TỌA ĐÀM VỀ VĂN HỌC CÔNG GIÁO
Nhân dịp
họp mặt các tác giả văn chương Công giáo lần thứ 10, sáng Chúa nhật 19/92021,
Ban Văn hóa giáo phận Quy Nhơn tổ chức tọa đàm văn học với chủ đề: “Văn học
Công giáo đương đại”. Ngày họp mặt này bắt
đầu từ dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, 21-22/9/2012 đến nay.
Mỗi năm Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đều tổ chức gặp gỡ các tác giả Công giáo
tại Chủng viện Qui Nhơn. Năm nay do hoàn cảnh đại dịch Covid, buổi gặp gỡ được
tổ chức trực tuyến.
Tuy thiếu
cảnh trực tiếp tay bắt mặt mừng, nhưng bù lại, số tham dự viên vượt hẳn các năm
trước. Tọa đàm được vinh dự đón tiếp Đức cha Matthêô, Giám mục Giáo phận Qui
Nhơn kiêm Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật thánh, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục
Giáo phận Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn,
nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học và Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Văn học
và gần một trăm tham dự viên là các tác giả Công giáo đến từ khắp các miền đất
nước cùng hai vị hải ngoại
Sau hát
kinh Chúa Thánh Thần, Đức cha Matthêô nhắc tới lai lịch ngày họp mặt và tuyên bố
khai mạc. Trong phần chia sẻ, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn ghi nhận rằng từ xa xưa,
đã có sự hội nhập văn học Việt Nam với phương Tây qua văn học Công giáo, và
ngày nay giới nghiên cứu ngày càng quan tâm tới Văn học Công giáo. Nhà phê bình
văn học Nguyễn Vy Khanh từ Canada bày tỏ sự vui mừng khi tham dự tọa đàm về văn
học Công giáo. Ông nói rằng thế hệ nghiên cứu lớp trước giờ đã “lão hóa”, và mừng
rằng, qua tọa đàm đã thấy thế hệ trẻ đang tiếp bước.
Tám diễn
giả đã trình bày tám chuyên đề từ nguồn gốc văn học Công giáo, Hán Nôm Công
giáo đến văn học Công giáo từ 1975 đến nay.
Cuối buổi
tọa đàm, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, có bài tổng kết.
Trước hết
ngài lượng giá buổi tọa đàm qua cụm đề tài về lịch sử, với các bài:
- Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo
thời đầu tại Việt Nam (Lm. Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Gp. Qui Nhơn).
- Hán Nôm Công Giáo (Ts. Maria Lê Thị Hà,
viện Hán Nôm).
- Bước dò dẫm của các cây bút nữ (Nữ tu
Anna Nguyễn Thị Bích Hạt, Dòng MTG Thủ Đức).
- Vài nét về văn học Công giáo trong nước
từ 1975 tới nay (Nhà văn Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang).
Rồi cụm
đề tài về văn học địa phương, với các bài:
- Văn học Công giáo Tây nguyên (Nhà nghiên
cứu Lê Phêrô Minh Sơn, Gp. Kontum).
- Du lịch văn học tại Bình Định? (Ts.
Lê Nhật Ký, Đại học Quy Nhơn).
Thứ ba
là cụm đề tài hướng đến tương lai, với các bài:
- Khích lệ các tác giả văn Công giáo (Nhà
văn Phêrô Nguyễn Văn Học, Gp. Hà Nội).
- Hướng tới một giải văn học Công giáo toàn quốc
(Lm. Gioan Phêrô Trăng Thập Tự, Gp. Qui Nhơn).
Từ hai
đề tài cuối này, Đức Cha Giuse đã cho câu trả lời về một điều được nhiều lần nhắc
lại qua các bài thuyết trình là ước vọng về một Giải Văn chương Công giáo toàn
quốc. Ngài cho biết đề xuất xin Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt
Nam ủy quyền cho một Ban Văn hóa Giáo phận có thực lực và kinh nghiệm là khả
thi. Ngài nói: “Chắc chắn ngay hôm nay chúng ta chưa thể đưa ra MỘT QUYẾT ĐỊNH CHÍNH THỨC,
vì cần phải có một sự đồng thuận cao từ chính chúng ta, của nhiều phía, để UBVH
sẽ có đề nghị chính thức tới các Bản quyền Giáo phận, và Ban VH của các GP liên
quan để mong được sẽ có một quyết định chính thức vấn đề này.” (Mời xem toàn văn bài phát biểu tổng kết đính kèm).
Phát biểu
ấy của Đức Cha Chủ tịch đã làm nức lòng cử tọa. Mọi người chia tay trong niềm
hân hoan đợi chờ sớm được thấy quyết định chính thức ấy.
Thư ký của Tọa đàm