Lời Sống

Tháng 9 2018

“Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo

vào lòng anh em; Lời có sức cứu độ tâm hồn anh em” (Gc 1, 21)

 

Lời sống tháng này trích từ một bản văn qui cho thánh Gia-cô-bê, gương mặt nổi bật tại Giáo hội ở Giê-ru-sa-lem. Ngài khuyên tín hữu Kitô có được sự nhất quán giữa niềm tin và hành động.

Trong đoạn khởi đầu của lá thư thánh nhân nhấn mạnh một điều kiện chính yếu: đó là giải phóng mình khỏi điều xấu để đón nhận Lời Chúa và để cho Lời ấy hướng dẫn tiến đến sự thể hiện hoàn toàn ơn gọi làm người Kitô.

Lời Chúa có một sức mạnh của riêng nó: lời ấy sáng tạo, đem lại hoa trái sự thiện nơi từng người và nơi cộng đoàn, xây dựng những quan hệ yêu thương giữa mỗi người chúng ta với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.

Thánh Gia-cô-bê dạy, Lời ấy đã được “gieo” vào lòng chúng ta.

 

“Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo

vào lòng anh em; Lời có sức cứu độ tâm hồn anh em”

 

Làm thế nào? Chắc hẳn bởi vì ngay từ khi tạo dựng, Thiên Chúa đã nói lên một Lời rõ ràng: con người là “hình ảnh” của Thiên Chúa. Đúng vậy mỗi người đều là “đối tượng” của Thiên Chúa, được kêu gọi đến cuộc sống để chia sẻ sự sống yêu thương và hiệp thông của Thiên Chúa.

Nhưng đối với các tín hữu Kitô, chính bí tích phép Rửa tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô, Người là Lời của Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người.

Như vậy nơi mỗi người Đức Kitô đã gieo vào hạt giống Lời của Người, nó mời gọi con người đến sự thiện, đến công bình, đến chỗ hiến thân và đến sự hiệp thông. Được đón nhận và vun trồng với tình yêu nơi “thửa đất” của mỗi người, hạt giống ấy có khả năng đem lại sự sống và hoa trái.

 

“Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo

vào lòng anh em; Lời có sức cứu độ tâm hồn anh em”

 

Một nơi tỏ tường Thiên Chúa nói với chúng ta là Kinh thánh, mà đối với Kitô hữu tột đỉnh của Kinh thánh là Tin mừng. Cần phải đón nhận Lời Chúa bằng cách đọc Kinh thánh với lòng mến yêu, và khi sống Lời ấy ta có thể thấy được những kết qủa của nó.

Chúng ta cũng có thể lắng nghe Thiên Chúa trong thâm sâu tâm hồn chúng ta, nơi ta thường nhận ra tràn ngập nhiều “tiếng nói”, nhiều “lời nói”: đó là những khẩu hiệu và những đề nghị để chọn lựa, những kiểu mẫu để sống, cũng như những lo âu và sợ hãi… Nhưng làm sao nhận ra được Lời của Chúa và dành chỗ cho lời ấy để nó sống động trong ta?

Cần phải giải tỏa tâm hồn và “quy phục” lời mời gọi của Chúa để đặt mình vào thái độ tự do và can đảm lắng nghe tiếng Chúa, tiếng đó thường nhỏ nhẹ và kín đáo.

Tiếng đó đòi ta đi ra khỏi chính mình và phiêu lưu trên những nẻo đường đối thoại và gặp gỡ, với Chúa và với người khác, và mời gọi ta cộng tác để làm cho nhân loại nên tốt đẹp hơn, nơi tất cả mọi người càng ngày càng nhìn nhận nhau như anh em hơn.

 

“Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo

vào lòng anh em; Lời có sức cứu độ tâm hồn anh em”

 

Thực vậy Lời Chúa có khả năng biến đổi cuộc sống hàng ngày của ta nên một lịch sử giải phóng khỏi cái tối tăm của sự dữ nơi riêng mình và nơi xã hội, nhưng nó chờ đợi sự hưởng ứng ý thức của riêng ta, cho dầu không hoàn toàn, mong manh và vẫn còn đang tiến tới.

Những tình cảm của ta và những ý nghĩ của ta sẽ càng ngày càng nên giống những tình cảm và ý nghĩ của chính Chúa Giêsu hơn, chúng sẽ củng cố nơi ta đức tin và niềm hi vọng vào Tình yêu Thiên Chúa, đang khi con mắt và cánh tay chúng ta sẽ mở rộng cho những nhu cầu của người anh em.

Chị Chiara Lubich đã gợi lên như vậy vào năm 1992: “Nơi Chúa Giêsu ta nhìn thấy sự duy nhất sâu xa giữa tình yêu Người có đối với Chúa Cha trên trời và tình yêu đối với con người là anh em của Người. Có một sự nhất quán tột mức giữa những lời Người dạy và cuộc sống của Người. Điều đó hấp dẫn và lôi kéo mọi người. Chúng ta cũng phải làm như vậy. Chúng ta phải đón nhận với lòng đơn sơ của trẻ em những lời của Chúa Giêsu và đem ra thực hành trong sự tinh tuyền và sáng ngời của nó, trong sức mạnh và tính triệt để của nó, để trở thành những môn đệ như Người muốn, nghĩa là những môn đệ bằng thầy mình: đó là những Giêsu khác lan tràn trên thế giới. Đối với chúng ta còn có một cuộc phiêu lưu nào lớn lao và đẹp đẽ hơn không?”[1]

 

          Letizia Magri



[1] C. Lubich, Come il Maestro, in Città Nuova 36 (1991/4) p. 33.


LỜI SỐNG 2018