Lời Sống
Tháng Chin 2018
“Nếu anh em để cho Thần
Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề luật nữa” (Galát 5:18)
Tông đồ Phaolô viết một lá thư cho các tín
hữu Kitô ở vùng Ga-lát (một vùng nằm ở trung tâm nước Thổ-nhĩ-kỳ hiện nay), những
người mà chính thánh nhân đã rao giảng Tin mừng cho họ và rất mến thương họ.
Trong cộng đoàn này, một vài người cho là
các tín hữu Kitô cần phải tuân giữ tất cả các điều buộc của luật Mô-sê để sống đẹp
lòng Chúa và được cứu độ.
Trái lại thánh Phaolo khẳng định rằng chúng
ta không còn “lệ thuộc Lề luật” nữa, bởi vì chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và
Đấng cứu độ nhân loại, với cái chết và phục sinh của Người, đã trở nên con Đường
đến với Chúa Cha cho tất cả mọi người. Lòng tin nơi Người mở rộng tâm hồn chúng
ta cho tác động của Thánh thần Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn ta và đồng hành với
ta trên các nẻo đường đời.
Như vậy theo thánh Phaolô, đó không phải
là “không tuân giữ Lề luật”, cho bằng đưa lề luật về côi rễ cuối cùng và đòi hỏi
hơn của nó bằng cách để cho Thần khí hướng dẫn.
Đúng thế, thánh Phaolô viết mấy giòng trước
đó: “Vì
tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người
thân cận như chính mình” (Gl 5:14).
Thực vậy, mến yêu Thiên Chúa và người bên
cạnh như Chúa Kitô, chúng ta tìm được sự tự do và trách nhiệm của những người
con: đó là theo mẫu gương của Chúa Gêsu, chúng ta được mời gọi yêu thương tất cả
mọi người, yêu thương người khác như chính mình, cả người ta cảm thấy họ là thù
địch.
“Nếu anh em để cho Thần
Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề luật nữa”
Lòng yêu thương đến từ Thiên Chúa thúc đẩy
chúng ta nên những người có trách nhiệm trong gia đình, tại nơi làm việc và tại
tất cả những môi trường sống của ta. Chúng ta được mời gọi xây đắp những mối
quan hệ trong bình an, trong công bình và hợp pháp.
Luật yêu thương là nền tảng vững chắc nhất
của xã hôi chúng ta, như chị Marta đã kể lại: Tôi dậy học tại vùng ngoại ô thành
phố Paris, tại một vùng thua thiệt và với số học sinh thuộc nhiều văn hóa khác
nhau. Tôi thực hiện những dự án cùng với những ngành khác để làm việc theo nhóm,
sống tình huynh đệ giữa các đồng nghiệp và được tin tưởng hơn khi đề ra kiểu mẫu
này cho các học sinh. Tôi đã học biết không chờ đợi ngay những kết quả, cả khi
một học sinh không thay đổi. Điều quan trọng là tiếp tục tin vào Chúa và đồng hành
với học sinh đó, đề cao và làm cho học sinh được hài lòng. Có khi xem ra tôi không
thay đổi được gì cả, trái lại có những lần tôi có bằng chứng tỏ tường là những
quan hệ lập được đem lại kết qủa, như đã xẩy ra với một học sinh của tôi. Trong
giờ học em đã không tham gia một cách tích cực. Tôi đã bình thản và cứng rắn giải
thích cho học sinh đó là để sống hòa hợp với nhau thì mỗi người phải làm phần của
mình. Sau đó em đã viết cho tôi: “Em không
hài lòng về thái độ của em, em sẽ không còn như vậy nữa. Em biết là cô chờ đợi
nơi chúng em những hành động cụ thể và không phải bằng lời nói, và em muốn cố gắng hơn theo nghĩa đó. Cô là người đã
chuyển đạt đến chúng em những giá trị đúng đắn và lòng ước ao thực hiện được”[1].
“Nếu anh em để cho Thần
Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề luật nữa”
Sống yêu thương không phải chỉ là kết qủa
của nỗ lực. Mà chính Thánh thần, Đấng đã được ban cho chúng ta và chúng ta có
thế tiếp tục xin Người ban cho chúng ta sức mạnh để đi đến chỗ càng ngày càng được
tự do hơn khỏi cảnh nô lệ cho lòng ích kỷ và sống trong yêu thương.
Chị Chiara Lubich đã viết: “Chính lòng yêu
thương làm cho ta sống động, gợi lên cho ta phải đáp lại những hoàn cảnh và những
chọn lựa mà chúng ta được kêu mời chu toàn. Chính tình thương dạy cho chúng ta
biết phân biệt: cái này tốt, tôi làm; cái này xấu, tôi không làm. Chính lòng yêu
thương thúc đẩy chúng ta hành sử bằng cách tìm điều tốt nơi người khác. Chúng
ta không được hướng dẫn từ bên ngoài, mà từ nguyên lý của sự sống mới mà Chúa
Thánh thần đã đặt vào tâm hồn ta. Sức mạnh, tâm hồn, trí tuệ, tất cả những khả
năng của ta đều có thể “bước đi theo Chúa Thánh thần” để được hợp nhất bởi tình
thương và để phục vụ hoàn toàn chương trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta và
cho xã hội. Chúng ta được tự do yêu thương”[2].
Letizia
Magri
[1] “Un insegnante nel sobborghi di
Parigi” – testimonianza di Maria A. (Parigi) – “La grande attrattiva del tempo presente”, Castelgandolfo 3 marzo
2018 (vedi www.focolare.org).
[2] C. Lubich, Quella voce ‘dentro’, in Città Nuova 50 (2006/10), p. 9.