VƯỢT KHỎI NHỮNG LÚNG TÚNG

CỦA HAI ĐẠI DANH TỪ
“NGƯỜI” VÀ “NGÀI”

 

Vấn đề này chúng con đã có nêu lên một vài lần với các vị hữu trách nhưng chưa thấy được quan tâm, cho nên xin được công khai hoá để rộng đường thảo luận.

MỘT CẢNH HỖN ĐỘN

Để ý theo dõi sách vở Công giáo, ta sẽ thấy giới Công giáo Việt Nam ngày nay đang lúng túng giữa hai kiểu nói NgàiNgười.

Chẳng hạn trong bản dịch NGHI THỨC THÁNH LỄ (Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005) ở 14 trang của phần “các công thức ban phép lành trọng thể” (tt 107-120) hai kiểu nói này xuất hiện 57 lần: Người 14 lần và Ngài 43 lần:

Người (trang 107/dòng 2dưới lên; 110/3.4.10.6d; 111/13.14.20.3d; 112/3.9.10; 116/6d; 120/6d).

Ngài (trang 107/dòng 15; 108/7.8.10.15.16.18.20.22.23.24; 109/4.14.15.5d.4d; 110/10d.13d; 111/8.9; 112/11d; 113/1.12.16.2d; 114/7.10.14.6d.7d; 115/14; 116/1.3.4.10d.11d; 117/10.15; 118/4; 119/8d.10d; 120/9.10).

Uỷ Ban Phụng Tự đã có giải thích rằng khi nói về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thì dùng “Ngài”, còn nói về Chúa Giêsu thì dùng “Người”. Nhiều người biết lời giải thích ấy nhưng không tán thành, còn giáo dân và người lương nghe qua thì nghĩ ngay rằng người dịch cẩu thả, bởi dân chúng không thể nào ngờ được rằng Ba Ngôi Thiên Chúa “đều bằng nhau, không ngôi nào trước ngôi nào sau” lại bị “phân biệt đối xử” như thế. 

Rất nhiều sách vở khác cũng dùng lộn xộn như thế, lắm khi trên cùng một dòng chữ! Sự lộn xộn bắt đầu từ đâu?

TIẾN TRÌNH DẪN ĐẾN HỖN ĐỘN

Hồi xưa, ai cũng dùng Ngài.

Bạn dịch Kinh Thánh của Hội Thánh Tin Lành do nhà văn Phan Khôi thực hiện năm 1927 dùng Ngài để nói về Chúa Cha, Chúa Con hay Chúa Thánh Thần; khi nói với Thiên Chúa thì dùng Chúa.

Bản dịch Bốn Phúc Âm và Tông Đồ Công Vụ của cha Trần Đức Huân, xb 1950 cũng dùng Ngài để nói về Chúa Cha, Chúa Con hay Chúa Thánh Thần; Các Thánh vịnh trong ấn bản Thánh Kinh Cựu Tân Ước của cha Huân (Ra Khơi, Thánh Kinh Thiện Bản, 1970) khi nói về Thiên Chúa thì dùng Ngài, còn nói với Thiên Chúa thì dùng Chúa trừ những chỗ luật bằng trắc đòi hỏi thì dùng Ngài.

Bản dịch của ĐHY Trịnh Văn Căn cũng thế: nói về Thiên Chúa hay Chúa Kitô thì luôn dùng Ngài, còn nói với thì dùng Chúa. Các Thánh vịnh (Trong Thánh Kinh trọn bộ TGM Hà Nội xb 1985), cả khi nói về và nói với Thiên Chúa đều dùng Chúa.

Có lẽ sự lộn xộn đã khởi đầu với bản dịch của cha Gérard Gagnon, Thánh Tâm Biệt Thư xb 1962. Dịch giả này dùng Người để nói về Thiên Chúa cũng như về Chúa Giêsu; trong các Thánh vịnh, khi nói với Thiên Chúa thì dùng Chúa.

Tiếp đó, bản dịch Tân ước của cha Nguyễn Thế Thuấn (Nhà sách Đức Mẹ, 1969) dùng Người để nói về Ngôi Cha và Ngài để nói về Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.

Bản dịch Sách lễ của Ủy ban Giám mục về Phụng vụ (Sài Gòn, 1970) đảo ngược lại: nói về Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần thì dùng Ngài, về Chúa Giêsu thì dùng Người.

Bản dịch Tân ước của cha An Sơn Vị (Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo xb 1983) cũng dùng như thế: nói về Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần thì dùng Ngài, về Chúa Giêsu thì dùng Người.

Sau nữa, Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dần dần khẳng định được một quy ước khác: Khi nói về Thiên Chúa (bất cứ Ngôi nào) thì dùng Người, khi nói với Thiên Chúa (bất cứ Ngôi nào) thì dùng Ngài. Sự phân biệt này khá tiện lợi cho một số trường hợp, cách riêng là khi phiên dịch Thánh Vịnh. Với việc sử dụng bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ hiện hành và với hằng triệu bản Tân Ước đã được ấn hành, rồi đây giới Công giáo nói chung sẽ quen với quy ước này. Thế nhưng xét cho kỹ, việc dùng chữ Người làm đại từ chỉ Thiên Chúa có thể gây trở ngại lớn cho việc hội nhập văn hoá, việc dạy giáo lý cũng như cho các nỗ lực đại kết. 

Giới Công giáo có thể sẽ quen nhưng cộng đồng người Việt nói tiếng Việt không chỉ gồm một nhúm người Công giáo! Vài chục ngàn ấn bản Thánh Kinh có thể đủ để khiến cộng đồng người Việt thay đổi cách dùng một danh từ nhà đạo, nhưng vài chục triệu ấn bản Thánh Kinh vẫn không thể khống chế người Việt ngoài Công giáo đổi lại cách dùng đại danh từ cố hữu. Ngay trong nội bộ giới Công giáo, nếu quy ước về đại danh từ này đưa ra không đúng với tiếng Việt thì mãi mãi vẫn có người không chấp hành, bởi vì đã là người Việt thì không ai có thể cấm họ nói và viết theo cách của tiếng Việt.

Thói quen dùng theo quy ước CGKPV dường như đang đi đến chỗ gần như khó đảo ngược, thế nhưng vì trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai, chúng ta cần can đảm xét lại.

Hiện nay, Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGMVN cũng đang dùng theo cách trong bản dịch Sách Lễ của Ủy ban Giám mục về Phụng vụ trước đây:

1. Khi nói với Thiên Chúa thì lặp lại danh từ đã xưng hô trước đó, chứ không dùng “Ngài”, trừ một vài trường hợp bất đắc dĩ do âm luật bằng trắc đòi hỏi. Ví dụ: Lạy Chúa, Chúa đã… Lạy Cha, Cha đã…

2. Khi nói về Thiên Chúa thì phân biệt:

- Nói về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thì dùng Ngài

- Nói về Chúa Giêsu thì dùng Người, để nêu bật mầu nhiệm nhập thể

Lập luận giải thích như thế thì lẽ ra còn phải phân biệt: khi nói về Ngôi Lời Hằng Hữu thì dùng “Ngài”, chỉ khi nói về Chúa Giêsu (Ngôi Lời nhập thể) mới dùng “Người”.

Chọn lựa này của UBPT không chỉ gây thêm xáo trộn mà còn có nguy cơ khiến đức tin của Dân Chúa cũng như suy nghĩ của người ngoài về giáo lý Công giáo bị lệch lạc. Thật vậy, dù chúng ta có giải thích gì đi nữa, đầu óc non nớt của học sinh giáo lý và cái nhìn chất phác của đại chúng vẫn đi đến một kết luận không mong chờ: Chúa Giêsu không cùng một đẳng cấp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đức tin của họ sẽ nằm ở giữa hai lạc thuyết Nestôriô và Ariô. Bản dịch kinh Tin Kính hiện nay đã sửa câu “Người cùng được phụng thờ” để tránh tình trạng đọc “cùng” thành “cũng” và do đó Chúa Thánh Thần có vẻ như không ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con.

Con còn nhớ, sau Công Đồng, trong lúc chờ đợi bản dịch chính thức, HĐGMVN đã cho phép dùng sách lễ Hiện Tại. Trong đó có một kinh Tiền tụng tuyên xưng rằng “Chúa là một ngôi vị, không phải một ngôi vị duy nhất nhưng Ba Ngôi trong một bản thể”. Khắp nơi đều đọc ngon lành, sau mấy năm mới có người chợt nhận ra rằng hoàn toàn sai tín lý.

Một trường hợp khác, cho đến nay rất nhiều nơi, nếu không nói là gần như khắp nơi, vẫn còn tiếp tục tuyên xưng “Khổ phụ thuyết” theo sự sai lạc vô tình trong lời nguyện Kinh Truyền Tin do Công đồng Đông dương dịch năm 1923. “Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời thánh thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Ki-tô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn (Con) Chúa chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá cho chúng con ngày sau khi sống lại, được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Ki-tô là Chúa chúng con. A-men.  

Thiết tưởng không nên coi thường nguy cơ lạc giáo mà sự “phân biệt đối xử” với Ba Ngôi có thể gây ra.

NHỮNG BẤT LỢI CỦA ĐẠI DANH TỪ “NGƯỜI” DÙNG ĐỂ NÓI VỀ THIÊN CHÚA

Đem đại danh từ Người dùng để nói về Thiên Chúa có nhiều nguy cơ gây hiểu lầm:

1. Khi nghe, không phân biệt được Người với người

Khi dạy giáo lý cho trẻ em và người bình dân, việc dùng đại từ Người có nguy cơ khiến người nghe hiểu lầm trong nhiều trường hợp, bởi lẽ họ bị lẫn lộn giữa:

+ Người (He, Him) và người (man).

+ Con người (man), Con Người (Son of Man) và Con Người (His Son)

Ví dụ, nếu chỉ nghe chứ không nhìn mặt chữ, mà phân biệt được:

+ ăn thịt Người/ ăn thịt người (Kinh Sách, các bài đọc, tập 1&2, Nxb TPHCM 1998, Thứ Bảy Bát Nhật PS - trang 456)

+ Con Một Người/con một người

+ Nhờ Người có thể xác mà tử thần giết được Người/ Nhờ người có thể xác mà tử thần giết được người. (Sđd, Thứ Sáu Tuần III PS - trang 506)

+ Tử thần không thể diệt được Người nếu Người không có thể xác, và âm phủ cũng không thể nuốt được Người nếu Người không có xác phàm/Tử thần không thể diệt được người nếu người không có thể xác, và âm phủ cũng không thể nuốt được người nếu người không có xác phàm. (Sđd, ibid)

+ Cái chết giết Người/Cái chết giết người. (Sđd, trang 413)

* Nếu thay các đại từ Người bằng Ngài, sẽ không chỗ nào trên đây còn bị hiểu lầm nữa.

Sự lẫn lộn này không dễ tránh, không chỉ riêng độc giả hoặc học viên mà cả người xuất bản cũng đã có lúc kẹt phải. Ví dụ: Chữ Con người (man) trong Dt 2,9 khi trích vào CGKPV (Nxb Tôn Giáo 2001, trang 407) đã bị viết lầm thành Con Người (Fils de l’homme/ His Son).

2. Người đại từ chủ ngữ và người tiếp đầu ngữ

Ở đầu câu, chữ Người đi liền trước một động từ vừa có thể được coi là chủ ngữ của động từ ấy (He does/il agit) vừa có thể hiểu như là một tiếp đầu ngữ của một danh từ chỉ tác nhân làm công việc của động từ ấy (doer/acteur). Ví dụ:

+ “Người yêu” có thể hiểu ba nghĩa: “He loves”, “The lover” và “who loves”.

+ “Người nghe” có thể hiểu ba nghĩa: “He listens”, “The listenner” và “who listens”.

3. Bị lúng túng khi chuyển số ít (Người) sang số nhiều (các ngài)

Ví dụ:

+ Đang nói về một vị thánh chuyển sang nói về 2, 3 vị. Ví dụ: Lời Tiền Tụng lễ các thánh mục tử (“để nhờ gương sáng và đời sống đạo đức của Người”) khi gặp lễ ngày 2/1 hoặc ngày 26/1 thì sẽ phải đọc là “của các ngài” chứ không thể đọc là “của các Người” (Vì lẽ, theo đúng tiếng “các người” lại là ngôi thứ hai).

+ Ta cũng gặp cái lúng túng ấy ở những đoạn Tin Mừng đang nói về một mình Chúa Giêsu (Người), tiếp lại dùng một đại từ ngôi thứ ba số nhiều để chỉ tập thể cả Chúa Giêsu và các môn đệ (các ngài). Xin xem thủ thuật của người dịch dưới đây.

* Nếu dùng chữ Ngài theo đúng tiếng Việt, ta sẽ tránh được tất cả những trở ngại ấy.

4. Người/động từ/người

Khi hai chữ Người (chủ ngữ/sujet) và người (tân ngữ/objet) cặp hai bên một động từ, cũng sẽ thành rối rắm.

+ Ví dụ, làm sao chỉ nghe mà có thể phân biệt được đó là “Người yêu người/ người yêu Người/ người yêu người/ hay Người yêu Người…” chưa kể còn có thể trường hợp thứ năm “Người yêu Người = Người yêu của Đấng Ấy” ?!!?

* Nếu thay đại từ Người bằng Ngài, sẽ không còn vấn đề.

5. Thủ thuật chuyên môn của dịch giả

Để giúp người nghe khỏi hiểu lầm, các dịch giả đã phải dùng nhiều thủ thuật chuyên môn, phải tinh ý lắm mới nhận ra.

Ví dụ:

° Kinh “Per lpsum et cum lpso…” trước kia và hiện nay dịch là “Chính nhờ Người, với Người…”, thính giả có thể nghe thành “Chính nhờ người, với người…” cho nên bản dịch Sách Lễ Rôma 1992 đã đổi thành: “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô…” 

° Rất nhiều chỗ trong bản dịch các sách Tin Mừng của nhóm CGKPV, đã phải đổi đại từ Người thành danh từ Đức Giêsu:

- Thay vì “xem thấy mặt Người” (his face) đã diễn thành “Xem thấy mặt Đức Giêsu” để khỏi bị nghe thành “xem thấy mặt người” (Lc 9,9)

- Thay vì “giết Người” đã diễn thành “giết Đức Giêsu” để khỏi nghe thành “giết người”. Có 5 chỗ bản New American Bible (NAB) dịch là “put him to death” (Mt 21,14; Mc 3,6; 11,18) hoặc “kill him” (Ga 5,18; 11,53), bản CGKPV đã phải đổi “him” thành “Đức Giêsu” (“giết Đức Giêsu”), vì nếu dịch “giết Người” sẽ nghe thành “giết người”, khác nghĩa. (Ss. Mt 27, 20 NAB dịch là “destroy Jesus”). Chúng con đan cử đối chiếu với NAB nhưng có thể đối chiếu bất cứ bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp nào.

° Khi dịch cụm từ “His Son” đã phải thêm chữ “của” thành “Con của Người” (Ga 3, 16-18) để khỏi hiểu lầm là “Son of Man”/ “Con người” (Ga 3.13-18) – 28 chỗ trong toàn bộ Tân ước. Trong văn viết, lẽ ra phải bỏ chữ của, nhưng các dịch giả đã buộc phải dùng chữ của để khỏi gây hiểu lầm. Nếu dùng đại danh từ Ngài, His Son sẽ là Con Ngài, rất rõ nghĩa, ngắn gọn, không sợ bị hiểu lầm gì cả, và không mắc phải lỗi hành văn vì thừa chữ của. 

° Bản dịch “Kinh sách – các bài học, tập 1” của nhóm CGKPV, Toà TGM GpTpHCM xb 1994 đã dịch  Son of Man thành Con loài người thay vì Con Người  (xem các trang 60 dòng 14; 63 dòng 1; 102 dòng 2d; 166 dòng 4d vv…)

° Cụm từ Thầy trò trong bản dịch Tân Ước CGKPV, thoạt đọc qua, có vẻ là “hội nhập văn hoá” nhưng thực chất là để tránh một thế kẹt. Chỉ có 3 chỗ là song song với cụm từ he and his disciples của NAB (Mc 4, 34; 6, 34; Lc 8, 22), còn ở 14 trường hợp khác (Mt 14, 32.34; 17, 9.14.22.24; 21, 1; Mc 6, 32; 11, 12.15; Lc 8, 26; 9, 56.57; 10, 38), trong NAB đều đơn giản là they, dịch sát sẽ là họ hoặc các ngài, nhưng liền trước những câu ấy vừa dùng đại từ Người cho riêng Chúa Giêsu, dịch các ngài hay các người đều không ổn, phải nói tránh thành Thầy trò. Còn những chỗ khác, khi không đi gần với đại từ Người, thì Chúa Giêsu + các môn đệ = các ngài: Mc 5,38; 6,33; 11,20; Lc 4,39; 5,29; 8,23 (2 lần); nhưng câu 8,22 liền trước đó lại dùng Thầy trò, vì trong câu có chữ Người.

Đọc bản dịch Tân Ước CGKPV với sự chú ý sẽ thấy những thủ thuật như thế được áp dụng nhan nhản chứ không riêng những ví dụ trên đây.

Những thủ thuật phức tạp đến thế các giáo lý viên và ngay cả các linh mục cũng khó  biết và nếu biết thì trên bục giảng không thể nào ứng biến kịp thời để tránh cho người nghe khỏi lẫn lộn. Nếu thay đại từ Người bằng Ngài, ta sẽ không cần đến những thủ thuật phức tạp ấy.

6. Phải chăng dùng “Ngài” ở ngôi thứ ba sẽ lẫn lộn với “Ngài” ở ngôi thứ hai?

+ Trong thực tế, anh em Tin Lành và bà con ngoài Ki-tô-giáo dùng cùng một đại từ Ngài vừa để nói về vừa để nói với Thần Tính mà không thấy có gì lúng túng trong điểm này.

+ Ngay trong sách CGKPV cũng có một ví dụ: Thánh thi “Đoàn áo trắng” (CGKPV, Nxb Tôn Giáo 2001, trang 453) có 4 chữ Ngài: Hai chữ đầu ở ngôi thứ 3 số ít, còn hai chữ sau ở ngôi thứ hai số ít. Ai đọc cũng hiểu ngay, không thấy có gì lẫn lộn.            

NHỊP CẦU HIẾM HOI CHO CÔNG CUỘC ĐẠI KẾT

Niên khóa 1973-1974, còn là sinh viên thần học ở Đà Lạt, chúng con đã nức lòng khi nghe nói chuyện về phương hướng và thành quả của Tuần lễ Hội thảo về Phiên dịch Thánh Kinh tại biệt thự Alliance, do Thánh Kinh Hội quốc tế tổ chức. Làm sao không nức lòng khi dường như tay mình sắp chạm tới được bản dịch Thánh Kinh đại kết bằng Việt ngữ, một cơ sở tuyệt vời cho sự hiệp nhất các Kitô hữu tại Việt Nam! Bản dịch sẽ được thực hiện do một ủy ban hỗn hợp Tin Lành – Công Giáo và sẽ được giáo quyền đôi bên đồng hành giúp hoàn chỉnh. Thời cuộc đã sớm dập tắt chương trình làm việc chung ấy, chỉ còn nhóm CGKPV kiên trì làm việc. Rồi một bản dịch theo các kinh nghiệm dịch thuật của Thánh Kinh Hội đã hoàn thành nhưng chỉ là bản dịch Công giáo chứ không là bản dịch đại kết. Dù vậy, Thánh Kinh Hội đã đánh giá rất cao và đã tài trợ để phát hành rộng rãi với giá rẻ. Hàng triệu ấn bản Tân Ước đã lan tràn trong và ngoài nước. Số ấn bản Thánh Kinh trọn bộ hoặc Cựu Ước tuyển chọn cũng đã rất nhiều. Tuy nhiên, Thánh Kinh Hội, một tổ chức của liên hiệp các Hội Thánh Tin Lành, thì đề cao nhưng các tín hữu Tin Lành Việt Nam lại rất hờ hững với bản dịch này. Chẳng phải vì nó do người Công giáo dịch nhưng chỉ vì người Tin Lành không thể nào gọi Thiên Chúa là Người! Mọi người Tin Lành đều dùng đại danh từ Ngài để nói về và cả nói với Thiên Chúa.

Người Công giáo không dị ứng chút nào khi anh em Tin lành gọi Thiên Chúa là Ngài, vì đó đúng là tiếng Việt; còn đại danh từ Người là một quy ước giả tạo cho nên rất gây dị ứng cho anh chị em Tin lành.

Phải làm gì để bản dịch Thánh Kinh rất công phu của nhóm CGKPV được anh chị em Tin lành đón nhận, nếu không phải là chuyển hết những chữ Người giả tạo thành chữ Ngài của tiếng Việt? Thật vậy, nếu ngày nay một ủy ban hỗn hợp được tái lập để thực hiện bản dịch Thánh Kinh đại kết, chữ đầu tiên được phía anh em Tin lành đặt ra sẽ không gì khác hơn là Người hay Ngài? Phía Tin lành làm sao có thể nhượng bộ để đổi Ngài lấy Người? Còn phía Công giáo, liệu có thấy được ý nghĩa gì để bảo thủ lấy chữ Người giả tạo mới quy ước hay không?

TỰ GẠT SANG BÊN LỀ CỘNG ĐỒNG VIỆT NGỮ

Thiết tưởng chúng ta đã quá quen nên không còn thấy cái vô lý nhưng nhưng người ngoài nhìn vào thấy ngay. Chúng ta không đặt vấn đề nhưng người ngoài rất kinh ngạc. Cứ so sánh với cái khó khăn của anh em Tin Lành Việt Nam hiện nay sẽ rõ.

Do việc sử dụng chỉ một bản dịch Kinh Thánh duy nhất đã được thực hiện từ hơn 80 năm nay, ngôn ngữ của phần đông tín hữu Tin Lành Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất đậm của bản dịch ấy, cả trong cách nói, cách viết và cách đặt lời cho các bản thánh ca, với những kiểu nói đã trở nên cổ xưa mà các mục sư gọi là những “đặc ngữ Tin Lành”. Một số vị mục sư và truyền giáo sinh cho biết các đặc ngữ Tin Lành ấy là một trở ngại lớn cho công cuộc truyền giảng Lời Chúa hiện nay. Người ta đã cố gắng hoá giải bằng nhiều nỗ lực dịch lại Thánh Kinh. Thế nhưng cố gắng này chưa thành công vì giáo dân đã quá quen với bản dịch có từ xưa nay, có cảm tưởng rằng chỉ có bản dịch ấy mới “được Thánh Linh hà hơi”, không bản dịch mới nào vượt nổi. Do đó, khi in lại Kinh thánh trong năm 1998. Hội thánh Tin Lành Việt Nam vẫn in lại bản dịch ấy.  

Cái khó mà về sau chúng ta sẽ gặp phải có lẽ sẽ phức tạp hơn nhiều. Bởi lẽ anh em Tin Lành chỉ bị kẹt trong những danh từ, tính từ và động từ, là những từ loại vẫn thường thay đổi theo thời gian và nhóm người sử dụng. Còn chúng ta sẽ kẹt vì cách dùng một đại danh từ, là điều sẽ gây sự khó chịu và cảm giác xa lạ cho người nghe. Những sách vở Công giáo của nửa sau thế kỷ 20 không còn dùng “bay”, “min”. Nghĩ lại sự tồn tại của những đại từ này trong giới Công giáo cho đến thập niên 1950, chúng ta không hiểu nổi. Thế nhưng với chữ “Người” chúng ta sẽ lại rơi vào cái kẹt này một lần nữa mà có lẽ 50 năm sau, con cháu chúng ta cũng sẽ nói về chữ này như chúng ta nói về mấy đại danh từ vừa nhắc.

Vâng, việc dùng hai đại từ NgườiNgài theo quy ước của bản dịch CGKPV sẽ chỉ nằm trong nội bộ giới Công giáo chứ không thuyết phục được những người ngoài Công giáo. Bởi lẽ ngôn ngữ ngoài Công giáo của cả ba miền Bắc Trung Nam, không có nơi nào dùng Người để gọi Thần Tính nhưng luôn luôn chỉ dùng chữ Ngài, dù là nói về thần tính hay nói với thần tính. Anh em Tin Lành cũng dùng như vậy và rất nhiều người cầm bút Công giáo hiện nay vẫn tiếp dùng như vậy. Vì đó là tiếng Việt.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục dùng các đại danh từ theo một kiểu riêng thì con cháu chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả là văn sách và lời giảng của giới Công giáo có thể trở thành một mảng xa lạ giữa cộng đồng Việt ngữ. Việc hội nhập văn hoá ưu tiên nhất là gì nếu không phải là hội nhập về ngôn ngữ?

NHỮNG BẤT LỢI CỦA ĐẠI DANH TỪ “NGÀI” DÙNG ĐỂ NÓI VỚI THIÊN CHÚA

Tiếng Việt thường diễn tả ngôi thứ hai bằng một từ nói lên tương quan (Ví dụ Tân ước bản dịch CGKPV 1994: Ga 3,26: Thầy; Lc 2,48: Con vv…). Chỉ khi nào muốn nhấn mạnh sự kính-trọng-mà-chưa-thân-tình mới dùng Ngài (Ví dụ cũng bản dịch trên, ở câu Ga 1,48 còn xa lạ thì gọi Ngài, sang câu 1,49 đã tin cậy thì gọi Thầy). Ngài dùng cho ngôi thứ hai là ngôn ngữ ngoại giaoxã giao, cho nên sẽ không tự nhiên nếu dùng để thưa với Đấng là Cha cũng như với Đấng là Thầy của chúng ta.

Trong một bài đăng trên báo Chia Sẻ của Liên Tu Sĩ Sài Gòn, chúng con có viết:

“Tình trạng tiếng Việt còn hỗn độn của giới Công Giáo Việt Nam hiện nay có thể là một trở ngại cho việc phát huy kinh nghiệm chiêm niệm, trước mắt cũng như về lâu về dài.

Chẳng hạn, thử cho các bạn trẻ viết một lời nguyện, sau đó giúp họ thay các chữ Ngài (ngỏ với Thiên Chúa) bằng chữ Chúa, họ sẽ rất mừng vì tâm tình thân mật của họ với Thiên Chúa bỗng thành hồn nhiên và trong sáng hẳn lên.

Bản dịch thánh vịnh hiện nay trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ quả đã vượt hẳn mọi bản dịch từ trước, phải nói là đã rất tuyệt vời, chỉ tiếc một điều là ước lệ dùng chữ Ngài làm đại danh từ ngỏ với Thiên Chúa khá gây trở ngại cho việc đào tạo tâm tình cầu nguyện. Ngài hay Người đều là đại danh từ ngôi thứ ba, có thể được dùng làm ngôi thứ hai theo phép xã giao (trong ngôn ngữ thơ, đại từ ngôi thứ hai là “người”). Trong ngoại ngữ, có một trường hợp giúp thấy rõ điều ấy, đó là chữ Usted của tiếng Tây Ban Nha. Usted (viết tắt của một cụm từ có nghĩa là sự đoái tới của quý vị) được dùng làm đại danh từ chỉ người mà ta đang nói với (ngôi thứ hai) nhưng động từ của nó luôn luôn ở ngôi thứ ba. Chữ Ngài của ta cũng thế, có thể được dùng làm ngôi thứ hai theo phép xã giao nhưng tự nó là đại từ ngôi thứ ba. Trong các bản dịch Thánh Kinh và Phụng Vụ tiếng Tây Ban Nha, không thấy chỗ nào dùng Usted để nói với Thiên Chúa. Các bản dịch tiếng Pháp ngày nay khi ngỏ lời với Thiên Chúa không dùng Vous nhưng dùng Tu/Te. Bên tiếng Anh, người ta cũng thay thế Thou/Thee bằng You. Còn trong tiếng Việt, vừa chuyển được tôi thành con thì Chúa lại bị biến thành Ngài. Mong rằng về sau, khi có dịp hoàn thiện bản dịch, các dịch giả sẽ quan tâm đổi lại để giúp tâm tình cầu nguyện của tín hữu được trong sáng hồn nhiên hơn.” (Trăng Thập Tự, Đào tạo kinh nghiệm chiêm niẹm cho các anh chị em trẻ, Chia Sẻ số 49)

Đầu mùa thường niên, bài đọc 2 Kinh Sách, Thứ Hai tuần I TN, là một bản dịch rất hay: Nói với Chúa Cha thì thưa là Cha chứ không dùng Ngài. Thật chính xác. Nếu ta đọc bài ấy mà thử thay Cha bằng Ngài sẽ bị dội ngay.

Nếu không nên gọi ChaNgài thì cũng chẳng nên thưa với ChúaNgài. Cứ thử đặt mình vào chỗ đứng của Chúa là thấy ngay. Nếu ta là kẻ dựng nên loài người và cho họ làm con, nếu ta đã cho Con Một đến làm anh em họ và nói rõ với họ rằng hết thời Cựu Ước rồi, bây giờ là thời của tình cha con, mà rồi suốt ngày họ cứ một điều “Ngài”, hai điều “Ngài” thì đáng buồn biết bao!  Nếu ta là kẻ yêu thương đến chết thập giá và yêu môn sinh đến độ xem họ là bạn, mà rồi họ vẫn cứ khúm núm “lạy Ngài” thì thật là chán! Mà chẳng cần phải làm đến Chúa mới thấy buồn vì bị coi là “Ngài”, chỉ cần làm linh mục, làm ma xơ mà bị giáo dân hay học trò yêu dấu trở giọng thưa bằng “Ngài” thì cũng chỉ còn cách cuốn gói đi nơi khác! Nếu tình yêu của ta chẳng đáng là bao mà còn không chịu nổi khi bị những kẻ được ta yêu kêu bằng “Ngài”, tại sao ta lại bắt Đấng yêu mến vô cùng vô tận phải chịu như thế?

KHÓ KHĂN TRONG VIỆC DỊCH CÁC THÁNH VỊNH?            

Lý do mạnh nhất các dịch giả nhóm CGKPV đưa ra khi tạo quy ước dùng Người làm đại từ ngôi thứ ba và Ngài làm đại từ ngôi thứ hai là để giải quyết một khó khăn rất riêng biệt trong việc dịch những thánh vịnh có xen kẽ những lời nói với Thiên Chúa và những lời nói về Thiên Chúa. Có một số thánh vịnh thay đổi ngột, câu trên đang nói về Thiên Chúa, bất chợt câu dưới chuyển sang nói với Thiên Chúa, thay đổi mà không có gì báo trước. Quy ước trên đây nhằm giúp cho những câu này được rõ nghĩa.

Thật ra cái khó khăn này có thể giải quyết được.                                        

Trong 147 thánh vịnh dùng trong sách CGKPV, có 48 tv chỉ nói về Thiên Chúa[1], 44 tv chỉ nói với Thiên Chúa[2] và 58 thánh vịnh vừa nói về vừa nói với Thiên Chúa[3].                   

Trong 58 tv này, nếu chuyển các từ Người sang Ngài cách máy móc thì có 31 tv[4] không gặp rắc rối gì, hoặc vì không dùng đại danh từ  hoặc có dùng đại danh từ nhưng những từ nối đã báo trước sự chuyển đổi để hiểu được chữ Ngài ấy là ở ngôi nào.      

Còn lại 27 tv, đọc kỹ ta sẽ thấy:

a) Không được phân biệt bằng Người/Ngài, vẫn có sẵn một yếu tố phân biệt khác:

+ Trong những câu nói với Thiên Chúa, người cầu nguyện luôn xưng là “con”.

+Trong những câu nói về Thiên Chúa, người cầu nguyện luôn xưng là “tôi”

b) Ngoài ra, muốn làm nổi rõ thêm sự phân biệt hai loại câu ở 27 tv này cũng như cho tất cả các tv khác, chỉ cần dịch thống nhất mọi chữ “Giavê” thành “Đức Chúa”. Trong khi ở tất cả các phần khác của Cựu Ước, mọi chữ mọi chữ “Giavê” đều được dịch thành “ĐỨC CHÚA”, in chữ lớn rất trịnh trọng thì trong các tv chỉ có đôi chỗ dịch là “Đức Chúa” (in chữ nhỏ), còn hầu hết đều chuyển thành “Chúa” và in chữ nhỏ. Đồng thời ở nhiều chỗ do nhu cầu bằng trắc, cả “Người” lẫn “Ngài” đều được chuyển thành “Chúa”.

KẾT LUẬN

Ước mong HĐGMVN cho nghiên cứu tường tận để ngôn ngữ của người Công giáo trở về với sự hồn nhiên ban đầu của ông Phan Khôi, của ĐHY Trịnh Văn Căn, của cha Trần Đức Huân, sự hồn nhiên của những tâm hồn bé nhỏ, sự hồn nhiên của tiếng Việt, đem lại sự trong sáng cho việc dạy giáo lý và truyền giáo cả ngày nay và ngày sau. Lẽ nào chúng ta chỉ làm vội cho xong những việc dịch thuật trước mắt mà quên mất trách nhiệm lâu dài đối với các thế hệ tương lai?

 

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

(đã đăng trên Hiệp Thông số 48)

 

 



[1] Gồm các thánh vịnh: 1, 2, 10; 13; 18A; 23; 28; 33; 36; 45; 46; 48; 49; 52; 77; 80; 86; 94; 95; 96; 97; 99; 102; 104; 106; 111; 112; 113; 114; 116; 120; 121; 122; 123; 125; 126; 127; 128; 132; 133; 135; 136; 145; 146; 147; 148; 149; 150.

[2] Gồm các thánh vịnh: 5, 6, 8, 9B; 11; 12; 14; 15; 16; 18B; 20; 25; 29; 30; 35; 37; 38; 43; 50; 53; 58; 59; 83; 85; 87; 89; 60; 62; 64; 68; 69; 70; 73; 74; 78; 79; 100; 118, II-XXII; 137; 138; 139; 140; 142; 143.

[3] Gồm các thánh vịnh: 3; 4; 7; 9A; 17; 19; 21; 22; 24; 26; 27; 31; 32; 34; 39; 40; 41; 42; 44; 47; 51; 54; 55; 56; 61; 63; 65; 66; 67; 71; 72; 75; 76; 81; 84; 88; 91; 92; 93; 98; 101; 103; 105; 107; 109; 110; 113B; 115; 117; 118, I; 119; 124; 129; 130; 131; 134; 141; 144.

[4] Gồm các thánh vịnh: 4; 19; 21; 22; 26; 34; 39; 41; 42; 47; 51; 54; 55; 56; 61; 66; 67; 72; 75; 76; 81; 93; 101; ;110; 113B; 115; 124; 130; 131; 134; 144.


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo