NGẢ BA QUYẾT ĐỊNH

Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 12

Chia sẻ của Lm Trăng Thập Tự

Thế là đã đến lúc xếp lại những báo cáo tẻ nhạt từ một trạm nghiên cứu nghiệp dư. Ở phút đúc kết, tôi chợt nhớ lại nhịp sống của Giáo hội Việt Nam cuối năm ngoái. Khi tôi hỏi tại sao “Năm thánh các Thánh Tử đạo Việt Nam” chỉ kéo dài sáu tháng thay vì một năm, một vị trong Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đáp: “Chúng tôi biết là vội quá và ngắn quá, các nơi sẽ chẳng kịp làm gì, nhưng có lẽ chỉ cần có thế, một cột mốc để đi vào chiều sâu là chính, vì sẽ có những dịp trọng đại hơn về sau.”

Khi nào sẽ là dịp trọng đại hơn, nếu không phải là cuộc kỷ niệm 500 năm Kitô giáo Việt Nam đang đến gần?

NĂM TRĂM NĂM CHỜ TA TRƯỚC MẶT

Bài “Sử lược Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533-2000)” của Lm Trần Anh Dũng, Paris, trên trang Simon Hòa Đà Lạt, mở đầu với những dòng sau đây: “Non sông gấm vóc đất nước Ðại Việt đón nhận Tin Mừng cứu độ của Ðức Kitô từ những ngày đầu thế kỷ XVI . "Khâm Ðịnh Sử Việt Thông Giám Cương Mục ghi nhận sự kiện: "Năm Nguyên Hoà nguyên niên (1533), tháng ba, đời vua Lê Trang Tông, có người Tây Dương tên I-nê-khu lén vào xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thuỷ, âm thầm truyền bá Da Tô tả đạo ».”

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/LichSu/LichSuGHCGVN.htm

Gần năm trăm năm trôi qua, nhìn lại ta có thể học được gì? Thật khó để học từ các sự kiện, bởi vì lịch sử chẳng bao giờ lặp lại, rất ít khi có những sự kiện gần giống nhau! Là Kitô hữu, ta cần đọc bài học lịch sử theo một hướng khác. Dụ ngôn “người gieo giống” có thể giúp ta dựa vào những diễn biến của quá khứ để đọc ra xu thế của hiện tại và điểm hẹn của tương lai.

DỤ NGÔN GIÀU Ý NGHĨA

Ngài nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. 4Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9Ai có tai thì nghe.” (Mt 13,3-9).

Dụ ngôn này rất phong phú, với nhiều tầng lớp ý nghĩa chồng chất lên nhau. Trước hết nó vẽ ra trước mắt ta một thửa ruộng nằm cạnh đường đi, có những góc đất cằn khô và những phía bờ nhiều gai góc. Bản giải thích trong Matthêu liệt kê bốn loại thính giả của Lời Chúa với tâm tính khác nhau; bản giải thích trong Marcô nói về những thái độ khác nhau trước Lời Chúa; bản giải thích trong Luca nói tới những hoàn cảnh khác biệt...

Có thể bạn đã từng đọc dụ ngôn theo một cách khác, chẳng hạn nhận ra rằng ngay trong cõi lòng, mình đã từng đón nhận Lời Chúa với tâm trạng này hay tâm trạng khác. Nó cũng có thể gợi lên những khác biệt tâm lý nơi bốn giai đoạn của đời người: Tuổi thơ mau chán, tuổi trẻ khó kiên trì trước thử thách, tuổi trung niên bị cuốn theo bao nhiêu tham vọng rồi tuổi già bình an đón nhận ơn trời…

DỤ NGÔN BƯỚC ĐƯỜNG TÌNH

Những cảnh ngộ khác nhau ấy của hạt giống cũng chẳng khác mấy với những khó khăn các đôi vợ chồng gặp phải trên hành trình hôn nhân.

Những cảm nghiệm tình yêu ban đầu có vẻ mãnh liệt nhưng cũng có thể hời hợt chẳng khác nào hạt giống rơi ở vệ đường. Nó dẫn đến cam kết ăn đời ở kiếp với nhau. Thế nhưng, rất sớm sau lễ cưới, đôi bạn thấy vỡ mộng vì khám phá ra những mặt trái của người bạn đời, của bố mẹ và gia đình bạn, và nghĩ mình đã chọn lầm. Đó là khủng hoảng thứ nhất. Rất may, nhờ đứa con sắp chào đời, họ vượt khỏi cám dỗ bỏ cuộc, chuyển dần từ tình yêu chiếm đoạt sang tình yêu hiến dâng để lo cho con và cảm thông với nhau.

Dăm bảy năm sau ngày cưới, đã khám phá hết những lý thú của đời hôn nhân và mệt mỏi với bổn phận thường ngày, họ lâm vào khó khăn thứ hai là sự nhàm chán. Đây là cuộc khủng hoảng cần thiết để tiến vào một tình yêu của chiều sâu.

Cả trong đời tín hữu, đời hôn nhân và đời thánh hiến, tình yêu chiều sâu không phải là chuyện dễ. Trong thực tế, ở tuổi trung niên, phần đông người nam và người nữ đều cảm thấy mình thất bại. Đây là cuộc khủng hoảng thứ ba, Chúa Quan Phòng đã xếp đặt nhằm giúp ta có cơ hội nhìn nhận sự bất lực của mình và phó thác tất cả cho Ngài. Người ta đứng trước một chọn lựa hết sức quyết liệt. Nếu cả hai vợ chồng đều nhận chân rằng tình yêu thương là quan trọng nhất, tiền của chỉ quan trọng ở mức tối thiểu, họ sẽ tìm được lẽ sống thật của mình. “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, họ vui với cảnh sống “hằng ngày dùng đủ”, “an phận thủ thường”, chăm lo bổn phận đời thường với tất cả lòng mến Chúa yêu người. Đôi bạn đời trở thành đôi bạn đạo. Đó là cảnh đạt đạo ngay giữa cõi đời tục lụy của những “cư sĩ”, những ơn gọi thánh hiến giữa đời, những tâm hồn tận hiến tại thế.

Nhiều cuộc hôn nhân sớm tan vỡ vì cả vợ lẫn chồng đều không còn lấy tình yêu làm mục đích đời người nhưng chỉ theo đuổi tiền bạc. Cũng có những trường hợp người ta dung hòa được tinh thần với vật chất và thành công rực rỡ, đạt tới đỉnh cao của giàu có, thịnh vượng, rồi đến lúc nhận ra rằng tiền bạc được Tạo Hóa trao cho chính là để phục vụ nhân nghĩa, họ đã hiến hết tài sản cho những công cuộc từ thiện.

Thảm kịch xảy ra khi người ta đi nước đôi, trên danh nghĩa là thờ Thiên Chúa nhưng trong thực chất là thờ tiền của, hoặc khi đôi vợ chồng theo đuổi hai lý tưởng trái nghịch, “ngủ cùng giường mà mộng khác nhau”.

Lúc ấy, nếu biết đến với Chúa, người ta sẽ nhìn nhận mình thất bại để nhường chỗ cho Thiên Chúa thành công, và sẽ tiến vào giai đoạn thứ tư đầy hoa trái tâm linh.

Còn nếu tìm cách chạy trốn sự thất bại bằng những thành công dễ dãi mua được bằng tiền, người ta sẽ lấy những cái hào nhoáng bên ngoài để che đậy cái trống rỗng bên trong. Để đổ lỗi cho phía bên kia, thậm chí người ta còn tìm cách chứng tỏ năng lực bằng sự chinh phục những bồ nhí bằng tuổi con cháu mình. Chính lý do này khiến người ta cũng gọi đây là cuộc khủng hoảng hồi xuân.

DỤ NGÔN CHO LỊCH SỬ

Nhìn từ góc độ cuộc tình giữa Đức Kitô và Hội thánh, sau khi nghe bài giảng về bánh hằng sống, nhiều môn đệ đã “vỡ mộng” bỏ đi. Khủng hoảng vỡ mộng kéo dài cho tới những cơn bách hại của đế quốc Rôma.

Năm 311, Giáo hội được tự do. Với nếp sống ổn định, được thế quyền ưu đãi, dần dần Giáo hội bị biến chất, rơi vào một thứ khủng hoảng nhàm chán trong một thời kỳ đen tối và bị chia rẽ thành hai khối Đông và Tây vào năm 1054. Dòng Cluny, Thánh Phanxicô và Thánh Đa Minh đã dìu Giáo hội vượt qua khủng hoảng được vài thế kỷ.

Tiếp đó, từ cuối thời Trung Cổ đến đầu thời Phục hưng, hồi thế kỷ XV và XVI, Giáo hội phải đương đầu với một khủng hoảng mới, khủng hoảng hồi xuân hay khủng hoảng thất bại trong đời sống hôn nhân. Người ta không còn say mê với Tin mừng nhưng chạy theo những mục tiêu trần thế: nghệ thuật, giàu sang, danh vọng. Tình cảnh suy đồi dẫn tới những nỗ lực cải cách theo hai hướng: Các anh em Tin Lành lìa bỏ Giáo hội để thực hiện cải cách. Thánh Inhaxiô Lôyôla, Thánh Philipphê Nêri, Thánh Phanxicô Salêsiô, Thánh Inhaxiô Lôyôla, Thánh Têrêxa Avila, Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh Carôlô Bôrômêô, thực hiện cải cách từ trong lòng Giáo hội…

Ngày nay, với bản Hiến pháp được tu chính năm 2009, Nghị viện Liên minh châu Âu phủ nhận nguồn gốc Kitô giáo và những đóng góp của Kitô giáo cho châu lục này. Các quốc gia châu Âu lần lượt phê chuẩn nhiều luật lệ ngược với quan điểm của Giáo hội Công giáo. Cộng đồng Công giáo trở thành một nhóm nhỏ. Nhiều nhà thờ trở nên hoang vắng, các tu viện đóng cửa. Giáo hội phương Tây ngày nay lâm vào cuộc khủng hoảng thứ tư, nhìn phía này thì thấy mình bị “vắt chanh bỏ vỏ”, nhìn phía kia thì rõ là một lần nữa Thiên Chúa đang quyến rũ Dân Ngài, “đưa nó vào sa mạc cô tịch để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16).

Nhìn lại lịch sử Giáo hội Việt Nam ta thấy hình như cũng có đủ các giai đoạn lặp lại lộ trình của dụ ngôn người gieo giống:

Ở giai đoạn đầu Lời Chúa được đón nghe cách hăm hở, cả đến những vị quan trong triều đình và một số công chúa con vua Lê cũng đã tin và được ơn Thánh tẩy, thế nhưng phải chăng lắm kẻ chỉ như trẻ thơ ham vui chốc lát, chạy theo thị hiếu nhất thời?

Ở giai đoạn hai, phải chăng cần có sóng gió nổi lên để tách những cây chưa bén rễ khỏi những đám lúa đã bén rễ sâu đang vươn lên, lớn mạnh?

Rồi bốn chục năm trở lại đây, tới giai đoạn thứ ba, bên cạnh nẻo đường phải đi ngày càng hẹp và lên dốc cao, luôn có sẵn một nẻo đường thênh thang, xuôi xuống và tráng nhựa thật êm. Người tín hữu bị phai nhạt đức tin không do cấm cách bắt bớ nhưng do bị cuốn hút theo văn minh tiêu thụ. Phải chăng chẳng những số lượng không phát triển nữa mà cả phẩm chất cũng thoái hóa, chỉ còn chạy theo hình thức bên ngoài?

Chúng ta đứng tại ngả ba đầy thử thách, một bên là Thiên Chúa, một bên là vật chất: Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

CUỘC KHỦNG HOẢNG HỒI XUÂN

Thật đáng e ngại và đáng lo sợ khi chúng ta nhìn thấy rất rõ thực tế của Giáo hội phương Tây hồi thế kỷ XV, XVI đang lặp lại nơi hiện thực của chúng ta lúc này. Người ta bỏ quên điều chính yếu, chay theo những cái phụ thuộc, bắt bẻ nhau những chuyện vặt vãnh, để mặc cho lòng mến Chúa yêu người bị bốc hơi, những lời khuyên Tin mừng bị biến chất vì thỏa hiệp. Hầu như đâu đâu cũng đua nhau xây nhà, dựng tượng, hội hè, đình đám,… Cả những dòng tu nghèo khó cũng có những cơ sở đồ sộ khiến ta phải rùng mình khi bước vào. 

Bề ngoài thật nguy nga tráng lệ nhưng liệu có đúng là điều Đấng rao giảng các mối phúc thật đang mong chờ? Tương lai nào đang chờ đợi ta?

Đây là cuộc khủng hoảng một mất một còn. Ở bài trước, Thánh nữ Têrêxa Avila đã mô tả đường vào nội tâm như đường xoắn ốc bảy vòng, trên đó, rất nhiều người tiến vào tới vòng thứ ba, nhưng do tự hào, tự phụ, lại bị đẩy ngược ra ngoài. Chỉ những ai tín thác, những ai trông nhờ vào Lòng Chúa Thương Xót, mới được Thánh Thần Thiên Chúa đưa dẫn vào sâu bên trong.

Cái nguyên nhân tự hào, tự phụ được Thánh nữ Têrêxa nói đó cũng chính là hai kẻ thù của sự thánh thiện, mà trong tông huấn Vui mừng hoan hỉ về Tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo là hai nhân tố đang đẩy người tín hữu nói riêng và cả cộng đồng Giáo hội tới chỗ đánh mất căn tính. Ngài gọi đích danh hai kẻ thù ấy là não trạng ngộ đạo và não trạng Pelagiô. Vướng vào hai não trạng ấy, thay vì lấy tình yêu thương làm căn bản, người ta chạy theo quyền lực và danh vọng hoặc những thành công rực rỡ phù phiếm.

NHÌN NHẬN THẤT BẠI ĐỂ CHO CHÚA THÀNH CÔNG

Để giúp ta thoát cảnh suy đồi, ngày nay Chúa cũng đang hướng ống kính của Ngài tới một số người, mà rất có thể là chính bạn, người đang đọc những dòng này. Bạn cần biết rằng, theo cái nhìn nhân loại, đây là cái vinh dự rất bạc bẽo. Thánh nữ Têrêxa phải thức đêm thức hôm viết vội quyển Tiểu sử Tự thuật để tránh nguy cơ bị đưa lên giàn hỏa thiêu. Thánh Gioan Thánh Giá bị anh em cùng Dòng nhốt vào ngục tối, nếu không vượt ngục được thì đã chết rũ tù chẳng ai hay…

May thay, để dẫn dắt chúng ta vượt khó, ở thế kỷ trước và thế kỷ này, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những vị Giáo hoàng thật tuyệt vời, cụ thể là Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay. Năm ngoái, chỉ mấy ngày sau khi Hội đồng Giám mục Việt Nam rời Rôma sau cuộc hành hương “ad limina” và vài tháng trước khi chúng ta kỷ niệm ba mươi năm tôn phong các hiển thánh Tử đạo tại Việt Nam, ngài đã công bố Tông huấn Vui mừng hoan hỉ, về Tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, trong đó tất cả được tóm tắt nơi “tiêu chuẩn lớn” là Lòng Thương xót (x. Vmhh, 95-109). “Sức mạnh nơi chứng từ của các thánh là tuân giữ các mối Phúc thật và chuẩn mực của cuộc phán xét cuối cùng. Chúa Giêsu chỉ nói mấy lời đơn giản nhưng rất thiết thực và có giá trị đối với hết mọi người, vì trên tất cả mọi sự, Kitô giáo chính yếu là để đem ra thực hành” (Vmhh, 109).

Mời đón đọc bài 13 và là bài cuối: Xuất phát lại từ Lòng Chúa Thương Xót.


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo