Lời Sống

Tháng Mười Một 2018

 

Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ  vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. (Khải huyền 3:20)

 

Bao nhiêu lần chúng ta nghe gõ cửa nhà? Đó có thể là người đưa thư, người hàng xóm, bạn của đứa con, nhưng cũng có thể là người lạ mặt… Họ muốn gì? Có nên mở cửa để người mà ta không biết rõ vào nhà không?

Vậy mà Lời Chúa tháng này, trích từ sách Khải huyền, mời gọi ta tiếp đón một người khách đến bất ngờ.

Tác giả cuốn sách giáo huấn dành cho người Kitô này ở đây nói với giáo hội thời xưa ở miền Lao-di-ce-a, nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì lòng yêu thương đối với mỗi người.

Người nói với thẩm quyền phát sinh từ lòng yêu thương; Người ca ngợi, sửa dạy, mời gọi đón họ nhận sự trợ giúp quyền năng mà chính Người sẵn sàng hiến ban cho cộng đoàn các tín hữu, miễn là họ sẵn sàng nhìn nhận tiếng của Người và “mở cửa cho Người”.

 

Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.

 

Ngày nay cũng như thời đó, toàn thể cộng đoàn Kitô đều được mời gọi vượt trên những sợ hãi, chia rẽ, những bảo đảm giả dối, để đón nhận Chúa Giêsu đang đến. Người đến mỗi ngày với những “bộ áo” khác nhau: đó là những đau khổ hàng ngày, những khó khăn vì sống trung thực với đức tin, những thách đố vì những chọn lựa quan trọng trong cuộc sống, nhưng nhất là nơi gương mặt của người anh chị em chúng ta gặp trên đường.

Đó cũng là một lời mời gọi ta “dừng lại” với Chúa Giêsu trong giây phút thân tình, như với một người bạn, trong sự yên lặng ban tối, ngồi đồng bàn; giây phút thuận lợi nhất cho một cuộc hàn huyên đòi phải lắng nghe và mở rộng tâm hồn.

Làm yên đi những tiếng động là điều kiện để nhận ra và lắng nghe tiếng của Chúa, Thánh thần của Người, Đấng duy nhất có khả năng phá tan những sợ hãi của ta và làm cho ta mở rộng cõi lòng.

Chị Chiara Lubich kể lại một kinh nghiệm của chị: “Cần phải làm im lặng mọi sự trong ta để khám phá ra trong ta Tiếng của Thánh thần. Và cần phải lấy tiếng đó ra như thể người ta lấy kim cương ra khỏi bùn lầy: lau sạch, đặt nó lên cao và hiến tặng cho người khác khi thuận tiện, vì đó là Tình yêu và Tình yêu thì phải được hiến tặng: giống như Lửa khi chuyền đi bằng rơm hoặc bằng thứ khác, nó bừng lên, nếu không nó sẽ tàn lụi. Tình yêu phải tăng thêm nơi ta và tràn ra”[1].

Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô nói: “Thánh thần là một hồng ân. […] Người vào trong ta và làm sinh hoa kết qủa, để rồi chúng ta có thể hiến tặng cho người khác. […] Như vậy chính là việc của Chúa Thánh thần làm cho chúng ta phân tán ra khỏi chính mình để mở rộng ta thành “chúng ta” của cộng đoàn: đó là lãnh nhận để cho đi. Chúng ta không ở trung tâm: chúng ta là một khí cụ của hồng ân ấy cho người khác”[2]

 

Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.

 

Khi thương yêu nhau đặc biệt theo Tin mừng, các Kitô hữu cũng có thể, như Chúa Giêsu và cùng với Người, nên những chứng nhân của Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử, cả trong thời đại chúng ta.

Khi những người di dân tràn đến biên giới, có người nghe gõ cửa nhà. Chị Delia kể lại như sau: “Một buổi chiều chủ nhật nóng bức, tôi thấy nhiều bà mẹ với con nhỏ ngồi ở đàng trước quán của tôi. Họ khóc vì đói. Tôi mời họ vào quán, giải thích là tôi sẽ cho con cái họ đồ ăn. Họ xấu hổ vì không có tiến, nhưng tôi nói mãi, họ đã nhận lời. Từ đó bắt đầu số người kéo đến tấp nập, và bây giờ quán của tôi trở thành quán của người di dân, đa số là người hồi giáo. Nhiều người gọi tôi là “Bà mẹ của Phi châu”. Những khách hàng trước đó của tôi dần dần không còn nữa. Vì thế phòng chơi dành cho những người lớn tuổi biến thành phòng chơi của trẻ em, chúng có thể ngồi viết và chơi, với một cái bàn nhỏ để thay tã cho các em bé và mang lại cho các bà mẹ một chút nghỉ ngơi, hay biến thành phòng học để dạy tiếng. Đó không phải là chọn lựa của tôi, mà là một nhu cầu để không ngoảnh mặt đi. Nhờ những người di dân tôi đã được biết nhiều người và nhiều hội đoàn nâng đỡ tôi và giúp tôi tiếp tục việc này. Nếu phải bắt đầu lại thì tôi sẽ làm mọi sự từ đầu. Điều quan trọng đối với tôi là hiến tặng!”[3]

Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi đón tiếp Chúa, Đấng gõ cửa để, cùng với Người, ta đi ra ngoài, đến với người bên cạnh ta.

Rồi chính Chúa sẽ đi vào cuộc đời chúng ta, với sự hiện diện của Người.

 

                                                                                                Letizia Magri

 



[1] C. Lubich, Lo Spirito Santo è l’Amore, 12 settembre 1949, in “Collegamento CH”, giugno 2006.

[2] FRANCESCO, Udienza generale, Roma 6 giugno 2018.

[3] In “Città Nuova online”, 7 marzo 2018 e in “Collegamento CH”, 6 giugno 2018.


LỜI SỐNG 2018