GIA ĐÌNH CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 10

Chia sẻ của Lm Trăng Thập Tự

 

Ngay từ bài thứ ba, bạn đọc đã thoáng thấy Lòng Chúa Thương Xót có thể lên men tự nhiên qua những bậc cây cao bóng cả của các gia đình, gia tộc và dòng họ. Thế nhưng, thực tế không đơn giản. Phong trào tìm về nguồn cội hiện đang giúp các gia tộc dựng lại nếp cũ của giỗ chạp, ma chay, tế tự. Thực tế này có thể vô tình trở thành một thứ vắc-xin ngăn chặn không cho chất men Tin mừng thấm nhập vào các tộc họ. Sau gần ba mươi năm theo đuổi việc loan Tin mừng qua con đường dòng họ, tôi ghi nhận rằng người ta khép kín lại với giỗ chạp, ma chay, tế tự như một tôn giáo nội bộ, gọn nhẹ, không có gì ràng buộc khắt khe và không còn cảm thấy nhu cầu phải hướng lên với Cội nguồn tuyệt đối.

Giữa tình cảnh ấy, khi những vị cao niên cảm nghiệm được sâu sắc Lòng Thương xót của Thiên Chúa, họ sẽ là bước đột phá giúp gia tộc mở ra với thế giới đại đồng, quay về với đạo Hiếu đích thực, thờ phượng Thiên Chúa là Cha chung của mọi người. Họ có thể thành chiếc loa rao truyền Lòng Chúa Thương Xót cho dòng tộc, nhưng ngược lại, họ cũng có thể gặp áp lực rất nặng từ phía con cháu: Việc tin theo Chúa có thể ảnh hưởng không tốt đến các quan hệ xã hội của con cháu. Xin được kể tiếp câu chuyện của trạm thí nghiệm.

NHỮNG CÂY CAO BÓNG CẢ

Cha Sở Đồng Tiến quyết định sẽ cử hành nghi thức gia nhập Kitô giáo cho bà Ba và bà Tư trong thánh lễ Thứ Bảy thay Chúa nhật XVI Thường niên, chiều 20-7-2019. Tôi đi dự lễ cầu nguyện cho họ. Vừa gặp tôi, cha Sở bảo:

- Chỉ có một bà thôi, cha! Bà Tư không đến được.

Em trai ông Tư nghe tin anh chị theo Công giáo, đã từ Tây Nguyên về làm rùm beng. Bà Tư đã đem áo dài gửi ở nhà bà Ba để lén đi lãnh bí tích Rửa tội. Thế nhưng sắp tới giờ đi thì ông Tư thổ huyết, lâm cơn hấp hối (ông Tư bị ung thư phổi). Thế là bà Tư phải ở nhà.

Ông Tư rất khó xử và đã nói rõ với bà Tư:

- Bà muốn theo Chúa là quyền của bà, nhưng nên đợi tôi chết rồi mới rửa tội. Phần tôi, đừng nhắc gì tới chuyện ấy nữa. Em út, con cái không đồng ý, gia đình sẽ tan nát… Chúng nó cứ nghĩ theo đạo là bỏ ông bỏ bà…

Có người gợi ý nên đề nghị ông Tư cứ rửa tội âm thầm, chuyện mai táng, thì người nhà muốn làm cách nào tùy họ… Tuy nhiên, ngay lúc này ông Tư chưa đủ bình an để hiểu được đề nghị ấy…

Ở những bài đầu, ta đã thấy khi đến với Lòng Chúa Thương Xót những người thiện chí đạt tới một lòng tin tìm kiếm nhưng những người Công giáo đạo nòi không hiểu họ. Giờ đây, về với gia đình, họ muốn cho người nhà được ơn đức tin nhưng lại có thể gặp khó khăn rất lớn ngay tại đó. Họ không được thông cảm từ cả hai phía. Tôi nghe vọng lại tiếng kêu ai oán của Chúa Giêsu trên thập giá: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Trường hợp ông bà Tư, chúng tôi đã biết và sẽ quan tâm. Còn bao nhiêu ngàn người trên mọi nẻo đường đất nước và hải ngoại đã đến với Lòng Chúa Thương Xót và đang gặp những khó khăn ấy, ai sẽ giúp họ? Ước gì cộng đồng Dân Chúa sẽ quan tâm tìm hiểu và tìm cách nâng đỡ trước khi lòng tin mới của họ bị dập tắt oan uổng. Và ta cũng biết rằng, sự dập tắt này có thể lây lan theo hiệu ứng dây chuyền!

Ước gì những cư dân mạng từng sôi nổi quan tâm đến Lòng Chúa Thương Xót chuyển sang một góc nhìn mới để cùng tích cực góp phần giúp mọi người tìm kiếm… Mong rằng các bạn sẽ tiếp tay với Chúa Giêsu giàu lòng Thương xót. Hãy nhớ lời Chúa nói: 30“Ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán” (Mt 12,30). Chúa Giêsu đã ban cho các bạn ơn giàu sáng kiến. Hãy dùng sáng kiến của các bạn để an ủi Trái tim Ngài.

Để hóa giải thành kiến theo đạo bỏ ông bỏ bà, nếu tình trạng sức khỏe ông Tư ổn định, tôi cũng phải đợi dăm ba tháng cho mọi sự lắng dịu mới có thể tặng cho ông quyển “50 năm thờ cúng Tổ tiên” với quyển “Kinh nguyện Gia đình và Gia lễ Công giáo”. Khi được trình bày trong bầu khí hòa hoãn, chân lý dễ tỏa sáng và dễ được đón nhận hơn.

Bảy tám năm trước đây, một người tôi quen phải cấp cứu. Khi tôi biết tin thì ông đã bất tỉnh. Tôi gọi hai người con trai của ông, và dặn:

- Cha của các con khi còn sống đã đọc sách Kinh thánh đạo Chúa, đã có lòng tin vào Chúa. Khi nào ông tỉnh dậy, hãy hỏi ông, nếu muốn theo Chúa thì cha Khánh sẽ cử hành lễ rửa tội đơn giản cho ông ngay tại giường bệnh.

Hôm sau tôi trở lại, người con cả là giáo viên dạy cấp ba cho biết cha anh đồng ý. Nếu tình hình khẩn cấp, tôi có thể ban bí tích ngay vì những sách ông đọc đã cung cấp đủ nội dung của kinh Tin kính. Thế nhưng tình hình chưa khẩn cấp, tôi đã ôn giáo lý cho ông hai lần nửa giờ, rồi ba hôm sau mới cử hành lễ rửa tội.

Giờ đây, có một trường hợp khác khẩn cấp không kém. Một ông cụ 85 tuổi, bị ung thư đại tràng, đã từng xem qua Tân Ước và một vài sách Công giáo khác, đã nghe một số bài giảng Lòng Chúa Thương Xót. Mười hôm trước, tôi ghé thăm và cụ cho biết có thể sẽ đi bất cứ lúc nào. Trước mặt bà cụ, người con gái của hai cụ và hai người bạn của gia đình, tôi nói lớn cho mọi người cùng nghe:

- Này bác Tám, tôi rất vui vì mấy năm qua, chúng ta đã là bạn của nhau. Tôi mừng vì gia đình và bạn hữu Bác đã liệu để Bác được điều trị tại gia theo một phác đồ rất tốt. Tôi mừng hơn nữa vì thấy bác luôn bình an và lạc quan. Giờ đây, là linh mục, tôi xin được có đôi lời chân tình. Trong những phút cuối đời, mình sẽ nhận ra đâu là nguồn cội thật. Bác đã nghe những bài giảng về Lòng Thương xót của Thiên Chúa Tạo Hóa. Nếu có lúc nào cần sự giúp đỡ của tôi, bác cứ cho gọi, tôi sẽ đến ngay. Nếu vì lý do nào đó tôi không đến được, bác chỉ cần nói với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!” Ngay từ bây giờ, Bác có thể cầu nguyện như vậy và vào lúc cuối đời, Bác chỉ cần cầu nguyện như vậy. Được chứ?

- Được! Cũng đâu có mất gì!

Ra về, một trong hai người bạn của gia đình là người Công giáo, bảo tôi:

- Cha phải tìm giờ quay lại gặp riêng cụ để rửa tội kín cho cụ.

Chuyện ông bà Tư khiến tôi sực nhớ đến cụ. Chiều 21-7 tôi đã đạp xe đến thăm để giúp cụ. Nếu đợi đến cuối tuần, có thể không con kịp nữa. Cụ chỉ còn một nắm xương, nói rất khó, chỉ thều thào vài tiếng. Cụ nghe được mấy câu rồi ngủ thiếp. Bà cụ và cô con gái vẫn ra vào trao đổi câu chuyện với tôi. Trên chiếc bàn con có chai nước và hộp bông. Tôi lấy một miếng bông nhỏ, thấm sẵn nước, cầm ở tay. Lúc cụ mở mắt, tôi đã nói lớn tiếng cho người nhà có thể nghe:

- Bác có cầu nguyện với Chúa không đó?

- Chúa!

- Tôi vẫn cầu nguyện Chúa cho Bác luôn đó. Thiên Chúa Tạo Hóa là Cha, cho chúng ta được làm con trong Con Ngài là Chúa Kitô. Bác hãy dọn tâm hồn để được ơn làm con Thiên Chúa.

Cụ tỏ dấu đồng ý. Đợi lúc vợ con cụ không có mặt, tôi xoa bông thấm nước lên trán cụ và đọc công thức rửa tội. Lúc này mà đòi giải thích cho vợ con cụ hiểu sẽ hỏng chuyện. Tôi không nên gây khó xử cho cụ Tám, người nhà của cụ và cả bản thân tôi.

Ra về, tâm trí tôi cứ nghĩ đến lời Kinh thánh đã khiến tôi đi tới quyết định ấy, lời Chúa nói với ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5).

Tôi chạnh nghĩ tới cảnh nhiều ngàn người lương chen chúc ở Giáo điểm Tin Mừng, đã bắt đầu tin Chúa, nhưng khi họ về lại nhà, có ai sẽ biết được những khó khăn của họ để giúp đỡ họ?

HÃY BẮT ĐẦU TỪ ĐẦU

Chỉ một con chiên đi lạc thôi, đủ cho Chúa Giêsu bỏ cả bầy chiên, ruổi rong tìm kiếm. Còn trên đất nước hiện nay, không phải mười, một trăm hay một ngàn mà có đến hàng triệu tâm hồn đã mấp mé ở cửa nhà thờ, ta chẳng quan tâm. Giọng Chúa Giêsu xưa thật buồn khi kể lại thái độ “mackeno” của thầy tư tế và thầy Lêvi, nay Ngài cũng không thể thản nhiên khi nhắc đến sự vô tâm vô cảm của các tín hữu.

Ai sẽ giúp được hữu hiệu cho những người già nua đang lúng túng chẳng biết tới lui thế nào. Tôi nghĩ chúng ta cần đầu tư cho những anh chị mới theo Chúa khi lấy vợ lấy chồng. Đó là một đội ngũ rất đông đảo đã bị bỏ quên rất oan uổng. Bạn trố mắt nhìn tôi chăng? Cha không biết câu ca dao “Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con lấy được vợ con thôi nhà thờ” hay sao mà cha lại bảo thế? Này bạn, đó là phản ứng của những kẻ chỉ biết nhìn thực tế bằng con mắt thế gian. Nếu biết mở con mắt đức tin ra, bạn sẽ thấy cộng đồng chúng ta đã phí phạm ơn Chúa đến mức nào.

Xin được kể một chuyện xảy ra đã hơn 30 năm, hồi tôi còn nương náu tại Dòng Don Bosco ở Đà Lạt. Tôi chào người đến xin học giáo lý và hỏi:

- Điều gì đã giúp anh tin nhận Chúa Giêsu.

- Tôi không tin ạ. Tôi xin học giáo lý chỉ vì muốn chiều lòng gia đình bạn gái tôi.

- Cám ơn anh đã nói thẳng ngay từ đầu. Anh cứ an tâm học thật nghiêm túc. Nếu xong khóa học, anh vẫn thấy mình không tin gì cả, thì đừng ngại nói. Tôi sẽ can thiệp với bố mẹ Thủy để anh có thể lấy cô ấy mà không cần theo Đạo. Theo luật đạo, người nào ép buộc anh chịu phép thánh tẩy ngoài ý muốn, người ấy mắc tội nặng.

- Thế thì cám ơn cha lắm.

- Chỉ xin anh chịu khó học đúng phương pháp.

- Phương pháp thế nào ạ?

- Rất dễ. Bắt đầu từ hôm nay, mỗi tối trước khi ngủ anh dành năm phút hoàn toàn tập trung và nói nhỏ thật chân thành: “Lạy Chúa, nếu có Chúa, xin làm cho con biết Chúa và tin nhận Chúa”. Anh có thể làm như thế được không?

- Vâng được ạ! Nếu không có Chúa thì kể như tôi nói với không khí. Còn nếu có Chúa thật, hẳn ngài nghe tiếng tôi và nhậm lời tôi.

Học được một tháng rưỡi, anh ta về thăm nhà một tháng. Mở đầu buổi học mới, anh hỏi:

- Thưa cha, làm sao cho người ta tin ạ? Con về nhà, gặp mấy đứa bạn, thuyết phục chúng nó, chẳng đứa nào chịu tin!

- Anh nhớ xem, tôi có thuyết phục anh đâu! Tôi đã chỉ xin anh một điều là học đúng phương pháp thôi…

- Ồ, con hiểu rồi!

Vâng, nếu ngay từ khi gặp gỡ lần đầu ta đã đưa người dự tòng đến với Chúa, thì có lẽ ta sớm có thể kết luận rằng: Sự kiện người ta tin theo Chúa nhân dịp kết hôn là một đặc sủng của Chúa Thánh Thần cho Giáo hội Việt Nam trong thời đại này. Chỉ cần chúng ta biết giúp họ mở lòng lắng nghe và ngỏ lời với Chúa. Hôm nay, ôn lại kinh nghiệm cũ, tôi tự nhủ: Nếu như hồi ấy mình đã biết đến Lòng Chúa Thương Xót, mình đã điều chỉnh phương pháp lại một chút nhỏ: “Mỗi ngày, lúc ba giờ chiều, anh hãy nhớ đến Chúa trên thập giá và hãy nói… Còn nếu anh bận hoặc quên không ngỏ lời vào lúc ba giờ chiều, thì tối lại, anh hãy dành năm phút…”

Người ta tìm gặp Lòng Chúa Thương Xót không chỉ nơi lời khuyên mà còn cả nơi tấm lòng các mục tử.

NHỮNG GIA ĐÌNH TIỀN PHONG

Hồi ấy có lần vị phụ trách Giáo sở Don Bosco là cha JB Phạm Đình Khơi SDB (1945-2018) và tôi đã học theo một kinh nghiệm nhỏ nhưng rất hữu hiệu của cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sau này là Hồng y Tổng Giám mục Hà Nội. Cha Phêrô ghi rất kỹ ngày rửa tội, hôn phối và bổn mạng của giáo dân rồi chào chúc, nhắc nhớ và cầu nguyện cho họ mỗi khi tới ngày kỷ niệm ấy… Theo gương ngài, hôm ấy dùng bữa tối xong, cha Khơi và tôi ghé thăm một gia đình hôn nhân khác đạo, ở gần nhà dòng, nhân hôm sau là kỷ niệm 5 năm lễ cưới của họ. Anh chị Xuyên Thảo hết sức vui và kinh ngạc vì có hai linh mục nhớ đến ngày của họ. Mấy tháng sau, người chồng xin học giáo lý rửa tội. Và rồi Giáo sở đã có thêm một gia đình trẻ nòng cốt.

Thưa quý cha xứ, chắc hẳn quý cha lắc đầu vì giáo xứ quá đông. Con xin kể một kinh nghiệm dễ hơn, của Cha Giuse Đoàn Văn Liệu ở Song Mỹ, Ninh Thuận, cũng hồi thâp niên 1980, hiện ngài đang hưu trí tại nhà an dưỡng Giáo phận Nha Trang. Hồi ở Song Mỹ, cha Liệu không mừng các gia đình trải dài suốt năm nhưng mỗi năm chỉ mừng 12 lần, vào những chiều Thứ Bảy đầu tháng. Hôm ấy ngài cử hành thánh lễ mừng kỷ niệm hôn phối cho tất cả những gia đình đã kết hôn trong tháng ấy, không kể là mấy năm. Chúa nhật trước đó ngài niêm yết danh sách họ ở cuối nhà thờ. Họ nhắc nhau xưng tội rước lễ, góp chút tiền nhỏ mua bánh kẹo chung vui với nhau sau thánh lễ. Họ trở thành nhóm bạn gia đình của từng tháng, và suốt năm, nhà nào gặp khó khăn trắc trở, họ rủ nhau cùng quan tâm nâng đỡ. Một vài gia đình lương dân cũng xin tham gia. Thế là gia đình làm tông đồ cho gia đình, cách tự phát, theo kiểu lên men tự nhiên…

Tôi có được phụ trách Legio Mariae Giáo phận Qui Nhơn mấy năm. Ngồi nghe phúc trình hằng năm của các đơn vị, tôi nhận thấy bản hướng dẫn công tác chỉ chú trọng tới những gia đình rối rắm, nguội lạnh hoặc chẳng còn đi nhà thờ, không thấy có phương hướng nâng cao phẩm chất những gia đình mẫu mực. Phải chăng vì ta không dám vươn tới tối đa, chỉ nhằm bảo đảm tối thiểu, cho nên không có gì tiến bộ hay phát triển, tất cả chỉ cầm chừng, dậm chân tại chỗ?

Sau thời cha Giuse Đoàn Văn Liệu, những cộng đồng gia đình tự phát nói trên không được các cha khác quan tâm, cho nên chưa kịp bén rễ sâu, đã tàn lụi. Thế nhưng có lẽ nó là một công thức lên men tự nhiên giản dị có khả năng ngày càng làm nên những gia đình mẫu mực. Chỉ cần điều chỉnh một chút: nên cử hành vào “Thứ Tư đầu tháng”. Ngày nay, chiều Thứ Bảy ở đâu cũng cử hành thánh lễ Chúa nhật, còn ngày thứ Tư kính thánh Giuse, tự nó đã là của các gia đình.

Giữa xã hội phức tạp ngày nay, muốn là gia đình mẫu mực, cha mẹ nên dâng tất cả cho Lòng Chúa Thương Xót, trước hết là dâng chính mình và con cái.

GIAO TRẺ EM CHO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

13Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Ngài đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. 14Thấy vậy, Ngài bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16Rồi Ngài ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (Mc 10,13-16).

Lời mời gọi ấy mở ra niềm hy vọng vô cùng lớn lao cho giáo dục gia đình, vì ngay từ đầu, tương lai và hạnh phúc của con em chúng ta vẫn là đối tượng ưu tiên của Lòng Chúa Thương Xót. Ý niệm đến với Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều hết sức giản dị, nó có sức trang bị cho các cháu nhỏ một ý thức sống động về sự hiện diện của Chúa, về tình Chúa yêu ta và lòng ta mến Chúa. Khi trao công nghệ hiện đại vào tay các cháu, hãy giúp các cháu cài báo thức vào ba giờ chiều, chính Lòng Chúa Thương Xót sẽ thực hiện cuộc lên men tự nhiên.

Hãy trang bị cho các cháu tấm lòng của Chúa, với đôi cánh đích thật là mến Chúa và yêu người, để khi đậu phải cành khô sắp gãy hoặc đáp xuống gặp vũng lầy bãi lún, các cháu không lúng túng chao đảo nhưng chỉ cần vỗ cánh bay cao.

Việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót là giống lúa ngắn ngày đầy hứa hẹn cho thửa ruộng hạnh phúc gia đình nhưng ở các nơi nhiều người chưa biết. Ước mong những ai quan tâm tới hạnh phúc các gia đình sẽ tích cực giới thiệu để các nông dân của Nước Trời hiểu rõ và tin dùng. Xin mời xem bài 11: Giáo xứ của Lòng Thương Xót.

 

 

 


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo