Phụ lục 7
PHÚC ÂM HÓA THEO CÁCH CỦA TRẺ EM

 

Xin trở lại bài toán ban đầu: Tuổi thơ.

Trong lúc chờ các cấp thẩm quyền quyết định mở Trường Cao đẳng Giáo lý trực tuyến, có một điều cần làm ngay là chính bạn hãy mở ngay tại nhà một lớp học một thầy một trò cho một cháu thiếu niên nhi đồng của nhà mình hay của lối xóm. Đó là một lớp tiểu học Giáo lý tại chỗ, vừa dạy giáo lý vừa huấn luyện tinh thần đức tin và hồn tông đồ. Bạn đã đọc hết sáu phụ lục, hẳn bạn có thể tự nghĩ ra cách giúp cho trẻ thơ. Dù vậy, tôi xin nói thêm đôi điều.

Trước hết, trẻ em chẳng thể nào hiểu được phúc âm hóa là gì, ta cần diễn nôm ra là “làm cho mọi sự thấm nhuần tinh thần Tin mừng”, là ‘làm dậy men Tin mừng” như mẹ đem bột nổi nhồi vào bột để làm bánh. Tục hóa cũng sẽ bị hiểu lầm là chuyện gì đó tục tĩu. Ô, không phải thế, ở đây Giáo hội muốn nói đến thói ham tiền, coi tiền bạc là nhất. Muốn thắng thói ham tiền, ta cần thấm nhuần tinh thần nghèo khó của Tin mừng. Muốn cho chính bản thân được dậy men Tin mừng, ta cần có những thói quen tốt.

NHỮNG THÓI QUEN

Với năm ngón tay bạn đếm được năm chữ quan trọng của cuộc sống hằng ngày: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín. Nhân là yêu thương, nghĩa là có tinh thần trách nhiệm, lễ là biết kính trọng mọi người, trí là biết suy nghĩ cân nhắc và tín là biết giữ lời hứa.

Ở một chỗ nào đó, chúng ta đã bàn chuyện cần sắm cho mỗi trẻ em một quyển Tân ước nhỏ, dạy các em mở đọc Tin mừng mỗi ngày, chú tâm khi lắng nghe Lời Chúa, biết năng nguyện tắt, vào viếng Chúa khi đi học giáo lý, sống chân thật và vâng lời, rồi còn dạy các em biết ấn định giờ đọc sách mỗi ngày. Ở phụ lục 1, bạn đã biết bài ca tâm niệm của các em thiếu nhi Công giáo với nhiều điều các em cần nhớ.

Với năm ngón tay bạn có thể xếp được tất cả những điều ấy vào năm chữ nói trên cho gọn. Bốn chữ đầu, bạn có thể tìm thấy nhiều cách thực tập nơi những bài học luyện tính tốt. Riêng chữ tín là chuyện gay go cho thời buổi này, cần nói thêm một tí.

CHỮ TÍN: ĐIỀU NHỎ NGAY LÚC NÀY Ở ĐÂY

Có hai thực tập giữa đời thường:

- Đã hứa là giữ lời, điều gì không chắc có làm được chăng, tuyệt đối đừng hứa.

- Chu toàn điều nhỏ với lòng yêu mến lớn:

Làm xong từng việc một

Có việc trước việc sau

Mỗi việc đều thật tốt

Toàn thể sẽ tiến mau.

Điều ấy sẽ không khó nếu ta nhớ luôn có Chúa đang âu yếm nhìn ta, để nâng đỡ, khích lệ và khen thưởng. Nếu thấy khó tập trung, thỉnh thoảng hãy tập hít sâu thở chậm một vài hơi theo cách “tạ ơn theo hơi thở” dưới đây.

TẠ ƠN THEO HƠI THỞ

Bất cứ một bài tập nào cũng có một giây phút cầu nguyện. Để thực hành các bài tập đó, cần phải học hoặc ôn lại cách giữ mình thinh lặng, cách tập trung, cách hồi tâm ít là trong một giây lát.

Bạn có thể vận dụng chính hơi thở của bạn để tiến vào thinh lặng. Mời bạn thực tập như sau:

Ngay tại lớp học này, ngay tại chỗ bạn đang ngồi,

Bạn ngồi thẳng lưng,

Mặt hơi ngẩng lên, mắt nhắm hay mở cũng được, miệng hơi mỉm cười,

Xin Chúa Thánh Thần hoà vào hơi thở bạn,

- Bạn hít vào thật sâu, vừa hít vào vừa nhớ đến Chúa Cha và thầm nguyện trong trí: “Cha đang cho con tất cả”

- Bạn thở ra thật chậm, vừa thở ra vừa thầm nguyện: “Xin Cha nhận lấy con đây”.

Ä Nếu cầu nguyện với Chúa Giê-su thì nói: “Chúa đang cho con tất cả, xin Chúa nhận lấy con đây”.

Việc hít vào và thở ra như vậy, gọi là “tạ ơn theo hơi thở”. Bạn thử làm 5 lần hoặc 10 lần xem sao. Đây là bài tập căn bản, vì sẽ được tận dụng thường xuyên.

Mỗi ngày bạn thực tập bài “Tạ ơn theo hơi thở” nhiều lần và tối về, nhìn lại những lần thực tập ấy xem kết quả ra sao.

Khi lặp lại bài tập này ở nhà, xin bạn lưu ý:

Thời gian đầu nên chọn một nơi nào đó tương đối yên tĩnh, có thể là một góc vườn, hoặc ngay tại góc học tập của bạn, hoặc ngay tại phòng khách gia đình, vào một giờ yên tĩnh. Về sau đã quen, bạn có thể thực tập bất cứ tại đâu và bất cứ lúc nào.

Dù ngồi hay đứng, bạn nên giữ thẳng lưng. Nếu ngồi, có thể ngồi ghế, ngồi xếp bằng hoặc ngồi toà sen: Hai bàn tay nên để ngửa, đặt lên nhau. Nếu đứng, nên để hai tay buông thẳng, ngón trỏ khép nhẹ vào ngón cái. Những chi tiết này giúp bạn dễ tập trung trong tư thế nghỉ ngơi.

(Trích “Bước theo Thầy Giêsu” - trong Chương trình Giáo lý Phổ thông Gp. Nha Trang, Nxb Thuận Hóa, 1997, trang 9-10).

 

PHÉP NHÂN MỘT THẦY MỘT TRÒ

Chính Chúa Giêsu đã đề ra công thức dậy men (x. Mt 13,33). Công thức này không gì khác hơn là phép nhân một thầy một trò, chia sẻ cho một người khác để họ có cùng một kinh nghiệm và suy nghĩ như mình. Nếu bạn nắm vững bảy phụ lục nơi loạt bài này và chia sẻ được cho một người khác, phép nhân sẽ bắt đầu xảy ra. Nghe thì dễ nhưng thực hiện không dễ. Các bài học và bài tập có vẻ khá đơn giản, tuy nhiên phải mất cả một năm, học viên của bạn mới có thể bày lại cho người khác, tức là tự mở lấy lớp học một thầy một trò. Hãy thử và hẹn nhau, bất cứ ai được huấn luyện xong, mỗi năm đều mở lớp mới với một học viên mới.

Hiện nay là năm 2020. Sang năm, 2021, các bạn thành hai người. Năm 2022, bốn người. Năm 2023, tám người. Năm 2024, mười sáu người. Bạn hãy nhân tiếp. Tới lúc kỷ niệm 500 năm Tin mừng đến trên quê hương đất Việt, năm 2033, nhóm thầy trò của bạn đã lên tới 4.304 người - bằng tổng số các linh mục triều của 27 giáo phận hiện nay, năm 2020. 

Bạn cứ tiếp tục phép nhân đôi vừa dễ vừa khó ấy, đến năm 2047, lúc dân số Việt Nam khoảng chừng 120 triệu, thì tổng số thầy trò của bạn đã vượt trên 140 triệu chính xác là 141.033.472.

Nào, hạt men của Chúa, bạn thấy chuyện lớp học một thầy một trò là nghiêm túc đấy chứ? Vậy thì, với ơn Chúa, mỗi chúng ta hãy bắt đầu mở lớp học một thầy một trò ngay từ hôm nay.

Qui Nhơn ngày 07/5/2020

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn

 


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo