Sẽ
hết sức ích lợi nếu nguyện ngắm xong bạn biết nhìn lại những biến chuyển nội
tâm trong giờ cầu nguyện. Đây là một thực tập quan trọng khi làm linh thao, một
tấm gương tròn nằm gọn trong lòng bàn tay, hết sức hữu ích, có thể giúp bạn soi
thấu lòng tin và lòng mến của bạn. Tôi không nghĩ là bạn sẽ thực hiện được
thường xuyên, vì chính tôi cũng không làm được thường xuyên, nhưng tôi mong bạn
sẽ làm thử một vài lần để biết công dụng của tấm gương tròn vẫn nằm sẵn trong
túi, và mỗi khi cần, bạn sẽ sực nhớ đến nó và lấy ra soi. Mà có lẽ, giữa những
lúc bị cách ly, bạn sẽ làm thử không chỉ một lần và sẽ thấy đây là một kinh
nghiệm quý, thỉnh thoảng cần lặp lại.
Không
riêng sau khi nguyện ngắm hay sau một thánh lễ, cả sau giờ cầu nguyện đầu ngày
hay cuối ngày (quen gọi là kinh sáng, kinh tối), nếu có điều kiện, bạn nên nhìn
lại để soi thấu lòng mình. Hãy thử một vài lần để nghiệm ra hiệu năng của việc
nội quan này. Bạn sẽ thấy nó rất ích lợi, không quá khó nhưng thật lý thú, rồi
dần dần bạn sẽ có được thói quen phản tỉnh để sống trong sự hiện diện đầy ưu ái
và nhắc nhở của Chúa.
Tôi
xin nhắc lại là bạn không bị buộc phải làm nhưng bạn nên thử một vài lần để nếm
xem bữa tiệc Chúa luôn luôn dọn sẵn, và sẽ thấy lời mời gọi Chúa nói trong Kh
3,20 là đang nói với bạn hôm nay.
Chẳng
hạn tối nay, sau những phút cầu nguyện chung với cả nhà, bạn dành 5 phút nhìn
lại nội tâm mình: Trong khoảnh khắc cầu nguyện ấy, bạn giữ được sự tập trung từ
đầu đến cuối, hay chỉ một phần ba ở đầu, ở giữa hay ở cuối? Bạn có thể rút kinh
nghiệm gì? Bạn có gặp Chúa, có nghe Chúa nói, có cảm nghiệm điều gì? Có lúc bạn
đã chú ý tới ý nghĩa từng câu từng chữ mình đọc và đã thật sự nói với Chúa đôi điều?
Những câu hỏi kiểm điểm này sẽ giúp bạn thấy chỉ cần ý thức sự hiện diện của
Chúa là mọi sự đổi thay. Cũng là chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót nhưng giờ đây
bạn sẽ hướng mắt lên Chúa Cha và Chúa Giêsu, đọc chậm từng từ, như thổn thức,
thở than “bằng những tiếng rên siết khôn tả” trong Chúa Thánh Thần (x. Rm
8,26).
Điểm
chính ở đây là kiểm lại xem khi đến với Chúa ta có “chú tâm trìu mến”, có “cầm
lòng cầm trí” hay nói cách khác, có trân trọng sự hiện diện của Chúa hay
không?
Mỗi
khi đi xưng tội, nhìn nhận mình đã lo ra chia trí nhiều lần, có thể ta nghĩ đó
là chuyện không tránh được cho nên không lấy làm điều. Thế nhưng giờ đây,
nghiêm túc nhìn lại sau khi cầu nguyện, ta mới nghiệm ra mình chưa thật sự nhận
Thiên Chúa làm kho tàng của mình. Nếu xác tín việc sống thân mật với Ngài là
kho tàng, chắc hẳn ta đã quyết tâm bán hết những gì mình có để mua cho bằng
được kho tàng ấy (Mt 13,44).
Việc
kiểm điểm này cần làm trong đối thoại với Chúa, như Đức Thánh Cha Phanxicô
viết: “Tôi xin hết mọi Kitô hữu đừng quên thưa chuyện với Chúa là Đấng yêu
thương ta để thành tâm xét mình mỗi
ngày” (Vui mừng hoan hỉ, 69).
Thuở
bé, nói đến xét mình ta chỉ nghĩ ngay tới việc nhìn lại xem đã có gì sai sót
trong ý nghĩ, lời nói và việc làm. Ta dựa theo các kinh Mười điều răn của Chúa, Năm điều răn Hội thánh để lục lọi xem đã
lầm lỗi những gì. Với kinh Tiến Đức (Cải
tội bảy mối có bảy đức), ta được mời gọi đi xa hơn, để nhận ra những gốc rễ
đàng sau những lầm lỗi. Giờ đây, với việc xét mình sau giờ nguyện ngắm, ta còn
tiến xa hơn nữa.
Ta
có một tấm gương hé lộ cho thấy ta có thật tình yêu mến Chúa hết lòng hay
chăng, và nhận ra đâu là chướng ngại ngăn cản mình hiệp nhất với Chúa. Rồi ta
sẽ nghiệm ra rằng cả nơi những việc cao quý như đọc kinh cầu nguyện, nếu chỉ
làm cho xong như một cái máy, ta cũng chỉ gặp thụ tạo chứ không gặp được Chúa;
ngược lại, cả những việc bị coi là “phàm tục” như mua bán hoặc ân ái vợ chồng,
nếu được làm trong ý thức có Chúa đang hiện diện, trong sự chú tâm trìu mến
Chúa thì đó vẫn là những phương tiện để nên thánh.
Nhờ
xét mình như vậy, bạn sẽ nhận ra mình thường dễ bỏ lỡ bữa tiệc của Thiên Chúa
vì điều gì? Điều gì chi phối lòng bạn? (x. Mt 22, 1-14).
Thánh
I Nhã đề ra cho ta những phương cách “để
xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt
cuộc đời để mưu ích cho linh hồn mình” (LT 1). Phương cách đầu tiên là xét
mình và kiểm điểm nguyện ngắm.
Kiểm
điểm lại, cũng có khi điều phá hỏng sự tập trung của giờ nguyện ngắm là một
trong bảy nết xấu làm đầu, tuy nhiên, thường thì nguyên nhân gây chia trí là
những điều tốt chứ không xấu. Sau dăm bảy ngày, đem đối chiếu những kết quả
kiểm điểm nguyện ngắm và kiểm điểm cuối ngày, ta sẽ thấy :
-
Những điều tốt mà ta chỉ quyến luyến đúng chừng mực, thì khi ta cầu nguyện,
chúng không đến quấy rầy ta. Trong trường hợp này, sự quyến luyến rất chính
đáng.
-
Còn những điều tốt mà ta quyến luyến hơi quá đáng, nhiều hay ít, thì khi ta cầu
nguyện, chúng luôn đến quấy rầy ta. Ở đây, nhìn kỹ lại ta sẽ nhận ra chỗ lệch
lạc nơi quyến luyến này, và thường thì một trong bảy mối tội đầu (hoặc gọn hơn,
một trong ba điều độc hại là tham, sân, si) đang giật dây, tạo nên sự lệch lạc,
tức sự quá đáng.
-
Vì thế, ta chưa thể chăm chú lắng nghe, chưa thể chăm chú nhìn lên Chúa; ta bị
giằng co vừa muốn hướng về Chúa vừa hướng về thụ tạo.
Như
thế, việc kiểm điểm nguyện ngắm là một bản trắc nghiệm hữu hiệu để biết ta đã
thật sự yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn chưa, hoặc
nói theo Thánh I Nhã, ta đã xác tín nguyên lý làm nền tảng cho đời ta chưa?
Nguyên lý làm nền tảng ấy là:
“Con người được dựng nên
để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình.
Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới
cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ.”
Bởi thế người ta chỉ
được sử dụng thụ tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ khi
chúng làm cản trở. Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thụ tạo trong tất cả những gì nằm
trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe
hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn
chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn
cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả” ( LT 23).
Việc
kiểm điểm nguyện ngắm nhằm giúp ta rút kinh nghiệm để những lần nguyện ngắm về
sau sẽ sống với Chúa triệt để hơn, và hơn nữa, để ngay nơi mọi việc lớn nhỏ của
đời thường, ta luôn sống theo nguyên lý nền tảng. Hiểu như thế, nếu bạn không
bao giờ có điều kiện tham dự tĩnh tâm linh thao cũng chẳng hề gì, chỉ cần biết
thật lòng xét mình sau mỗi giờ khẩu nguyện hoặc tâm nguyện là có thể xa bỏ
những quyến luyến lệch lạc để chỉnh đốn đời sống theo ý Chúa.
Nếu
ta quyến luyến một thụ tạo đúng mức để dùng nó như phương tiện giúp đạt đến
điều Chúa muốn cho ta, thì đó là sự quyến luyến chính đáng. Nếu ta coi trọng
một thụ tạo, xem nó như là mục đích, và đảo ngược mục đích thành phương tiện,
thì sự quyến luyến trở thành lệch lạc (x. LT 169).
Thánh
Gioan Thánh Giá là học trò các cha Dòng Tên, đã đóng góp thêm một điều quan
trọng, nhấn mạnh tới những nguy hiểm khi ta đã biết là lệch lạc mà vẫn cố tình
chiều theo. Ngài gọi đây là những mê thích.
Trong
Đường lên núi Cát Minh quyển I, ngài
lặp lại hai chữ mê thích 243 lần, trong ba quyển tiếp theo, thêm 140 lần nữa,
nhưng không định nghĩa nó là gì và cũng không gắn thêm tính từ lệch lạc. Để bạn
đỡ lúng túng, tôi xin mạn phép đưa ra câu tóm tắt như sau : Mê thích là sự
tha thiết khi ta đã biết một quyến luyến nào đó là không ổn mà vẫn cứ theo đuổi
hoặc dung dưỡng nó.
Chính
vì ta cố tình chiều theo cho nên, dù
mê thích chỉ mong manh như một sợi tơ, nó vẫn trói được ta như một sợi thừng.
Mọi mê thích lớn hay nhỏ đều vừa ngăn cản
ta hiệp nhất với Thiên Chúa (ngăn cản sự hiện diện của Thánh Thần Thiên
Chúa) vừa gây nên nơi linh hồn ta năm
thiệt hại: bị mệt mỏi, bị khổ não, bị tối tăm và mù quáng, bị hoen ố, cùng bị
nguội lạnh và suy yếu (x. 1 Đường lên núi Cát Minh, 6-10).
Mê
thích thật đáng sợ. Thế nhưng Thánh Gioan Thánh Giá lại cũng tiết lộ cho ta một
bí mật rất bất ngờ: Ta càng chiều theo mê thích, nó càng lớn mạnh rất nhanh,
nhưng chỉ cần ta phớt lờ mê thích, không kể gì đến nó là lập tức nó mất hết tác
dụng. Điều quan trọng là lòng ta quyết hướng về Thiên Chúa hay hướng về thụ
tạo. Rượu bia, thuốc lá, ma túy, sex, tin giả, game, internet có vẻ là những
hấp lực không gì cản nổi, thế nhưng thật ra, chỉ cần ta nói “không” là lập tức
chúng nó chạy trốn. Nếu bạn chưa dám nói không thì còn một bí mật khác: Hãy
quyết tâm yêu Chúa hơn, tin Chúa hơn, phó thác vào Chúa hơn thì bạn sẽ có can
đảm để nói. Bí mật thứ ba: Vừa khi mới thoáng có ý nghĩ nghiêng chiều lệch lạc,
hãy cương quyết dập tắt ngay, thì bạn luôn luôn thắng. Một bí mật khác: Hãy bắt
đầu bằng sự làm chủ các giác quan bên ngoài. Ngày nào bạn còn làm chủ các giác
quan và trí tưởng tượng, ngày ấy bạn còn chiến thắng.
Ta
thấy Thánh Gioan Thánh Giá dạy ta cùng một điều với sự “xa bỏ những quyến luyến
lệch lạc” của Thánh I Nhã (x. LT 23). Cách trình bày của hai vị hoàn toàn khác
nhau cả về hình thức và nội dung nhưng sẽ dẫn đến cùng một đích điểm, hai bên
hỗ trợ lẫn nhau rất hữu hiệu. Sự bình tâm của Thánh I Nhã cũng như cái “Lương
tâm ngay thẳng và cõi lòng trong sáng” trong câu kết bộ luật nguyên thủy của
dòng Cát Minh đều nhằm giúp ta được hoàn toàn tự do với mọi thụ tạo để chỉ
hướng về Thiên Chúa.
Tới
đây, bạn hiểu tại sao, ngay ở bài đầu, tôi đã chuyển khái niệm “trí thức Công
giáo” sang cụm từ dài “người có học, có tinh thần đức tin và có lòng với Chúa
và Hội thánh”. Bởi lẽ, muốn trung thành với đức tin thì đến một lúc nào đó
người ta phải buông bỏ cả điều mà mình tưởng là mình biết, như R. Tagore có nói
ở một chỗ nào đó: “Theo Kinh thánh thì không thể vừa được nếm quả cây tri thức,
lại vừa được sống trên cõi địa đàng”.
Khi
nào thì cần buông bỏ?
Một
khi có được lương tâm ngay thẳng và tấm
lòng trong sáng hay sự bình tâm triệt
để, ta sẽ thấy ngay đâu là điều Chúa muốn cho ta và ta cần buông bỏ những
gì. Thế nhưng vẫn còn những lúc lòng ta chưa hoàn toàn bình tâm. Trong trường
hợp này Thánh I Nhã sẽ giúp ta bằng kinh nghiệm đặc biệt của ngài.
Trong
bài chia sẻ mở đầu những gợi ý giúp tĩnh tâm sống cuộc Thương khó với Chúa năm
nay, Cha Giuse Cao Gia An, Dòng Tên, nhắc thính giả đang khi nghe giảng hãy
theo dõi xem trong lòng có biến chuyển gì không. Ngay hôm nay, vào lúc thinh
lặng cuối ngày, vào phút kiểm điểm sau giờ nguyện ngắm, bạn hãy nhìn lại xem
những biến chuyển nội tâm trong ngày hoặc trong giờ vừa qua. Như thế, bạn bắt
đầu làm quen với việc phân định, tức là khả năng bén nhạy trước những thúc giục
nội tâm khác nhau của Chúa Thánh Thần và của thần dữ.
Việc
phản tỉnh nhìn xem nội tâm như thế được gọi là một nội quan, có thể so sánh
nhưng cũng hoàn toàn khác với việc chụp ảnh các bộ phận bên trong cơ thể được
gọi là nội soi. Việc học hỏi giáo lý nâng cao đem lại cho ta các quan điểm Kitô
giáo về con người, xã hội, vũ trụ, lịch sử. Việc xét mình trong đối thoại với
Thiên Chúa giúp ta được thức dậy dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần, trong sự khiêm
nhường của đức tin và đức mến, không bị lạc vào hai não trạng trái nghịch với
sự thánh thiện là não trạng Pelagio và Ngộ đạo (x. Tông huấn « Vui mừng
Hoan hỉ » của Đức Thánh Cha Phanxicô).
Mời
bạn xem tiếp phụ lục 5.
Lm Trăng
Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn