NHỮNG MIẾNG BÁNH CHẲNG THỂ NÀO ĂN
Có
lẽ người Kytô hữu nào cũng có ít nhất một lần trong đời mong ước được Chúa Giêsu
làm phép lạ cho mình. Đơn giản vì con người thiếu thốn. Những cái thiếu thốn cả
về vật chất lẫn tinh thần khiến cho người ta nhận ra sự bất lực của bản thân để
mà phải cầu xin, van nài một quyền lực, một phép lạ, một ân ban đến từ trời
cao. Thú thật, nếu như ai đó còn biết cầu xin, là người còn khiêm nhường để bấu
víu một sức mạnh ngoài họ. Cũng vậy, một khi nhân loại không còn biết cầu khấn
là gì, cũng chính là lúc họ chẳng cần đến Thiên Chúa nữa.
Sự
cố ngoài ý muốn của gia chủ tiệc cưới hôm nay, cũng là thường lệ cho tất cả
chúng ta, khi phải đối diện với những bất trắc của cuộc sống. May mắn thay, hôm
nay với sự trợ giúp của Mẹ Maria mà gia chủ được giải cứu khỏi tình huống nan
giải.
Tin
mừng là một niềm hy vọng cho chúng ta, khi có Mẹ bên cạnh. Thế nên, trong mọi
trạng huống của cuộc đời, chúng ta đừng quên Mẹ, đừng mất niềm hy vọng vào Mẹ.
Có người mẹ nào không thương con. Vậy chúng ta có Mẹ, sao chúng ta không biêt
van nài Mẹ, để Mẹ cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta.
Tuy
nhiên, cầu xin là một bổn phận của kẻ làm con. Cầu xin là bổn phận của kẻ thiếu
thốn. Cầu xin là bổn phận của kẻ tôi tớ với ông chủ của mình. Và ban hay cho,
cũng là tùy ý Ngài. Thôi thì, hãy vâng lời Mẹ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2, 5)
Vấn đề là làm sao, giữa một thế giới bộn
bề trắng đen này, ta nghe được tiếng Chúa. Ngài không nói trực diện với ta,
Ngài luôn nói trong thinh lặng, Ngài luôn nói qua mọi biến cố trong cuộc sống
và đôi khi Ngài còn nói khó hiểu như hôm nay trong bài Tin mừng: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ
của con chưa đến.” (Ga 2, 4)
Vấn đề lạ lùng là làm sao, Mẹ có thể hiểu
Con của mình đến vậy. Câu trả lời của Ngài xem chừng rất khắc nghiệt, vậy mà Mẹ
vẫn hiểu ra thông điệp của Con Mẹ. Còn chúng ta, làm sao chúng ta có thể nhận
ra thông điệp mà Thiên Chúa muốn nói với mình? Thường chúng ta chỉ biết xin cho
được ý mình, mà không hề xin cho được với ý Thiên Chúa. Và cốt lõi của mọi nan
giải đều ở đó.
Cuộc sống rất bất công. Sự thật là vậy.
Kẻ ác vẫn sống thảnh thơi, người nghèo khổ luôn luôn bất hạnh trong mọi phương
diện. Cái hạnh phúc mà họ có được duy nhất đó là sự tín thác vào quyền năng,
tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa.
Có những con người, có thể tự do làm bất
cứ điều gì họ muốn. Họ có tiền, có tài, có sức mạnh, có cả quyền lực… và họ
không cảm thấy thiếu thốn, cuộc sống không thấy khổ sở. Làm thế nào để người
nghèo khổ có được một niềm tin và sức mạnh đối diện với thách đố của cuộc sống
với đôi bàn tay trắng như vậy được?
Có những con người thèm được ăn những miếng
bánh mà kẻ khác có thể ăn rất dễ dàng, ăn một cách tự do, ăn một cách thảnh
thơi, ăn một cách hạnh phúc. Thế nhưng, lại có những con người cầm miếng bánh
lên mà chẳng dám ăn và phải đau khổ đặt xuống, vì họ biết rằng miếng bánh này họ
chả được phép ăn. Ăn vào họ sẽ chết. Ăn vào họ sẽ mất ân nghĩa với Thiên Chúa
và xúc phạm đến tha nhân.
Có những miếng bánh cuộc đời thật cay
nghiệt là thế, như những chum rượu đầy không được Thiên Chúa chúc phúc. Có những
đau khổ mà con người chọn lựa không phải cho mình, vì mình mà là cho Thiên Chúa
và vì vinh danh Ngài. Thế nhưng, phải làm sao để có thể lắng nghe được tiếng
Chúa nói với mình để mà thực thi ý muốn của Ngài là một thách đố đớn đau cho tất
cả những ai muốn đi tìm chân lý.
Lạy Chúa, con là kẻ ăn mày tội nghiệp. Tội
nghiệp không phải vì con biếng làm, siêng chơi nhưng là vì con bất tài, yếu
kém. Con ăn mày tình thương của Chúa và tha nhân, vì con cần đến Ngài, con cần
đến sự trợ giúp của người khác. Trong cuộc sống, có những lúc con khẩn nài thực
sự nhưng vẫn nhận được sự thinh lặng đến chết chóc. Tim con đau nhói và mệt mỏi,
nhưng nó chưa vỡ ra mà vẫn còn đập, nên con vẫn phải bước đi. Có lẽ giây phút
này con vẫn muốn xin Ngài làm phép lạ, mà lại chả dám xin hoặc mệt mỏi không
còn muốn xin nữa. Bởi nhận thấy rằng hiện giờ mình vẫn còn đang thở thì chả phải
là đã đang nhận phép lạ từ trời rồi sao? Ước gì, con có thể nghe được tiếng an ủi
của Mẹ giống gia đình chủ tiệc hôm nay, như là một phần an ủi và hy vọng của những
kẻ tay cầm miếng bánh mà chả thể ăn.
M.
Hoàng Thị Thùy Trang.