Phụ lục 2
SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

Kinh nghiệm thứ năm là suy niệm Lời Chúa.

Từ câu hỏi được đề ra ở bài đầu về người trí thức Công giáo, để tránh cho nhau những ảo tưởng chủ quan (có thể nói là não trạng Ngộ đạo), ta đã đi từ khái niệm “có học” sang “học thêm” tại những chương trình trực tuyến (bài 2) tới khái niệm “tầm đạo”, tiếp cận với Lời Chúa theo những kinh nghiệm của các truyền thống Công giáo (bài 3). Nói tới các truyền thống Công giáo, tức là nói tới những nét đặc thù và phong phú riêng của Giáo hội Công giáo.

Nơi biến chuyển của Giáo hội thế kỷ XVI, cả phía Tin Lành và phía Công giáo đều lấy Kinh thánh làm nền tảng cho việc canh tân đời sống tâm linh, tuy nhiên một bên theo hướng phân tích (mổ xẻ, tìm hiểu), một bên theo hướng tổng hợp (suy niệm và cảm nhận). Cách chú trọng phân tích bản văn của người Tin Lành dần dần phát triển thành một khoa học sâu sắc. Về phía Công giáo, tới đầu thế kỷ XX, được Đức Thánh Giáo hoàng Piô X cổ võ, khoa chú giải Công giáo cũng đã tiến rất nhanh. Việc nghiên cứu của cả Tin Lành và Công giáo ngày càng đạt được những gặp gỡ lý thú, đầy khích lệ.

Phân tích bản văn Kinh thánh để hiểu Lời Chúa là điều tốt nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu ta biết dùng sự hiểu biết ấy để gặp Chúa. Ở một trường Cao đẳng Giáo lý, ta cần chọn hướng tổng hợp. Học hỏi theo kiểu phân tích càng lúc càng mênh mông vô tận và có nguy cơ lạc vào những tiểu tiết không cần thiết, đang khi đó sự tập trung vào Chúa Kitô qua suy niệm và chiêm ngắm sẽ có tác dụng hội tụ, giúp ta gặp Chúa sâu xa tận cõi lòng.

SUY NIỆM LỜI CHÚA ĐỂ GẶP CHÚA

Việc đề cao Kinh thánh theo hướng tổng hợp nổi bật nơi việc suy niệm Lời Chúa tập trung vào Đức Kitô, tiêu biểu là chương trình cầu nguyện trong sách Linh Thao của Thánh I Nhã và các chỉ dẫn về tâm nguyện trong các tác phẩm của Thánh nữ Têrêxa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá. Việc suy niệm theo Linh Thao giúp ta nhìn thẳng vào ý định của Thiên Chúa trên lịch sử nhân loại, trên đời mỗi người và nơi mỗi ngày ta đang sống (kinh nghiệm 6 và 7). Việc tâm nguyện theo các Thánh dòng Cát Minh giúp khám phá hành động của Thiên Chúa trên tâm hồn và trên cuộc đời mỗi người chúng ta (kinh nghiệm 8 và 9). Bạn đừng sợ loạt bài này sẽ biến bạn thành tu sĩ. Nhiều lắm, nó sẽ giúp bạn chạy đua với các “cư sĩ Phật giáo”, tức là những “người có học tầm đạo” trong hàng ngũ anh chị em Phật tử quanh ta, những người “tu tại gia”, bên Công giáo chúng ta gọi là những thành viên “tại thế” hay “dòng ba” của các Hội Dòng. Bạn yên tâm, bạn vẫn ở trong số những người anh em bé nhỏ của Chúa, dù “có học” tới đâu vẫn luôn miệt mài khiêm tốn “tầm đạo”. Các tu sĩ tầm đạo theo cách của họ, còn các hạt men giữa đời, tham gia vào việc xây dựng trần thế, hài hòa với thiên nhiên và vũ trụ trong cõi lòng hân hoan vì có Chúa ở cùng. Đó là đỉnh cao của đời sống tâm linh chờ ta cuối cuộc hành trình, theo tinh thần chiêm niệm của vị Thánh an bần lạc đạo, Thánh Phanxicô Nghèo ở Assisi (kinh nghiệm 10).

Sau công đồng Vaticanô II, trong Hội thánh Công giáo, không những ta thấy việc nghiên cứu Kinh thánh được đề cao, mà còn thấy cả hai hướng phân tích và tổng hợp đồng quy kỳ diệu nơi việc trình bày giáo lý theo lịch sử cứu rỗi, việc phân bố toàn bộ nội dung Kinh thánh trong phụng vụ theo các chu kỳ bài đọc thánh lễ Chúa nhật và ngày thường.

Cụ thể, trước khi đọc tiếp xin mời bạn theo dõi một trong những YouTube “Gợi ý tĩnh tâm Tuần Thánh: Đi vào cuộc Thương khó với Chúa” mới đây của cha Giuse Cao Gia An, Dòng Tên, tại Vaticannews.[1]

TỪ MỖI TUẦN ĐẾN MỖI NGÀY

Có gặp Chúa trong thinh lặng suy niệm, ta mới dễ gặp Chúa giữa cuộc sống. Bạn trẻ cần phải đích thân khám phá Chúa Giêsu và ngây ngất trước tình yêu Ngài mới có thể trở thành nhà truyền giáo sinh viên và vào đời như nhà truyền giáo kỹ sư, bác sĩ,…

Thường thì khi một người trưởng thành đến học giáo lý Đạo Chúa, tôi mời gọi họ bắt đầu xây dựng ngay quỹ thời gian cho hồn đạo. “Từ hôm nay, sau bữa tối, bạn nhớ dành chút thời giờ lắng nghe tiếng Chúa trong cõi lòng. Bắt đầu mỗi ngày năm phút, về sau thấy thích ngần nào, bạn sẽ tăng dần lên ngần ấy: mười phút, hai mươi phút, nửa giờ hoặc hơn nữa tùy ý”. Thường thì tôi không phải thất vọng. Đã có những người đến với khẳng định chắc nịch: “Tôi chỉ chiều theo ý gia đình bạn gái tôi để học cho biết chứ không có ý định theo đạo đâu ạ!”, thế nhưng sau một thời gian họ đã hăm hở chia sẻ Tin mừng với bạn bè. Khoảng lặng gặp Chúa đổi hẳn một tâm hồn vô tín khiến hồn đạo trong họ nẩy sinh. Cái lặng vì cách ly hiện nay, thoạt đầu hơi bất đắc dĩ nhưng rồi khi ta đón nhận với lòng biết ơn Thiên Chúa, những hạt giống Lời Chúa từng bị nhiều thứ “ưu tiên” trong cuộc sống đè bẹp lại có cơ hội lách len, thoát khỏi gai góc và vươn lên, nẩy nở hằng mấy chục, một trăm.

Bài học của cha Nguyễn Cao Siêu, SJ, tại http://www.kinhthanhvn.net/ mỗi tuần mới có một lần. Nếu trong bước đầu bạn cần thêm những gợi ý để suy niệm hằng ngày, bạn có thể tìm ở nhiều trang Web các Giáo phận. Cụ thể như ở trang Hội đồng Giám mục Việt Nam hoặc trang Giáo phận Long Xuyên, bạn có thể vào:

https://www.hdgmvietnam.com/  Góc Suy Niệm, mục Lời Chúa Hằng Ngày.

http://gplongxuyen.org/ Góc Lời Chúa Mỗi Ngày. 

Tuy nhiên, những gợi ý ấy chỉ cần cho bạn ở thời gian đầu. Khi đã quen với những bước thực hành, bạn sẽ đọc một đoạn Lời Chúa trong sách Kinh thánh và tự dọn bài suy niệm.

BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY

Giữa việc cầu nguyện bằng kinh và nguyện ngắm có một gạch nối rất đẹp là việc lần chuỗi đọc chậm, cụ thể như chuỗi Mân côi hay chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót. Bạn vẫn thường đọc các chuỗi này, có khi là hằng ngày theo nhịp chung chung của cộng đoàn. Giờ đây (các) bạn hãy đọc thật chậm, nhỏ tiếng và có nhiều khoảng lặng. Đang khi miệng đọc, bạn nâng tâm trí lên tưởng niệm sự kiện của ơn cứu rỗi được nhắc đến, hoặc suy niệm theo ý từng câu kinh. Bạn sẽ thấy trí lòng mình được chìm đắm trong rung cảm, và bạn sẽ hiểu tại sao việc lần chuỗi vẫn được gọi là một việc chiêm ngắm. Cũng từ đó, bạn sẽ dễ tiến vào cầu nguyện trong thinh lặng.

Với các dự tòng, tôi đã đề nghị bắt đầu năm phút mỗi ngày, về sau sẽ tăng dần lên. Giờ đây tôi xin được đề nghị cùng một điều ấy với những người có học. Những người Công giáo có học hiện nay trên đất nước mình không thiếu, nhưng để thành trí thức Công giáo, họ còn phải đánh thức cái hồn đạo nơi mình bằng những cảm nghiệm sâu xa qua việc suy niệm Lời Chúa.

Nếu đã quen cầu nguyện thinh lặng mỗi ngày mười phút, hai mươi phút hoặc hơn nữa, bạn hãy cứ duy trì như thế để rồi sẽ tiến dần. Còn nếu chưa có thói quen cầu nguyện thinh lặng, ngay hôm nay bạn có thể bắt đầu thử năm phút, vào lúc bạn muốn, ở nơi bạn muốn và theo cách bạn nghĩ là tốt nhất.

Bạn xin ơn Chúa Thánh Thần, thờ lạy Chúa đang hiện diện, đọc lại những câu quan trọng của bài Tin mừng rồi suy niệm theo một trong hai cách ở phụ lục 3 dưới đây.

 

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn



[1] Mời xem https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-04/goi-y-cau-nguyen-voi-cuoc-thuong-kho-cua-cgs.html

 


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo