LỚN LÊN TRONG LỜI CHÚA

Bài 5: NHỮNG KỶ NIỆM VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG SẼ CÓ

Tiếp nối phần trình bày, tôi xin dành bài này để đi thẳng vào đề tài ngôi trường trực tuyến, còn những nội dung kia sẽ chuyển thành những phụ lục, được lưu trữ trên trang Mục Đồng trực tuyến. Thoạt nhìn có vẻ oái oăm khi chính phần triển khai chủ đề “lớn lên trong Lời Chúa” lại bị đẩy sang bên lề, thế nhưng cũng là một điều hay. Những bạn đọc nào đã tò mò có thể đọc ngay cùng một lúc tất cả các phụ lục để nhận ra rằng với mô hình huấn luyện thực tập về tâm linh, chính dự án Trường Cao đẳng Giáo lý trực tuyến đang mang theo ước mơ góp phần giúp cộng đồng Dân Chúa chặn đứng đà tục hóa để tiến bước trong đức tin và lòng mến. Như thế dưới đây, tôi xin giới thiệu đường link các phụ lục, bạn nào chưa cần, có thể gác lại, khi cần sẽ đọc sau.

NHỮNG ĐÒI HỎI KHÁC THƯỜNG CỦA NGÔI TRƯỜNG DỰ KIẾN

Ở bài 3 tôi đã đề nghị bạn đọc một trang Lời Chúa và thử thực tập các kinh nghiệm 1-4 để dần dần làm quen với sự thinh lặng.

Trước khi xem đến kinh nghiệm thứ năm và những bước tiến lên dần, mời bạn xem các phụ lục được lưu trữ tại https://www.tapsanmucdong.net/2020/05/lon-len-trong-loi-chua-phan-phu-luc-lm.html  

- Phụ lục 1: Hướng sư phạm dậy men.

- Phụ lục 2: Thế nào là suy niệm.

- Phụ lục 3: Thực tập suy niệm.

- Phụ lục 4: Kinh nghiệm soi lòng.

- Phụ lục 5: Phân biệt điều tốt thật và điều tốt giả. Đây là kinh nghiệm then chốt của việc tĩnh tâm theo Thánh I Nhã, được ngài viết thành những quy tắc cho việc soi lòng. Qua nhiều năm giúp tĩnh tâm, chúng tôi nhận ra rằng những quy tắc này cũng giúp những người làm tông đồ và các tín hữu nhiệt thành phân biệt được nơi đời thường của mình đâu là điều tốt Chúa muốn mình làm, đâu là điều tốt chủ quan và lừa dối.

Trường Cao đẳng Giáo lý đang bàn đến là một trường huấn luyện bằng thực tập và các phụ lục được nêu lên ở đây là bản giúp trí nhớ về những phương pháp thực tập. Chúng được giới thiệu sớm nhằm giải đáp một vấn nạn lớn: Làm sao để có nhiều người theo học và, hơn nữa, trung thành đến cùng? Thưa, cần tạo điều kiện để người ta mở lòng ra với ơn Chúa. Có suy nghĩ mục vụ cho rằng cần bảo đảm tối thiểu để vươn tới tối đa, đồng thời cũng có suy nghĩ ngược lại: Có vươn tới tối đa mới mong bảo đảm được tối thiểu. Tôi theo xác tín thứ hai và tôi thấy là không ảo tưởng. Xin nêu một ví dụ: Đầu tháng 8-2019, một tài xế xe ôm Grab nhận lời đưa tôi đến bến xe buýt số 72 để đi Giáo điểm Tin Mừng. Tôi trả lời những câu anh hỏi theo cách của tôi. Chưa tới chợ Bến Thành thì anh tình nguyện giúp tôi đi thẳng tới Giáo điểm để tiếp tục câu chuyện đang trao đổi. Sau đó anh cho biết đã đăng ký học lớp Thần học giáo dân với các sư huynh Lasan tại Mai Thôn. Hôm nay tôi gọi điện thăm, anh cho biết hiện đang học mỗi tuần ba buổi chiều, ba môn.

Mong rằng cứ mười bạn trẻ đọc hết loạt bài sẽ có một bạn vào xem các phụ lục và trong ba bạn xem hết các phụ lục sẽ có một bạn theo học và học đến cùng. Ngoài năm phụ lục mời gọi sự cố gắng, có thêm hai phụ lục hé mở viễn ảnh những Kitô hữu giáo dân được Chúa chọn sống tình mến Chúa yêu người thầm lặng đến mức anh hùng giữa dòng chảy triền miên của xã hội.

Phụ lục 6: Cuộc thanh tẩy trường kỳ.

Phụ lục 7: Phúc âm hóa theo cách của trẻ em.

Những phụ lục trên đây là những dẫn nhập có tính chấm phá và hướng dẫn thực tập về các giai đoạn trong đời sống tâm linh. Chúng sẽ là lời trấn an cho những người có lòng mến Chúa, giúp họ hiểu rằng đỉnh cao không phải là hiểu biết nhưng là lòng mến, và lòng mến ấy khả thi, phảng phất ngay giữa đời thường của người tín hữu giáo dân trẻ. Tôi hình dung ra các phụ lục ấy vừa là tiếng gọi vừa là bộ lọc để cống hiến cho Giáo hội Việt Nam những người có học, có tầm nhìn đức tin sâu sắc và có lòng nhiệt thành với Thiên Chúa và Hội thánh. Có một linh mục dòng đã đồng cảm, chia chung cái nhìn ấy với tôi. Đọc xong loạt bài tôi nhờ xem, anh đã góp ý rằng lẽ ra nên giới thiệu nội dung bốn phụ lục kia trước rồi chỉ sau đó mới đề cập tới trường huấn luyện trực tuyến.

Độc giả có thể đã chờ đợi nơi loạt bài này những trình bày mang tính thuyết phục về lý do, hoàn cảnh, mục đích, phương pháp, nội dung, nhân sự và tài chánh của kế hoạch thực hiện... Những điều ấy, nhiều vị khác rất sở trường có thể đề ra rất nhanh gọn, còn một kẻ làm thơ như tôi sẽ thật lúng túng khi chạm tới. Ngược lại, phần đóng góp của tôi nhấn mạnh về việc huấn luyện hồn tông đồ.

Đề xuất của tôi là các học viên cần cảm nghiệm được Lời Chúa và tình yêu Chúa như động cơ để theo học. Họ cần được huấn luyện không chỉ bằng học mà còn bằng hành, không dựa trên sức riêng nhưng dựa vào ơn Chúa, vượt thắng những cám dỗ làm điều tốt để tiến vào bên trong hơn là tiến lên cao, nhờ đó mà được thanh luyện và biến đổi, để dấn thân vào mọi góc của công trường trong tình thân ái đồng môn.

Dù là trường trực tuyến, vẫn có thể và vẫn phải nhắm huấn luyện tình đồng môn. Đây là điểm hết sức quan trọng để làm việc chung, cộng tác với nhau trong hài hòa và khiêm nhường. Nhưng tại sao lại mừng năm 2033?

VỀ NĂM 1533

Có người sẽ bảo mừng năm 2033 liệu có chính xác không? Họ muốn bảo rằng con số 1533 chỉ nằm tại một ghi chú bên lề của quyển sử triều Nguyễn chứ chưa tìm thấy dấu vết trong sử liệu truyền giáo của Giáo hội![1] Tôi xin nói gọn thế này, dù mai đây một diễn biến khoa học nào đó may mắn cho ta biết việc Chúa Cứu Thế giáng sinh xảy ra chính xác vào ngày nọ tháng kia năm -x, -y hay -z nào đó thì Công nguyên vẫn cứ tiếp tục tính từ 0 giờ ngày 01/01/01. Chúng ta không mừng một con số chính xác nhưng mừng một sự kiện của ân sủng, và sự kiện Tin mừng đến trên quê hương đất Việt hiện nay đang có được một chứng tích quý hơn vàng, được giấy trắng mực đen ghi rõ là Nguyên Hòa nguyên niên, tức là năm 1533. Thưa bạn, chỉ nguyên dòng ghi chú ấy là một ơn quý vô vàn của Chúa, giờ đây không ai làm được, cũng không ai sửa được. Rõ là một ơn rất lớn, nếu Chúa không bảo người nào đó ghi lại như vậy giúp ta thì ngày nay dù chúng ta có nằm mơ cũng chẳng bao giờ thấy. Tôi xin được nói thêm hai điều:

- Có lẽ chúng ta còn thiếu sót nhiều với tiền nhân, chưa ai trong chúng ta lên chương trình nghiên cứu cách có hệ thống để truy tìm xem hồi thế kỷ XVI bên trời Âu (trước hết là Bồ Đào Nha) có những vị nào tên là Inigo đã lên đường đi truyền giáo cho Viễn Đông? Hành trình của các vị có tên gọi ấy đi về những đâu? Với ghi chú trong Khâm Định Việt Sử, trò chơi lớn của các đoàn sinh Thiếu Nhi Thánh Thể đã bắt đầu với một mật thư có sẵn chìa khóa.

- Điều gì sẽ xảy ra nếu ta tổ chức một giải thưởng đích đáng cho các bạn trẻ không phân biệt lương giáo đang đi học hoặc đi làm tại Bồ Đào Nha, kéo dài từ nay tới năm 2032, mời gọi và thách đố họ giúp vào các thư viện bên ấy lục lọi những thông tin ta cần tìm kiếm? Ước chi đây sẽ là một trong những hoạt động khởi đầu của Trường Cao Đẳng trực tuyến. Dù không tìm ra manh mối trước hạn chót nói trên đi nữa, giải thưởng này cũng sẽ gián tiếp giới thiệu được với Trường một số nghiên cứu sinh có tâm huyết. Và đó cũng sẽ là một trong những kỷ niệm về ngôi trường sẽ có.

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG SẼ CÓ

Tôi chưa rõ bao giờ trường huấn luyện trực tuyến này sẽ khai trương nhưng đã thoáng thấy vào mùa Xuân năm 2033 sẽ có hằng loạt thơ, ca, tản văn và truyện ngắn nhiều tác giả ghi lại những gì nó đã đóng góp để dệt nên tâm hồn trí thức Công giáo của họ. Những kỷ niệm ấy đủ giúp vẽ nên vóc dáng một “mái” trường.

Chiêu sinh và ghi danh

Với số lượng hội viên Legio Mariae, các thành viên tại thế hay dòng ba của các dòng, các giáo lý viên, các nhân viên Hội đồng Giáo xứ, các hội viên tu hội đời và cả ứng sinh của những Dòng không có học viện rồi những bạn trẻ rời bỏ giáo xứ đi làm ăn xa vẫn mong có một ngày quay về quê nhà phục vụ,… hằng năm mỗi giáo phận thế nào cũng có vài chục người theo học. Sau mười năm đầu mỗi giáo phận đều đã có được trên trăm người, và có thể cả ngàn người trẻ trí thức và nhiệt tình, tốt nghiệp từ mái trường thân thương chẳng khác nào nếp trường làng bằng tranh tre hay tôn ngói.

Trường và bạn

“Mái” trường ấy vừa ở tận trên không gian ảo vừa có dấu vết trên những nẻo đường đất nước: Một phòng điều hành tại Học viện Công giáo hay một Trung tâm Mục vụ nào đó, những nơi đã tổ chức thi tập trung, hội thảo và trao chứng chỉ tốt nghiệp, là những dịp để anh chị em đồng môn tay bắt mặt mừng.

Trường không có cổng ra vào nhưng vẫn có những người bạn thân tình gọi được là “đồng môn”, qua cùng một cổng. Tôi không nói theo tưởng tượng nhưng đang nói từ kinh nghiệm. Ngày Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn kết thúc mười năm Giải Văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn cho thanh thiếu niên trong Giáo phận, các trại sinh được nhìn lại hình ảnh những cuộc hành hương và trao giải những năm trước tại La Vang, Huế, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Vườn Vông… rồi hình ảnh những tuần tĩnh tâm cho các sinh viên của Câu lạc bộ tại nhà tĩnh tâm Phan Sinh ở Qui Hòa, dòng nữ Xitô Vĩnh Phước ở Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc,.. Sau một tuần tĩnh tâm tại Trung tâm mục vụ Trì Chính, Ninh Bình, các bạn được kính viếng đền cụ Nguyễn Công Trứ, cụm kiến trúc nhà thờ Phát Diệm, hành hương Đức Mẹ Đồng Đinh, thăm đền thờ vua Đinh, vua Lê, bơi thuyền ngắm cảnh Tràng An...

Cũng thế, ở sáu năm của Giải truyện ngắn Viết Văn Đường Trường, mỗi lần trao giải đều kéo dài hai hoặc ba ngày họp mặt để các tác giả từ nhiều miền đất nước có dịp gặp gỡ, chia sẻ, thảo luận và học hỏi, để rồi không những thân quen trên Facebook, mỗi năm tới ngày truyền thống 21-22/9 họ còn hẹn gặp nhau theo từng khu vực[2].

Như đã nói ở bài đầu, “có học” cũng còn được hiểu là có một chuyên môn nào đó hữu ích cho sinh hoạt trong giáo xứ; những học viên cùng ngành chuyên môn cùng cần được tạo dịp gặp gỡ trao đổi trong tình thân ái…

Điều hành và nhân sự

- Có một Ban điều hành và Giảng huấn chung, do HĐGMVN (hoặc cấp thẩm quyền chủ quản trường) ủy nhiệm. Về chính danh và khả năng thực hiện (có đội ngũ huấn luyện, có thể cấp văn bằng, v.v…) thì hiện nay, Học viện Công giáo có lẽ là tốt nhất.

- Phần đời sống tâm linh: Ban Giảng huấn sẽ xin quý Bề trên Thượng cấp giúp tổ chức việc huấn luyện theo các truyền thống linh hạnh. Học viên sẽ được tùy chọn và sẽ tự luyện theo sự hướng dẫn của những người đồng hành được nhìn nhận, và được các vị này chứng nhận.

- Ban Giảng huấn ra đề thi chung. Việc tổ chức thi trắc nghiệm tập trung, tùy có đông hay ít thí sinh, do Giáo phận hoặc Giáo tỉnh đảm nhận.

Nội dung huấn luyện:

- Được chia thành năm, thành tín chỉ?

- Phần đại cương, phần chuyên sâu.

- Phần nâng cao kiến thức về tín lý, bí tích và luân lý, những nội dung đại cương và những nội dung chuyên biệt để mở ra cho học viên những chân trời học hỏi không ngừng. Phần này sẽ thi trắc nghiệm tập trung.

- Phần thực hành mục vụ: có chứng nhận của đơn vị mình tham gia, có thể làm trước hoặc bổ sung sau. Đặc biệt cần huấn luyện và kiểm chứng khả năng làm việc chung.

Hiện nay, một số trang nhà đã có những chương trình có thể xem là sáng kiến đi đầu cho một trường đào tạo chung, chẳng hạn loạt bài “Tiếng Việt online”, “Văn hóa giao tiếp” của trang Truyền thông Giáo phận Phú Cường[3].

Ngày càng có thêm nhiều Giáo phận và Dòng sản xuất clip về Kinh thánh, giáo lý và các đề tài cần thiết, cộng thêm những chương trình do chính Ban Giảng huấn chủ động thực hiện, phần nội dung sẽ dễ giải quyết.

Huấn luyện tâm linh:

Tuy nhiên, ấy chỉ mới là trang bị phần kiến thức (hiểu biết về đức tin), việc trang bị đời sống tâm linh và nhiệt tình tông đồ còn khó và quan trọng hơn nữa.

Thách đố lớn nhất hiện nay là làn sóng tục hóa, chủ nghĩa hưởng thụ, chạy đua làm sao kiếm thật nhiều tiền và của cải vật chất để thỏa mãn đủ thứ đòi hỏi… Đây không là thách đố riêng cho giáo dân hay giới trẻ mà còn cho cả nhiều linh mục, tu sĩ trẻ… Cần tạo nên được thế liên hoàn và tương tác trong việc huấn luyện đời sống tâm linh, để những người cùng chung nẻo thánh sẽ hỗ trợ, giúp nhau bồi đắp tâm hồn thanh thản và lòng yêu mến con đường Chúa đã chọn:

Một người già ngồi câu

Một người giàu ngồi ca:

Kìa con đường Chúa qua

Thật con đường quá chua!

Ai theo cúng đến chùa

Tôi theo Chúa đến cùng!

Khóa bản chung cho mọi học viên về nội dung này là Tông huấn Vui Mừng Hoan Hỉ (Tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay).

Những nẻo đường nên thánh thì đa dạng, mỗi người được Chúa mời gọi một cách thế khác nhau qua các linh hạnh khác nhau, tuy giống nhau trên nền tảng linh đạo cơ bản. Do đó, cần phải cậy nhờ các dòng tu, vì dòng nào cũng có những kinh nghiệm độc đáo về hoán cải và tiến bước trên đường trọn lành. Học viên sẽ chọn lối thiêng mình thích và được học về một số vị thánh nổi bật trên lối thiêng này để rèn luyện lòng khao khát nên thánh và hồn tông đồ.

Trước khi đọc bài 6: Lửa thử vàng, gian nan thử đức tin, mời xem Phụ lục 6: Cuộc thanh tẩy trường kỳ - tại https://www.tapsanmucdong.net/2020/05/lon-len-trong-loi-chua-phan-phu-luc-lm.html  

 

 

 


 



[1] Khâm Ðịnh Sử Việt Thông Giám Cương Mục, quyển XXXIII, tờ 6a và 6b, ghi nhận sự kiện: "Năm Nguyên Hoà nguyên niên (1533), tháng ba, đời vua Lê trang Tôn, có người Tây Dương tên I-nê-khu lén vào xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thuỷ, âm thầm truyền bá Da Tô tả đạo” - tại một ghi chú bên lề, gần giống như ghi chú cuối trang bạn đang đọc đây. 

[2] Mời xem: https://www.tapsanmucdong.net/2020/05/luu-but-giai-viet-van-uong-truong-2019.html

[3] Mời xem tại https://giaophanphucuong.org/tieng-viet-online.html

 


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo