CHIA SẺ MỪNG NĂM
THÁNH - Bài 4
VƯỢT THẮNG NHỮNG CÁM DỖ LÀM ĐIỀU TỐT
Xin chào mọi người, xin chào các bạn trẻ,
Chương 2 của Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh cho thấy hai thái độ Ngộ đạo và Pêlagiô tạo cho
ta một sự thánh thiện ảo. Với bài 3, tôi đã phụ họa với Đức Thánh Cha để chia
sẻ thêm rằng hai não trạng ấy còn đem lại cho ta những thành quả ảo trong lãnh
vực mục vụ, cụ thể là trong việc loan báo Tin mừng cho lương dân. Hai thái độ
lệch lạc ấy đã khiến thân cây Giáo hội vướng phải đầy dẫy những nhánh tầm gửi
ăn bám, bị chúng hút cạn nhựa sống không sao phát triển được. Muốn thoát khỏi
đám ký sinh ấy, phải chấp nhận bị cắt gọt, chặt chém đau đớn.
Trong tông huấn Tiếng
Gọi Nên Thánh, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta có thể bị hai thái độ ấy lôi cuốn mà
không ngờ, cần sáng suốt phân định (x. số 35). Đến cuối tông huấn, ở chương 5, ngài
chia sẻ cho ta
những khái niệm và kinh nghiệm dễ hiểu về phân định.
NHỮNG
CÁM DỖ LÀM ĐIỀU TỐT
Ngày nay kinh nghiệm về phân định đang được nhấn mạnh tại
các chủng viện và dòng tu nhưng còn rất xa lạ với giáo dân Việt Nam. Muốn làm quen với kinh nghiệm này, bạn đọc giáo dân có thể bắt đầu với
những chỉ dẫn trong quyển Kinh Nguyện Gia
Đình và Gia Lễ Công Giáo (KvG), trang 208-209 về ý Chúa nơi việc bổn phận,
rồi đến các chỉ dẫn ở trang
212, mục “xét mình phát hiện cám dỗ làm điều tốt”:
“Quỷ dữ không
những cám dỗ ta làm điều xấu nhưng còn dẫn dụ ta chạy theo những điều tốt giả,
tức là những điều có vẻ tốt nhưng Chúa không muốn ta làm lúc này. Quyết chọn
của người Kitô hữu không phải là làm bất cứ điều tốt nào, cũng không phải là
làm điều tốt lớn hơn hay lớn nhất, nhưng là chỉ làm những điều tốt Thiên Chúa
muốn cho ta làm. Như thế cần phải xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết việc
phải làm và đủ sức làm việc ấy. Ý Chúa không phải là một điều gì phức tạp. Ta
chỉ cần giữ vững một lương tâm ngay thẳng và một tấm lòng trong sạch là nhận ra
ý Chúa. Cứ chí thú vào việc bổn phận hiện tại sẽ thấy ơn Chúa luôn đủ cho ta
cách kỳ diệu.
Có hai loại điều tốt chủ quan khiến ta
lạc xa ý Chúa:
- Những điều dễ thành
công, thường chỉ là điều phụ, không cần thiết nhưng lại được thổi phồng thành
điều chính và hết sức cần thiết đến độ chúng ta rơi vào ảo tưởng, bỏ hết những
điều hệ trọng để chạy theo làm cho bằng được (như mải lo hái hoa bắt bướm dọc đường,
và bị trễ hẹn).
- Những điều tốt Chúa
ban cho ta một thời gian rồi Chúa đòi ta buông bỏ để có thể nhận được những
điều khác tốt đẹp, quý giá hơn; thế nhưng ta lại khư khư giữ chặt (như đứa bé
giữ chặt mẩu bánh trong tay), không dám buông ra để rảnh tay đón nhận.
Muốn vượt thắng những cám
dỗ làm điều tốt, ta cần có thái độ “khiêm nhường và từ bỏ” (Theo Thánh
Gioan Thánh Giá, quyển 2 Đường Lên Núi
Cát Minh 11,8). Thánh Têrêxa Avila thêm một từ: “yêu thương, khiêm nhường
và từ bỏ” (Đường Hoàn Thiện 4,4).
Thánh Inhaxiô đã được ơn trải nghiệm và từ đó rút ra
những quy tắc giúp ta phân định, nhận rõ những thúc giục khác nhau của hai thần
hứng trái ngược: thần lành và thần dữ (Linh
Thao, số 313-336). Tuy nhiên bạn chưa cần phải bận tâm tới những kinh
nghiệm hơi phức tạp của ngài. Hãy bắt đầu bằng kinh nghiệm đơn giản được Đức
Thánh Cha nhấn mạnh, là sự xét mình về những điều rất nhỏ giữa đời thường.
TỈNH TÁO
TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ
“Sự
phân định không phải chỉ cần thiết vào những thời điểm khác thường, khi ta cần
giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hoặc phải có một quyết định quan trọng. Phân
định là một công cụ chiến đấu giúp ta theo Chúa cách tốt hơn. Ta luôn cần nó,
để nhận ra được đâu là giờ của Thiên Chúa và của ân sủng Ngài, để khỏi lãng phí
ơn linh hứng của Chúa và khỏi bắt hụt lời Ngài đang mời gọi lớn lên. Việc phân
định này thường phải làm từ trong những việc nhỏ, nơi những việc có vẻ tầm
thường, bởi lẽ cái lớn lao vẫn lộ rõ ngay giữa những việc đơn giản hàng ngày.
Không riêng những gì lớn lao, cao cả hơn và tốt đẹp hơn mới cần được phân định,
nhưng cùng lúc cũng phải chú ý đến cả những gì bé nhỏ, những trách nhiệm và
những dấn thân trong cuộc sống mỗi ngày. Vì thế, tôi xin hết mọi Kitô hữu đừng
quên thưa chuyện với Chúa là Đấng yêu thương ta để thành tâm xét mình mỗi ngày.
Sự phân định cũng giúp ta nhận ra những phương thế cụ thể Chúa xếp đặt trong kế
hoạch mầu nhiệm đầy yêu thương của Ngài, để giúp ta không chỉ ngừng lại với những
ý định tốt lành” (Sđd, số 169).
Phần đông nữ tu, nhiều linh mục và nam tu sĩ tại Việt Nam
đã trải qua kinh nghiệm Linh thao Inhaxiô, đã được hướng dẫn về kinh nghiệm này
nhưng có thể chưa quán triệt. Với tông huấn Tiếng
Gọi Nên Thánh, vị Giáo hoàng dòng Tên trình bày kinh nghiệm này bằng một
ngôn ngữ dễ hiểu cho đại chúng bình dân. Đây có thể là dịp tốt để các linh mục
và tu sĩ thấy tầm quan trọng của vấn đề và có cảm hứng đọc lại chính văn của
Thánh Inhaxiô và thực tập để nắm vững và có thể hướng dẫn cho người khác.
MỘT VÍ DỤ DỄ HIỂU
Phần
tôi, xin tạ ơn Chúa vì mới gần đây Chúa vửa để cho tôi trải qua một kinh nghiệm
bị đánh lừa có thể giúp bạn đọc giáo dân dễ nắm bắt vấn đề đang nói đây.
Năm
nay tôi 72 tuổi, đã hơn 42 năm linh mục và đã giảng tĩnh tâm theo kinh nghiệm
thánh Inhaxiô và kinh nghiệm dòng Cát Minh nhiều chục năm. Thế nhưng ngay khi
viết loạt bài chia sẻ này để phục vụ Dân Chúa trong Năm Thánh, tôi đã bị thần
dữ đánh lừa mà không ngờ. Tôi đã đưa lên mạng internet ba bài chia sẻ đầu dưới
tiêu đề: “Năm thánh để Chúa an ủi Dân Ngài”. Tôi những nghĩ rằng các bài viết
ấy ích lợi cho nhiều linh hồn và sẽ được nhiều người thích thú đón nhận. Thế
nhưng một vị Giám mục tôi yêu kính đã thẳng thắn góp ý là những bài viết ấy
thiếu tính xây dựng. Thoạt
đầu tôi rất kinh ngạc và buồn vì phản ứng của ngài. Thế nhưng rồi tôi đã gõ vào
tất cả các trang của 26 giáo phận và thấy chỉ có 8/26 trang giới thiệu bài viết
của tôi. Hơn 2/3 không ủng hộ! Có nghĩa là không riêng vị Giám mục ấy mà rất
nhiều người không thích cách viết của tôi. Tôi đã quỳ trước Thánh Thể để xét lại
và đã thấy được vấn đề của chính tôi. Tôi đã viết những câu, những từ có vẻ đùa
cợt và tôi tưởng rằng vô hại. Ngờ đâu, chính những tiểu tiết tôi tưởng là “hay
ho” ấy lại đạp đổ bao nhiêu công sức của tôi. Đọc lại tôi mới thấy chính mình đã
tự làm hỏng những đóng góp của mình do những câu từ thiếu cân nhắc. Trong tông
huấn, Đức Thánh Cha có viết: “Sự khôi hài bệnh hoạn không phải là dấu chỉ của sự
thánh thiện” (Tgnt, 126). Điều ngài nói đây có lẽ không chỉ là những chuyện tiếu
lâm thiếu đứng đắn mà cả những sự khôi hài thiếu quan tâm tới người khác, có thể
làm sứt mẻ tình hiệp nhất vì khiến người khác không được vui. Do chủ quan, tôi
đã bị lừa, chạy theo một điều tốt giả
có tiềm năng phá hoại rất lớn, biến các bài viết của tôi thành phản tác dụng. Nhận
ra cái sai, tôi đã sửa lại hết các bài đã viết với tiêu đề mới là “chia sẻ mừng
Năm Thánh”, và đây là bài thứ tư.
Thử
tìm lại ba bài cũ trên trang conggiaovietnam.net
hoặc simonhoadalat.com và đem đối
chiếu với ba bài mới, bạn sẽ thấy đâu là phần mà hai cao thủ ngộ đạo và Pêlagiô
đã chèn vào đó để khiến người đọc tẩy chay không thèm đọc các bài ấy. Bạn sẽ hiểu
ra được những quái chiêu chúng dùng để vô hiệu hóa nỗ lực mục vụ của Giáo hội nhiều
nơi trên thế giới khi xúi giục chúng ta miệt mài với những mẻ lưới bên trái
thuyền.
CẢ BẠN NỮA
Tôi ghi lại cái vấp váp và cả nỗ lực xét mình của tôi như
một ví dụ từ cuộc sống thật để bạn thấy vấn đề, và đừng nản lòng. Cả những linh mục cao niên, nếu thiếu tỉnh táo phân
định vẫn dễ bị sa lầy vào những cám dỗ làm điều tốt. Đó là chuyện thường tình.
Điều quan trọng là biết đến với Chúa để Chúa lại hội nhập những sai sót lệch
lạc của ta vào đại cuộc của Ngài. Khi ta luôn sống theo một lương tâm ngay
thẳng và một tấm lòng trong sạch, dù ta có sai lầm đến đâu do thiếu kinh
nghiệm, Chúa sẽ tạo điều kiện để ta chỉnh sửa. Nếutrong những tuần qua bạn từng
gặp một vài vấp váp lớn nhỏ nào đó trong lời nói hoặc việc làm, cứ mạnh dạn đem
ra kiểm điểm, bạn sẽ rút được những kết luận hữu ích.
Mời bạn hãy thử xem, rồi sau đó, hãy đọc chương thứ 5 của
Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh, bạn sẽ
thấy háo hức với những chỉ dẫn của Đức Thánh Cha về chiến đấu, tỉnh táo và phân định. Mong rằng, nhờ nghiền ngẫm tông
huấn này, bạn cũng sẽ được Chúa soi sáng để biết gọi đúng tên kẻ lừa gạt là não
trạng ngộ đạo và Pêlagiô và hiểu được điều Đức Phanxicô muốn nói.
Hai não trạng ấy tự nó là sự tự cao tự mãn chẳng hay ho
gì nhưng đã trở thành lạc thuyết vì có những kẻ “nối giáo cho giặc”, lập luận,
dựng nên lý thuyết để bênh vực nó. Họ tiếp tay với bọn “quỷ đội lốt thiên thần
sáng láng” (2Cr 11,14) để ngụy biện, lừa bịp người đời, khoác cho tội lỗi lớp
áo của nhân đức, gắn cho sự hủ bại nhãn hiệu của sự thánh thiện. Họ về phe với
thứ quỷ không cám dỗ ta làm điều xấu nhưng đánh lừa ta bằng những điều tốt giả,
những cái đẹp chủ quan. Đây không phải chuyện lý thuyết ở đâu xa nhưng là
chuyện mỗi chúng ta vẫn gặp thường ngày. Khi ta bị lệch lạc do ham danh, ham
tiền, ham thú vui hay quyền lực, thì đó chỉ mới là những yếu đuối của thân phận
làm người. Thế nhưng nếu ta cố chấp trong những lệch lạc ấy, tìm cách tự biện
hộ, thì ta bắt đầu trở thành kẻ hưởng ứng, lý thuyết gia hay cổ động viên của
phái ngộ đạo và phái Pêlagiô.
SATAN KHÔNG NGỦ
Cần
hết sức tỉnh táo. Hoàn cảnh xã hội có thể khiến số đông người cùng phản ứng như
nhau rồi cùng nghĩ như nhau suốt nhiều năm tháng, biến sự lệch lạc thành một
não trạng, một định kiến chung, đến nỗi người ta có thể bị mất đức tin rồi mà
vẫn tưởng mình rất thành tín, như lời Chúa cảnh báo từ xưa: “Khi Con Người ngự
đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt
đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Tình cảnh hết sức khó khiến ta có thể tự hỏi: Sự
thật ở phía đám đông hay ở phía Đức Thánh Cha?
Mời
bạn trở lại phần đầu chương 5 của Tông huấn. Ở đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự
có mặt của ma quỷ. Ngài cho thấy nó không ngừng hành động để lừa gạt ta cách
tinh quái. Thiên Chúa đã cho ta lên đường theo mệnh lệnh Ngài và nhắm đạt mục
đích cuối cùng là chính Thiên Chúa, là danh Cha, nước Cha và ý Cha. Thế nhưng
dần dần quỷ dữ đã lừa gạt tinh vi, đánh lận con đen, đánh tráo cả mục tiêu (chỉ
còn nhằm tự hào, khai báo thành tích) lẫn nguồn lực (tự mãn, chỉ tin vào vật
chất, các thế lực và phương tiện trần thế).
Một khi bị đánh tráo
cả mục đích và nguồn lực, công cuộc ta theo đuổi sẽ thành một công cuộc của ai
khác chứ không còn là của Chúa nữa, sẽ qui về một điều gì khác chứ không qui về
điều Thiên Chúa muốn là sự nên thánh của bản thân, sự cứu rỗi các linh hồn và
tình yêu thương hiệp nhất cho nhân loại. Ta cần tỉnh thức và quả cảm chiến đấu
để đứng vững (x. số 158-163) và khỏi rơi vào sự hủ bại tinh thần (x. số 164).
LÀM ĐÚNG ĐIỀU TỐT CHÚA MUỐN
Từ “hủ bại”
(corruption) Đức Thánh Cha dùng đây dịch sát nghĩa là “tham nhũng”, tức là lạm
dụng ơn Chúa để biến công cuộc của Thiên Chúa thành công cuộc riêng, nhằm hư
danh riêng và thỏa mãn riêng. “Sự hủ bại tinh thần còn tồi tệ hơn việc một
người sa ngã phạm tội, vì đó là một thứ thoải mái và tự mãn mù lòa, chuyện gì
cũng coi như có thể chấp nhận được: lừa dối, phỉ báng, ích kỷ và các hình thức
tìm mình khác rất tinh vi, vì “chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!”
[2 Cr 11,14] (Sđd, số 165).
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc phân định hết sức
cần thiết cho người tín hữu giữa xã hội xô bồ và đa chiều hiện nay. Họ cần biết
phân định để nhận rõ đâu là ý Chúa và mình phải làm tròn ý Chúa lúc nào và cách
nào.
Chỉ lánh dữ làm lành thôi, chỉ tránh điều xấu và làm
điều tốt thôi chưa đủ mà còn phải làm đúng điều tốt Chúa muốn. Phải loại trừ
điều tốt theo sở thích riêng để tìm kiếm điều tốt Thiên Chúa muốn cho ta. Tất
cả những điều tốt ta chỉ làm theo sở thích, không theo ý Thiên Chúa thì, dù có
vẻ cao cả tới đâu, đều sẽ bị gọi là điều gian ác: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!”
là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng
ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ
thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh
Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều
phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết
các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21-23).
Mời bạn suy nghĩ về những điều
ấy và theo dõi nơi chính cuộc sống mình, rồi sẽ thấy phân định không chỉ là
việc của những người thánh hiến. Bất cứ Kitô hữu nào muốn tiến bước trên đường
tâm linh đều phải biết phân định. Kinh nghiệm phân định tâm linh cũng sẽ soi
sáng cho bạn biết tổ chức cuộc sống đời thường, và ngược lại, kinh nghiệm cân
nhắc chọn lựa giữa đời thường cũng giúp ta biết cách diễn tả kinh nghiệm phân
định tâm linh cách dễ hiểu. Sự phân định giúp ta nhận rõ đâu là điều tốt chủ
quan và đâu là điều tốt Chúa muốn; đâu là chuyện vặt vãnh, đâu là đại cuộc; đâu
là tầm nhìn mau qua, đâu là tầm nhìn đời đời.
Qui Nhơn, 24-6-2018
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh