CHỌN LỰA CÁI CHẾT

 

Không biết đã mấy lần mình cầm bút viết về nỗi đau covid, nhưng có lẽ lần này mình cảm thấu nỗi đau ấy dày hơn, vì nó đã xuất hiện ngay trong gia đình người thân của mình. Mặc dầu đã chuẩn bị tinh thần rất sẵn sàng, đến tận 2 năm rồi, vậy mà vẫn không hết hoảng hốt, lo sợ, buồn phiền. Nếu như ai đó đối diện với cái chết mà không hoảng sợ, thì chỉ là những thánh nhân. Nếu như ai đó đối diện với đau khổ, thử thách mà không lo lắng, sợ hãi thì đó chỉ là kẻ dối lòng. Trước thập hình, Chúa Giêsu còn lo sợ đến toát mồ hôi máu. Người ta không phải tham sống sợ chết, cho bằng cái chết trong đau khổ, trong bệnh tật nó là một cái gì đó vô cùng thảm khốc, đau đớn không chỉ riêng về thân xác mà còn đau đớn sợ hãi của tâm linh. Cảm giác cô đơn khi phải đối diện với cái chết mới khiến người ta đau khổ, vì cái đau thân xác đôi khi còn chia sẻ được, nhưng nỗi đau của cái chết lấy gì mà san sẻ. Ai có thể chết thay mình được đâu. May ra có một vài vị thánh can đảm chết cho người khác. Và diễm phúc có Chúa Giê su chết thay cho ta nhưng là để cứu chuộc ta, đền tội cho ta chứ không phải chết thay cho ta để ta khỏi chết. Người chết thay cho ta để ta khỏi phải chết đời đời chứ không phải khỏi chết đời này.

Anh khuyết tật vừa điếc vừa ngọng hôm nay thật là người diễm phúc vì được Chúa cứu chữa mình nhưng đó chỉ là cái diễm phúc trần thế, nếu như sau khi được Ngài cứu chữa thân xác, anh có một đời sống tâm linh biến đổi thì anh còn diễm phúc hơn. Có lẽ nhiều khi chúng ta quá chú trọng đến đời sống vật chất mà quên đi tầm quan trọng của đời sống tâm linh, chính giá trị tâm hồn mới cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Còn sự sống đời này, ai rồi cũng chết, chả ai sống mãi được. Cho dù bạn chết thế nào đều không quan trọng, quan trọng là bạn sống thế nào. Vì sống thế nào đời này sẽ cho bạn sự sống đời sau như vậy, còn chết đời này thế nào, hoàn toàn không có giá trị với sự sống đời sau. Chỉ cái sự sống đời này thế nào của bạn mới làm cho bạn chết đời sau như vậy.

Bạn sợ cái chết, đó là điều hiển nhiên không có gì đáng trách hay xấu hổ, nhưng bạn hãy sợ cái chết đời đời kìa, chính cái chết ấy mới kinh hoàng gấp trăm vạn lần cái chết mà ngày ngày bạn đang đối diện trước thảm kịch covid kinh hoàng này. Thiên Chúa, Ngài đâu có quan trọng bạn chết thế nào, Ngài chỉ quan trọng bạn sống thế nào. Để làm gì? Để bạn có được sự sống ngày sau mà không phải chết đời đời.

Nếu vậy trong khi Thiên Chúa không quan tâm đến cái chết đời này, sao bạn lại sợ hãi nó quá mức. Nếu như đổi lại trong cơn sợ hãi đó, bạn hiểu được cái chết ngày sau nó kinh hoàng hơn thì ngày nay bạn đã là người diễm phúc, vì không để cho mình phải chết đời đời.

Không ai muốn mình chết đời này, và cũng không ai chọn cho mình cái chết đời  này, nhưng cái chết đời đời ngày sau hoàn toàn là do tự do lựa chọn của bạn. Điểm khác biệt là như thế. Vậy nên, khi nhìn thấy thảm kịch đang xảy ra trên thế giới, đang xảy ra cho người thân mình, ước mong mỗi người chúng ta biết nghĩ đến sự sống ngày sau mà cố gắng sống đẹp lòng Chúa hơn.

Hôm nay tôi cầm bút viết những dòng chữ này, biết đâu ngày sau chính tôi cũng phải đối diện với nỗi đau của tha nhân trên thế giới đang mất đi người thân của mình vì dịch bệnh. Và một ngày nào đó chính tôi cũng sẽ chết. Vậy thời gian còn lại có phải là hồng phúc để tôi chọn lựa cho mình không phải chết đời đời. Thời gian còn lại là một hồng phúc để tôi chọn lựa cho mình sự sống đời đời, cái mà tôi có thể cầm nắm được, và không một ai có thể lấy mất, ngay cả cái chết đời này.

Như vậy, mỗi người chúng ta đều tự do chọn lựa cho mình cái chết đời sau, và cũng mỗi người đều có tự do lựa chọn cho mình sự sống ngày sau. Sự sống đời này thì không ai có quyền chọn lựa, cái chết đời này cũng vậy, vì chả ai muốn chết, vì chả ai muốn sống khổ, sống nghèo, sống thiếu thốn, sống đau khổ, sống bệnh tật… tất cả những cái sống này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Nhưng sự sống ngày sau, hoàn toàn ở trong tầm kiểm soát của họ, nương nhờ bởi ân huệ và lòng thương xót của Thiên Chúa nữa. Cái chết ngày sau cũng vậy, hoàn toàn ở trong tầm kiểm soát của chúng ta và hoàn toàn lệ thuộc vào tự do chọn lựa của ta. Tự do chọn lựa vâng phục Thiên Chúa hay vâng phục người phàm. Tự do chọn lựa sống theo thánh ý Chúa hay theo ý muốn của bản thân và ma quỉ.

Tin mừng hôm nay thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa người khuyết tật vừa điếc vừa ngọng. Ngài đã chữa lành anh cách kín đáo, chỉ riêng mình anh. Sau khi chữa lành, Ngài còn nghiêm cấm không cho những người giúp đỡ anh thuật lại sự việc đã xảy ra, nhưng Ngài càng cấm thì họ càng loan truyền phép lạ cao cả của Ngài: “Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra” (Mc 7, 36). Như vậy, chúng ta thấy sự kín đáo, tế nhị và khiêm tốn của Chúa Giêsu qua việc Ngài ban bố quyền năng, sức mạnh trên người nghèo, người bệnh, người tội lỗi… cũng như lòng quảng đại của Ngài khi biểu lộ lòng thương xót. Hành động này của Chúa, cho ta thấy sự khác biệt của những nhóm tà thuyết lạc giáo, luôn vênh vang, phô trương, tự đắc mỗi khi làm được việc gì cho tha nhân. Nhìn lại lịch sự Giáo hội, không có một vị thánh nào mà không khiêm nhường. Các ngài khiêm nhường lúc này là vì các ngài nhận ra tất cả những gì mình có được không phải do tài năng bản thân mà đều là do ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Những con người kiêu ngạo, đều là tay sai của ma quỉ, ma quỉ là cha của kiêu ngạo, là vua của gian dối, của giả hình và lừa gạt mà.

Sự trợ giúp của tha nhân hôm nay đã khiến anh khuyết tật được lành bệnh. Lời trợ giúp của chúng ta hôm nay rất có hiệu lực trước những bệnh nhân đang chiến đấu giành giật lại sự sống trong cơn đại dịch. Mỗi hành động, mỗi việc làm, mỗi lời cầu nguyện, mỗi hy sinh nhỏ bé, âm thầm của ta đều có giá trị trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Thế nên, hãy cùng nhau chung tay khẩn cầu và hành động để lan tỏa tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đến với thế gian. Và lỡ khi cái chết có động chạm đến mình, thì có phải ta đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự sống ngày sau của mình rồi không?

Lạy Chúa, hơn bao giờ hết, chúng con đang ngước mắt lên trời cao và thầm thĩ dâng lên lời nguyện xin “Ép-pha-ta” (MC 7, 34) như Ngài dâng lên Chúa Cha hôm xưa để xin Ngài chữa lành thế giới thoát khỏi đại dịch hôm nay. Chúa ơi, nước mắt chúng con đã chảy ngược tới trời, thấm ướt cung thánh Ngài, xin Ngài giang cánh tay chữa lành chúng con. Thế nhưng, nếu có thể được, con không chỉ xin cho thế giới khỏi chết đời này nhưng còn mạo muội xin cho khỏi chết ngày sau. Lời cầu xin ấy có quá đáng lắm không?

M. Hoàng Thị Thùy Trang.