500 năm nhìn từ đại dịch

Bài 1: TÌM THẤY CẢ “VIRUS” LẪN “VACCINE”

 

Ghẹo làm chi lắm, cô Vy?

Đường tôi, tôi vẫn cứ đi, cô à!

Đồi Calvê dẫu trăng tà,

Niềm riêng thập tự mãi là tình tôi.

TTT

 

Chẳng ai muốn, nhưng rồi cả thế giới đều phải nhập cuộc chống đại dịch. Chỉ mới vài tháng, con virus corona không những gây tử vong, hoảng loạn, âu lo, sợ hãi khắp nơi mà còn làm đảo lộn mọi giá trị, trật tự xã hội cả thế giới. Covid-19 gây khủng hoảng cho toàn cầu từ y tế, lan sang kinh tế rồi xã hội, chính trị. Ta không biết bao giờ nó mới qua đi và khi nó qua rồi, ai còn ai mất! Thế nhưng dù giữa bầu khí ấy và giữa tình cảnh cách ly toàn xã hội, nghi thức mở đầu phụng vụ Tuần lễ thánh vẫn nhắc đến những tiếng reo ca của trẻ em, vì nếu các em làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19,40).

NHỮNG BÔNG HỒNG GIỮA BÃO TỐ

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, tuyển tập giáo dục Bông Hồng Nhỏ vẫn tìm cách đều đặn đến tay độc giả cho bằng được, Văn phòng đang tất bật phát hành tập 5, người thiết kế vẫn miệt mài làm tập 6 và  và Ban Biên soạn vẫn chuẩn bị tập 7. Phải chăng đây là chuyện điệu đà vô duyên không hợp lúc, của những kẻ vô lo, lúc nào cũng nhởn nhơ, ham vui, thiếu đồng cảm với mọi người? Hay phải chăng cố gắng này là chuyện giữa lúc nước đã vào thuyền, có người cất tiếng hát để ai nấy quên nỗi sợ mà chung tay tát nước cứu thuyền?

Có lẽ ở đây còn một điều gì khác hơn thế, khác hơn chuyện thỉnh thoảng ta lại nhắn tin chia sẻ cho nhau những góc nhìn hài hước để trấn an và động viên nhau quên âu lo mà chu toàn bổn phận hằng ngày. Giữa giông bão, mưa đầy, giữa lúc đẵm mồ hôi tát nước giữ thuyền, ta còn phải nhắc nhau bờ bến đã gần, để thêm nghị lực và hy vọng bảo đảm cho thuyền về đến bến. Xin được thưa ngay với độc giả rằng công việc phục vụ bé nhỏ hơi bất thường của tờ họa báo giáo dục còn có những lý do xa hơn.

Ngay từ lúc cưu mang, tờ họa báo giáo dục tuổi thơ này đã gợi cho chúng tôi thấy một số vấn đề mục vụ cần nêu lên với các Bề trên và mọi người. Khi đại dịch bùng phát, hình như vấn đề lại càng mang tính thời sự hơn, cần nhắc nhau vừa đánh giặc vừa xây thành, để không quên mất tương lai cần hướng đến. Và quả thật chúng tôi hết sức được an ủi khi được các Bề trên nhắn gủi: Hãy cố gắng lên, vì sự nghiệp chung.

Người ta đang chạy đua nghiên cứu vaccine và thuốc chữa bệnh. Cứ bình thường, có thể một năm nữa nạn dịch sẽ thôi hoành hành, nhưng rồi nếu không tính trước thì sợ rằng lúc ấy gánh nặng phục hồi kinh tế và cuộc sống sẽ chi phối ta quá sức và ta không thể làm tròn sứ mạng Chúa trao. 

500 NĂM TỪ CHUYỆN TRẺ CON

Những năm qua chúng ta đã nói nhiều về giáo dục gia đình, những năm hiện tại, chúng ta đang nói nhiều về “đồng hành với người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện”. Khắp nơi, chúng ta có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc cho tuổi mẫu giáo và nhà trẻ. Thế nhưng có lẽ chúng ta còn cần phải chăm sóc đặc biệt cho các cháu 7-12 tuổi và 13-18 tuổi. Liệu chừng cột mốc kỷ niêm 500 năm Kitô giáo Việt Nam có thể tạo nên một sức bật giúp chúng ta cố gắng cách hữu hiệu hơn chăng. Dù ai nói gì đi nữa, giấy trắng mực đen vẫn sờ sờ ra đó, nhìn ngược về năm Nguyên Hòa nguyên niên (1533) thì chỉ vỏn vẹn 13 năm nữa là Tin mừng đến trên quê hương này tròn năm thế kỷ.

Khi ban văn hóa giáo phận Qui Nhơn lên chương trình làm Tuyển tập họa báo Bồng Hồng Nhỏ dành cho trẻ em 7-12 tuổi, phát hành hằng tháng , chúng tôi tạm tính rằng, các độc giả nhỏ nhất của chúng tôi hôm nay tới thời điểm ấy  đã là thanh niên thanh nữ 20 tuổi, còn những độc giả ít nhí hơn đã là bạn trẻ 25 tuổi. Liệu chúng tôi có làm được gì cho đại cuộc “đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện” chăng? Dù sao, cứ bắt đầu làm một chút gì còn hơn là ngồi không để về sau hối tiếc.

Và thế là tới đầu mùa Chay 2020, Bông Hồng Nhỏ đã phát hành kỳ 4. Mọi người có thể xem bản PDF cả 4 kỳ tại: https://www.tapsanmucdong.net/p/bong-hong-nho.html

Mỗi tháng Bông Hồng Nhỏ chỉ ấn hành môt kỳ tuyển tập, 28 trang cả bìa, thật khiêm tốn, hạn hẹp, thế nhưng nhóm biên soạn sẽ theo đuổi một chương trình có hệ thống:

- Khái niệm sơ khởi về lịch sử cứu rỗi, đức tin, luân lý,

- Lòng yêu mến Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh,

- Giúp chuyên chăm bổn phận và các đức tính nhân bản khác,

- Giúp luyện văn và luyện tiếng Việt.

“CON VIRUS” VÀ “LỌ VACCINE”

Khi làm những tuyển tập giáo dục bằng tranh ảnh kiểu này, nhìn lại, chúng tôi thấy mình tụt hậu đến gần 50 năm. Nếu năm 1974-1975 tờ báo truyện tranh “Bé Hùng bé Dũng” in ronéo pha màu của Hùng Tâm Dũng Chí Đà Lạt có cơ may chuyển sang kỹ thuật in cliché màu thì các bạn nhỏ Hùng Tâm Dũng Chí hồi ấy đã ngấu nghiến không sót một chữ. Tiếc là nay, khi kỹ thuật số cho phép in offset 4 màu dễ dàng thì cả người lớn và trẻ em đều đang mải miết cặm cụi chấm quẹt trên điện thoại thông minh. Người ta cảm thấy bực mình khi có ai đó cứ nhất định nhét một ấn phẩm in trên giấy vào tay và bắt phải đọc.

Chúng tôi đã gửi ấn phẩm mẫu tới  3.175 địa chỉ giáo xứ để tiếp thị, rồi còn gửi tặng tới các xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của 10 giáo phận mỗi nơi mười bản, cuối cùng chỉ có mấy chục địa chỉ phản hồi. Chúng tôi không đi tìm ân nhân ủng hộ tiền in sách, nhưng lại theo đuổi một điều có vẻ rất ảo tưởng là tìm những độc giả đặt mua ấn phẩm dài hạn càng nhiều càng tốt.

Một doanh nhân U60 tâm đắc với định hướng xây dựng ơn gọi của tờ họa báo này. Nếu các em (7-12 tuổi) theo dõi đủ các tuyển tập, với 72 kỳ tuyển tập của sáu năm liền, sẽ làm quen với không dưới 60 vị thánh trẻ, chắc rằng không ít các em có lần tự đặt cho mình câu hỏi lên đường theo Chúa! Nếu các cha giải thích để phụ huynh mua dài hạn và đồng hành với con em thì hy vọng vẫn có kết quả thấm dần đáng kể, như kiểu “mưa lâu thấm đất”. Nghĩ thế, cứ một kỳ ấn phẩm, ông lại bỏ công ăn việc làm rảo qua một số giáo xứ trên đường đi Vũng Tàu quảng bá cho người lớn và cả cho trẻ em, thu hình trao đổi câu chuyện với các cháu về Bông Hồng Nhỏ. Và ông gặp cùng một kinh nghiệm với một bà giáo già U80 tự nguyện làm công tác tiếp thị Bông Hồng Nhỏ đến các giáo xứ hạt Thủ Đức. Cả hai vị gọi về kể lể với tôi: “Vừa vui vừa buồn, cha ơi! Vui vì trẻ con nhiều em vẫn rất thích đọc. Buồn vì người lớn toàn bàn ra. Thậm chí có đấng bậc con đuổi như đuổi tà. Người ta nhắn cha nên làm chương trình giáo dục trên điện thoại di động thì tốt hơn.”

Tôi an ủi hai vị, xin họ kiên nhẫn thêm một ít, đợi tôi viết một bài ngắn giải thích điều chúng tôi mới khám phá được.

Quả thật, đang khi thực tế ấy khuyên chúng tôi bỏ cuộc và chúng tôi cũng đã lên chương trình họp để chấm dứt công việc bạc bẽo ấy thì bất chợt lại khám phá ra một chuyện hết sức đáng quan tâm khiến chúng tôi lại tiếp tục bướng bỉnh lao đầu vào thực hiện công việc lỗi thời này cho bằng được.

Chúng tôi trình lên Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám muc Giáo phận Qui Nhơn, và Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Tgp. Hà Nội kiêm giám quản Giáo phận Hải Phòng, và các ngài thấy ngó bộ nhóm biên soạn cũng có lý nên đã đỡ đầu để tiến hành cuộc thử nghiệm tại cả ba giáo phận.

Chúng tôi may mắn hơn bác sĩ Lý Văn Lượng. May thay, khi chúng tôi cảnh báo một nguy cơ dịch bệnh, một con virus gây nên tình trạng bấp bênh dễ vỡ của tâm hồn... đồng thời đề xuất được cả thứ vaccine giúp bạn trẻ lớn lên với một sức đề kháng mạnh nhờ men bền đỗ, thì có những cấp thầm quyền đã ưu ái lắng nghe.

Mời quý vị và các bạn đón xem bài 2: “Chương trình Quà tặng Khuyến học Bông Hồng Nhỏ”.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Chủ biên Tuyển tập Giáo dục Bông Hồng Nhỏ


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo