CHIA SẺ MỪNG NĂM
THÁNH - Bài 3
HAI THỦ PHẠM KHIẾN MÙA THẤT THU
Xin chào mọi người, xin chào các bạn trẻ,
Ngạn ngữ Công giáo
vẫn nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh người có đạo”. Phải chăng
sau lễ phong hiển thánh, những hạt giống đã nảy sinh hàng loạt? Ba mươi năm
rồi, nhìn lại, sự thật thế nào? Rất có thể chúng ta đang nằm trong trường hợp
hạt giống âm thầm mọc Chúa đã nói ở Tin mừng Marcô 4,26-29, đang chờ đến lúc
mọc lên, mà “đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2Pr 3,8).
SAU ĐÊM VẤT VẢ LUỐNG CÔNG
Số liệu trong quyển “Giáo hội Công Giáo Việt Nam – Niên giám
2016”, khiến ta phải nghĩ vậy. Ở các trang 480 – 482 ta thấy tổng số tín
hữu cả nước là 6.756.303 và số người lớn được rửa tội trong năm 2015 là 38.050
người. Chia ra, phải hơn 177 tín hữu cũ mới được 1 tín hữu mới. Có người tọc
mạch tìm xem trong tổng số 38.050 có mấy mươi phần trăm theo Đạo trong dịp lập
gia đình và đi đến kết luận: Hóa ra chỉ có mấy cô cậu đang cặp bồ dung dăng
dung dẻ kia tham gia truyền giáo hữu hiệu, còn những người khác kể như chẳng ai
làm được gì!
Người ta bảo ấy là
chuyện số lượng, thế nhưng liệu chừng thông tin về số lượng lại không hàm chứa
một tiết lộ về phẩm chất đó sao?
Phải nhận rằng tất cả
chúng ta, từ triều đến dòng, từ các ban bệ cấp cả nước và giáo phận cho đến các
hội đoàn trong từng giáo xứ, từ cha sở tới giáo dân, tất cả chúng ta ai cũng
đều cố gắng để rồi, cũng như các Tông đồ xưa, vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được
gì. Sự việc xảy ra cho nhóm của Thánh Phêrô hai lần. Lần đầu khiến ngài chợt
thấy mình đầy tội lỗi. Thế còn ở lần sau, “Thưa Thánh nhân, thế còn ở lần sau,
Ngài đã rút được kết luận gì?” - “Ờ, ờ nhỉ! Hình như tại vì suốt cả đêm chúng
tôi chỉ toàn thả lưới bên tay trái… Rồi Chúa bảo chúng tôi thả bên tay phải!…”
Vâng, có lẽ vì chúng ta cứ mải thả lưới bên trái thuyền. Nào, hãy nghe lời Chúa
và cùng bắt đầu lại, thả lưới bên phải thuyền…
Ta hãy để cho Chúa an
ủi và hãy an ủi nhau. Đừng buồn! Đêm vất vả luống công chẳng phải là chuyện của
riêng 26 giáo phận trên mảnh đất chữ S này mà là của Hội thánh toàn cầu. Tông
huấn “Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế
giới ngày nay” mời gọi chúng ta tìm một câu trả lời chung với anh chị em đồng
đạo trên thế giới.
HAI THỦ PHẠM
Với chương 1 của tông
huấn Tiếng gọi nên thánh, câu trả lời
cho đêm vất vả luống công chính là ở chỗ Hội thánh chưa “thánh” đủ, chưa “thuộc
về Chúa” cho đủ. Đúng như ghi nhận của một nhà truyền giáo nọ: Người ta nể phục
chúng ta tổ chức giỏi, thậm chí kinh doanh giỏi, nhưng không thấy chúng ta là
người của Thiên Chúa.
Với tinh thần khiêm
nhường, trong Năm Thánh các chứng nhân đức tin, cộng đồng Dân Chúa Việt Nam
đang có cơ hội mở lòng ra với ơn Chúa. Nhờ
đó, có thể ta còn nhận ra được nguyên nhân cụ thể hơn. Nơi chương 2 của Tông
huấn, Đức Phanxicô vạch mặt chỉ tên hai
kẻ thù tinh tế của sự nên thánh. Mà kinh nghiệm của Dân Chúa cho thấy giữa lãnh
vực tâm linh bên trong với lãnh vực mục vụ bên ngoài, sự việc không khác gì
nhau. Ta cần nghe lại điều Đức Thánh Cha cảnh báo về bước tiến trên đường nên
thánh để tìm ra ánh sáng kiểm điểm xem cả về mặt mục vụ, ta có bị thần dữ lừa
gạt tương tự như thế chăng. Ta hãy đi từ văn cảnh của điều ngài dạy trong tông
huấn là lãnh vực nên thánh:
“Tôi muốn lưu ý đến
hai thứ thánh thiện giả mạo có nguy cơ khiến chúng ta lầm lạc: thuyết ngộ đạo
và thuyết Pêlagiô. Hai lạc thuyết này đã có từ thời Kitô giáo sơ khai, nhưng
hiện vẫn hết sức đáng quan tâm. Ngay ở thời nay rất nhiều Kitô hữu vẫn bị những
ý tưởng dối trá này lôi cuốn mà có lẽ không hề ngờ” (Nên thánh, số 35). Nói tắt,
- Nhóm ngộ đạo là
những người chạy theo sự bừng ngộ, tự cho là mình nhận được những hiểu biết sâu
nhiệm và đặc biệt, hơn hẳn mọi người.
- Nhóm Pelagio là
những người không tha thiết với ơn Chúa, chỉ dựa trên sức riêng mình.
Cả hai thái độ ấy rất
gần với lý tưởng ngoại giáo về sự hoàn thiện. Ngộ đạo gần với lý tưởng giác
ngộ, lý tưởng “tu là cội phúc, tình là dây oan”, “tu là trong, lập gia đình là
đục”, cùng với những “thành quả”, những “trình độ” đạt được nhờ tu tập. Thái độ
Pelagio rất gần với những người chủ trương tự cứu bằng sức riêng mình: tự thắp
đuốc mà đi.
Gọi là lý tưởng, có
nghĩa rằng, trước mắt người đời, đó là những giá trị trổi vượt và người ngoại
giáo hiểu đó là chuyện đương nhiên. Người Kitô hữu không phủ nhận những điều ấy
là một thứ giá trị nào đó, nhưng khẳng định rằng những thứ ấy chẳng có ý nghĩa
gì với ơn cứu rỗi nếu chưa có Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, bởi vì ơn cứu rỗi
là được hiệp nhất trong yêu thương hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Thật vậy,
“ngoài Đức Kitô ra, không ai đem lại ơn
cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân
loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).
TỰ HỎI MÌNH
Đức Thánh Cha bảo
rằng ngày nay rất nhiều Kitô hữu vẫn bị hai ảo tưởng dối trá này lôi cuốn mà có
lẽ không hề ngờ. Thường thì kẻ lạc về phía này, người lạc về phía khác, mà lắm
khi cả hai ảo tưởng có thể xảy ra nơi cùng một người. Tạm ví dụ về thái độ ngộ đạo:
Khi tham gia các đoàn thể đạo đức, ta có thể rơi vào ảo tưởng mình thánh thiện
hơn người khác, hoặc khi ta dương dương tự đắc đấu lý nhằm thuyết phục người
khác theo Đạo, hoặc khi ta thấy mình “nắm vững vấn đề” hơn ai đó và vì thế… ta
thánh thiện hơn họ… Rồi về thái độ Pelagio, cậy vào sức riêng: Khi ta dấn thân
làm tông đồ hoặc bác ái từ thiện và thản nhiên bỏ bê cầu nguyện. Xin trích
nguyên văn số 57:
“Tuy nhiên, vẫn có
một số Kitô hữu cứ nhất quyết đi theo một con đường khác, đòi tự công chính hoá
bằng sức riêng, vẫn cứ tôn thờ ý chí nhân loại và khả năng riêng của họ. Kết
quả là một sự tự mãn quy về mình và tự coi mình là ưu tú, mất hẳn tình yêu chân
thật. Điều này được diễn tả bằng nhiều cách suy nghĩ và hành động có vẻ rời rạc
khác nhau: việc bám chặt vào luật lệ, việc quá bận tâm với các lợi thế xã hội
và chính trị, một sự bận tâm chi li về phụng vụ, tín lý và uy tín của Hội
thánh, một sự huênh hoang về khả năng quản lý các vấn đề thực tiễn, và say sưa
tìm đủ cách tự hoàn thiện nhằm đạt được thành tựu cá nhân. Một số Kitô hữu dành
hết thời giờ và sức lực cho những điều ấy thay vì để cho Chúa Thánh Thần hướng
dẫn theo con đường tình yêu, say mê truyền đạt vẻ đẹp và niềm vui của Tin mừng
và tìm kiếm những anh em bị mất hút giữa đám đông vô số những người đang khao
khát Đức Kitô.”
CÔNG CUỘC CỦA CHÚA VÀ CÔNG CUỘC CON NGƯỜI
Khi tĩnh tâm, ta dễ
nhận ra trong lòng ta vốn có kẻ nội thù đồng lõa với thần dữ. Kẻ đồng lõa ấy
mang tên một mối tội đầu nào đó. Qua tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh, với đặc sủng phân định của người tu sĩ Dòng
Tên, Đức Thánh Cha đã nhận ra đầu mối tạo nên cuộc khủng hoảng trong Hội thánh
ngày nay và đã gọi đích danh nó. Chính hai não trạng ngộ đạo và Pelagio chi
phối nặng nề cách suy nghĩ cũng như cách hành động của nhiều tôi tớ Chúa, khiến
họ biến công cuộc của Thiên Chúa thành công cuộc nhân loại, tiêu tốn hết nhiệt
tình, thời giờ và năng lực vào những chuyện sẽ trở thành vô nghĩa trước nhan
Thiên Chúa. Những bận tâm nhân loại ấy che khuất tầm nhìn đời đời. Sự cậy dựa
vào sức người cũng như vào sự khôn ngoan nhân loại chặn đứng mất nguồn ân sủng
Thiên Chúa vẫn hằng tuôn đổ dạt dào.
Đức Thánh Cha không
bàn tới hai lạc thuyết ấy như những hệ thống ý tưởng nhưng như hai thái độ nội
tâm lấy con người làm chuẩn (x. Tgnt,
35). Ngài không quả quyết rằng anh chị em chúng ta tại Việt Nam ngày nay mắc
phải hai thái độ ấy. Ngài chỉ quả quyết rằng những thái độ ấy “đang đè nặng và
ngăn chặn sự tiến bộ của Hội thánh trên con đường nên thánh… Chúng có nhiều
hình thức khác nhau, theo khí chất và cá tính của mỗi người (Ta cũng có thể nói
thêm: “và của mỗi nhóm người” - TTT). Rồi ngài kết luận: “Vì vậy, tôi khuyến
khích mọi người hãy suy nghĩ và phân định trước mặt Thiên Chúa xem chúng có thể
đang dần dần lộ rõ nơi cuộc sống của mình hay không” (Tgnt, số 62).
Với hình ảnh “dần dần
lộ rõ nơi cuộc sống của mình”, tiếp đây, xin được chuyển việc kiểm điểm sang
lãnh vực mục vụ.
Mỗi cá nhân cũng như
mỗi nhóm khó tránh khỏi đã có những lúc rơi vào cạm bẫy của ham danh, ham lợi,
ham thú vui hay quyền lực. Tuy nhiên không phải vì thế mà giờ đây chúng ta khép
kín trong mặc cảm không dám hoán cải. Đức Thánh Cha viết: “Khiêm tốn chỉ có thể
bén rễ trong lòng qua những sự hạ nhục. Không có sỉ nhục, thì không có khiêm
tốn hay thánh thiện” (Tgnt, 118).
Theo gợi ý của Đức
Thánh Cha, tôi cũng đã dừng lại, suy nghĩ và phân định và nhận ra ảnh hưởng của
hai thái độ ấy nơi bản thân mình không nhỏ. Những lúc tôi tưởng mình hơn người
khác và ngấm ngầm phê phán họ, là tôi đang theo pháp môn ngộ đạo. Có những khi
tôi chỉ làm toàn chuyện mình thích, không chịu tìm ý Chúa; hoang phí hết thời
giờ và năng lực vào chuyện phụ, sao nhãng chuyện chính, chạy theo hình thức phô
trương bên ngoài mà quên mất bên trong, đó là tôi đang theo đuổi lý tưởng
Pelagio. Cả hai thái độ lệch lạc ấy dẫn tôi tới chỗ say sưa với công cuộc riêng
của mình và mọi sự trở thành công cốc. Đúng như ghi nhận của Thánh Gioan Thánh
Giá: “Làm việc của Chúa thì trong một giờ có thể thu hoạch được nhiều hơn làm
việc riêng của ta suốt cả một đời” (Châm
Ngôn, số 133).
MẤT MỘT ĐƯỢC HÀNG TRĂM
Lý thuyết Pelagio khi
đề cao ý chí cũng đề cao sự khôn khéo và luồn lách theo kiểu thế gian, rồi đi
tới chỗ hoàn toàn vững bụng vì có đủ tiền bạc, phương tiện, thế lực… Dần dần nó
đánh tráo cả phương tiện (cậy dựa vào sức riêng và tiền bạc thay vì ơn Chúa)
lẫn mục đích (tìm kiếm và chiếm hữu của cải vật chất thay vì phụng sự Thiên
Chúa). Đúng như lời Chúa cảnh báo: “Không
ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn
bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa
làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).
Sau đêm vất vả trắng
tay, tôi không tự tha thứ cũng không tự biện hộ nhưng tôi linh cảm rằng chính
Thiên Chúa đã có cách để biện hộ cho ta. Có thể ta đã sai lầm trầm trọng nhưng
Thiên Chúa vẫn thương xót thiện chí của ta vì, nói chung, ta đã hành động theo
“một lương tâm ngay thẳng và một tâm hồn trong sạch” (1Tm 1,5). Có thể nói rằng
ta lầm nhưng chẳng biết mình lầm (x. Lc 23,34). Thiên Chúa cho ta trắng tay là
để giáo dục ta, cho ta sáng mắt ra, khỏi tự tôn tự mãn, và rồi giờ đây Ngài lại
dùng giáo huấn của Đức Thánh Cha để giúp ta nhìn thẳng vào sự thật và sự thật
sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Có đoạn
tuyệt với hai não trạng ngộ đạo và Pelagio, ta mới cảm nghiệm được điều
Chúa hứa: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề
có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì
Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị
em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu
ở đời sau.” (Mc 10,29-30) và: “Cành
nào sinh hoa trái, thì Ngài cắt tỉa cho nó
sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2).
NHÌN LẠI MỤC ĐÍCH
Theo lời Đức Thánh
Cha khuyến khích, mỗi chúng ta cần suy nghĩ và phân định xem mình có bị đánh
tráo cả mục đích và phương tiện một cách tinh vi chăng? Có nhiều cách để tự
trắc nghiệm: Cách thứ nhất là nhìn lại thử nội dung chính trong câu chuyện hằng
ngày của ta ở bàn ăn là gì? Có phần trăm nào bàn về Nước Thiên Chúa và sự công
chính của Ngài hay chỉ toàn nói tới những thứ linh tinh khác? (x. Mt 6,33).
Cách thứ hai là xem thử chúng ta đang dùng tiền bạc vào việc gì? Có mấy phần
trăm trực tiếp nhắm đến việc loan báo Tin mừng? Cách thứ ba là dựa trên quy tắc
“xem quả biết cây” (Mt 12,33) hoặc, nói theo thánh Phaolô, “gieo giống nào, sẽ gặt giống ấy” (Gl 6,7): Ta
có thể dựa trên những thành quả mình tự hào để biết mình đã gieo gì, đã tìm gì!
Liệu ta có thực sự tìm kiếm các linh hồn như thánh Gioan Bosco hay là ngược
lại? “Xin cho con các linh hồn, bao nhiêu thứ khác mất còn kể chi, Chúa cần xin
cứ lấy đi…” Ta không gặt hái được các linh hồn, chẳng phải vì ta chỉ toàn lấy
các chuyện khác chứ chưa lấy việc cứu vớt các linh hồn làm mục đích?
Muốn tránh vấp lại
tình trạng lầm nhưng chẳng biết mình lầm, ta cần biết phân định để nhận rõ được
đâu là ơn soi dẫn của Chúa, đâu là sự xúi giục của Satan. Đầu thế kỷ XIII, năm
1209, thánh Albertô thượng phụ Thành Giêrusalem đã căn dặn các tu sĩ Cát Minh:
“Phải biết sáng suốt phân định, vì sự sáng
suốt phân định chính là quy luật của các nhân đức” (Qui luật tiên khởi, số 24).
Xa xưa hơn, ngay trong các thư Tân ước, các thánh Tông đồ đã nhắc nhở ta phải
sáng suốt như thế (x. Cl 1,9; Hr 6,14; 1Ga 4,1-2).
Phần thứ ba trong
chương 5 của Tông huấn là một dẫn nhập ngắn gọn và dễ hiểu về kinh nghiệm phân
định để kiếm tìm và thực hiện ý Thiên Chúa. Ở bài sau, chúng ta sẽ chia sẻ về
kinh nghiệm này.
Lm
Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh