CÓ MỘT NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI VÌ TÔI
Mỗi năm một lần, cứ đến mùa phục sinh
thì người Kytô hữu lại một lần nữa sống lại cảm giác của người vừa được cứu độ.
Khi trải qua ba ngày Tam Nhật Thánh, là một cơ hội cho mỗi người tưởng nhớ lại
cái chết cứu độ của Chúa Giêsu. Không ít thì nhiều, chắc hẳn nơi cung lòng mỗi
người sẽ đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Có thể là chai cứng, vô cảm,
có thể là xúc động, có thể là cảm thương, có thể là thống hối, có thể là ăn
năn… Cung bậc cảm xúc nào cũng tốt nếu như ta biết trò chuyện đối diện với
Chúa, miễn là đừng lãng quên Ngài, miễn là đừng bỏ Ngài ra khỏi cung bậc của cuộc
sống.
Như bao người, Tam Nhật Thánh năm nay
trong lòng tôi mang một cảm xúc khó tả. Dường như tôi đã đủ lớn để không còn sướt
mướt khóc thương Chúa như năm nào, mặc dầu cũng có nhiều lúc nước mắt cứ trực
trào ra vì đọc lại những trang Tin mừng ghi lại cuộc phán xử và hành hình Chúa.
Dường như tôi cũng đã đủ lớn để rồi chỉ thích trò chuyện ở trong lòng. Có biết
bao nhiêu điều tôi chưa nói với Ngài, có biết bao nhiêu điều tôi muốn nói với
Ngài. Năm nay dịch bệnh đã khá ổn, không còn phải cách ly nhiệm nhặt như năm
trước, nhưng mà sự bình an đời thường dường như không còn nữa. Trên miệng ai
cũng phải cài một chiếc khẩu trang kín mít. Phải chăng chiếc khẩu trang này muốn
nói với chúng ta cần phải kiệm lời lại, cần phải tránh xa những câu chuyện vô bổ
tránh những thói xấu và để tâm trò chuyện trong thinh lặng với Chúa nhiều hơn.
Ngài
chết rồi, thứ sáu tuần thánh Ngài đã chịu đóng đinh vì chính chúng ta. Thật là
kinh hoàng và đáng trách. Chúng ta đã đóng đinh một người vô tội. Đó là câu
chuyện của ngày xưa nhưng cũng chính là câu chuyện còn đang tái diễn ngày nay
khi chúng ta xúc phạm đến Chúa và tha nhân. Chính khi ta phạm tội cũng là lúc
ta đóng đinh Ngài một lần nữa. Nếu như ta cảm thấy đau khi tưởng niệm lại cuộc
khổ nạn của Chúa, thì ngày nay chúng ta cũng phải biết sám hối ăn năn với lỗi lầm
mình đã phạm để mà thay đổi. Sự thay đổi có khi là chậm chạm, đôi lúc thụt lùi,
đôi khi dậm chân tại chỗ… nhưng điều đó không quan trọng cho bằng tấm lòng dành
cho Chúa. Mỗi người hãy tự hỏi lại lòng mình, ở tận cõi lòng, tôi đã để Ngài ở
đâu, tôi đã để Ngài ở vị trí nào trong cuộc đời tôi?
Nếu
như chúng ta biết khóc trước cái chết của Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng phải biết
cười, biết hạnh phúc trước sự sống lại của Người. Ta hạnh phúc vì niềm tin của
ta vào sự thiện đã toàn thắng. Ta cần phải vui mừng lên vì niềm tin của chúng
ta không phải là niềm tin bế tắc mà là niềm tin mang lại hy vọng vào sự toàn thắng
bất diệt. Vì thế, chúng ta không có lý nào để mà thất vọng, để mà buồn bã, vì sự
thiện đã hoàn toàn chiến thắng cái ác.
Tin
mừng thuật lại niềm vui mừng khi bà Maria vôi vã ra đi loan báo tin vui phục
sinh. Tâm trạng của bà khi viếng mộ buồn bã bao nhiêu thì bây giờ lại vui mừng
bất nhiêu. Khi nhìn thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, người phụ nữ ấy biết rằng
Thầy mình đã sống lại, Ngài đã toàn thắng: “Người
ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (Ga
20, 2)
Mỗi
người chúng ta nếu như nhận mình là một Maria, biết buồn trước cái chết của
Chúa, biết ra đi viếng mộ Người thì cũng hãy biết vui mừng vì Ngài đã sống lại.
Vui mừng không phải để rồi giấu kín, nhưng là can đảm ra đi, loan báo Tin mừng
phục sinh chí ít cũng bởi chính đời sống của mình. Đó là một chứng nhân hùng hồn
nhất.
“Sao các bà lại tìm Người sống ở giữa
kẻ chết.” (Lc 24,5) Thật vậy, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cứ
chỉ nghĩ đến đau khổ, chết chóc, bệnh tệt, mất mát, mà không nghĩ đến sự toàn
thắng của Thiên Chúa. Sự toàn thắng ấy không có gì có thể giết chết được. Cho
nên, cho dù cuộc sống này còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng điều đó hoàn
toàn không quá sức chịu đựng của ta. Đức Giêsu Kytô đã chết cho chúng ta một lần
là đủ, Người sẽ không bao giờ chết nữa, và tất cả chúng ta những ai đặt niềm
tin vào Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ được cùng sống lại với Người.
Sự
sống lại chắc chắn đã có, nhưng làm thế nào để có thể được sống lại, được đón
nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa hoàn toàn tùy thuộc vào niềm tin, vào thái độ sống
của chúng ta. Ước gì mùa phục sinh năm nay, người người được tràn đầy niềm vui,
hạnh phúc của ơn cứu độ.
Lạy
Chúa, có thể nói con chỉ biết sống mầu nhiệm tử nạn trong suốt cuộc đời mình mà
quên đi mầu nhiệm phục sinh vinh thắng. Xin giúp con nếu như đã biết khóc vì tội
lỗi, thì cũng hãy biết cười và hy vọng vì sự toàn thắng phục sinh. Xin giúp con
nhớ rằng, có một Người đã sống lại vì con, thế nên con hãy vì Người mà sống!
M.
Hoàng Thị Thùy Trang.