LỚN LÊN TRONG LỜI CHÚA
Cuối
bài trước ta đã nói tới những kinh nghiệm khác nhau của các Truyền thống Công
giáo: Đọc Lời Chúa theo phụng vụ thánh lễ hằng ngày, học thuộc một câu, làm
lectio divina, học hỏi, suy niệm, rồi dựa vào đó để xét mình, phân định tìm ý
Chúa, vượt thắng những cám dỗ làm điều tốt, uốn mình theo sự thanh luyện của
Chúa, và cuối cùng là sống hiệp nhất trong Chúa.
Nếu
nói là tiến lên dần thì đúng ra, những kinh nghiệm này nên đọc từ dưới lên:
10.
Hành trình Phanxicô
9. Hưởng ứng sự thanh luyện của Chúa (phân định 3).
8.
Ở lại trong Đấng yêu thương ta.
7. Thắng những cám dỗ làm điều tốt (phân định 2).
6. Soi lòng, xét mình thăm dò ý Chúa (phân định 1).
5. Thinh lặng suy niệm.
4. Học hỏi Lời Chúa.
3. Làm “lectio divina”.
2. Học thuộc một câu và ghi nhớ cả số trích của nó.
1. Đọc đoạn Lời Chúa.
Những sợi rễ thầm lặng khuất sâu phía dưới, nuôi dưỡng cả cây
cao, từ gốc to trụ vững toàn thân, với cành lá sum suê trổ sinh nhiều hoa trái.
Vẫn có những trường hợp ngoại lệ, một em bé sáu tuổi như Đấng đáng kính
Antonietta Meo[1] hoặc một bà cụ không biết đọc biết viết
ở một làng quê nào đó có thể chỉ biết vài câu Lời Chúa ngắn ngủi mà vẫn thường
xuyên ở lại trong Chúa. Thế nhưng thông thường, ta phải xây từ nền móng.
Nếu nói là đào sâu, người ta có thể xếp thứ tự từ ngoài vào
trong, tiến theo vòng xoắn ốc. Khởi đầu là đọc bằng mắt, nghe bằng tai, rồi
thấy bằng tâm trí và nghe bằng cõi lòng. Những ngày cách ly và phong tỏa có một
hiệu quả hay là giảm bớt những gì không cần thiết. Nhờ đó cả ngoài đường lẫn
trong nhà đều yên tĩnh hơn và ta dễ lắng nghe hơn.
Ta có thể bất ngờ được nghe tiếng Chúa giữa nhiều tình huống
cuộc sống, mà cũng có thể chủ động tìm nghe tiếng Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy nói,
này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,10).
Để nghe Chúa, ta phải dành cho Ngài một chút thời giờ. Trong
những ngày chống dịch, bạn đang dùng thời giờ vào việc gì? Nếu bạn bắt đầu thấy
coi trọng việc gặp Chúa hơn, thì hãy dành thời giờ cho Chúa cách hào phóng hơn.
Khi dịch Covid-19 qua đi, bạn ít rảnh rỗi hơn, nhưng nhờ kinh nghiệm hào phóng
hôm nay, lúc ấy bạn sẽ dễ dành ưu tiên cho Chúa.
Trước đây những bước càng vào trong càng bị coi là chuyện riêng
của giới nhà tu, và ít có tài liệu hướng dẫn cách dễ hiểu cho giáo dân. Với
loạt bài này, chúng tôi mong cung cấp cho các bạn đọc giáo dân trẻ những dẫn
nhập thật gần gũi, để bạn tập thử và rủ người khác tập rồi cùng nhau trao đổi,
giúp nhau dần dần nâng cao kinh nghiệm.
Ngay hôm nay, bạn hãy dành thời giờ cho những thực tập khởi đầu,
trước hết là đọc Lời Chúa.
Kinh nghiệm đầu tiên là đọc đoạn Lời Chúa
theo thánh lễ hằng ngày. Các chu kỳ bài đọc thánh lễ Chúa nhật và ngày thường
đã được ấn định từ năm mươi năm rồi. Nó có vẻ là một sự phân chia máy móc,
nhưng lạ thay, biết bao người đã phản hồi rằng những bài đọc in sẵn ấy luôn sát
sườn với thực tế cuộc sống hiện tại của họ. Bạn ngạc nhiên chăng? Hãy cứ mở
rộng cõi lòng đón nhận rồi đọc, bạn sẽ khám phá ra đó là bữa tiệc dọn sẵn và ta
là khách được mời nhưng thường thì ta còn mải lo mua bò, tậu ruộng…
Kinh nghiệm thứ hai là từ bài đọc ấy, bạn tự chọn một câu giàu ý
nghĩa nhất cho bạn lúc này, lặp đi lặp lại đến thuộc lòng và ghi nhớ cả số
trích của nó. Sau năm 1975, Ban Thánh nhạc Gp. Nha Trang có sáng kiến chọn mỗi
Chúa nhật một câu Tin mừng, dệt thành bài ca Ý lực sống để hát cho thuộc. Tới
nay, chương trình ấy được đúc kết thành hai bộ, cho hai lần chu kỳ ba năm A, B,
C. Song song đó, còn có thêm bộ thứ ba của linh mục nhạc sĩ Mi Trầm, với tên
gọi “Bài ca Lời Chúa” được dọn thành Karaoke… Các bạn trẻ lớn lên tại những
giáo xứ áp dụng sáng kiến ấy, sau 330 Chúa nhật của hai chu kỳ, có thể thuộc
300 câu Kinh thánh là ít. Các bạn trẻ Tin Lành có thể thuộc chưa tới 100 câu
nhưng là những câu chọn sẵn để vận dụng cho việc rao giảng và thuyết phục. Họ
đọc vanh vách cả câu Kinh thánh lẫn số trích khiến bạn có cảm tưởng họ thuộc
lòng trọn bộ Kinh thánh. Nếu bạn có kế hoạch vận dụng kho Ý Lực Sống trên đây,
bạn sẽ không kém gì họ. Tuy nhiên đây không phải là chuyện để bàn lúc này.
Kinh nghiệm thứ ba là “lectio divina”, có thể dịch là “gậm nhấm
thiên thư”, lấy từ đời sống các đan sĩ. Hằng ngày, ngoài các giờ kinh, nguyện
ngắm và thánh lễ, các đan sĩ thường phải làm việc tay chân liên tục. Họ tranh
thủ từng năm ba phút để đọc sách nuôi dưỡng đời sống tâm linh, từ các sách
trong Kinh thánh cho đến sách các giáo phụ và các bậc thầy tâm linh, nghiền
ngẫm để dọn đường cho tĩnh nguyện. Về sau, nhiều cộng đoàn chính thức rải đều
những khoảng rảnh để “đọc các sách đạo”
(x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1177). Chính nhờ giải pháp ấy,
các đan sĩ có thể tự học và thăng tiến không ngừng, có thể trở thành những học
giả thầm lặng. Nội dung được chọn đọc là
sách đạo chứ không riêng Kinh thánh, và cách đọc là đọc góp từng phút rồi vừa
lao động vừa nghiền ngẫm, cho nên từ “lectio divina” của các đan sĩ có lẽ phải
được dịch là “gậm nhấm thiên thư”, đọc sách đạo từng chút một và nghiền ngẫm.
Mai đây, khi Giáo hội Việt Nam có những Cao đẳng và Đại học trực tuyến, các học
viên có thể tìm thấy nơi kinh nghiệm này một giải đáp tuyệt vời cho tình cảnh
vừa học vừa làm. Bạn hãy sắm một quyển Tân ước cỡ nhỏ nhất, tiện đem theo mình
khi đi đường, để bất cứ lúc nào và ở đâu cũng có thể đọc và nhâm nhi một đoạn
ngắn hoặc vài câu. Bạn cũng có thể đem theo một quyển “sách thiêng liêng”, hoặc
một sách đạo nào khác để đọc cả trên xe như những người khách “du lịch ba lô”
vẫn làm. Bạn cũng có thể ghi những nội dung ấy vào ‘smartphone’ để mang theo
đọc nữa chứ?
Kinh nghiệm thứ tư là học hỏi Lời Chúa. Giáo trình khối Kinh
thánh trong Chương trình Giáo lý Phổ thông (12-15 tuổi) nhằm chuẩn bị cho các
bạn trẻ khả năng này. Bạn đã qua chu kỳ Giáo lý khối Kinh thánh nhưng hiện bạn
còn kiên trì với việc đọc Kinh thánh chăng? Để tái lập, duy trì và phát triển
kinh nghiệm ấy, bạn thử tự đặt lại vấn đề học Kinh thánh để mỗi ngày một tiến
xa hơn. Xin giới thiệu những bài viết giản dị và sáng rõ của cha Antôn Nguyễn
Cao Siêu, dòng Tên, trên trang Web của Ủy ban Kinh thánh trực thuộc Hội đồng
Giám mục Việt Nam, tại http://www.kinhthanhvn.net/ . Mỗi tuần có một nội dung học hỏi khởi đi từ
Tin mừng Chúa nhật, với tám câu hỏi và trả lời. Tám cặp hỏi đáp của cha Siêu
giúp bạn tập quen với hai việc: học hỏi Lời Chúa và suy niệm Lời Chúa.
Ta không cứ xây đi đắp lại mãi nền móng ban đầu. Internet
đang tạo điều kiện để mọi tín hữu đã xong chương trình lớp 12 đều có thể trở
thành những người có học, có đức tin và lòng đạo. Vấn đề là biết dành ưu tiên
cho những bận tâm này trong thời gian biểu hằng ngày, hằng tuần và hằng năm của
ta. Tại Hàn Quốc, có những nơi các học sinh tốt nghiệp trung học được khuyến
khích theo một khóa học truyền giáo trước khi vào đại học, tựa như bên
Campuchia nhiều bạn trẻ vào tu sáu tháng ở chùa trước khi lập gia đình. Sau
thời gian ở chùa, các bạn trẻ Campuchia sẽ lập gia đình như những cư sĩ Phật
giáo. Sau năm học về truyền giáo, các bạn trẻ Công giáo người Hàn sẽ quay lại
nhà trường như một nhà truyền giáo sinh viên rồi ra trường như một nhà truyền
giáo kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, kiến trúc sư, vv… Các học viện cao đẳng giáo lý
trực tuyến sẽ không đòi bạn trẻ dành hẳn một năm hay sáu tháng nhưng sẽ xin họ
từng giờ trong cuộc sống, suốt nhiều năm liền. Để có được quyết tâm kiên trì
học hỏi, chúng ta cần tự trang bị nhiều lòng hiếu học và hiếu đạo hơn cả các
bạn trẻ Công giáo Hàn Quốc và Phật tử Tiểu thừa.
Bạn
hãy tập dành quỹ thời gian ấy cho hồn đạo của bạn ngay từ hôm nay.
Mời
bạn xem bài 4: Ở lại trong Đấng yêu thương ta, để thoát khỏi làn sóng tục hóa.
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá
Khánh
Gp Qui Nhơn