HÃY ĐỂ NGÀI THA THỨ CHO CON
Có
lẽ trong chúng ta, không ai lạ lẫm với bài dụ ngôn người con hoang đàng trong
Tin mừng hôm nay. Câu chuyện dụ ngôn này đã thực sự quá quen thuộc với chúng
ta. Hiểu về nó, suy ngẫm về nó người ta cũng đã thuần thục. Tuy nhiên, để sống
được ý nghĩa của bài dụ ngôn này lại không thể là chuyện dễ dàng.
Chúng
ta đã quá quen thuộc với hình ảnh người con thứ ngỗ ngược đòi cha phân chia tài
sản để được tự do tiêu xài: “Thưa cha,
xin cho con phần tài sản con được hưởng.” (Lc 15, 12) Anh ta đã rời bỏ ngôi
nhà của mình và ra đi. Đó cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Muốn tự do
hành động và sống theo sở thích, ý muốn của riêng mình. Chúng ta cũng rất nhiều lần rời bỏ ngôi nhà Thiên Chúa dành cho
mình để đi tìm ngôi nhà thế gian, sống thỏa mãn với sở thích cá nhân. Chúng ta
đã bỏ rơi tình thương của Thiên Chúa lại phía sau mà tiến về phía trước, sống tự
do hưởng thụ. Kết quả bi đát xảy ra cho người con thứ ai trong chúng ta cũng đã
biết rõ. Nhưng kỳ diệu là tình thương của người cha đã tha thứ tất cả, lãng
quên tất cả và giang rộng vòng tay đón con trở về mà chả cần một điều kiện nào.
Ngay cả khi ý định trở về của anh ta không phải vì thương cha, vì hối hận mà
cũng chỉ vì lợi ích cá nhân, vì cái bụng đói của mình: “Biết bao nhiêu người làm công
cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói. Thôi, ta đứng lên,
đi về cùng cha.” (Lc 15, 17-18)
Hình
ảnh người cha trong Tin mừng cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài chờ đợi,
Ngài tha thứ cho chúng ta vô điều kiện. Ngay cả những khi ta yêu Ngài chỉ vì lợi
ích riêng tư. Ngài cũng bất chấp tất cả, chỉ cần chúng ta quay trở lại với
Ngài, trở về bên Ngài là chúng ta đã có được trái tim tình yêu của Thiên Chúa.
Nếu
như mỗi người chúng ta chịu khó suy nghĩ về tình yêu người cha nhân hậu trong dụ
ngôn này để mà hiểu rõ hơn tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta thì cuộc sống
này đã bớt bất hạnh biết chừng nào. Cũng vậy, nếu như người anh sống cạnh cha,
hiểu được trái tim cha thì anh cũng hạnh phúc biết mấy. Tuy nhiên, sự ích kỉ,
toan tính, hẹp hòi của anh đã khiến anh còn bất hạnh hơn cả em mình. Nếu như
anh có tình thương với em thực sự. Nếu như anh có tình thương với cha thực sự,
chắc chắn anh sẽ hiểu nỗi lòng của cha, đồng cảm với cha để mà vui mừng khi thấy
đứa em hư hỏng của mình tưởng chừng đã mất nay trở về. Tuy nhiên, thật đáng buồn
thay, anh ở cạnh bên cha nhưng tâm hồn anh lại xa cha. Trong anh chỉ có toan
tính, so đo và thực dụng. Anh nghĩ đến cái vật chất nhiều hơn cái tình cảm. Anh
không hiểu được giá trị của tình yêu. Anh đã đánh đồng cuộc sống bằng những giá
trị vật chất. Kết quả là anh đã đi chệch con đường mà trái tim cha anh đã đi: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ
cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con
dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết
của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo để ăn mừng!”
(Lc 15, 29-30)
Chúng
ta cũng vậy, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta đã đặt quá nặng giá trị vật chất
trên giá trị tinh thần để rồi lúc nào cũng thấy uất ức vì bị thiệt thòi, mất mát. Chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu khi thấy sự
bất công, thiên vị. Ước gì lúc này, chúng ta hãy mặc lấy trái tim của người
cha, chỉ vì tình yêu mà tha thứ tất cả, chỉ vì tình yêu mà bỏ qua tất cả. Bởi vật
chất thì lúc nào cũng có đó, nhưng còn tình yêu, còn linh hồn, không phải muốn
mua là có đâu: “Con à, lúc nào con cũng ở
với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và
hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
(Lc 15, 31-32)
Dụ
ngôn hôm nay không những dạy ta bài học về tấm lòng nhân hậu của người cha để
chúng ta biết đối xử nhân hậu với nhau trong gia đình, trong cộng đoàn nhưng
còn là một bài học cho sự tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa dành cho mình.
Hơn nữa, dụ ngôn còn dạy ta về giá trị của cuộc sống. Trên tất cả, mọi sự rồi
cũng sẽ qua đi, vật chất rồi cũng sẽ hết nhưng tình yêu và linh hồn thì sống
mãi. Chính giá trị của ơn cứu độ mới quan trọng, vì sẽ khiến chúng ta được sống
đời đời. Mọi giá trị vật chất này đều sẽ qua đi, ta hãy vì giá trị linh hồn
mình mà biết dừng lại, biết quay trở về, biết buông bỏ, biết tha thứ, biết lựa
chọn.
Lạy
Chúa, rõ ràng Ngài chả cần một chút gì về mọi giá trị vật chất trên cõi đời này.
Điều Ngài cần chính là ơn cứu độ cho chúng con, là hạnh phúc của chúng con, là
phần rỗi của chúng con. Vậy mà rất nhiều khi trong cuộc sống, con cứ muốn xin
Ngài cho con được đi xa. Đi xa khỏi những thứ ràng buộc của lề luật khiến con mất
tự do để mà sống theo ước muốn, tham vọng của cá nhân. Hết lần này đến lần
khác, con đòi Ngài phân chia sự tự do ấy cho con, để con có thể sống thỏa mãn
theo ý muốn riêng mình. Và Thiên Chúa cũng vẫn kiên nhẫn cho con thời gian, cho con sức khỏe, cho con bạc tiền để con
phung phí trong tội. Chưa kể những lúc thấy kẻ ác hoặc người này kẻ nọ được
giàu sang, phú quý, được may mắn, được chúc tụng thì con đem lòng đố kỵ, buồn
bã, ghen tỵ… Con cần gì ở những thứ nay còn mai mất đó chứ? Để mà hủy diệt tâm
hồn mình? Xin giúp con biết dừng lại, xin giúp con chọn dừng lại và trở về. Cho
dẫu con có tội lỗi dường nào, có nghèo túng ra sao, đối với Thiên Chúa đều
không quan trọng cho bằng linh hồn con. Con có thể cho người đời tất cả nhưng
còn trái tim con, linh hồn con xin đừng bán cho ai khác mà hãy dành riêng nó
cho Thiên Chúa. Bởi Ngài cũng sẵn sàng cho con tất cả, cả vũ trụ này chỉ để
đánh đổi linh hồn của con sao. Ngài đã dành cả mạng sống mình để cứu chuộc linh
hồn con đó, con vội quên rồi sao? Xin cho con thực sự trở về cho dù với mục
đích gì đi nữa, cũng không quan trọng cho bằng để Thiên Chúa được tha thứ cho
con, yêu thương con, thanh tẩy con, chăm sóc con. Vâng, hãy để Ngài tha thứ cho
con…
M. Hoàng Thị Thùy Trang.