500 năm nhìn từ đại dịch
Bài 3: CÁCH LY ĐỂ
NHÌN LUI VÀ NHÌN TỚI
Ghẹo làm chi lắm, cô Vy?
Đường tôi, tôi vẫn cứ đi, cô à!
Đồi Calvê dẫu trăng tà,
Niềm riêng thập tự mãi là tình tôi.
TTT
Sau Covid-19, mọi sự sẽ đổi
khác, cuộc sống sẽ đổi khác. Người ta sẽ phải lo phục hưng kinh tế, tổ chức lại
xã hội. Khi ấy, với hệ thống giáo phận và giáo xứ, với hàng trăm dòng tu, giới
Công giáo Việt Nam sẽ phải làm gì? Sẽ cống hiến gì cho xã hội? Giữa vô vàn công
việc cần làm, ta không thể thiếu sót việc giáo dục. Hai mươi thế kỷ lịch
sử cho thấy, ở tình huống ấy, Giáo hội không chỉ lo việc từ thiện mà trước hết
là giúp phục hồi niềm hy vọng và mong muốn sống hướng thiện nơi mọi
người. Thế nhưng liệu chúng ta có đủ nhân sự để góp phần tương xứng chăng? Liệu
chừng có phải đúng như ngạn ngữ có nói: “Người thì đông mà tìm một ai để giao
chìa khóa thì không có”?
Nhờ thời gian cách ly, ai
ở nhà nấy, ta dễ nhìn lại thực tế, những mặt hay và mặt dở của mình. Đang khi
tìm cách đối phó với những khó khăn mới do hoàn cảnh cách ly gây nên, ta sẽ
khám phá ra cái ích lợi của cách ly, đồng thời cũng nhận ra rằng với công nghệ
thông tin, Chúa đã tạo cho chúng ta phương tiện thuận lợi để giải quyết. Xin được
nêu vài minh họa từ thực tế của Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn, bắt đầu từ chuyện
Bông Hồng Nhỏ, mời mọi người tham khảo, để cùng hy vọng.
“Nhà văn hóa trẻ quá cố FX Phạm Lê Anh Tuấn (1978-2017), giám đốc
nhà sách Hoàng Mai, khi dấn thân vào ngành in ấn và phát hành sách Công giáo đã
thao thức cung ứng cho tuổi thơ Công giáo Việt Nam những quyển truyện tranh thật
đẹp, xuất bản đều đặn và tạo sự tương tác thường xuyên giữa tác giả và người đọc,
theo kiểu truyện tranh Nhật bản. Thế nhưng, cho đến khi qua đời năm 39 tuổi,
anh vẫn chưa gặp được một tác giả Công giáo nào có khả năng viết kịch bản truyện
tranh. Tiếp nối thao thức của anh, Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã lên chương
trình thực hiện một loạt tuyển tập định kỳ cho tuổi thơ, có cả thơ văn, hình ảnh
và truyện tranh. Sau gần một năm chưa tới mười người gửi truyện và thơ về đóng
góp. Trước sự trống vắng ấy, chúng tôi đã xin phép Đức cha Matthêô Nguyễn Văn
Khôi, tổ chức cuộc thi Sáng Tác Cho Tuổi Thơ để phát hiện những tác giả quan
tâm sáng tác cho thiếu nhi, không phân biệt tôn giáo.
… Số lượng thơ và truyện ngắn viết cho trẻ em gửi về dự thi khá
nhiều, với 687 bài thơ và 324 bài văn, với tổng số 165 tác giả dự thi, có 76
tác giả Công giáo và 89 tác giả ngoài Công giáo. Trong số 59 tác giả đạt giải,
có 25 tác giả Công giáo và 34 tác giả ngoài Công giáo, trong đó có cả hai tác
giả đạt giải nhất về thơ và văn.”[1]
Trong số 8 người gửi
tranh dự thi, có một tài xế xe tải từ Đan Mạch, 60 tuổi, có khả năng vẽ truyện
tranh. Người họa sĩ lo thiết kế của chúng tôi tìm thêm được một họa sĩ người
lương, ở Sài Gòn, chuyên vẽ truyện tranh nữa. Thế là chúng tôi quyết định tiến
hành. Tới hôm nay, sau 5 kỳ ấn phẩm, hiện có 21 người cùng chung tay thực hiện
công việc giáo dục này, trong đó thuộc Giáo phận Qui Nhơn chỉ có 7 người (2 dưới
40, 4 người trên 50 và 1 trên 70). Những người khác đến từ 7 giáo phận khác ở
Việt Nam, hai người từ Úc và Đan Mạch.
Về Giải Viết Văn Đường
Trường cũng tương tự. Suốt sáu năm, trong Ban sơ khảo, Qui Nhơn chỉ có 1/2 người
thường xuyên và 2/12 lượt người được mời thêm cho từng năm. Các vị khác đến từ
Nha trang, Sài Gòn và Hà Nội (có một tác giả nữ ngoài Công giáo). Trong Ban
chung khảo, Qui Nhơn chỉ có 1/2 người thường xuyên và là người ngoài Công giáo,
còn vị kia thuộc Giáo phận Xuân Lộc; cộng thêm 4/16 lượt người được mời thêm
cho từng năm. Số 12/16 lượt còn lại gồm 11 người, từ Xuân Lộc, Huế, Sài Gòn
(3), Long Xuyên, Hoa Kỳ (3), Rôma và Úc châu.
Từ khi nhận ra địa phương
không có người, không thể đứng lẻ loi một mình, chúng tôi thấy cần mở rộng vòng
tay mời gọi sự tiếp sức của những người đồng điệu, đồng cảm, trong và ngoài nước.
Không riêng chuyện họa sĩ và giám khảo, một số lãnh vực khác, nhân sự của ta
cũng rất mỏng.
Dịp dọn mừng kỷ niệm 100
năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (1912-2012), Ban văn hóa Giáo phận Qui Nhơn chạy
nước rút để thực hiện bộ sưu tập Có Một
Vườn Thơ Đạo. Chính hôm lễ, chúng tôi phát hành bộ sách với bốn quyển: Quyển
I dành riêng cho Hàn Mạc Tử và ba quyển sau giới thiệu 146 tác giả có năm sinh
từ 1912 về sau. Năm 2015, với quyển 5, thêm 40 tác giả nữa, tổng cộng là 186
tác giả. Một giảng viên trẻ dạy văn Đại học, đọc và viết thông tin về bộ sách rồi
gọi điện đề nghị tôi lọc thành một quyển tinh tuyển, nếu không người ta sẽ có cảm
tưởng ngoài Hàn Mạc Tử có lẽ vẫn chưa tác giả nào xứng danh là nhà thơ Công
giáo! Chua chát và đòi hỏi quá nhưng sự thật là đã có người nghĩ như thế!
Chính trong lúc làm sưu tập
thơ, chúng tôi nhận ra bên văn xuôi Công giáo, khoảng trống còn dễ sợ hơn. Vì
thế chúng tôi đã xin phép Đức Giám mục để tổ chức một giải thưởng truyện ngắn
kéo dài sáu năm nhằm tìm kiếm và đào tạo tài
năng văn xuôi cho Giáo hội.
Giải Viết Văn Đường Trường đã đúc kết với sáu
tuyển tập truyện ngắn khá hay của 75 tác giả. Ban Văn hóa Qui Nhơn hiện không
có sức lo việc in và phát hành bộ sách ấy. Cũng chưa có nhóm làm sách nào nhận
giúp, lý do là vì hiện nay giới Công giáo Việt Nam chưa có hệ thống phát hành. Có đến bảy triệu giáo dân thế nhưng
sách văn chương, chỉ in 1.000 bản cũng có nguy cơ bị ối đọng. chẳng phải vì thiếu
độc giả nhưng chỉ vì không có kênh phát hành…
Gần đây nhất, giữa năm
2019, có sáng kiến thực hiện một ấn phẩm giới thiệu văn hóa và văn học Công
giáo Việt Nam. Vị chủ biên ngoài Công giáo nhờ chúng tôi tìm giúp khoảng tám
bài viết của các tác giả Công giáo, mong có đủ bài vào tháng 12/2019. Tôi vận động
các Trưởng ban Văn hóa giáo phận, rồi các Bề trên Thượng cấp các dòng tu, tới
nay, đã triển hạn thêm ba tháng, nhưng vẫn chưa có đến tám bài gửi về, và chẳng
biết trong đó có mấy bài đủ tiêu chí chọn vào tác phẩm. Số người làm công việc nghiên cứu văn học còn hiếm hơn thơ và
truyện ngắn!
Mục Đồng và Bông Hồng Nhỏ
không phải là báo. Chúng tôi phải chuẩn bị nội dung từng quyển rồi xin giấy
phép từng quyển như in sách. Công việc còn vất vả hơn là báo chí. Chúng tôi được khích lệ nhiều vì biết có một tấm gương
sáng chói: Một nhà báo trẻ, giáo dân, từ ba năm nay cặm cụi thực hiện tờ Đồng
Hành, cả nội dung và hình thức đều rất bài bản, phát hành đều đặn mỗi tháng. Tiếc
thay, mới đây, bất ngờ có tin nhắn: “Buồn quá! Đồng Hành đình bản rồi!” Tôi gọi
thăm, chủ nhiệm tờ Đồng Hành là anh Hoàng Mạnh Hà xác nhận là đúng: “Con tự ý
ngưng, còn phải lo cuộc sống gia đình, cha ạ! …”. Anh không nói nhưng qua những
trao đổi trước đây, tôi biết anh không thể trụ nổi vì chỉ có một mình.
Điểm qua một số mặt liên
quan với công việc của một Ban văn hóa: thơ, văn, báo chí, in ấn và phát hành,…
thực tế là thế đó. Quý độc giả, mỗi người có phần việc riêng trên công trường của
Chúa, nhìn lại lĩnh vực của mình, có thể cũng thấy cái khó khăn lớn về nhân sự,
thiếu hẳn những người vừa có khả năng vừa có tâm huyết. Tình trạng ấy đặ ra hai
vấn đề:
- Cần liên kết làm việc
chung.
- Cần có kế hoạch tìm kiếm
và đào tạo người cho Giáo hội.
Những ngày cách ly cho
chúng ta cơ hội suy tư về hai điều ấy, nhưng có lẽ chúng ta còn phải đi xa hơn,
còn phải đối diện với con virus tai hại có nguy cơ làm tan vỡ mọi thứ. Con
virus đe dọa trẻ em vẫn đang hoành hành nơi thế giới người lớn, một cách khủng
khiếp và thầm lặng. Ta không thể chào thua, chính kinh nghiệm cách ly đang gợi
hứng cho ta tìm ra manh mối của thứ vaccine chung cả cho người lớn và trẻ em.
Có lẽ kinh nghiệm cách ly sẽ là kinh nghiệm chính mà ta cần khai thác trên hành
trình tiến tới kỷ niệm 500 năm Tin mừng trên Đất Việt.
“Này Ta sẽ quyến rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). “Đây sắp đến những
ngày Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải
khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Đức Chúa” (Am 8,11).
Xin mời đón đọc loạt bài
mới: “LỚN LÊN TRONG LỜI CHÚA”.
Lạy Chúa Giêsu là Thiên
Chúa và là Anh Cả của loài người, Chúa đang ở với chúng con mọi ngày cho đến tận
thế, chúng con tín thác vào Chúa.
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Chủ biên Tuyển tập Giáo dục
Bông Hồng Nhỏ