Lời Sống
Tháng Ba 2018
“Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy
cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.” - (Thanh vinh 25:4)
Vua tiên tri Đa-vít, tác giả thánh
vịnh này, người bị đè nặng bởi lo âu và nghèo khổ, cảm thấy cái nguy trước kẻ
thù. Ông muốn tìm ra được lối thoát khỏi tình cảnh đau đớn này, nhưng thấy mình
bất lực.
Lúc đó ông ngước mắt lên Thiên
Chúa của dân Israel, Đấng luôn luôn gìn giữ dân mình và kêu cầu Người với niềm
hi vọng Người đến trợ giúp.
Lời Sống tháng này đặc biệt nhấn
mạnh đến lời cầu xin của vua Đa-vít để biết những nẻo đường và lối đi của Chúa,
như ánh sáng cho những chọn lựa của mình, nhất là trong những lúc khó khăn.
“Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy
cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.”
Cả chúng ta cũng có lúc phải quyết
định những chọn lựa dứt khoát cho cuộc sống mình, những chọn lựa kéo theo lương
tâm và tất cả con người ta; có khi ta có rất nhiều con đường có thể chọn trước
mặt và ta không chắc đâu là con đường tốt hơn cả, có khi xem ra ta không có con
đường nào…
Tìm một lối đi để tiến tới là thái
độ sâu xa của con người, và đôi khi chúng ta cần phải xin giúp đỡ nơi người ta
coi là bạn hữu.
Đức tin Kitô đưa ta đến sự gần gũi
thiên với Thiên Chúa: Người là Cha, Đấng biết ta sâu xa và muốn cùng đi với ta
trên cuộc hành trình của ta.
Mỗi ngày Người mời gọi từng người
chúng ta tự do đi vào cuộc phiêu lưu, lấy làm kim chỉ nam lòng mến yêu vô vị lợi
đối với Chúa và với tất cả các con cái của Người.
Những nẻo đường, những lối đi cũng
là những dịp để ta gặp gỡ những người lữ hành khác, là dịp để khám phá ra những
đích điểm mới để chia sẻ. Người Kitô không bao giờ là người cô đơn, nhưng thuộc
một dân tộc bước đi hướng về dự định của Thiên Chúa dành cho nhân loại, điều mà
Chúa Giêsu đã mạc khải cho ta, bằng lời nói, trong tất cả cuộc sống của Người: đó
là tình huynh đệ đại đồng, nền văn minh tình thương.
“Lạy CHÚA, đường nẻo
Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.”
Và những nẻo đường của Chúa thì
táo bạo, đôi khi xem ra vượt quá khả năng của chúng ta, như những cây cầu bằng
giây thừng bắc qua vách núi.
Những nẻo đường thách thức những
thói quen ích kỷ, những thành kiến, thái độ khiêm tốn giả hiệu, và mở ra cho ta
những chân trời đối thoại, gặp gỡ, dấn thân vì ích lợi chung. Nhất là chúng đòi
ta một lòng mến yêu luôn mới mẻ, đặt nền trên đá tảng của lòng mến yêu và trung
thành của Chúa đối với chúng ta, có khả năng đạt đến sự thứ tha. Đó là điều kiện
không thể khước từ để tạo nên những mối quan hệ
công chính và hòa bình giữa con người và giữa các dân tộc. Chứng từ về một
cử chỉ thương yêu đơn giản, nhưng đích thực, có thể dọi sáng cho con đường
trong tâm hồn người khác. Tại nước Ni-giê-ri-a, trong một cuộc gặp gỡ, những người
trẻ và người lớn có thể chia sẻ những kinh nghiệm riêng tư về lòng yêu thương
theo Tin mừng, em May-a, một em bé gái, đã kể: “Hôm qua, đang chơi, môt đứa bé
trai đẩy cháu làm cháu ngã. Nó nói “xin lỗi”, cháu đã tha lỗi cho nó.”
Những lời này đã mở lòng một người
lớn có mặt, ông có cha bị nhóm qúa khích Boko Haram giết: “Tôi đã nhìn bé Maya.
Nếu em là một em bé, mà có thể tha thứ, thì điều đó có nghĩa là tôi cũng có thể
làm được như vậy”.
“Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy
cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.”
Nếu muốn đặt tin tưởng nơi sự hướng
dẫn chắc chắn trong cuộc hành trình, thì chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu đã nói về
mình: “Tôi là đường…” (Ga 14:6). Khi nói với những người trẻ tụ họp tại
Santiago de Compostela, nhân Ngày giới trẻ thế giới năm 1989, chị Chiara Lubich
đã khích lệ những người trẻ như sau:
[…]
Cho mình là “Đường”, Người muốn nói rằng chúng ta phải bước đi như Người đã đi
[…]. Ta có thể nói rằng con đường Chúa
Giêsu đã đi qua có tên là: mến yêu […] Lòng mến yêu Chúa Giêsu sống và đưa đến
là một tình yêu đặc biệt và duy nhất. […] Đó là chính tình yêu bừng lên nơi Thiên
Chúa. […] Nhưng yêu ai? Chắc hẳn yêu Chúa là bổn phận đầu tiên của chúng ta. Tiếp đến là yêu mỗi người bên cạnh. […]
Từ
sáng đến tối, mỗi liên hệ với người khác
phải được sống với tình yêu này. Ở nhà, tại đại học, nơi làm việc, tại sân chơi,
khi nghỉ hè, ở nhà thờ, trên đường, chúng ta phải đón nhận những dịp khác nhau để
mến yêu người khác như chính mình, bằng cách nhìn Chúa Giêsu nơi họ, không bỏ
qua người nào, hơn thế còn là người đầu tiên yêu mến mọi người. […] Càng đi sâu
vào tâm hồn người khác; thực sự hiểu biết những vấn đề của họ, những đòi hỏi của
họ, những rắc rối của họ và cả những niềm vui của họ, để có thể chia sẻ mọi sự
với người đó. […] Một cách nào đó, trở nên một với người khác. Như Chúa Giêsu,
Người là Thiên Chúa, vì tình yêu, đã nên con người như chúng ta. Như thế người
bên cạnh sẽ cảm thấy họ được thông cảm và được nhẹ nhõm, vì có người cùng họ vác
những gánh nặng và chia sẻ những niềm vui nhỏ của họ.
“Sống
người khác”, “sống người khác”: đó là một lý tưởng lớn, đó là điều cao cả nhất
[…]”
Letizia Magri