Lịch sử đã có một khởi đầu thì rồi sẽ có một kết thúc, như đời
người có lúc sinh ra và có lúc chết đi. Mỗi ngày bắt đầu bằng rạng đông rồi kết
thúc bằng chặp tối.
Thiên Chúa đã dựng nên loài người chúng ta, cho ta được sống
thân mật với Ngài. Khi ta đánh mất hạnh phúc, Thiên Chúa đã cho Con Ngài đến
cứu chuộc (Chúa đến lần đầu) và tới ngày cuối cùng, Con Thiên Chúa sẽ lại đến
để công khai xét xử loài người mọi thế hệ (Chúa đến lần hai). Giữa hai lần đến
công khai ấy, Thiên Chúa không ngừng đồng hành với Hội thánh Ngài.
Nơi đời mỗi Kitô hữu cũng tương tự. Chúa đến lần đầu nơi bí tích
Rửa tội, rồi lần hai khi ta trút hơi thở cuối cùng và ra trước tòa Chúa để chịu
xét xử.
Kinh thánh nói: “Thời gian chẳng còn bao lâu” (1Cr 7,29), Chúa
sắp hoàn tất lịch sử và quy tụ vạn vật trong Ngài, thế nhưng “đối với Chúa, một
ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2Pr 3,8), ta không thể biết
đích xác khi nào tận thế. Hằng năm, Hội thánh dùng những tuần cuối cùng, cách
riêng là tuần XXXIII Thường niên là để giúp ta suy gẫm về ngày cánh chung (ngày
cùng tận của thế giới). Có thể nói đây là thời gian toàn thể Hội thánh cùng dọn
tâm hồn tỉnh thức, chào đón Chúa sắp ngự đến trong vinh quang. Ta cũng không
biết khi nào mình chết, cho nên cần biết tận dụng những khoảnh khắc cuối ngày
để dọn tâm hồn sẵn sàng đáp lại bất cứ khi nào Chúa gọi.
Câu chuyện sáng tạo đã bắt đầu với lời Chúa phán: “Hãy có ánh
sáng”. Ngày tận thế sẽ là ngày mặt trời không còn chiếu sáng. Như thế, lịch sử
cứu rỗi tựa như một ngày rất dài, và mỗi ngày tựa như một bản tóm của lịch sử
cứu rỗi.
Ngay từ khi mới tập cho các cháu cầu nguyện, phụ huynh cần giúp
các cháu thấy mỗi ngày là một câu chuyện mới của lịch sử. Để các cháu nhớ và
sống sự hiện diện của Thiên Chúa, ta nên dùng vài hình ảnh sống động.
- Trong phút cầu nguyện đầu ngày, các em cảm tạ Chúa đã ban tặng
sự sống và nhớ lời Chúa dặn ông Abraham: “Hãy đi trước nhan Ta và sống cho trọn
lành” (St 17,1). Các em bắt đầu ngày mới với lương tâm ngay thẳng và tấm lòng
trong sạch, luôn làm mọi việc theo ý ngay lành chân thật, tức là theo ý tốt, vì
mến Chúa và yêu người.
- Khi ăn uống, chơi đùa, đi học, gặp gỡ mọi người, em luôn có
Chúa ở ngay bên, ở trong lòng. Lúc vui thì có Chúa như ở tiệc cưới Cana (x. Ga
2,1-11). Lúc buồn cũng có Chúa như hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc
24,13-35). Luôn nhớ có Chúa đang âu yếm nhìn, các em sẽ làm tròn bổn phận hằng
ngày cách vui vẻ.
Chiều đến, em về bên Chúa. Nơi phút cầu nguyện cuối ngày, em
nhìn lại mọi sự xem thử đã vui vẻ chu toàn bổn phận hay chưa. Em khoe kết quả
với Chúa như các môn đệ đi rao giảng về (x. Mc 6,30). Nếu có điều gì làm Chúa
buồn, em thưa với Chúa như người con đi hoang trở về, sẽ được Chúa Cha ôm vào
lòng (x. Mc 10,13-16). Tên trộm kia vừa bày tỏ lòng thống hối đã được Chúa
Giêsu đã hứa ban nước thiên đàng (x. Lc 23,39-43), cho nên dù lỡ phạm tội gì,
em hãy thật lòng thú nhận với Chúa, Chúa luôn rộng lượng thứ tha.
Tóm lại, phút cuối ngày là cuộc hẹn trong Lòng Chúa Thương Xót.
Khi ta xét mình, thú lỗi và tín thác vào Chúa, Chúa sẽ bào chữa, bênh vực cho
ta. Đúng như lời Thánh Gioan Thánh Giá: “Chiều về, bạn sẽ được xét xử trong
tình thương”.
Và em nhắm mắt ngủ, như em bé trên tay mẹ, như cậu Samuel trong
đền thờ (x. 1Sm 3,10), tâm hồn lúc nào cũng đẹp lòng Chúa. Hễ nghe Chúa gọi, em
sẽ chạy đến ngay và thưa lớn: “Lạy Chúa, con đây”.
Đầu ngày, em đã quyết tâm sống tốt. Cuối ngày, em nhắc lại quyết
tâm sống tốt. Nếu có gì vấp váp lỡ lầm, em chân thành thưa với Chúa, Chúa sẽ
tha thứ và an ủi. Chúa luôn muốn em quay về với Chúa để được Chúa xét xử trong
tình thương.
Những kinh quen thuộc cũng giúp các em hiểu và sống mầu nhiệm
Chúa đến lần hai. Kinh Tin kính là kinh của lịch sử dài, “… ngày sau bởi trời (Ngài)
lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Kinh Lạy Cha là kinh của mỗi ngày,
trong đó, ta tự xét mình về sự tha thứ để xin Chúa thứ tha. Trong kinh Kính
mừng, ta xin Đức Mẹ chuyển cầu cho ta trong giờ sau hết.
Khi các em lớn hơn, ta sẽ giúp các em biết sống theo đúng mục
đích, biết phân định để làm tròn ý Chúa nhờ thói quen xem xét làm. Mời quý phụ
huynh đón xem bài tới.
Lm.
Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Bảng chữ tắt:
Mt:
Sách Mát-thêu trong Tân ước.
Mc:
Sách Mác-cô trong Tân ước.
Lc:
Sách Lu-ca trong Tân ước.
Ga:
Sách Gioan trong Tân ước.
1Cr:
Thư 1 Cô-rin-tô trong Tân ước.
2Pr:
Thư 2 Phê-rô trong Tân ước.
St:
Sách Sáng Thế trong Cựu ước.
1Sm:
Sách 1 Sa-mu-en trong Cựu ước.
Muốn tìm xem các bản văn
Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ - Tại cửa sổ mục
lục, bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số
chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.