HIỆP NHẤT TRONG LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
BÀI 6
TÔNG ĐỒ LÒNG THƯƠNG XÓT
Đọc
lại Tin mừng, ta sẽ gặp thấy nhan nhản những lệnh truyền, gợi ý và thúc giục
nội tâm phải loan báo Lòng Chúa Thương Xót: Các môn đệ đầu tiên (Gioan 1,35-51)
,người phụ nữ bên bờ giếng (Gioan 4,28-30), những người được chữa lành (Marcô
1,45; 5,20), lời mở (Luca 1,1-4) và những lời kết các sách tin mừng (Matthêô
28,16-20; Marcô 16,15-20; Luca 24,48; Gioan 21,24).
Trong
nhật ký chị thánh Faustina, ta đọc thấy:
“Hỡi
ái nữ của Ta, con hãy làm hết khả năng của con để truyền bá việc tôn thờ Lòng
Thương Xót của Ta. Ta sẽ bù đắp những gì con còn thiếu sót. Con hãy nói cho
nhân loại đau thương hãy sán vào Trái Tim đầy lân ái của Ta, và Ta sẽ ban tràn
đầy bình an cho họ” (NK 1074).
“Linh
hồn nào truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Ta, Ta sẽ bảo bọc họ suốt đời
như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Ta không phải là thẩm
phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ. Trong giờ sau hết, linh hồn
không còn gì để tự vệ ngoài Lòng Thương Xót của Ta” (NK 1075).
Những
lời ấy không có gì khác hơn những câu Tin mừng trên đây, được lặp lại cụ thể và
sống động cho mỗi tín hữu ở thời đại chúng ta.
Người
đầu tiên đã giúp cho những điều Chúa nói với chị Faustina được lan dần ra bên
ngoài cổng một tu viện là cha Sopocko, linh hướng của Thánh nữ. Sau khi nhờ
chuyên viên kiểm tra trạng thái tâm thần của người trong cuộc và được cho biết
rằng chị hoàn toàn bình thường, cha đã lắng nghe và hướng dẫn chị, giúp chị
trình bày sự việc với Đức Giám Mục.
Sau
khi chị qua đời, một giám mục Ba Lan là Karol Joseph Woityla, lúc ấy là Tổng
Giám mục Crakow, sau này là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã mở hồ sơ xúc
tiến việc phong thánh cho chị. Ngài đã viết thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng
thương xót”, rồi với thẩm quyền Giáo hoàng, năm 1993, ngài đã phong Chân phước
cho chị Faustina, khuyến khích việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót theo cách
Chúa đã cho chị; rồi ngài đã phong chị lên bậc hiển thánh ngày 30-4-2000 và
cùng lúc đã thiết lập ngày lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót như Chúa đã dạy Chị
thánh. Từ đó vị Giáo hoàng này được gọi là tông đồ của lòng thương xót. Một
tông đồ khác của Lòng Thương Xót là Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã xướng xuất
Năm Thánh Lòng Thương Xót vào năm 2016 và cổ vũ tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót
cả trong những năm kế tiếp.
Cuộc
vận động của cha Sopocko và Đức Tổng Giám mục Wojtyla đã được nhiều mục tử và
tín hữu tại Ba Lan hưởng ứng. Chỉ 13 năm sau khi nữ tu Faustina qua đời, tại Ba
Lan đã có 150 trung tâm Tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. Phong trào Tôn sùng Lòng
Thương Xót sớm lan rộng tới Mỹ và nhiều nước khác, nhờ những con người âm thầm
lặng lẽ, tự mình thực hiện việc tôn sùng Lòng Thương Xót, rồi chia sẻ bằng lời,
bằng thư từ, sách báo và bằng việc tổ chức các Trung tâm cầu nguyện Lòng Thương
Xót.
Tại
Việt Nam, từ sau khi chị Faustina được phong chân phước năm 1993, người ta bắt
đầu biết đến việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. Nhờ được các linh mục cổ võ,
đâu đâu cũng có người lần chuỗi Kính Lòng Chúa Thương Xót. Hiện chưa có thống
kê chính xác nhưng có lẽ không dưới 50% các giáo xứ đã có những nhóm cầu nguyện
Lòng Chúa Thương Xót. Những người lắng nghe tiếng gọi của Lòng Chúa Thương Xót
đã làm tông đồ lẫn cho nhau: họ sao chép, in ấn và phổ biến tài liệu, rủ nhau
tổ chức việc cầu nguyện chung tại tư gia hoặc tại thánh đường.
Năm
2000, khi chị Faustina được phong thánh, đó đây đã có những linh mục rao giảng
về Lòng Chúa Thương Xót. Trong năm thánh Lòng Thương Xót, việc rao giảng này đã
lan khắp. Các linh mục đã đóng vai trò đáng kể trong việc loan truyền Lòng Chúa
Thương Xót.
Đặc biệt, có một linh
mục được ơn thường xuyên và bền bỉ rao giảng Lòng Thương Xót mỗi ngày rất hữu
hiệu: cha Giuse Trần Đình Long. Những năm đầu cha giảng tại Giáo xứ Chí Hòa và
hiện nay tại Giáo điểm Tin Mừng. Từ những bài giảng của cha Long về Lòng Thương
Xót đã xuất hiện một nhân tố mới là những người tuyên xưng các ơn lành của Lòng
Chúa Thương Xót. Người ta xúc động kể lại những ơn lạ bản thân họ hoặc gia đình
đã nhận được nhờ cầu nguyện với Lòng Chúa Thương Xót. Ngoài những trường hợp
được chữa lành về thể lý, còn nổi bật rất nhiều ơn được chữa lành về tinh thần,
cá nhân và tập thể: nhiều người thoát khỏi nghiện ngập, nhiều gia đình được
bình an hòa thuận, nhiều người bỏ đạo lâu năm nay quay về với Hội thánh, nhiều
người lương được ơn nhận biết Chúa và xin lãnh bí tích Thánh tẩy. Có đến một
nửa số chứng nhân là lương dân, đến từ khắp các tỉnh thành Việt Nam và nhiều nơi
khác trên thế giới.
Từ
ngày được bổ nhiệm chăm sóc mục vụ tại Giáo điểm Tin Mừng, ngoại trừ ngày thứ
hai, những ngày khác trong tuần cha Long đều dâng lễ với phần chia sẻ về Lòng
Chúa Thương Xót. Thẻ nhớ trong chiếc máy nhỏ đang được tặng cho những người lên
làm chứng ghi lại 300 thánh lễ của năm 2018, mỗi thánh lễ có trên 10 người kể
lại ơn Chúa. Trung bình, tổng số mỗi năm có trên 3.000 lượt chứng nhân. Quả là
một con số khổng lồ. Cha Long có đặt tay cầu nguyện nhưng không phải là chuyện
làm phép lạ. Việc đặt tay cầu nguyện theo cung cách của Phong trào Canh tân đặc
sủng có tác dụng giúp cầu nguyện với lòng tin và chính lòng tin chữa lành.
Trong
những người được thu hút đến với Giáo điểm Tin Mừng, nhiều người đã có sáng
kiến thu video và gửi lên nhiều kênh YouTube khác nhau. Bên cạnh đó có những
người còn thực hiện các website khác nhau để giúp phổ biến việc tôn sùng Lòng
Chúa Thương Xót: giaodiemtinmung.net, tinthac.net, giesu.net. Ngoài những
YouTube và website chuyên nghiệp, cũng có những thực hiện rất mộc mạc, dân dã,
chuệch choạc ôm theo cả những lỗi kỹ thuật nhưng đồng thời cũng toát ra tất cả
nhiệt thành và lòng mến.
“Tôi
cho chị mượn cái máy này, khi nào hết bệnh hay không muốn nghe nữa thì trả lại
tôi.” Có những hội viên Legio luống tuổi, trước đây chỉ biết đi thăm cách đơn
sơ theo tình nghĩa lối xóm, chẳng biết nói gì; nay người ta nghe bài giảng rồi
kể cảm nghĩ và biến chuyển nội tâm hoặc nêu câu hỏi, câu chuyện chia sẻ đức tin
lúc nào cũng sôi nổi.
Có
một cha sở tại Qui Nhơn đã rút gọn bài giảng Chúa nhật để có thể dành dăm bảy
phút chiếu cho cộng đoàn cùng nghe xem một chứng từ của Giáo điểm Tin Mừng như
một minh họa. Bản thân tôi cũng còn mong rằng trong những sinh viên thần học
đang theo đuổi chủ đề truyền giáo, sẽ có những người viết luận văn chủ yếu dựa
trên phân tích các lời chứng sống động này.
Có
một số người chưa bao giờ nghe một lời chứng nào trong số đó nhưng cứ nhất định
bảo đó chỉ là chuyện nhảm nhí. Tôi e rằng không tìm hiểu sự thật mà cứ xét đoán
bừa thì rất dễ mắc mưu thần dữ: “Dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn
cũng không thể tự bào chữa được… 4Hay là bạn coi thường lòng Chúa vô
cùng nhân hậu, khoan dung, đại lượng, mà không nhận ra rằng: Thiên Chúa nhân
hậu như thế là để thúc giục bạn hối cải sao?” (x. Rm 2,1-8). Những Youtube sờ
sờ trên mạng sẽ giúp cha Long trả lời mọi người bằng chính câu trả lời của Chúa
Giêsu đã trả lời viên thượng tế (x. Ga 18,20).
Có
người nêu nhận xét: Đúng là nhiều chứng nhân nhưng chẳng thấy linh mục nào xuất
hiện làm chứng? Xin thưa, xuất hiện trước micro thì không nhưng nhân chứng linh
mục thì nhiều chứ: hằng ngày vẫn có có đủ linh mục thay nhau tới giúp giải tội
từ sáng tới chiều. Bên cạnh đó, nếu gõ tìm “Đức Tổng Phaolô dâng lễ tại Giáo
điểm Tin Mừng”, bạn sẽ tìm thấy những Youtube về các thánh lễ ấy[1].
Sự chúc lành của Giám mục bản quyền chẳng phải là một lời chứng mạnh mẽ sao? Và
hôm nay, cũng có một linh mục muốn viết những dòng này chia sẻ với quý độc giả
như một nhân chứng. Tôi chưa tới Giáo điểm Tin Mừng lần nào và cũng chưa từng
gặp cha Giuse Trần Đình Long nhưng vẫn có thể làm chứng về Lòng Chúa Thương
Xót. Đầu năm 2003, một giáo dân nhiệt thành thuộc xứ Long Bình, giáo phận Sài
Gòn chia sẻ với tôi về Lòng Chúa Thương Xót và tặng cho những tập photocopy dày
mỏng khác nhau. Tôi rất quý, vẫn đem theo hành trang của mình nhưng chưa đọc
tới. Tôi đang theo đuổi ơn gọi dòng Cát Minh Têrêxa nhưng cuối năm 2005, bị đau
đa khớp thấp rất nặng, không thể được khấn trọn. Ngày 9-9-2007 hết hạn lời khấn
tạm, tôi trình với Đức Cha Nguyễn Soạn, Giám mục Qui Nhơn. Ngài cho tôi ở tại
nhà hưu dưỡng Tòa Giám mục. Mười lăm ngày sau tôi bắt đầu khỏi chứng đa khớp
thấp cho tới nay, chỉ với 15 thang thuốc bắc của một thầy lang vườn và một bao
cát những lá cây của soeur Elise ở Cô nhi viện Mằng Lăng hái gửi cho. Sau đó
tôi đã chia sẻ cả toa thuốc bắc lẫn toa thuốc nam cho nhiều người khác, chẳng
thấy ai khỏi cả. Tôi may mắn hơn họ có lẽ nhờ những tài liệu về Lòng Chúa
Thương Xót. Năm 2006, nằm một chỗ tại Manila, tôi đã lôi ra đọc, đã khóc và
viết lên một loạt ca từ và những bài thơ[2].
Thật ra sau đó tôi cũng chỉ mới lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót mỗi ngày, và
cũng có nhiều ngày quên đọc. Tuy nhiên rồi Chúa đã dần dần lôi kéo tôi vào Lòng
Chúa Thương Xót. Cách riêng đầu năm nay - sau hơn 12 năm - tôi được may mắn
nghe những Youtube ghi lời chia sẻ của những chứng nhân kể những ơn lạ họ nhận
được nhờ cầu xin Lòng Chúa Thương Xót. Tôi có cảm tưởng sau hai lần hỏng thi,
tôi còn được Chúa ưu ái dành cho một cuộc thi “vớt”. Cảm nhận của tôi về Lòng
Thương Xót là thế đó: Thiên Chúa nhân hậu chính là để thúc giục tôi hối cải (x.
Rm 2,4).
Từ
kinh nghiệm ấy, tôi ước mong sao tất cả và từng anh em Linh mục đều được Chúa
lôi kéo vào Lòng Thương Xót của Ngài và trở thành Tông đồ của Lòng Thương Xót.
Với kinh nghiệm ơn Chúa từ Giáo điểm Tin Mừng, việc tông đồ này có lẽ không khó
lắm. Chỉ cần mỗi Cha bỏ chút thời gian nghe trọn một thánh lễ của Giáo điểm Tin
Mừng (trong thực tế là hơn 90 phút) với những chia sẻ của cha chủ sự và các
chứng nhân, thì sau đó có thể sẽ thấy nên giới thiệu cho nhiều người nghe các
buổi chia sẻ ấy, cách riêng là những người mắc bệnh khó trị, những người đang
gặp các thử thách khác cũng như những người thiện chí đang tìm kiếm chân lý.
Các Cha có thể giới thiệu trên tòa giảng hoặc khi gặp riêng. Chắc hẳn, tác dụng
của khối lượng lời chứng sống động này sẽ không nhỏ.
Đầu
tháng Ba năm 2018, chúng ta đã trăn trở nhiều trước ghi nhận: ‘Số lượng giáo
dân của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam không thay đổi suốt 43 năm qua kể từ
khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 với 7 triệu giáo dân’[3].
Bao nhiêu năm qua, chúng ta chưa có một kế hoạch cụ thể. Phải chăng khối lượng
chứng từ nay đang là một món quà vừa dễ thương vừa hữu hiệu cho việc loan báo
Tin mừng cho đồng bào người Việt cả trong và ngoài nước?
Mà
tại sao lại giới hạn vào cộng đồng người Việt? Tại sao chưa có ai nghĩ tới việc
lược dịch ra ngoại ngữ các lời chứng ấy và chèn vào video như các phim phụ đề
để chia sẻ với các dân tộc trên toàn thế giới. Nếu có nhóm bạn trẻ nào muốn
thực hiện, xin đừng quên Google Dịch có thể giúp các bạn rất hữu hiệu để chuyển
từ tiếng Anh sang các ngôn ngữ châu Âu khác khá chuẩn. Này các bạn trẻ giàu
lòng yêu mến Chúa và cảm thương các linh hồn cần được cứu vớt, đó là một gợi ý
khả thi và đáng làm đấy chứ? Mong các bạn sớm bắt đầu.
Thêm
một ý tưởng nữa là: Nếu mỗi Giáo phận có một vài Trung tâm cổ võ việc tôn sùng
Lòng Chúa Thương Xót, mỗi Trung tâm có một nhóm người được chuẩn bị kỹ để chăm
sóc, chắc hẳn công cuộc Tân phúc âm hóa của Giáo phận sẽ tăng triển mạnh.
Bài
sau: Câu lạc bộ Ba Giờ Chiều.
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá
Khánh
Bảng chữ tắt:
Mt:
Sách Mát-thêu trong Tân ước.
Mc:
Sách Mác-cô trong Tân ước.
Lc:
Sách Lu-ca trong Tân ước.
Ga:
Sách Gioan trong Tân ước.
Rm:
Thư Rô-ma trong Tân ước.
NK:
Nhật ký của Thánh nữ Faustina
Muốn tìm xem các bản văn
Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ - Tại cửa sổ mục lục,
bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số
chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.
[1] Mời xem tại:
https://www.youtube.com/watch?v=aBZ6YtD-siE
[2] Mời xem tại: https://www.vanthoconggiao.net/2017/04/chum-tho-long-thuong-xot-trang-thap-tu.html
[3] Xem https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/giao-dan-tai-viet-nam-khong-thay-doi-suot-43-nam/