LỚN LÊN TRONG LỜI CHÚA
(Chuyện Trường Cao đẳng
Giáo lý Trực tuyến)
Lời mở đầu
Con về Ghetsêmani
Thôi nghe ai oán Cô Vi
sầu buồn.
Thì ra lặng chính là
nguồn
Cho sinh cho thức trào
tuôn vỡ bờ.
(TTT)
Đại
dịch Covid-19 bùng phát nhanh vào cuối mùa Chay, gây ấn tượng chưa từng có, với
một Tuần thánh chỉ còn thánh lễ trực tuyến. Giáo dân không được rước Mình thánh
Chúa nhưng nhiều người lại cảm thấy Chúa đang đến tận nhà. Lạ thay, dù chưa qua
đỉnh dịch, ngay từ sáng sớm lễ Phục sinh ta cảm thấy bình an và ánh sáng đã trở
về và đang lan tỏa. Ngay những ngày đầu tuần Bát nhật Phục sinh Tòa thánh đã tỏ
ra quan tâm đến tình thế sau đại dịch. Đức Hồng Y Turkson cho biết: “Chúng ta
phải nghĩ đến thời kỳ sau Covid-19 để khỏi bị ngỡ ngàng”.
Thánh
bộ của ngài đã thành lập 5 nhóm để đối đầu với cuộc khủng hoảng và nhìn về
tương lai. Còn giới Công giáo Việt Nam? Chúng ta sẽ làm gì sau đại nạn? Nếu chỉ
nhìn theo hướng đối phó, sẽ thấy nhiều bế tắc và mỏi mệt với những áp lực nặng
nề. Để thấy bừng sáng cần hướng tới những chân trời xa.
Có
một cột mốc vừa gần vừa xa có thể gợi ý cho ta nhiều điều, đó là sự kiện kỷ
niệm 500 năm Tin mừng đến trên đất Việt (1533-2033), chỉ mười ba năm nữa! Với
thao thức về giáo dục tuổi thơ, chúng tôi đã nghĩ tới một trường Cao đẳng Giáo
lý trực tuyến cho các giáo lý viên và huynh trưởng. Nhân có người nêu câu hỏi
về trí thức Công giáo, chúng tôi nghĩ nên mở rộng đối tượng tới nhiều nhóm khác
để có một trường huấn luyện chung ít tốn kém, ở trong tầm tay của mọi người
trong và ngoài nước. Nếu đề xuất này được quan tâm, đây sẽ là một công việc có
sức tạo nên năng động tập thể, vừa giúp giải quyết vấn đề nhân sự cho Giáo hội
Việt Nam vừa tạo nên một sức bật đẩy lùi não trạng tục hóa đang đe dọa Dân
Chúa.
Với
cái nhìn ấy, chúng tôi xin đóng góp loạt bảy bài dưới đây, tựa đề “Lớn lên
trong Lời Chúa” góp phần suy tư về việc huấn luyện đời sống tâm linh, ý thức
tông đồ, các kiến thức giáo lý và chuyên môn cho những giáo dân có học, như
những gợi hứng mở đầu giúp nhiều người cùng suy tư góp ý về nhiều lãnh vực khác
của Giáo hội Việt Nam, để từ đó chúng ta có thể cùng tiến bước xa hơn. Rất mong
quý bạn đọc cùng tích cực tham gia ý kiến và sáng kiến.
Qui Nhơn ngày 07/5/2020
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá
Khánh
Gp Qui Nhơn
Đầu
năm 2020 này, tôi nhận được thư một giảng viên đại học băn khoăn không biết một
trí thức Công giáo có thể đóng góp thế nào để xây dựng Giáo hội.
Thời
sinh viên, anh đã có mấy năm tìm hiểu ơn gọi triều rồi dòng. Nay anh đã lập gia
đình và dạy toán bậc đại học. Anh cứ ngại ngần, chẳng biết Giáo hội có cần gì
mình chăng cho nên “chỉ khi nào các cha hỏi, hay nhờ việc gì đó con mới làm,
còn thường con ít tham gia hay cộng tác điều gì.” Bây giờ anh chợt cảm thấy cần
đáp đền ơn Chúa. Trong thư, anh hình dung trí thức Công giáo như một lớp người
có trình độ trong các lãnh vực văn học, nghệ thuật, giáo dục, y học, chính trị,
kinh tế,… Anh tìm hiểu xem nơi lớp người đi trước một hình mẫu trí thức Công
giáo người Việt nhưng không thấy. Tôi có nghĩ tới một vài vị có thể coi là điển
hình nhưng không nhắc đến vì muốn cùng anh nhìn vấn đề từ một góc khác.
Để
giúp anh có cái nhìn thực tế và lạc quan hơn về Giáo hội Việt Nam, thay vì cụm từ
“trí thức Công giáo”, tôi đề nghị cùng chia sẻ về lớp người “có học” trong các
giáo xứ và giáo họ, ngoài học thức, có một trình độ văn hóa hoặc một trình độ
chuyên môn, họ còn là những người “có cái nhìn đức tin và có lòng đạo”. Tôi đã
hạ chỉ tiêu thứ nhất xuống thật thấp. Tôi nhắn anh thử nhìn nơi các Hội đồng
Giáo xứ, nơi những anh chị vừa là giáo viên trường phổ thông vừa tham gia dạy
giáo lý, những điều dưỡng viên, bác sĩ Công giáo đang tham gia các công tác
thiện nguyện. Rồi nhiều người khác tương tự, đã tốt nghiệp cao đẳng hay đại học
và hiện đang làm nghề tự do hoặc buôn bán nhỏ nhưng hằng tuần vẫn tham gia một
vài sinh hoạt đặc thù nào đó trong giáo xứ, giáo họ.
Cả
những người chỉ mới qua lớp Chín, lớp Mười, mà hiện nay vẫn không ngừng quan
tâm cập nhật thông tin, mở mang kiến thức nhiều mặt, cách riêng là ngày càng
chuyên sâu trong ngành chuyên môn của mình, thì cũng nên xếp vào lớp người có
học. Với tuổi đời, với bề dày cuộc sống, lại thêm tìm hiểu và suy tư để giải
quyết các vấn đề cách có phương pháp, thì trong những công việc chung của nhà
thờ, nhà xứ, họ đều góp phần như những người có học.
Một
số giáo phận đã nâng cao tầm vóc những người này qua những khóa huấn luyện ngắn
ngày nhưng hữu hiệu, đi xa hơn, còn có những chương trình đào tạo thần học giáo
dân với những khóa dài hạn, những khóa hè hoặc những khóa học buổi tối. Từ Nha
Trang, Sài Gòn và có thể cả một vài giáo phận khác, dù ít nhưng đã có một số
giáo dân được gửi đi học nước ngoài về giáo lý, về mục vụ… Tuy nhiên, hầu hết
những hình thức ấy khá xa vời với hoàn cảnh giáo dân các giáo phận tỉnh lẻ…
Tình
cảnh cách ly, phong tỏa thời dịch bệnh có lẽ là lúc thuận lợi để ta khởi động
chương trình “Không được đến trường, thì ở nhà học”.
Giám
mục Giáo phận Bắc Ninh trước đây, Đức cố hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng, đã tận
dụng một thời gian bị cách ly vì lũ lụt để viết nên trường ca “Tóm lược cuộc
đời Chúa Giêsu”, một thủ bản giáo lý đã hướng dẫn và nâng đỡ đức tin của các
tín hữu phía Bắc một thời gian dài.[1]
Giờ
đây, giữa những âu lo do dịch bệnh, “người nào ở đâu hãy ở yên đó, nhà nào ở
nhà đó”, ta sẽ làm gì? Ngày 03/4/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp
video gởi đến các gia đình trong thời đại dịch này. Trong đó ngài có nói:
“Chúng ta hãy cố gắng, nếu có thể, để tận dụng tốt nhất thời gian này… Điều cần
thiết cho ngày hôm nay là: sự sáng tạo của tình yêu… Cùng đứng bên nhau, trong
tình yêu và sự kiên nhẫn, chúng ta có thể chuẩn bị cho một thời kỳ tốt đẹp hơn,
ngay trong những ngày này.”
Nếu
chúng ta có quyết tâm thì tình cảnh cách ly lại rất thuận lợi để làm những việc
cần làm mà lâu nay chưa làm được, kể cả việc học. Tôi nghĩ đến một cụm từ đầy
gợi ý của cha Augustinô Đoàn Cao Lý: “Người có học tầm đạo”. Những năm
1975-1985 xuất hiện nhiều tư liệu hỗ trợ việc dạy giáo lý cho người trưởng
thành. Cha Lý cũng có loạt bài của ngài, với tựa đề vừa hay vừa xác đáng ấy. Để
trở thành trí thức Công giáo, con đường trước mắt là con đường của những “Người
có học tầm đạo”.
Sau
ngày đất nước thống nhất, cuộc sống tại phía Nam đổi thay, ai cũng phải thích
nghi với hoàn cảnh mới. Những bạn trẻ muốn dâng mình cho Chúa không còn điều
kiện tu học bình thường. Họ phải phân tán thành những nhóm nhỏ làm rẫy, làm
ruộng, làm muối, hoặc về các thành phố làm hợp tác xã, chạy xích lô, đi buôn
nước mắm… Họ tranh thủ từng mười phút để đọc sách, vừa làm việc vừa nghe băng
học sinh ngữ, vừa làm thủ công mỹ nghệ vừa nhẩm học những từ mới. Khi có điều
kiện, họ đạp xe hằng chục cây số để dự những buổi học chui về Kinh thánh, Triết
học, Thần học… Về sau, khi đã trở thành cha phó, cha sở, Tổng đại diện, Giám
mục, Tổng giám mục, ôn lại những tháng ngày gian khổ, họ ứa lệ tạ ơn Chúa Quan
phòng đã thương rèn luyện họ bằng chính cuộc sống.
Ngày
nay chúng ta có một hoàn cảnh bấp bênh khác, do Covid-19, chẳng biết kéo dài
bao lâu, rồi sau đó ra sao… Trả lời cuộc phỏng vấn đầu tháng Tư 2020, Đức Thánh
Cha Phanxicô cho thấy ngài phải suy nghĩ nhiều để kịp thích nghi với hoàn
cảnh. Ngài nói: “tôi sống những điều ấy
trong thời nhiều bất trắc lớn lao. Đây là thời của phát minh, của sáng tạo”.
Đức
Phanxicô nhận định thêm rằng “óc sáng tạo của các Kitô hữu cần được biểu lộ rõ
qua việc mở ra các chân trời mới, mở các cửa sổ, mở ý thức siêu việt hướng tới
Thiên Chúa và hướng tới người ta, và qua việc tạo ra những cách thế mới để ở
trong nhà… Hãy quan tâm chăm sóc cái bây giờ, cho cái tương lai. Luôn luôn một
cách sáng tạo, với một óc sáng tạo giản đơn, có khả năng phát minh ra một điều
gì đó mới mẻ mỗi ngày”.
Theo
hướng ấy, tôi có một đề xuất cho cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam, cách riêng là
các bạn trẻ, qua bài 2: “Hướng tới một
trường Cao đẳng Giáo lý trực tuyến”.
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá
Khánh
Gp Qui Nhơn