Phụ lục 6

 CUỘC THANH TẨY TRƯỜNG KỲ

“Hãy trở về với nội tâm và giữ thinh lặng, đó là nơi Chúa nói với chúng ta. Hãy sống sự nghèo khó với một cường độ thật mạnh. Vì cuối cùng, hàng loạt các thông điệp mà chỉ như mưa không ướt đất thì cũng không mang lại hoa trái gì” (Đức Cha Gómez Cantero).

Mục tiêu đã đề ra cho Trường Cao đẳng Giáo lý trực tuyến là rèn luyện những người có học, có cái nhìn đức tin và có lòng đạo. Giữa ba tiêu chí ấy, bạn không thấy bóng dáng của sự hoàn thiện luân lý mà nếu có, chắc bạn sẽ cảm thấy hơi lo vì nó chạm đến nỗ lực của sức người . Tiêu chí có lòng đạo có thể dẫn chúng ta đi còn xa hơn sự hoàn thiện luân lý gấp bội, cả đến thí mạng sống vì người mình yêu mến, vẫn không làm ta sợ vì đây là việc của ơn Chúa. Phụ lục này muốn hé mở cho bạn thấy một chiều kích khá bất ngờ tại Trường Cao đẳng Giáo lý, là về nội dung thứ hai và thứ ba, chính Thiên Chúa huấn luyện ta chứ không phải con người. Chính tình yêu mến là bí quyết giúp ta khỏi bị suy thoái xuống tình trạng tục hóa.

1. CẠM BẪY VÀ PHƯƠNG TIỆN

Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự làm phương tiện cho con người hưởng dùng mà phụng sự Ngài và tiến đến hiệp nhất với Ngài. Thế nhưng tội nguyên tổ đã khiến lòng người thay đổi, do đó, mọi vật đồng thời cũng có thể thành nguy cơ khiến ta xa lìa Thiên Chúa. Vật chất tiền bạc có thể giúp người này thành quảng đại vị tha, đóng góp thật nhiều cho ích chung, nhưng cũng có thể khiến người khác thành bủn xỉn, keo kiệt và ích kỷ. Quyền bính và thế lực có thể khiến vua Saul và vua Salômôn mất lòng Chúa nhưng lại có thể giúp vua Đavít và vua Luy sau này ở Pháp hay vua Stêphanô ở Hungari trở nên những vị thánh. Đang khi thử thách khiến bao người rơi vào tuyệt vọng thì lại khiến cho ông Giuse (con ông Giacóp) và ông Môsê thành những vĩ nhân. Với những người khó tính, chuyện gì cũng có thể khiến họ nhăn nhó; ngược lại, với những người lạc quan, mọi chuyện đều có thể đem lại niềm vui.

Cùng lúc, mọi sự có thể thành nguy cơ hoặc vận may, thành cạm bẫy hoặc phương tiện. Ngoại cảnh vốn vô thưởng vô phạt nhưng sẽ tùy theo lòng người mà trở thành phúc hay họa. Với những người không màng thụ tạo, chỉ tha thiết sống đẹp lòng Thiên Chúa, ngoại cảnh dù hấp dẫn lôi cuốn tới đâu vẫn không thể khiến họ mất tự do. Còn với những người hay chiều theo mê thích, một chút vật chất đủ khiến lòng họ thành tối tăm và bị đảo lộn. Như đã nói ở phụ lục 4, mê thích là sự tha thiết trong một linh hồn khi linh hồn ấy đã biết một quyến luyến nào đó là không ổn mà vẫn cứ theo đuổi hoặc dung dưỡng nó.

Vì thế, muốn được tự do hướng về Thiên Chúa tận cõi lòng và được hiệp nhất với Ngài trong cùng một lòng muốn và trong tình yêu, người tín hữu cần biết thanh tẩy cả giác quan và cõi lòng khỏi mọi mê thích.

2. TỰ THANH TẨY

ĐÊM ĐEN DIỄM PHÚC

Người ta thường nhắc tới "đêm đen" như biểu tượng của thử thách, nhưng trong Đường Lên Đỉnh Cát Minh, quyển I, Thánh Gioan Thánh Giá lại dùng để chỉ việc thanh tẩy chủ động. Ngài gọi sự diệt trừ các mê thích là sự thanh tẩy bằng đêm dày, vì lúc ấy linh hồn dường như cảm thấy chìm trong tăm tối. Thế nhưng chính sự tăm tối ấy lại là hoàn cảnh thuận lợi cho linh hồn trốn thoát khỏi mọi sự để chạy đến với Đấng Yêu Mến:

Nhờ một đêm dày đặc,

Nồng nàn yêu thương và âu lo,

Ôi vận may diễm phúc!

Tôi đã ra đi không bị để ý,

Mái nhà tôi đã thật yên hàn.

Ở đây, đêm có nghĩa là sự thanh tẩy bằng buông bỏ. Thánh Gioan Thánh Giá gọi cuộc thanh tẩy này là đêm. Để được tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc, linh hồn cần biết lợi dụng "đêm dày" như một cơ hội tốt để ra đi. Đêm dày, tức là khi mọi mê thích đã bị chế ngự và thiếp ngủ, căn nhà của mọi mê thích là các giác quan đã được bình an. Nếu đêm chưa chịu buông xuống thì chỉ còn cách là nhắm mắt bịt tai, bỏ lại phía sau tất cả và can đảm chạy trốn.

Để tiến đến hiệp nhất với Thiên Chúa, linh hồn cần trải qua cuộc thanh tẩy trường kỳ.

THANH TẨY GIÁC QUAN BÊN NGOÀI

Với những người mới bước vào đường tâm linh, còn liên tục bị cám dỗ làm điều xấu, cần chú tâm thanh tẩy và làm chủ các giác quan bên ngoài. Cần đóng các giác quan lại trước những mời mọc của thế gian. Bởi lẽ giác quan là cửa sổ của linh hồn, nếu để hớ hênh, linh hồn rất dễ bị thương, bị tê liệt và có thể bị lún sâu trong não trạng chủ bại. Kinh nghiệm cho thấy ta càng chiều theo mê thích, nó càng mạnh, ngược lại, ta càng phớt lờ nó, nó càng yếu, dù đó là rượu bia, thuốc lá hay hình ảnh xấu. Thế gian thiết kế đủ thứ cạm bẫy để lôi cuốn ta và chận bắt linh hồn ta làm nô lệ, nhưng chỉ cần ta không màng đến chúng là chúng bó tay. Cần thanh tẩy và làm chủ các giác quan: mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, kể cả đụng chạm, ăn uống và nếm cảm… Ma quỷ bày cho ta những cách nguỵ biện rất tài tình để che giấu những dính bén lệch lạc. Đừng dại dột chiều theo một mê thích nào, dù chỉ nhỏ như sợi tơ, nó vẫn trói buộc được lòng ta. "Một con chim đã bị cột thì cột bằng một sợi chỉ mảnh mai hay bằng một sợi dây lớn có khác gì mấy? Dù sợi chỉ có mảnh mai đến đâu, bao lâu con chim chưa giựt đứt được để bay lên thì vẫn còn bị cột như cột bằng sợi dây lớn." (1Lên 11,4). Ta cần xin Chúa Thánh Thần giúp ta phát hiện và cắt đứt những sợi tơ ấy.

THANH TẨY QUAN NĂNG BÊN TRONG

Với những người đã tiến khá xa trên đường tâm linh, thay vì cám dỗ làm điều xấu, ma quỷ tìm cách cám dỗ họ làm những điều tốt lệch lạc. Những cám dỗ làm điều tốt này khó phát hiện và khó vượt thắng vì chúng nương theo những lệch lạc chủ quan nơi ba quan năng bên trong của ta là trí năng, ký ức và lòng muốn (ý chí).

Ở bước đầu (giai đoạn luân lý), do ảnh hưởng của tội nguyên tổ và môi trường xã hội ô nhiễm, cả ba quan năng đều dễ hướng về điều xấu, bị cám dỗ chiều theo điều xấu và bị kẹt trong điều xấu. Trí năng còn ngu muội, dốt nát, tò mò tìm hiểu những điều không nên, những điều tốt không cần thiết hoặc không dành cho mình; nó cũng có thể quá ham hiểu biết thụ tạo đến quên Thiên Chúa. Ký ức thì ghi nhớ và vẽ vời những điều xấu; xét đoán, in trí. Lòng muốn dễ nghiêng về điều xấu.

Khi đã tiến khá xa (giai đoạn hướng thần), ta lại dễ lấy trí khôn chật hẹp của con người để đo lường và phê phán các mầu nhiệm của Thiên Chúa; nhìn Thiên Chúa và công cuộc của Ngài theo quan điểm riêng (x. não trạng ngộ đạo). Ký ức dễ ghi nhớ, lo lắng hoặc vẽ vời những điều tốt không cần thiết hoặc không dành cho mình; lo bị người khác xét đoán, âu lo sợ hãi, thêu dệt những dự phóng ảo tưởng, tự mãn về thành tích. Còn lòng muốn thì ao ước chiếm hữu hoặc thực hiện những điều tốt không cần thiết hoặc không dành cho mình (x. não trạng Pelagio).

Muốn thanh tẩy được ba quan năng ấy, ta cần phát huy ba nhân đức căn bản là khiêm nhường, buông bỏ và yêu thương, đồng thời khẩn nài Thiên Chúa ban thêm ba nhân đức hướng thần là tin, cậy và mến. Nhờ đó ta sẽ có được thinh lặng nội tâm, nghĩa là thinh lặng từ trong trí năng, ký ức, óc tưởng tượng, cho đến lòng muốn, để hoàn toàn hướng về Thiên Chúa. Ta mất thinh lặng nội tâm khi chạy theo sự đánh giá của thế gian. Để tìm lại thinh lặng nội tâm, ta sẽ gạt bỏ mối bận tâm về sự khen chê của người đời, và chỉ tập trung sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, sống hiện diện trước Thiên Chúa, trong tâm tình yêu mến Ngài. Như em học sinh ngoan, không đếm xỉa gì tới những phê phán hão huyền của đám trẻ lêu lổng, chỉ chú tâm học hành vì yêu mến cha mẹ và vì giá trị của chính mình. "Tình yêu không cốt ở những rung cảm mãnh liệt nhưng cốt ở chỗ triệt để buông bỏ và chịu đau khổ vì người mình yêu." (Thánh Gioan Thánh Giá). Tình yêu chính là sức mạnh và là hướng đi của sự thinh lặng nội tâm.

3. ĐÓN NHẬN THANH TẨY

THANH TẨY BẰNG THỬ THÁCH

Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Chuẩn mực hoàn thiện không do loài người tự định đoạt nhưng do chính Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đề ra định mức và giành quyền thanh tẩy những kẻ Ngài muốn ban cho ơn hiệp nhất với Ngài.

Thiên Chúa đã chạm đến các ngôn sứ, có thể bằng lửa hồng, để thanh tẩy họ trước khi trao sứ mạng (x. Is 6,5-7; Gr 1,9; Đn 10,15-16). Ngài yêu cầu con người phải tự lột bỏ trước khi đi vào đối thoại với Ngài (x. Xh 3,5).

Cuộc thanh tẩy thụ động (nghĩa là do Chúa chứ không do sức người) có thể diễn ra hoặc trên tâm linh, với những thử thách đức tin, hoặc trên đời sống hoạt động, với những thất bại, sỉ nhục và bị bỏ rơi…

Cuộc thanh tẩy tâm linh (cũng gọi là đêm tâm linh) là môi trường đào luyện một tình yêu hết sức thuần khiết. Những linh hồn nồng nàn yêu Chúa sẽ rất khao khát được qua đêm ấy. Do đó, dù đây là một cuộc thanh tẩy hoàn toàn thụ động, là một ơn ban không và là một công cuộc của chính Thiên Chúa chứ không thuộc về nỗ lực của con người, ta cần tích cực đưa tay ra để cho Thiên Chúa dẫn dắt chứ không ngồi khoanh tay chờ.

Ta cần xin Chúa Thánh Thần dạy cho biết quảng đại đón nhận tác động sáng tạo của Thiên Chúa (và cũng là sự thanh tẩy của Thiên Chúa, nhìn từ phía con người là một sự thanh tẩy thụ động). Có những người không biết Thiên Chúa, không đặt vấn đề đi tìm ý Chúa, và không nghĩ rằng mục tiêu đời người là để thực hiện dự phóng của Thiên Chúa và để được hiệp nhất sâu xa với Ngài, do đó họ chỉ coi việc xây dựng đời sống tâm linh như một nỗ lực nhân loại và một sự nghiệp cá nhân chứ không như một công cuộc của Thiên Chúa. Những người ấy sẽ không thấy cần phải có một cuộc thanh tẩy do Thiên Chúa (x. não trạng Pelagio). Còn đối với những ai mưu tìm công cuộc của Thiên Chúa nơi bản thân và khao khát sống hiệp nhất với Thiên Chúa, sẽ thấy ngay rằng chính cuộc thanh tẩy thụ động mới đóng vai trò quyết định, bởi lẽ, ngoài Thiên Chúa, không ai khác có thể đưa ta tới chỗ hiệp nhất với Ngài.

THANH TẨY Ở NGƯỠNG CỬA THIÊN ĐÀNG

Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh, cho nên ta phải thanh tẩy trường kỳ mới có thể tiến đến hiệp nhất với Ngài. Việc thanh tẩy ấy nếu chưa xong ở đời này sẽ được hoàn tất ở đời sau. Luyện ngục không phải là sự trừng phạt nhưng là sự thanh tẩy Thiên Chúa dành cho những kẻ Ngài yêu mến. Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo về "luyện ngục" đem lại cho ta niềm hy vọng mãnh liệt:

"Với cái chết, sự chọn lựa trong cuộc đời của chúng ta trở nên chung cuộc, dứt khoát. Sau nhiều khả năng lựa chọn đa dạng suốt dọc dài cuộc đời, sự chọn lựa của chúng ta giờ đây có một hình thù nhất định.

Có những con người mà mọi thứ trong đời họ đều là dối trá, và cũng có những con người đã sống cho thù hận và đè bẹp mọi thứ tình yêu trong lòng họ. Những diện mạo đáng lo ngại như thế có thể thấy được nơi một số nhân vật nhất định trong lịch sử của chúng ta. Nơi họ, mọi sự đã hết thuốc chữa và sự tàn lụi điều thiện trong họ không thể nào đảo ngược lại: kết thúc của họ là Hỏa ngục. Mặt khác, cũng có thể có những người hoàn toàn trong sạch, toàn bộ cuộc đời hoàn toàn được thấm nhuần Thiên Chúa, và hành trình của họ đến với Chúa chỉ là mang thêm sự viên mãn vốn họ đã có sẵn (và họ được tiến thẳng vào thiên đàng).

Cả hai trường hợp ấy đều không là bình thường trong đời sống nhân loại. Phần đông người ta (dù còn vướng mắc tội lỗi), tận thẳm sâu cõi lòng, vẫn còn một sự cởi mở tối hậu bên trong dành cho sự thật, cho tình yêu, và cho Thiên Chúa… Cái gì sẽ xảy ra cho các cá nhân này khi họ đến trước Tòa Phán Xét? Theo Thánh Phaolô, đời sống Kitô được xây dựng trên một nền tảng chung là Đức Giêsu Kitô. Nền tảng này trường tồn. "Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa." (1 Cr 3,12-15).

Một vài thần học gia mới đây có ý kiến cho rằng lửa vừa thiêu đốt vừa cứu chuộc ấy chính là Chúa Kitô, vị Thẩm Phán và là Đấng Cứu Thế. Cuộc gặp gỡ với Ngài là hành động phán xét chung cuộc. Trước ánh mắt Ngài tất cả những gì là giả trá sẽ tan biến. Sự gặp gỡ Ngài vừa thiêu đốt chúng ta, vừa cải biến chúng ta và giải thoát chúng ta, khiến chúng ta trở nên con người chính thật của mình. Tất cả những gì chúng ta xây dựng trong đời có thể chỉ là rơm rạ, rỗng tuếch và sụp đổ. Vậy mà trong cái đau đớn của cuộc gặp gỡ này, khi những dơ bẩn và bệnh hoạn của cuộc đời được phơi bày ra trước mắt chúng ta, thì ơn cứu rỗi nằm ngay ở đó. Cái nhìn của Chúa và sự va chạm của trái tim Ngài chữa lành chúng ta qua một biến cải chắc chắn là đau đớn "như đi qua lửa"… Nhưng đó là một sự đau đớn được chúc lành, trong đó quyền lực cực thánh của tình yêu Người xuyên thấu chúng ta như một ngọn lửa, giúp chúng ta trở nên hoàn toàn là chính mình và nhờ đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Bằng cách này sự tương quan giữa công lý và ân sủng cũng trở nên rõ ràng…

Vào lúc chung thẩm chúng ta cảm nhận và hấp thụ quyền lực vô biên của tình yêu Ngài trên tất cả sự dữ trong thế gian và trong chúng ta. Nỗi đau của tình yêu trở nên ơn cứu rỗi và niềm vui của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta không thể đo lường "thời gian" của sự thiêu đốt biến cải này bằng những đơn vị đo lường thời gian của trần thế. "Giờ phút" biến cải trong cuộc gặp gỡ này vượt quá ước tính thế gian. Đó là thời khắc của con tim, đó là thời gian của cuộc "vượt qua", để tiến đến hiệp thông với Thiên Chúa trong Nhiệm Thể Chúa Kitô." (ĐGH Bênêđictô 16, Thông điệp Spe salvi, số 45-47).

4. CUỐI CUỘC HÀNH TRÌNH

Khi theo đuổi mục tiêu tự nhiên là sống tự do trước sức ép của xã hội tiêu thụ, ta cũng nhận được phần nào kết quả siêu nhiên là sự hiệp nhất với Thiên Chúa, và khi theo đuổi mục tiêu siêu nhiên thì cũng đã bảo đảm được mục tiêu tự nhiên. Cuối cùng, tất cả sẽ đạt tới một tột đỉnh. Phải chờ khi tác phẩm hoàn thành, ta mới thấy rõ ý nghĩa và giá trị của từng nhát búa hay đường dao của điêu khắc gia. Phải về đến đích rồi, ta mới thấy rõ mỗi bước trên đường đi đều cần thiết. Còn chính đang lúc đi đường, đang lúc bị thử thách, ta thường khó chấp nhận những cái gay go khốn khổ. Chỉ khi nào có thinh lặng nội tâm sâu xa, ta mới hiểu được giá trị của thử thách và hân hoan đón nhận nó. Thiếu thinh lặng nội tâm, ta sẽ quên mất căn tính của mình và sẽ khó mà nhớ ra đâu là giá trị thật của mình.

Những buông bỏ trên hành trình cuộc đời lắm lúc thật gay go, như thể phải chết đi sống lại, đến nỗi thánh Gioan Thánh Giá gọi nó là đêm đen dày đặc. Tuy nhiên, khi trong lòng đã có được một tình yêu nồng nàn, đêm dày sẽ trở thành vận may diễm phúc.

Không một ánh sáng và kẻ dẫn đường nào khác

Ngoài chút sáng cháy trong tim.

Chút sáng ấy đã hướng dẫn tôi

Chắc chắn hơn ánh sáng giữa trưa,

Dẫn đến nơi có người đợi tôi

Người mà tôi biết rõ,

Đợi ở phía không ai lai vãng.

 


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo