiên, Tin mừng hôm nay nói rõ, Đức Giêsu muốn dạy người ta cần phải biết lao động, biết dùng bàn tay, khối óc và khả năng Chúa ban để mà làm việc kiếm sống. Bởi chính khi chúng ta lao động là lúc chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Và đó cũng chính là lúc chúng ta đang tìm kiếm một nguồn lương thực trường tồn, không hư nát: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực không hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn, đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông.” (Ga 6, 27)

Như vậy, sứ mạng của Đức Giêsu khi đến trần gian là muốn dạy cho chúng ta bài học về ý nghĩa cuộc sống. Ngài không phải muốn chúng ta không được ăn, không được uống nhưng Ngài muốn dạy chúng ta đang khi chăm lo cho sự sống vật chất này chúng ta phải biết chăm lo cho sự sống ngày sau. Chính sự sống ngày sau ấy mới cho chúng ta hạnh phúc thật. Chính sự sống ngày sau ấy mới là sự sống vĩnh cửu. Còn cuộc sống này, nay còn mai mất chỉ trong gang tấc. Cho nên, khi chúng ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa, không phải vì Ngài chăm lo vật chất cho ta, nhưng là qua sự sống vật chất này, chúng ta hướng đến một sự sống khác, đó là sự sống vĩnh cửu đời sau. Mà sự sống vĩnh cửu ấy lại được đong đo bằng chính những hành động sống của chúng ta ngay khi ta còn trên dương thế.

Ý nghĩa cuộc sống mà Đức Giêsu muốn dạy bảo chúng ta là vậy. Là sống hôm nay nhưng phải nghĩ đến ngày sau. Là sự sống hôm nay chỉ là cửa ngõ đưa ta đến sự sống vĩnh cửu. Thế nên, thay vì chăm lo cho mình của cải vật chất trần thế, ta phải biết rằng sự sống ngày sau mới thực sự quan trọng. Cuộc sống này sẽ khó nếu như thiếu đi cơm ăn áo mặc, nhưng sự sống ngày sau sẽ không có nếu thiếu đi yêu thương và bác ái.

Nếu như ai đó cũng hiểu được rằng, chính hành động bác ái yêu thương, chính niềm tin yêu ta đặt trọn vào Thiên Chúa là nguồn lương thực cho ta sự sống vĩnh cửu thì người ta sẽ dám sẵn sàng đánh đổi. Rất tiếc là rất hiếm, rất hiếm người trên thế giới chấp nhận trở thành “kẻ điên” để mà dám đánh đổi cho có được sự sống vĩnh cửu. Bởi có mấy ai dám “điên” khi hy sinh cho người khác? Có mấy ai dám trở nên “điên rồ” khi dám tha thứ cho kẻ phản bội, khi dám tha thứ cho chính kẻ thù mình? Có mấy ai dám điên khi rộng lòng san sẻ của cải vật chất mình cho kẻ khác cách vô vi lợi? Hỏi thử, có mấy ai dám trở thành “người điên” khi chỉ biết sống cho người khác? Khi chỉ biết yêu người khác mà không cần kẻ ấy yêu lại?

Tình yêu là một mầu nhiệm, chỉ khi yêu người ta mới dám làm những chuyện mà thế gian xem là điên rồ. Nhưng nào đó có phải “kẻ điên” nhưng là người biết sống chân thực nhất, người dám cho đi trọn vẹn nhất, là người can đảm nhất, can đảm đánh đổi nguồn lương thực mau hư nát để có được nguồn lương thực trường tồn, mang lại phúc trường sinh.

Thế giới ngày nay, tại một số quốc gia vẫn ngập chìm trong chết chóc tang thương vì đại dịch covid. Có rất nhiều hành động của những con người dám sống chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa, sẵn sàng ra đi bước vào tâm dịch để phục vụ. Đó là những con người quả cảm dám đánh đổi mạng sống của mình cho tha nhân. Cũng có rất nhiều tấm lòng sẵn sàng rộng tay, sẻ chia cơm áo cho người nghèo, người thất nghiệp, người bệnh tật, cơ hàn… Đó chính là những “con người điên” vì tình yêu thương tha nhân, vì lòng mến, vì ý thức được sự sống ngày sau.

Lạy Chúa, ý thức được sự sống ngày sau không phải là chuyện dễ dàng và quen thuộc cho thế giới ngày nay khi mà người ta đã quá đầy đủ về vật chất và phương tiện văn minh hiện đại. Xin giúp con biết nhận ra thánh ý Chúa muốn gửi đến mình giữa cơn đại dịch này, hầu con biết khôn ngoan chọn  lựa cho mình cách sống của kẻ dám điên vì Đức Kytô.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.