Lời Sống
Tháng 12, 2018
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Philippê 4:4)
Tông đồ Phao-lô viết cho cộng đoàn tại
thành phố Phi-lip-pê, đang khi chính thánh nhân là nạn nhân của một cuộc bách hại
mang lại cho ngài nhiều khó khăn. Vậy mà thánh nhân khuyên những người bạn của
mình, hơn thế hầu như ngài truyền cho họ phải ‘luôn vui mừng’.
Ta có thể ra lệnh như vậy không?
Khi nhìn chung quanh thường ta không tìm
được lý do để thanh thản, làm sao có thể vui vẻ được!
Trước những lo lắng trong cuộc sống, những
bất công của xã hội, những căng thẳng giữa các dân tộc, không để cho mình bị chán
nản, bị lấn ác, đóng kín nơi chính mình, đã là một quyết định lớn rồi. Vậy mà
thánh Phao-lô cũng mời gọi chúng ta:
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”
Đâu là bí mật của thánh nhân?
“[…] có một lý do tại sao, mặc cho tất cả
mọi khó khăn, chúng ta phải luôn luôn sống trong niềm vui. Đó chính là cuộc sống
Kitô, khi nghiêm chỉnh đón nhận nó sẽ đưa ta đến chỗ đó. Qua cuộc sống này Chúa
Giêsu sống trọn vẹn trong chúng ta và cùng với Người chúng ta không thể không sống
trong niềm vui. Chính Người là nguồn mang lại niềm vui đích thực, vì Người mang
lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta, hướng dẫn ta với ánh sáng của Người, giải
thoát ta vừa khỏi mọi sợ hãi đối với quá khứ, cũng như khỏi những gì còn chờ đợi
chúng ta, ban cho ta sức mạnh để vượt trên mọi khó khăn, mọi cám dỗ và thử thách
ta có thể gặp”[1]
Niềm vui của tín hữu Kitô không chỉ là sự
lạc quan, hay sự bảo đảm an sinh vật chất, hoặc cái vui của người trẻ trung và
có sức khỏe tốt. Nhưng đó là kết qủa của cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa
trong tận thâm sâu cõi lòng.
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”
Thánh Phao-lô còn nói là từ niềm vui đó
nẩy sinh khả năng chân thành đón nhận người khác, thái độ sẵn sàng dành thời giờ
cho người chung quanh[2].
Hơn thế, thánh Phao-lô, trong một dịp khác,
đã mạnh mẽ lặp lại lời của Chúa Giêsu: “cho thì có phúc hơn là nhận”[3].
Từ chỗ cùng sống với Chúa Giêsu này cũng
phát sinh niềm an bình trong tâm hồn, điều duy nhất có thể lây sang những người
chung quanh ta, với sức mạnh an bình của Người.
Gần đây tại nước Sy-ri-a, mặc cho những
nguy hiểm nghiêm trọng và những khó khăn của chiến tranh, một nhóm đông người
trẻ đã họp nhau để trao đổi những kinh nghiệm về Tin mừng sống thực và cảm nghiệm
niềm vui của tình thương yêu nhau; rồi họ ra đi, nhất quyết làm chứng rằng tình
huynh đệ có thể thực hiện được. Có người đã mất mọi sự và bây giờ đang sống với
gia đình tại một trại tị nạn, có người đã thấy người thân yêu nhất chết đi […].
Những người trẻ này mạnh mẽ dấn thân để làm nẩy sinh sự sống chung quanh họ: họ
tổ chức những đạì nhạc hội tại các thành phố, lôi kéo hàng ngàn người, xây dựng
lại một trường học và một cái vườn ở trung tâm một ngôi làng chưa hoàn thành vì
chiến tranh. Họ giúp đỡ hàng chục gia đinh tị nạn […]. Những lời của Chị Chiara
Lubich vọng lên trong tâm hồn: “niềm vui của người Kitô giống như một tia sáng
mặt trời chiếu lên từ giọt nước mắt, như một bông hồng nở trên vết máu, như
tinh hoa của tình yêu được chắt ra từ đau khổ […] vì thế nó có sức mạnh tông đồ
của Thiên đàng mở ra”[4]. Nơi những người anh em của
chúng ta tại Sy-ri-a ta thấy sức mạnh của các tín hữu Kitô đầu tiên, giữa chiến
tranh kinh hoàng họ làm chứng cho niềm tin tưởng và hi vọng nơi Thiên Chúa tình
yêu, họ truyền đạt niềm tin tưởng đó cho những bạn đường của họ. Cám ơn Sy-ri-a về bài học Kitô giáo sống động này!”
Letizia Magri