LỚN LÊN TRONG LỜI CHÚA

(Chuyện Trường Cao đẳng Giáo lý Trực tuyến)

PHẦN PHỤ LỤC

Phụ lục 1

HƯỚNG SƯ PHẠM DẬY MEN

Loạt bài Lớn lên trong Lời Chúa khi gửi đến một số giám mục, linh mục và giáo dân xin ý kiến, gồm chín bài như chín chương, với ba bài thực tập xen giữa sáu bài khác mà không được báo trước, khiến người đọc ngạc nhiên. Bố cục hỗn độn, vì ba bài thực tập còn kèm theo ba phụ lục, tạo nên cảm giác rất khó chịu cho độc giả. Lắng nghe các phản hồi, chúng tôi quyết định chuyển tất cả phần phức tạp này thành những phụ lục, trừ một phụ lục được nâng thành bài thứ tư hiện nay, trong đó nhắc tới nội dung từng phụ lục và chỗ đứng của chúng.

KHÔNG PHẢI TRƯỜNG TỪ CHƯƠNG CŨNG KHÔNG NHẮM THỰC NGHIỆM

Sáng Thứ Bảy trước Chúa nhật về ơn gọi, tôi vừa sắp xếp xong các phụ lục thì được cha Tổng đại diện rủ đi thăm một trường Đại học cùng với một cha khác nữa. Hai vị hiệu trưởng và hiệu phó đích thân đưa chúng tôi đi thăm cơ sở thực nghiệm thủy canh của trường. Khi quay lại văn phòng hiệu trưởng uống trà nói chuyện, tôi được biết trường dự định phát huy tới gần ba mươi ngành, trong đó chỉ một khoa duy nhất có liên quan chút xíu tới văn chương là khoa tiếng Anh, còn tất cả những khoa khác đều dạy khoa học tự nhiên, ngay cả môn tiếng Anh cũng dạy theo thực nghiệm để sinh viên khi ra trường có thể kiếm việc làm ngay. Ngược hẳn 1800 so với việc đào tạo từ chương của nhà Nguyễn thời ông Nguyễn Trường Tộ đề nghị cải cách.

Buổi đi thăm bất ngờ đã giúp tôi tìm ra cách diễn tả chính xác cho mô hình trường huấn luyện trực tuyến đang đề nghị. Điểm chính yếu của chương trình huấn luyện là tính thực tập, vâng, không phải thực nghiệm nhưng là thực tập. Mô hình không mang tính thực nghiệm, tức là không đào tạo nhân viên đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể (như viên chức Hội đồng giáo xứ, giáo lý viên, phụ trách các đoàn thể) nhưng nó mang tính thực tập nhằm đào luyện những tâm hồn tông đồ. Chữ thực tập ở đây diễn nghĩa chữ “thao” trong từ “linh thao” của Thánh I Nhã, có nghĩa là (những bài tập) “thao luyện về đời sống tâm linh” hoặc “thao luyện dưới ơn Chúa Thánh Linh”.

Hiểu như thế, loạt phụ lục này chính là những mẩu minh họa vừa diễn giải giúp hiểu phần thực tập sẽ chiếm tầm quan trọng lớn trong mô hình, đồng thời cũng gợi hứng để người đọc tập thử, cho thấy việc thực tập này là có thể được, không quá khó.

NHƯNG LÀ TRƯỜNG THỰC TẬP

Giữa thế kỷ XIX, ông Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) đem hết tâm huyết ra viết các bản điều trần nhưng người ta không tin hoặc tin mà không dám làm thử. Đang khi đó, tại Nhật, ông Fukuzawa Yukichi (1834-1901) [1] không viết điều trần nhưng viết sách, viết báo và mở lớp truyền đạt cái nhìn và tâm huyết của ông cho người đương thời. Kết qua, ông đã khiến cả nước Nhật nghe theo và có được cuộc cải cách vượt bậc.

Loạt bài của tôi nhằm ngỏ lời với những Fukuzawa trẻ trung và đầy năng lực trong Giáo hội Việt Nam, và để công việc đạt được những ơn Chúa đang dọn sẵn, xin được nói thêm rằng mô hình trường trực tuyến này không phải là trường sư phạm thực hành (học cách dạy cho người khác) nhưng là trường sư phạm thực tập, đúng hơn nữa, là trạm gây men, nhân giống cây trồng, thể nghiệm nơi chính mình rồi làm lây lan cho người khác, và cứ thế…

Ở đây thực tập là chính. Tại các chủng viện, giảng viên môn tu đức học dạy cho chủng sinh biết lịch sử, những phương hướng và đặc trưng của các linh hạnh khác nhau trong Giáo hội, chẳng khác nào giảng về các trường phái bơi lội. Người chú ý nghe có thể lặp lại rất hay nhiều chuyện về bơi lội dù bản thân chưa hề bơi thử bao giờ. Để tránh tình trạng ấy, ở phần huấn luyện về đời sống tâm linh nói đây, tôi đề nghị Ban Giảng huấn nhường chỗ cho những nhà đào tạo của các Dòng. Người tu sĩ Dòng Tên biết cách giúp người khác suy niệm tròn sáu mươi phút, đang khi đó, người đi theo đường chân phước Charles de Foucauld biết rằng, dù chỉ rảnh được 5 phút vẫn có thể tập trung trí lòng để suy niệm. Trong tuần linh thao I Nhã, người tĩnh tâm thinh lặng từ phút mở đầu cho tới phút kết thúc, còn trong tuần tĩnh tâm của Dòng Don Bosco, các tu sĩ vẫn chơi bóng reo hò ầm ĩ rồi vào nhà cơm vẫn nói chuyện đùa giỡn như thường. Trong linh thao I Nhã, người ta suy niệm về tội và cử hành bí tích sám hối xong rồi mới tập trung chiêm ngắm Đức Kitô và bước theo Ngài; còn trong cuộc tĩnh tâm của Dòng Cát Minh và nhiều Dòng khác, việc xưng tội lại đặt ở cuối chương trình… Không phải mãi đến nay, từ những năm cuối thế kỷ XX, trong nội san gia đình Phan Sinh, các tu sĩ đã được nhắc nhở tiết kiệm từng giọt nước và khi gom rác phải chú ý xem đó là rác có thể phân hủy hoặc không, nhờ đó họ có những kinh nghiệm thiêng liêng về môi sinh rất hồn nhiên mà người khác không có…

Hiện nay mỗi Dòng đều có trang mạng của mình, ngoài phần thông tin còn có những chương trình học hỏi. Ước gì phần thực tập về nẻo thánh riêng của từng Dòng ngày càng được tăng cường và biên soạn thật dễ hiểu, để khi trường trực tuyến hình thành, mảng thực tập theo từng Dòng đã có sẵn…

Khi những linh hạnh phong phú ấy cùng chen nhau đua nở trong lòng Giáo hội, phô bày trước mặt mọi người một sự hiệp nhất trong đa dạng, thì đó sẽ là một hình mẫu giúp các học viên biết đón nhận và tôn trọng sự khác biệt của mọi người.

THỰC TẬP TỪ MÁI TRƯỜNG GIA ĐÌNH

Các học viên cũng có thể chia sẻ đóng góp với nhau về những kinh nghiệm thực tập mình đã học được ở gia đình, từ việc ghi dấu thánh giá trước bữa ăn, cầu nguyện dâng ngày khi vừa thức dậy, đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi đầu giờ học, nguyện tắt, cầu nguyện dâng mình trước khi ngủ, mỗi lần có việc tới khuôn viên nhà thờ là vào viếng Chúa ngay, những thói quen được tổng hợp nơi bài ca tâm niệm của thiếu nhi Công giáo:

Là thiếu nhi Công giáo,

Làm con Chúa, phúc thay.

Mỗi sáng em dâng ngày

Trong tâm tình cảm tạ.

Nguyện yêu người mến Chúa,

Sống xứng là con Cha.

Luôn ăn mặc nết na

Biết kính nhường, lễ phép.

Hướng mắt nhìn cao đẹp,

Xem phim tốt, sách hay.

Phục vụ cứ liền tay,

Giữ tâm hồn trong trắng.

Sống thật thà ngay thẳng,

Thân ái với mọi người… [2]

Có một thói quen mới, được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, mà trước khi tập cho các bạn trẻ, mỗi chúng ta cần tập cho chính mình: Luôn có quyển Tân ước nhỏ trong túi áo hoặc túi xách. Ta cũng có thể chép các sách Tân ước vào điện thoại cảm ứng nhưng quyển sách bằng giấy vẫn luôn giàu tác dụng gợi hứng hơn.

Với tinh thần Công giáo, học viên mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người, mở rộng tâm trí đón nhận những giá trị tốt lành cao đẹp từ mọi phía, không những thuộc những luồng linh hạnh Kitô giáo khác nhau mà cả đến những kinh nghiệm tâm linh thuộc các tôn giáo khác, miễn là không ngược với đức tin Công giáo. Chẳng hạn những thói quen và những suy niệm khởi đầu của các bạn trẻ mới vào chùa tập tu trong quyển “Tì ni nhật dụng thiết yếu”, có những chỉ dẫn cụ thể như sau:

1. THỨC DẬY BUỔI KHUYA

Sớm khuya ngủ vừa tỉnh giấc

Cầu cho tất cả chúng sanh

Có được tầm nhìn tuệ giác

Thấu soi khắp cả mười phương.

4. MẶC ÁO

Khi khoác y vào cơ thể

Cầu cho tất cả chúng sanh

Đạt được căn lành, cội đức

Bờ kia đến được thật nhanh.

8. VÀO NHÀ VỆ SINH

Khi đưa phẩn uế ra ngoài

Cầu cho tất cả mọi loài

Bỏ tham, si mê, giận tức

Dứt sạch tội lỗi nhiều đời.

9. RỬA SẠCH      

Vệ sinh xong rồi dùng nước

Cầu cho tất cả chúng sinh

Thực tập pháp môn siêu xuất

Cõi lành đến được thật nhanh.[3]

CON ĐƯỜNG DẬY MEN

Trong việc đào luyện hồn tông đồ, có một điều cần kíp bậc nhất và cũng khó nhất là khả năng làm việc chung. Dù mỗi học viên ở một góc trời, Ban Giảng huấn sẽ nghiên cứu làm sao để gợi ý cho học viên thích thú thực tập làm việc chung. Chẳng hạn kinh nghiệm hàng đội tự trị của Hướng Đạo, kinh nghiệm Workshop, những thói quen hợp tác, chương trình Docat, cách riêng là mời gọi học viên tự nêu sáng kiến…

Như thế, hướng huấn luyện cần có của trường Cao đẳng Giáo lý là luyện cho học viên trở thành men làm chất xúc tác Tin mừng cho môi trường mình phục vụ. Những “mùa men Phục sinh” của các bạn trẻ Thanh Hóa là một thể hiện đại trà của ý tưởng ấy. Cụ thể hơn còn có những lớp vừa dạy nghề vừa đào tạo tông đồ bạn trẻ. Mỗi bạn trẻ vừa được học một nghề đến nơi đến chốn để mưu sinh, vừa được đào sâu giáo lý, vừa qua một khóa học cầu nguyện rồi thực tập cầu nguyện hằng ngày. Khi về lại giáo xứ, bạn trẻ trở nên vừa đầy tự tin trong nghiệp vụ vừa sống đạo rất tốt vừa biết cách giúp người khác về cả ba mặt: nghề nghiệp, giáo lý và đời sống cầu nguyện…

 

 



[1] https://sachkhuyenhoc.blogspot.com/p/fukuzawa-yukichi-vai-net-ve-than-va-su.html

[2] Xem trọn bài trong Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo, Nxb Hồng Đức, 2018, trang 204-206.

[3] Xem trọn bài trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu - Thực tập luật nghi hằng ngày (cho người mới tu), tại http://www.daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/luat/12101-Ty-Ni-Nhat-Dung-Thiet-Yeu-Thuc-tap-luat-nghi-hang-ngay-cho-nguoi-moi-tu-.html


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo