Lời Sống

Tháng Hai 2018

 

“Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền.”

( Khải huyền 21:6)

Tông đồ Gioan viết sách Khải huyền để an ủi và khích lệ các tín hữu Kitô thời đó, trước những cuộc bách hại đang lan tràn. Đúng thế, cuốn sách, đầy dẫy những hình ảnh có tính cách tượng trưng, mạc khải cho thấy cái nhìn của Thiên Chúa về lịch sử và cuộc hoàn thành kết thúc: đó là cuộc toàn thắng chung kết của Thiên Chúa trên mọi quyền lực sự dữ.

Đó là lời hứa giải phóng khỏi mọi đau khổ: chính Thiên Chúa sẽ “lau sạch nước mắt (…) và sẽ không còn cái chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21:4)

“Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền.”

Viễn tượng này được nẩy mầm trong hiện tại, đối với bất kỳ người nào đã bắt đầu thành thực tìm kiếm  Chúa trong cuộc sống và Lời Người là lời tỏ hiện cho ta những dự tính của Người; đối với người cảm thấy mạnh mẽ trong lòng cơn khát chân lý, công bình, tình huynh đệ. Đối với Thiên Chúa, việc cảm thấy khát, việc tìm  tòi, là một đặc tính tích cực, một khởi đầu tốt và Người còn hứa ban cho chúng ta nguồn sự sống.

Nước mà Thiên Chúa hứa, Người ban nhưng không. Như thế nước đó không chỉ được ban cho người nào hi vọng mình sống đẹp lòng Chúa qua những nỗ lực của mình, mà cho bất kỳ ai cảm thấy gánh nặng của sự mong manh của mình và phó thác cho  tình thương của Chúa, tin chắc là mình được chữa lành và như vậy tìm được sự sống viên mãn, tìm được hạnh phúc.

Vậy ta hãy tự hỏi: chúng ta khao khát điều gì? Và ta đến nguồn nước nào để giải cơn khát?

“Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền.”

Có lẽ chúng ta khao khát được người ta chấp nhận, được một chỗ trong xã hội, thực hiện những dự định của mình… Đó là những khát vọng hợp lý, nhưng chúng có thể thúc đẩy chúng ta đến những giếng nước ô nhiễm vì ích kỷ, đóng kín nơi những lợi lộc riêng tư, đến chỗ áp bức người yếu đuối. Những người khổ vì thiếu giếng nước tinh khiết biết rõ những hậu quả thảm khốc vì thiếu nguồn nước đó, nguồn không thể thiếu để bảo đảm cho sự sống và sức khỏe.

Vậy mà khi đào đến tận đáy lòng, chúng ta sẽ tìm ra một cơn khát khác, mà chính Thiên Chúa đã đặt vào đó: đó là sống đời mình như một hồng ân Chúa ban để cho đi. Vậy chúng ta hãy kín múc  tại nguồn tinh tuyền là Tin mừng, bằng cách giải thoát mình khỏi những rác rưởi có thể phủ kín nguồn ấy, và để cho mình được biến đổi thành những nguồn yêu thương quảng đại, niềm nở và nhưng không cho người khác, mà không dừng lại trước những khó khăn không thể tránh được trên cuộc hành trình.

“Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền.”

Sau đó khi thực hiện giữa những tín hữu Kitô điều răn thương yêu lẫn nhau, chúng ta cho phép Thiên Chúa can thiệp một cách đặc biệt, như chị Chiara Lubich viết:

“Mỗi giây phút chúng ta tìm cách sống Tin mừng là một giọt của thứ nước ban sự sống ấy. Mỗi cử chỉ yêu thương dành cho người bên cạnh chúng ta là một hớp nước đó. Phải, bởi vì nước đó thật đem lại sự sống và qúy báu, nó có được điều đặc biệt này là trào lên trong tâm hồn chúng ta mỗi khi chúng ta mở nó ra vì lòng yêu thương mọi người. Đó là một nguồn nước - nguồn của Thiên Chúa – đem lại nước theo mức độ mạch sâu của nguồn đó dùng để giải cơn khát của người khác, với những hành động lớn nhỏ vì yêu thương. Và nếu chúng ta tiếp tục cho đi, thì bồn nước an bình và ban sự sống đó sẽ luôn đem lại nước càng ngày càng dư dật hơn, mà không bao giờ cạn. Và cũng còn một bí mật khác nữa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta, một loại giếng không đáy để kín múc. Khi hai hay ba người hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Người, bằng cách thương yêu nhau với chính tình yêu của Người, thì Người ở giữa họ. Và lúc đó chúng ta cảm thấy được tự do, đầy ánh sáng, và những suối nước sống động trào lên từ trong lòng chúng ta. Đó là lời hứa của Chúa Giêsu, được thực hiện, vì chính từ nơi Người, Đấng hiện diện ở giữa chúng ta, mà nước trào lên giải cơn khát đến đời đời.”[1]

 

Letizia Magri



[1] Ch. Lubich, La fonte della vita, Cità Nuova, 46, [2002], 4, p.7.


LỜI SỐNG 2018