VỀ BÊN MẸ LA VANG
Chia sẻ
mừng Năm Thánh – bài 6
Xin
chào mọi người, xin chào các bạn trẻ,
Bảy năm
rồi, kể từ ngày phát thưởng cho các thiếu niên và nhi đồng đạt giải Lm Đặng Đức
Tuấn lần thứ hai (2011), nay tôi mới có dịp về với Mẹ La Vang, một thân một
mình, thảnh thơi với Mẹ, không phải lo cho đoàn hành hương hay một bạn đồng
hành nào cả. La Vang đã hoàn toàn khác, không mất vẻ hồn nhiên của một miền
thôn dã nhưng đã ngăn nắp thứ tự, tiện dụng cho đoàn hành hương mà rất mỹ thuật
trang trọng. Ngôi đại thánh đường còn đang ngổn ngang công việc cần sự đóng góp
của tín hữu khắp nơi, dù vậy, đã nổi rõ nét vương cung. Nhìn toàn cảnh, La Vang
ngày nay đã xứng danh là Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc của Giáo hội Việt Nam (Mời
xem hình ở cuối bài).
Năm
1955, mấy chục gia đình của làng quê Hà Tĩnh kéo nhau vào Nam, dừng chân tại
Quảng Trị mấy tuần. Những người lớn đã lội bộ mười mấy cây số đến La Vang cầu
nguyện, bọn nít nhỏ chúng tôi không được đi. Tháng 9-1990, cha Giuse Lê Viết
Phục, DCCT (1928-2017) ,dẫn tôi về thăm quê hương miền Bắc. Chúng tôi dừng chân
ngủ lại ở nhà xứ Trí Bưu, sáng ngày 09-9, hai cha con đạp xe đi La Vang. Tôi
được đến La Vang lần đầu. La Vang còn hoang sơ sau thời chinh chiến. Tôi đã quỳ
xuống cầu nguyện cho văn học Công giáo nước nhà. Hai mươi tám năm rồi nhìn lại,
đã luôn có Mẹ đồng hành. Hôm nay về đây một mình mà không thấy lẻ loi, gặp ai
cũng thân thương gần gũi.
Mẹ đã
đồng hành không phải chỉ với người con linh mục bé nhỏ của Mẹ mà đã chia vui sẻ
buồn với đoàn con của Mẹ trên quê hương này suốt dòng lịch sử. Năm 1798 là niên
biểu được ghi nhớ cho sự kiện Mẹ đến ủi an những tín hữu trốn lánh cơn bách hại
thời vua Cảnh Thịnh là con của vua Quang Trung. Theo nhận định của một thừa sai
dòng Phanxicô, thoạt đầu vị vua này không bách hại các tín hữu, trái lại còn có
vẻ ưu đãi họ… Tuy nhiên tình hình đã trở nên tồi tệ khi, vào cuối năm 1797, vua
Cảnh Thịnh bắt được bức thư của Nguyễn vương gửi Đức Cha Labartette khiến nhà
vua nghi ngờ người Công giáo tiếp tay cho đối phương của ông… Cộng thêm một số
lý do tương tự và sự dèm pha của một cận thần, ngày đêm to nhỏ bên tai, cuối
cùng, vua đã ban chiếu chỉ cấm đạo vào tháng 8 năm 1798.
Ngày
ngày, họ tụ tập dưới một cây đa cổ thụ để cầu nguyện. Địa danh La Vang là một
từ cổ đã có hằng ngàn năm trước, lúc ấy không ai rõ ý nghĩa. Thế nhưng người
giáo dân Kitô Quảng Trị vốn sẵn tính lạc quan, dù nghèo khổ hay đau thương vẫn
tìm ra lý do để cười vui.
Sau
1975, cha mẹ tôi đem gia đình về Ninh Thuận, ở giáo xứ Song Mỹ, liền bên xã
Quảng Sơn, gồm toàn bà con từ Quảng Trị vào, đem theo cả những tên gọi từ ngoài
“miềng” vào: Thạch Hãn, Đông Hà, Triệu Phong, Hạnh Trí, và có cả tên La Vang, tại
đó có ngôi nhà thờ khá đẹp.
Vào
những năm 1980, có lần tôi ghé thăm linh mục nhà thơ Sao Vườn Dầu (Giuse Ngô
Mạnh Điệp) thì nhóm “thầy chú” đang rộn ràng công việc phục vụ tại nhà xứ. Mấy
cậu nhỏ than chuyện này khó, chuyện kia khó. Anh chủng sinh lớn tuổi nhất, nay
đã là ông nội, ông ngoại rồi, cười lớn:
- Bay
yếu đức tin! Đây là La Vang! Có chuyện chi khó thì cứ la vang lên, kêu to lên,
là Đức Mẹ phải nghe!
Hầu như
ai trong họ cũng đều có cái “triết lý chơi chữ” rất đáng nể phục, dùng những
cách diễn giải rất dân dã nhưng cũng không kém nghiêm túc để vui vẻ ứng phó với
những tình huống khó khăn của cuộc sống. Những bạn đọc quen biết người Quảng
Trị nhiều có thể cũng có chung một ghi nhận với tôi. Hôm nay ngồi lại giữa La
Vang này, tôi hình dung thấy những người bạn, những người anh em Quảng Trị thân
thiết ấy giữa đám dân nghèo bị truy đuổi tới đây thời Cảnh Thịnh. Với giọng
nói, nét mặt và nụ cười đặc trưng rất đùa mà rất thật của bà con Quảng Trị, họ
đã diễn nôm La Vang thành “kêu to lên” giữa núi rừng, thành “lá vằng” được Đức
Mẹ ban ơn dùng làm thuốc chữa bệnh. Đúng là cái nét tiêu biểu của sự thánh
thiện mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu bật trong tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh: Khả năng biết đùa, khả năng hài hước (Tgnt, số
122-128).
Sử liệu
hiện nay cho biết địa danh La Vang đã có từ xa xưa, ít là từ đầu thế kỷ XII.
Hai bi ký Chăm đánh số C101 ở Mỹ Sơn và C17 ở Đané Ninh Thuận (cùng một nội
dung), ghi lại chiến thắng của vua Jaya Harivarman I năm 1150, đã nêu rõ địa
danh Lavang, gần Đông Hà (Dalvâ). Linh mục Gioan Võ Đình Đệ ở Tòa Giám mục Qui
Nhơn có cho tôi xem nội dung bi ký được dịch và trích đăng trong quyển “Dân tộc
Chăm lược sử” của hai tác giả người Chăm: Dorohiêm và Dohamide (giáo sư Nghiêm
Thẩm đề tựa), tác giả xuất bản năm 1965 (nhà in Lê Văn Phước, 72 Phát Diệm, Sài
Gòn), trang 59-60. Xem thêm: Lm Gioan Võ
Đình Đệ: Có một địa anh La Vang trong vương quốc Champa xưa https://dongten.net/2014/08/01/co-mot-dia-danh-lavang-trong-vuong-quoc-cham-pa-xua/38868/.
Ngày
nay, ngoài địa danh La Vang (thuộc thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng,
tỉnh Quảng Trị), ta còn có thể liệt kê một chuỗi dài những địa danh bắt đầu
bằng chữ La. Lần theo Tập Bản Đồ Giao
Thông Đường Bộ Việt Nam (Nxb Bản Đồ, Hà Nội, 2006, trang 101), sơ khởi, ta
có thể liệt kê từ Bắc vào Nam:
La Pan
Tần (Lào Cai), La Tiến, La Ngoại, La Mát (Hưng Yên), La Vân (Thái Bình), La Cầu
(Tiên Lãng, Hải Dương/HD), La Khê (Ninh Giang, HD), La Xá (HD), La Hán (Hòa
Bình), La Khê (Hà Đông, Hà Nội),La Sơn (Thanh Hóa), La Nham (Nghệ An), La
Trọng, La Hà (Ba Đồn, Quảng Bình), La Lay, La Ngà (gần Cửa Tùng, Quảng Trị), La
Hồ (Nam Đông, Thừa Thiên-Huế ), La Khê Trẹm (Thừa Thiên-Huế ), Ngũ La, gồm: La
Nang, La Huân, La Thọ, La Châu và La Bông (Quảng Nam), La Du (Quảng Nam), La
Hà (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi/QNg), La
Vân (Đức Phổ, QNg), La Tinh (Phù Mỹ, Bình Định/BĐ), La Vuông (Hoài Nhơn, BĐ), La
Đang (Hoài Ân, BĐ), La Hậu (An Lão, BĐ), La Hai, La Hiêng (Đồng Xuân, Phú Yên), La Ngoi, La Krai (Gia
Lai), La Hiềo (Đắc Lắc), La Ba (Lâm Đồng), La Chữ (Ninh Phước, Ninh Thuận/NT), La
Gan (Liên Hương, NT), La Gi (Hàm Tân, Bình Thuận/BT), La Bá (BT), La Dạ (Hàm
Thuận Bắc, BT), La Ngâu (Tánh Linh, BT), La Gan (Tuy Phong, BT), La Ngà (Đồng
Nai), …
Với
tiền tố “La”, địa danh La Vang gắn liền với rất nhiều sông, suối, núi, đồi hầu
như khắp mọi miền đất nước. Chưa biết rồi các nhà nghiên cứu sẽ tìm ra chữ La
trong chuỗi địa danh ấy có nghĩa là “sông”, là “ suối”, là “cây” hay là gì đó… thế
nhưng với cách chú giải lạc quan hài hước của những người xưa đầy đức tin, ta
có thể hướng về Thiên Chúa và cầu nguyện ở khắp nơi thật lớn tiếng, để về sau
trong từ điển chữ “La” còn có nghĩa là cầu nguyện lớn tiếng trong cảnh khốn
cùng. Chẳng riêng tại La Vang này ta mới có thể cầu nguyện, bất cứ nơi nào, dù
địa danh có khởi đầu bằng chữ “La” hay không, ta cẫn có thể nguyện cầu tha
thiết.
Khắp
nơi cùng hiệp lời cầu nguyện để kinh nghiệm tiền nhân từ nơi hẻo lánh này trở
thành kinh nghiệm chung của toàn dân tộc, khắp hải đảo, núi rừng, thôn quê,
thành thị. Ngày nay người tín hữu Công giáo khắp nơi vẫn cầu nguyện Lòng Chúa
Thương Xót vào lúc 3 giờ chiều. Có lẽ đó cũng là lúc ta có thể rủ nhau cầu
nguyện để kinh nghiệm La Vang từ xã Hải Phú này trở thành kinh nghiệm chung của
mọi người.
Thế
nhưng tôi đang ở giữa linh địa của Mẹ. Quanh tôi mọi người đều nguyện thầm, nói
khẽ, tôi nghĩ mình không nên la vang kẻo làm phiền người khác. Bất giác, tôi đã
hát lên với Mẹ câu hát thật ngắn. Xin gửi tặng bạn đọc để ai muốn hát với Mẹ
thì hát, ở đâu cũng hát được, lúc nào cũng hát được.
Tôi ước
mong một ngày thật gần đây, tại La Vang này, các mục tử trong Giáo hội sẽ chính
thức dâng nước Việt Nam cho Trái tim Đức Mẹ. Trong lúc chờ đợi xin mỗi chúng ta
hãy dâng bản thân và dâng cả quê hương dân tộc cho Đức Mẹ: “Lạy Mẹ Maria, toàn
thân con thuộc về Mẹ và tất cả của con là của Mẹ! Lạy Mẹ Maria, toàn thân con
thuộc về Mẹ và nước Việt của con là của Mẹ!”
La Vang 02.07.2018
Phối cảnh quy hoạch
Công trình Vương cung Thánh đường
La Vang đang tiến hành
Cổng đón và nhà chờ
Ảnh: BTTGp. Long Xuyên