“Phần
thứ hai, tức là đêm tối đức tin chạm đến phần thượng đẳng của con người tức là phần
lý trí, là phần nằm sâu ở trong và cũng tăm tối hơn, vì nó tước đoạt luôn cả
ánh sáng của lý trí, hay nói đúng hơn, nó khiến lý trí bị mù tối. Do đó, đêm
đức tin được so sánh rất xác đáng với nửa đêm, là phần thâm sâu nhất của đêm
đen” (2Lên 2,2).
Phút
nửa đêm tăm tối là thế, tuy nhiên cuối năm, ta thức đón giao thừa, tiếng đồng
hồ điểm vào lúc ấy lại trang trọng đến linh thiêng. Chính giây phút nửa đêm
thay cũ đổi mới, dẫn đưa ta vào hy vọng, tựa như điều ta cảm nghiệm trong đêm
Vọng Phục sinh, trong đêm Xuất hành của Dân Chúa.
Thánh
Gioan Thánh Giá chết lúc 49 tuổi, chưa trải qua kinh nghiệm lão hóa nhưng nhờ
những tháng ngày cô độc đến tuyệt vọng trong ngục rất Toledo, ngài đã trải qua
đêm đen của đức tin. Chị thánh Têrêsa qua đời mới 24 tuổi, rất trẻ nhưng, bị
bệnh tật dập vùi, cũng đã đi qua đêm đức tin.
Kinh
nghiệm đức tin là thế này: Chính lúc ta rơi vào bất lực và tuyệt vọng, ta đến
với Chúa, phó thác tất cả cho Chúa, thì mọi sự lập tức đảo ngược. Mới lúc nãy
đây, khi con người khốn khổ 72 tuổi vừa viết xong những dòng bạn vừa đọc, thì
tất cả bị tắt ngúm, không còn biết phải viết gì. Kinh nghiệm dạy tôi rằng: lại
bất lực mất rồi! Thế là, thay vì làm học trò ngồi cắn bút, sẽ chỉ gõ được vài
ký tự, tôi sang phòng nguyện. Tôi ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa là
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tôi nhẩm vài lời nguyện tắt: “Lạy Cha
yêu dấu, con thờ lạy Cha!”, “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”, “Lạy Chúa
Thánh Thần, con cảm tạ Chúa!”. “Lạy Trái tim cực thánh Chúa Giêsu, đã trào tuôn
máu và nước như những dòng suối của Lòng Thương Xót, con tín thác vào Chúa!”
Tôi nguyện kinh Lạy Cha, kinh Xin ơn quảng đại của Thánh Inhaxiô và kinh “Cúi
xin Chúa sáng soi”. Sau 10 phút, tôi lại thấy sáng rõ những điều đang viết cho
các bạn đây.
Rồi
tôi tạm dừng bài viết để đi dâng lễ. Bài đọc thứ nhất thánh lễ hôm nay, thứ Năm
sau Lễ Tro, trích sách Đệ nhị luật (Đnl30,15-20) thật thích hợp với những gì
chúng ta đang chia sẻ. Ông Môsê ngỏ lời với dân Chúa:
15 Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống,
được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. 19b Anh em hãy chọn
sống để anh em và dòng dõi anh em được sống, 20 nghĩa là hãy yêu mến
Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như
thế anh em sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Đức Chúa đã thề với cha ông
anh em, là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các
ngài.” (Đnl
30,15.19b-20).
Cùng
một tình cảnh nhưng tùy theo tin Chúa hay không, ta sẽ được đem đi vào thế giới
mới, tức là được cứu thoát, hay bị bị bỏ lại với thế giới cũ và trầm luân với
nó.
26 “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì
trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy… 33Ai
tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ
bảo tồn được mạng sống. 34Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai
người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị
bỏ lại. 35Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ
được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 36Hai người đàn ông đang ở
ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” (Lc
17,26-37).
Thánh
Phaolô cũng báo trước là chúng ta sẽ được đem đi:
16Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng
kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những
người đã chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên; 17rồi đến
chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem
đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế,
chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. 18Vậy anh em hãy dùng những
lời ấy mà an ủi nhau. (1Tx 4,16-18)
Người
phụ nữ trong Sách Khải Huyền là hiện thân của Hội thánh, còn chúng ta là dòng
dõi của bà.
13Khi Con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người
Phụ Nữ đã sinh con trai. 14Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay
vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời
và nửa thời, ở xa Con Rắn. 15Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đằng sau
bà như một dòng sông, để cuốn bà đi. 16Nhưng đất cứu giúp bà: đất há
miệng ra uống cạn dòng sông từ miệng Con Mãng Xà phun ra. 17Con Mãng
Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong
dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời
chứng của Đức Giê-su. (Kh 12,13)
Nửa
đêm là khoảnh khắc giao thừa, thay cũ đổi mới. Dù ta muốn hay không, năm mới
vẫn cứ đến. Nếu cứ khư khư ôm lấy năm cũ, ta sẽ mất cả mới lẫn cũ, vì những cái
cũ đang qua đi. Còn nếu dấn thân tiến vào năm mới, đương nhiên phải quả cảm giã
từ năm cũ.
Trong
ngôn ngữ của vị thánh trẻ, Têrêxa Hài Đồng Giêsu, không có sự phân biệt giữa các
từ ngữ: lòng khiêm nhường, việc từ bỏ, niềm tin tưởng và sự phó thác.
Trong
bản Việt ngữ quyển Nhật Ký chị thánh Maria Faustina, “trust” được dịch là tín
thác. Tín thác là dành cho Thiên Chúa được ưu tiên hành động nơi ta và
chờ Ngài
lấp đầy sự bất lực của ta
bằng tình yêu thương, sức mạnh và sự khoan dung đại lượng của Ngài.
Tín
thác là nhìn nhận mình bất lực và phó mặc chính mình cho Thiên Chúa như đứa con
bé bỏng yên ngủ trong vòng tay Cha nó, là tin rằng Chúa Giêsu sẽ đích thân nghĩ
đến tất cả những nhu cầu của ta, ta chỉ việc giao hết cho Ngài!
“Con
không hề bận lòng về tương lai, con chỉ tin chắc là Chúa nhân lành sẽ
thực hiện ý định của Ngài, đó là hồng ân duy nhất con ao ước” (Chị
Thánh Têrêxa, Thư 221). Những anh chị em đến dâng lời tạ ơn Chúa tại Giáo điểm
Tin Mừng cũng thế. Họ lâm vào cảnh bất lực. Nhờ đến tại Giáo điểm và nghe nhìn
tận tai tận mắt, hoặc nhờ miệt mài nghe những lời chia sẻ phát đi từ đó, họ đã
cảm nhận được thế nào là tín thác, và khi họ thật lòng tín thác, chính Chúa
Giêsu đã giải quyết mọi vấn đề giúp họ
Bạn
đang thấy bất lực khi đối diện với những vấn đề của bản thân, của gia đình, của
cộng đoàn, của tập thể, của giáo xứ, của dân tộc và của nhân loại. Nhìn nhận
mình bất lực là một khởi đầu tốt để tiến vào tín thác.
Khi
người ta hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô tại sao ngài không lên tiếng mạnh hơn về
Venezuela, ngài trả lời rằng ngài không muốn xảy ra cảnh đổ máu. Ngài thấy bất
lực và ngài phó thác. Có lẽ chính sự thận trọng của ngài đã góp phần giúp cả
đôi bên tự kiềm chế.
Trên
thập giá, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Lạy Cha! Con phó thác linh hồn con trong tay
Cha!” Cũng thế, ta hãy thưa: “Lạy Cha, con xin phó thác Quê hương Dân tộc con
trong tay Cha!”, “Lạy Cha, con xin phó thác Giáo hội trong tay Cha!”.
Đức
tin đòi phải có việc làm kèm theo.
Phần
thứ ba của đêm là nửa đêm về sáng. Theo cái nhìn của Thánh Gioan Thánh Giá, ánh
bình minh sẽ rõ dần, mặt trời càng lúc càng rực rỡ mãi đến giờ chính ngọ, lúc
không ai có thể nhìn thẳng vào mặt trời, vì không chỉ bị chói mà còn bị mù mắt.
Vì thế, sau tiếng pháo giao thừa, ta lại tắt đèn đi ngủ, biết rằng mình sẽ thức
dậy trong ánh bình minh, sẽ cùng với cả nhà tươi cười xúng xính với quần áo
mới, đi lễ đầu năm, cùng chúc xuân mừng tuổi mọi người ấy.
Cũng
chính vì thế, sách Khải Huyền chỉ dẫn nhập vào phần thứ ba của đêm thiêng bằng
mấy câu ngắn ngủi (Kh 22,16-20). Và cũng vì thế, ta hãy tiến vào phần thứ ba
của đêm thiêng bằng tâm tình an vui hy vọng và quảng đại học đòi tấm gương Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa.
Trong
Nhật ký chị thánh Maria Faustina, Chúa Giêsu nhấn mạnh hai điều: Điều thứ nhất
là tín thác, điều thứ hai là thực hành lòng thương xót.
Nhật
ký này đặc biệt nói về việc chuẩn bị đón chào Chúa đến lần thứ hai (số 429,
625, 635) đã gần kề (số 965) và về giai đoạn Chúa Cứu Thế thi thố lòng thương
xót trước ngày Ngài đến xét xử nhân loại (số 83, 848, 1146, 1588). Xin xem thêm
các số 327, 336, 344, 648, 793, 825, 840, 854, 965, 1100, 1114, 1155, 1158,
1239, 1320, 1398, 1473, 1539, 1570, 1572, 1588, 1709, 1732, 1788, 1805, 1807,
1810, 1823, 1825.
Nơi bức hình Chúa Giêsu Thương Xót có ghi
dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Bức hình này không những
biểu hiện Lòng Thương Xót Thiên Chúa, mà còn là một dấu hiệu nhắc
nhở nghĩa vụ Kitô hữu phải tín thác vào Thiên Chúa và phải tích cực
yêu thương người lân cận. Chúa nhấn mạnh: “Đó sẽ một vật nhắc
nhở về các yêu sách của Lòng Thương Xót của Ta, bởi vì dù mạnh
mẽ đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm
theo” (NK 742).
Bao dung nghĩ về người khác trong sự thật
và tình thương
Bài đọc 2 giờ Kinh Sách hôm nay trích từ
giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Lêô Cả: “Đối với các Kitô hữu chân chính, lòng
nhân ái có một phạm vi thực hành vừa hết sức rộng rãi, vừa rất đa dạng, khiến
người sung túc giàu sang cũng như kẻ nghèo làm nhỏ bé đều có thể góp phần vào
việc làm phúc bố thí. Như vậy, vậy khả năng làm phúc thì kẻ ít người nhiều,
nhưng tâm tình yêu mến thì ai cũng như ai.”
Chúa Giêsu mong rằng mỗi ngày ta có một
hành vi thương xót. Theo ngôn ngữ kinh viện, hành vi không chỉ là việc làm bên
ngoài nhưng còn là suy nghĩ hay chọn lựa trong lòng. “Acte de foi, de
l’esperance, de charité” không chỉ là kinh tin, kinh cậy, kinh kính mến mà còn
là hành vi tin, trông cậy và kính mến. Vì thế, ta cần thực tập lòng thương xót
từ bên trong, từ tận gốc rễ, tức là nghĩ đến người khác với đầy lòng yêu mến,
không xét đoán ai nhưng cảm thông, tha thứ và muốn điều tốt cho họ.
Theo Kinh thánh, ngày bắt đầu từ chiều tối:
“Qua một buổi chiều và một buổi sáng, đó là ngày thứ nhất” (St 1,5). Điều ta
đang sống là làm sao để hoàn tất tốt đẹp một ngày đang qua đi để đón chào ngày
vĩnh hằng đang tới. Hướng sống của người tín hữu Chúa không phải là nguyên lý
nhân quả nhưng là sống theo đúng mục đích Thiên Chúa đã định sẵn cho ta. Ta
không nhắm níu kéo hoàng hôn của ngày hôm trước nhưng chuẩn bị tiến vào rạng
đông của ngày hôm sau, ngày ta đọc thấy nơi câu cuối cùng của kinh Tin kính,
tại điểm đến của lịch sử ơn cứu rỗi : “Tôi tin xác loài người ngày sau sống
lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen.”
Xin mời xem bài sau: Chọn giữa hai miếng
trắng.
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá
Khánh
a. Khải huyền là một thể
văn đặc biệt của Do Thái giáo, phổ biến từ thế kỷ 2 trước Chúa Giêsu, vào giai
đoạn đen tối khi dân Chúa bị áp bức, bách hại. Mục đích của thể văn này là nâng
đỡ tinh thần các tín hữu bằng cách trình bày cho họ thấy cơn bách hại chỉ là
một giai đoạn trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn là chủ của lịch
sử, cơn bách hại cũng nằm trong quyền kiểm soát của Người và dứt khoát Người sẽ
chiến thắng và giải thoát dân Người.
b. Cuốn sách cuối cùng
của Tân Ước cũng theo thể văn khải huyền này nhằm khích lệ các Ki-tô hữu đang
trải qua những cơn bách hại khốc liệt vào cuối thế kỷ thứ nhất. Lời an ủi dựa
trên sự khẳng định quyền làm Chúa của Đức Giê-su Con Thiên Chúa, đã làm Con
Chiên Vượt Qua mới, chiến thắng tử thần để giải thoát Dân Mới, đang nắm quyền
điều khiển lịch sử và nhất định sẽ toàn thắng để đưa Hội Thánh đến với Người
trong trời mới đất mới.
c. Ngôn ngữ của sách
Khải huyền: Tác giả thường dùng hình ảnh và mầu sắc để gây ấn tượng. Các hình
ảnh và các con số đều mang ý nghĩa tượng trưng bí ẩn, nhưng đọc kỹ sẽ tìm ra
chìa khóa để “giải mã” được cài sẵn trong bản văn.
d. Sách Khải huyền hướng
người đọc vào viễn tượng chung kết của lịch sử cứu độ để tìm giải đáp cho tình
huống có vẻ bế tắc hiện tại. Do đó một đàng vận dụng toàn thể Cựu Ước và Tân
Ước để cho thấy sự phát triển liên tục của lịch sử cứu độ, một đàng mở rộng ý
nghĩa của các biểu tượng để thời đại nào cũng có thể dựa vào đó mà đọc ra ý
nghĩa cứu độ của “ngày hôm nay”.
đ. Hệ quả của cách trình
bày này là người đọc phải thuộc Cựu Ước và nhạy bén với những cách “tái chế”
hoặc lắp ghép của tác giả để đưa một ý nghĩa mới vào một hay nhiều hình ảnh có
sẵn. Đồng thời, độc giả không được vội vàng “đầu cơ” những hình ảnh đó cho
riêng hoàn cảnh, thời đại của mình. Một ví dụ cụ thể là con số một ngàn năm đã
bị “đầu cơ” vào thời điểm năm Một ngàn rồi cũng đã bị “đầu cơ” vào thời điểm
năm Hai ngàn để gây hoang mang về “ngày tận thế”. Các con số về thời gian trong
sách Khải huyền đều mang ý nghĩa biểu tượng để chỉ tính cách giới hạn của một
biến cố, một quyền lực đối diện với Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là
khởi nguyên và là cùng tận của mọi sự. Trước mặt Người “một ngày ví thể ngàn
năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pr 3, 8).
e. Đọc sách Khải huyền
là để củng cố lòng tin vào quyền năng cứu độ của Thiên Chúa đang thi thố trong
lịch sử, dù trước mắt chỉ thấy bế tắc và đen tối. Không gì ngăn cản được quyền
năng cứu độ Thiên Chúa đã trao cho Đức Giê-su Ki-tô, Con Chiên đã bị sát tế và
nay đang sống.
(Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu
Và Tân Ước, Nxb TP.HCM, 1999, trang 1288-1289)
Bảng chữ tắt:
Đnl:
Sách Đệ Nhị Luật trong Cựu ước.
Kh:
Sách Khải Huyền trong Tân ước.
2Lên:
Đường lên núi Cát Minh, quyển 2
Lc:
Sách Lu-ca trong Tân ước.
NK:
Nhật ký của Thánh nữ Faustina.
2Pr:
Thư 2 Phê-rô trong Tân ước.
St:
Sách Sáng Thế trong Cựu ước.
1Tx:
Thư 1 Tê-xa-lô-ni-ca trong Tân ước.
Muốn
tìm xem các bản văn Kinh thánh, mời bạn vào
https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ - Tại cửa sổ mục lục, bạn dò tên sách cần
tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số chương trong ngoặc vuông
ở lề bên phải.