Những ai muốn nguyện ngắm theo Linh Thao của các cha Dòng Tên,
có thể tìm trên mạng, ví dụ: https://www.facebook.com/pg/linhthaotrongcuocsong/posts/
hoặc: http://linhthao.net/luutru/424,
Bạn cũng có thể tự khám phá ba bước nguyện ngắm của các cha
thuộc tu hội Xuân Bích qua ba cụm từ: Chúa trước mặt, Chúa trong lòng, Chúa
trên tay.
Hoặc phương pháp của thánh Phanxicô Salêsiô, có thể xem tại
https://www.vanthoconggiao.net/2020/04/mot-phuong-phap-suy-niem-ngan-gon-va-don-gian.html
Trong phụ lục này, chúng tôi xin mời bạn tiếp cận với một kinh
nghiệm của dòng Cát Minh.
Tuy nhiên, dù bạn cầu nguyện theo cách nào, khi có điều kiện
(chẳng hạn trong những ngày cách ly yên tĩnh này), sau giờ cầu nguyện bạn nên
có phút nhìn lại việc cầu nguyện. Đây là kinh nghiệm đơn giản sẽ giúp bạn tiến
dần theo các kinh nghiệm 6, 7, 8, 9 và 10. Kinh nghiệm nhìn lại việc cầu nguyện
được giới thiệu nơi những dòng cuối của phụ lục này.
CÁC BƯỚC TÂM NGUYỆN THEO
THÁNH NỮ TÊRÊXA AVILA
Thánh Têrêxa đã không viết một lược đồ thực tập cho giờ tâm
nguyện, tức là giờ cầu nguyện lắng đọng chủ động, nhưng trong giáo huấn của
ngài chúng ta có thể tìm được đủ những yếu tố cho một lược đồ như thế. Tuy
nhiên trước khi nói tới một lược đồ nguyện ngắm, ta cần nói tới một hướng sống
hằng ngày với những bước thực hành.
1. Hướng sống hằng ngày: sống hiện diện trước Thiên Chúa
Giữa cuộc sống hằng ngày, ta cần giữ cho lòng được lắng đọng,
chú tâm làm tròn bổn phận với tình yêu mến như thể thấy Chúa đang nhìn mình.
Điều này rất quan trọng, vì ai không biết chú tâm chu toàn các bổn phận khác trong
ngày thì cũng không thể tập trung chú ý vào bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. Hai
đàng bổ sung cho nhau: Sự chú tâm chu toàn ý Chúa qua việc bổn phận, không chạy
theo những chuyện không cần thiết, sẽ giúp cho lòng được bình an dễ gặp Chúa và
việc sống thân mật với Chúa sẽ đem lại ánh sáng và sức mạnh giúp làm tròn bổn
phận. Giữa cuộc sống thường ngày, ta cần giữ vững ba điều quan trọng: “Thứ nhất
là yêu thương nhau, thứ hai là buông bỏ, tức là thoát khỏi mọi dính líu với thụ
tạo và thứ ba là khiêm nhường thực tình; điều thứ ba này tuy đặt ở cuối nhưng
lại là chính yếu và bao gồm tất cả” (Đht 4,4). Trong cả ba điều này, ta phải
thật kiên quyết (Đht 21,2).
Thánh nữ Têrêxa liên tục nhấn mạnh sự khiêm nhường. Với đức
khiêm nhường, ta chuyên tâm chu toàn phận sự của mình, không âu lo về việc
người khác. Cần xin ơn Chúa Thánh Thần và vận dụng phương pháp xem-xét-làm để
chu toàn bổn phận thật tốt. Khiêm nhường cũng còn là nhớ mình là không trước
mặt Thiên Chúa, yêu thích bị bỏ quên và vui lòng chịu sỉ nhục.
Buông bỏ là không màng thụ tạo, làm chủ giác quan từ trong những
điều nhỏ, sống nghèo khó, khước từ ý riêng (Đht 12,3) và vâng lời. Ma quỷ
thường núp dưới những chiêu bài tốt lành để dẫn dụ ta mở cánh cửa ý riêng, chạy
theo những điều tốt ảo. Ta cần biết buông bỏ những điều tốt không cần thiết để
đóng chặt cửa phía đối phương, và quảng đại chăm lo việc bổn phận để mở rộng
cửa về phía Thiên Chúa.
Yêu thương là nghĩ tốt cho người khác và mau mắn phục vụ. Nói
chung là vui vẻ làm tròn bổn phận hằng ngày với lòng tin, cậy và yêu mến. Những
thái độ ấy sẽ giúp ta giữ được sự thinh lặng nội tâm sâu xa để hiệp nhất với
Thiên Chúa (Đời 8,9).
2. Chuẩn bị xa
Nhịp cầu giữa đời sống hoạt động và tâm nguyện là khẩu nguyện,
tức là nguyện Các Giờ Kinh Phụng Vụ hoặc các kinh khác. Mỗi khi bắt đầu đọc
kinh, ta cần nhớ mình đang đến với Thiên Chúa và đang đối thoại với Ngài.
Đọc Lời Chúa và các sách về đời sống tâm linh là cách chuẩn bị
rất hữu hiệu, giúp ta dễ đi vào tâm nguyện. Ta nên đọc theo cách gọi là “gậm
nhấm thiên thư”, tức là đọc chậm, vừa đọc vừa suy và vừa thưa chuyện với Thiên
Chúa. Không riêng các đan sĩ, mọi Kitô hữu đều nên có giờ đọc sách hằng ngày,
nhất là những người mới bước vào đời sống cầu nguyện. Những khi gặp khô khan
lâu ngày thì lúc nguyện ngắm ta cũng nên dùng sách để nâng đỡ sự yếu kém của
mình (Đời 4,8-9; Đht 26,9-10).
Việc gậm nhấm thiên thư sẽ giúp lòng ta thường xuyên nghĩ về
Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô. Ta cũng nên dựa vào mùa phụng vụ và cả dựa trên
tâm tình cá nhân để hướng lòng đến những cảnh phù hợp trong cuộc đời Chúa và
dùng những cảnh ấy để tập trung khi tiến vào tâm nguyện (Đht 26,4-5; Đời
13,12-14).
3. Bắt đầu giờ nguyện ngắm
Mở đầu giờ nguyện ngắm, ta ý thức Thiên Chúa đang hiện diện
trong lâu đài tâm hồn ta (Đht 28,9-10; 29,4) và trút bỏ hết mọi sự để đạt được
sự lắng đọng (Đht 26,1). Cụ thể là nên khẳng định lại ba điều quan trọng đã nói
trên đây:
- Yêu thương: Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, ta muốn điều
tốt cho mọi người, cầu nguyện cho mọi người, cả người thân và kẻ thù. Ta hiểu
tốt và nghĩ tốt cho tất cả mọi người, cách riêng là những người đang sống chung
một mái nhà và những người đang làm việc chung với ta. Ăn năn thống hối, nếu đã
có điều gì lỗi bác ái. Ta giữ tâm tình khiêm nhường đối với tất cả mọi người và
giục lòng mến Chúa. Đây là bước chủ động đầu tiên. Khi lòng thực sự an hoà với
mọi người, ta dễ đạt được sự lắng đọng.
- Khiêm nhường trước mặt Chúa: Ta giữ lòng
khao khát hiệp nhất với Thiên Chúa, thế nhưng trước mặt Thiên Chúa, ta chỉ hoàn
toàn là không, hoàn toàn bất xứng và bất lực trên đường đến với Ngài. Do đó, ta
xin Chúa Thánh Thần lấp đầy sự bất xứng và bất lực của ta, xin Ngài soi sáng
cho biết cách cầu nguyện. Đây là thái độ đức tin.
- Buông bỏ: Mục tiêu giờ tâm
nguyện là hiệp nhất với Thiên Chúa. Do đó ta nên chọn tập trung vào đề tài nào
dễ giúp kết hiệp với Chúa hơn, ví dụ một cảnh trong mầu nhiệm thương khó. Khi
ta bắt đầu tập trung vào đề tài, thường những nỗi âu lo và những bận tâm về công
việc sẽ kéo đến trong tâm trí ta. Ta gạt bỏ hết và phó thác tất cả cho Thiên
Chúa. Đây là thái độ đức trông cậy. Tiếp đó, có thể lại bị chia trí, nhưng ta
sẽ kiên quyết gạt bỏ mọi sự để thiết lập sự lắng đọng, tức sự thinh lặng nội
tâm cho bằng được. Thường thì sau những cố gắng ban đầu, ta sẽ được Thiên Chúa
ban ơn để giữ cho lòng được lắng đọng.
4. Đối thoại
“Tâm nguyện không gì khác hơn là một cuộc
trao đổi thân tình và là cuộc đàm đạo thường xuyên một mình mình với Đấng mà ta
biết là rất yêu thương ta” (Đời 8,5). Sau khi hồi tâm lắng đọng, ta tập trung
vào nội dung đã chọn và hình ảnh thích
hợp về Chúa Giêsu như nói ở số 2 trên đây và đối thoại với Chúa “như một người
cha, một người anh, một người chủ hay một người bạn lòng” (Đht 28,3), bằng
những lời tự đáy lòng (Đht 26,6.9; 22,1.3). Theo gương thánh nữ Têrêxa Avila, ta nên thưa
với Chúa:
- về điều Chúa muốn nói với
ta qua đề tài
- về vẻ đẹp của Chúa, về tình Chúa yêu
thương ta
- về nỗi khốn cùng của bản thân ta và của mọi người
- về ý Chúa muốn cho những
người được cứu rỗi và nỗi khắc khoải của ta trước ơn cứu rỗi của mọi người.
(Những nỗi khốn cùng của bản thân ta và của mọi người, những
gánh nặng của cuộc đời, những điều rất thường trực trong đời sống giáo dân,
không riêng những công việc mà cả những gánh nặng khác như sức khỏe của người
thân, chuyện buồn vui của con cái… có thể chi phối ta, khiến ta chia trí. Nếu
cần, hãy dành một phút nghĩ tới chúng rồi phó thác cho Chúa, và buông bỏ hết để
mặc Chúa lo, ngay cả bản thân cũng để tùy Chúa yêu thương, chăm sóc và định
đoạt. Hãy để Chúa biến ta thành Abraham trong những điều nhỏ).
5. Chú tâm trìu mến
Tiếp đó, những lời đối thoại sẽ thưa dần, nhường chỗ cho một cái
nhìn chú tâm trìu mến (Đht 24,6; 26,3; 31,5.7). “Giờ đây tôi không xin chị em
phải luôn nghĩ đến Người, cũng không xin chị em suy tư nhiều, cũng không đòi
chị em phải có tư tưởng cao siêu tế nhị, tôi chỉ xin chị em có một điều: Nhìn
ngắm Người, vậy ai cấm chị em hướng mắt nhìn Chúa, mặc dầu chỉ trong giây lát,
nếu chị em không nhìn lâu hơn được? Chị em nhìn những cái xấu xa được, mà không
thể nhìn đối tượng cực đẹp được sao?” (Đht 26,3).
“Hãy hướng nhìn lên Đấng chịu đóng đinh,
rồi các chị sẽ thấy không còn gì khác là quan trọng cả” (7M 4,8)
Cái nhìn ấy là cái nhìn của ba nhân đức hướng thần: tin, cậy,
mến. “Điều quan trọng là đừng suy luận nhiều nhưng là yêu mến nhiều” (4M 1,7).
6. Kết thúc
Ta cần kiên trì cho đến cùng. “Chút ít thời giờ chúng ta đã muốn
dâng hiến Chúa thì hãy dâng hiến với một tinh thần tự do, thoát ly khỏi mọi sự,
và với một ý chí quyết tâm sẽ không bao giờ đòi lại nữa cho dầu có gặp nhiều
khổ cực, hoặc chống đối hoặc khô khan” (Đht 23,2). “Đừng ngừng lại giữa đường,
hãy chiến đấu đến chết để đạt được mục tiêu, vì chị em vào đây không ngoài mục
đích là để chiến đấu, luôn luôn tiến đức với sự quyết tâm thà chết hơn là bỏ dở
không đạt tới đích (Đht 20,2)”.
“Lúc khởi đầu và kết thúc cầu nguyện, dầu
được chiêm niệm cao siêu đến đâu chăng nữa, luôn luôn hãy nhận biết mình là
ai... Hãy nghĩ đến sự hèn hạ của mình nhiều lần, vì sự cầu nguyện vẫn đi đôi
với đức khiêm nhường và luôn soi sáng để chúng ta nhận biết sự yếu kém của
chúng ta”
(Đht 39,5).
Với tâm tình ấy, ta sẽ gói ghém giờ cầu
nguyện lại trong những lời tâm sự tha thiết với Chúa. Sau giờ cầu nguyện, ta
cần cố gắng giữ cho lòng luôn được dành riêng cho Chúa và thỉnh thoảng lại thốt
lên đôi lời đối thoại với Chúa (Đht 31,7).
7. Kiểm điểm giờ nguyện ngắm
Khi đã cầu nguyện xong, nên dành dăm bảy phút nhìn lại giờ
nguyện ngắm để rút kinh nghiệm. Thánh nữ Têrêxa luôn nhắc lại quy tắc “xem quả
biết cây”. Một giờ nguyện ngắm tốt không tuỳ thuộc nơi sự sốt sắng nhưng tuỳ
thuộc nơi sự biến đổi của lòng ta, giúp ta sống đời thường cách thật tốt đẹp
trong yêu thương, khiêm nhường và buông bỏ (7M 4,14-15).
Viết tắt tác phẩm Thánh
nữ Têrêxa Avila:
Đời: Đời tôi hay là Tiểu sử tự
thuật
Đht: Đường hoàn thiện
1M, 2M: Mức ở lại 1,
Mức ở lại 2… trong sách Lâu đài nội tâm
KIỂM ĐIỂM GIỜ NGUYỆN
NGẮM
Sau
khi nguyện ngắm, kiểm điểm các chi tiết sau đây và ghi lại:
1.
Tư thế: Ngồi, quỳ
2.
Tập trung nghiêm túc (đánh giá bằng A, B, C): Vd. Đầu giờ: A, Giữa giờ: B, Cuối
giờ: A.
3.
Cảm nghiệm từ nội dung: Được những ánh sáng và những ơn biến đổi nào?
4.
Lo ra chia trí về điều gì?
5.
Có lúc nào bị lạc đề và lạc hướng? Hướng nào? Tại sao? Có lúc nào đã tránh né
tiếng Chúa? Điều gì? Cách nào? Có điều gì đã tưởng lầm, nguyện ngắm xong rồi
mới thấy là bị lừa, cần rút kinh nghiệm?
NHẬN ĐỊNH CUỐI NGÀY
Ngày:
…………………………
1.
Có những kinh nghiệm mới nào về nguyện ngắm?
2.
Có những kinh nghiệm mới nào về thinh lặng nội tâm? Có điều gì làm giảm sút
thinh lặng nội tâm?
3.
Bận tâm về điều gì khiế mình bị chi phố? Có những kinh nghiệm mới nào về ứng xử
quảng đại?
4.
Kinh nghiệm thường xuyên nhớ Chúa đang hiện diện?
5.
Tập trung vào Chúa hơn hay là bị lạc hướng? Nếu đã tập trung hơn, nhờ đâu?
6. Nếu đã bị lạc hướng,
tại sao? Đã để cho mình bị lừa như thế nào? Tại sao bị lừa?
Việc kiểm điểm giờ
nguyện ngắm sẽ giúp bạn tiếp cận với kinh nghiệm lý thú ở phụ lục 4 là tìm ý
Chúa và nhận rõ ý Chúa.